(VietNamNet) - Tại Hội nghị giao ban công tác thông tin đối ngoại quý II vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 22/6, Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Đào Duy Quát nhấn mạnh: Cần tăng cường tính đấu tranh trong dư luận của báo điện tử hơn nữa.
Đông đảo đại biểu các Bộ, ban, ngành đã tham dự Hội nghị giao ban công tác thông tin đối ngoại quý II. (ảnh: TT). |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động trong lĩnh vực thông tin đối ngoại trong quý II và 6 tháng đầu năm 2005. Đánh giá chung về hoạt động thông tin đối ngoại trong quý II vừa qua, Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Đào Duy Quát nhận định: Các hoạt động đã mang tính chủ động, tích cực hơn và chất lượng cũng được nâng lên hơn.
Cùng các tham luận của từng đơn vị cụ thể, thay mặt VNPT, ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm thông tin Bưu điện (thuộc VNPT) đã tham gia hội nghị với bài phát biểu mang chủ đề "Internet, báo điện tử Việt Nam với công tác thông tin đối ngoại".
Trong bài phát biểu của mình, ông Bùi Quốc Việt cho biết: Với nhiệm vụ phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Internet và báo điện tử đã thực sự là một phương tiện truyền thông mới góp phần trong công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Các báo điện tử đã và đang ngày càng phát triển về chất lượng, với nội dung phong phú và đa dạng như VietNamNet, VnMedia, VnExpress... được cập nhật thông tin thường xuyên. Đặc biệt, VietNamNet đã có lượng người truy cập rất cao, trung bình tới 60 triệu hit/ngày.
Đến nay, cả nước đã có 10.829 trang điện tử với tên miền Việt Nam. Số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đã lên tới hơn 7,5 triệu người với tỷ lệ số dân sử dụng Internet là 9,1%. Tổng băng thông kênh kết nối quốc tế của Việt Nam là 2,3 Gbps trong đó tổng băng thông kết nối Internet quốc tế của mạng VNPT/VNN là 1,8 Gbps, chiếm 78,5% tổng dung lượng toàn Việt Nam. |
Xu thế truyền thông của tương lai là sự liên kết đặc biệt giữa Internet băng rộng với phát thanh, truyền hình và dịch vụ nội dung. Với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông thế hệ mới cho phép hình thành công nghệ truyền hình theo nhu cầu, VNPT hiện đang xây dựng hệ thống "truyền hình điện tử" hay "truyền hình Internet" tại báo điện tử VietNamNet.
Để tiếp tục phát triển những trang thông tin chất lượng cao hơn nữa, ông Việt mong muốn các cơ quan hữu quan như Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Văn hóa Thông tin có các quy định cụ thể, phân cấp quản lý các website, cần có những quy định để các báo điện tử Việt Nam tự chịu trách nhiệm và thực hiện quy chế bảo mật...
Góp ý cho hoạt động thông tin đối ngoại trong thời gian tới, ông Tạ Minh Châu, thành viên của Ban chỉ đạo cho rằng: Phải xác định đối tượng mà chúng ta cần thông tin tuyên truyền đối ngoại là ai? Thông tin đưa ra như thế nào?... để đem lại hiệu quả cao nhất.
Ghi nhận những ý kiến tham luận, phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Đào Duy Quát chỉ đạo: "Để công tác thông tin đối ngoại tạo ra những sản phẩm thông tin đối ngoại đa dạng hơn, chất lượng hơn và rộng rãi hơn nữa, trong 6 tháng cuối năm, công tác thông tin đối ngoại cần phải tuyên truyền mạnh đường lối, chính sách pháp luật trong sự phát triển để nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững. Cùng với đó, thông tin đối ngoại phải tập trung tuyên truyền các quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật để giải quyết các vấn đề xã hội, tuyên truyền có chiều sâu hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân một cách toàn diện. Đối với các báo điện tử, cần chú trọng và tăng tính đấu tranh trong dư luận hơn nữa".
-
Thủy Nguyên