(VietNamNet) - Hôm qua (22/6), lá thư về Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ phần mềm tại Việt Nam đã chính thức được Bộ VH-TT gửi tới hơn 12.000 doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền. |
Đây là lá thư do Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Trần Chiến Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương Liên minh Phần mềm các doanh nghiệp (BSA) - ông Jeff Hardee và Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) Trương Gia Bình cùng ký.
Sự kiện này đánh dấu mốc lần đầu tiên lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phần mềm gửi thư kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài nước và người dân tôn trọng bản quyền phần mềm, khi Viêt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa WTO.
Động thái này cũng là một trong những nỗ lực tiếp theo của Chính phủ Việt Nam sau hàng loạt các hành động nghiêm túc như tổ chức toạ đàm bàn tròn, thanh tra xử lý các công ty máy tính lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nổi bật hơn cả là ký kết thoả thuận giữa các cơ quan chức năng nhằm quyết tâm đẩy ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Lá thư nêu rõ quyết tâm hành động và những biện pháp tích cực của Chính phủ trong nỗ lực giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền: "Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các công ty phần mềm trong nước và đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra công bằng, gần đây, Chính phủ đã tăng cường một số các biện pháp nhằm bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (IPR). Những biện pháp này bao gồm xây dựng luật Sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn quốc tế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền, tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sơ hữu đối với nền kinh tế".
Lá thư cũng khẳng định: "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng vì nó có quan hệ chặt chẽ đến viêc phát triển ngành CNTT trong nước và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, điều có ý nghĩa quyết định là chúng ta cần có thái độ nghiêm túc trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào có liên quan đến việc sử dụng phần mềm không có bản quyền sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam".
Đồng thời, lá thư cũng kêu gọi ý thức tự giác sử dụng phần mềm có bản quyền của các cá nhân và doanh nghiệp là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế Việt Nam: "Trong khi Việt Nam đang phấn đấu để sớm gia nhập WTO, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người dân và các doanh nghiệp tại Việt Nam không mua, bán hoặc sử dụng các phần mềm vi phạm bản quyền hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cũng xin kêu gọi quý vị tôn trọng kết quả sáng tạo của người khác và chỉ sử dụng các phần mềm hợp pháp".
Được biết, hiện nay, việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm vẫn đang là vấn đề nóng tại Việt Nam và nảy sinh nhiều vấn đề cần giải đáp từ nhiều phía, đặc biệt là người sử dụng. Nhân đây, Vinasa và BSA đã cung cấp đường dây nóng tại số máy 84.4.9351041 nhằm giải đáp tất cả các vấn về việc sử dụng phần mềm có bản quyền và các vấn đề khác có liên quan.
-
Hoàng Hùng