221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
659238
Để quản lý Internet có hiệu quả!
1
Article
null
Để quản lý Internet có hiệu quả!
,

(VietnamNet) - Bạn đọc VietNamNet phản hồi về việc UBND tỉnh Yên Bái hạn chế dịch vụ Internet bằng đánh thuế cao khiến người dân không đồng tình.

"Nếu UBND tỉnh thấy "ngại" với mặt tiêu cực của Internet thì hãy tìm cách quản lý bằng kỹ thuật, có thể liên kết với nhà cung cấp dịch vụ và các hộ kinh doanh để có thể quản lý tốt tình hình sử dụng dịch vụ chứ không nên hạn chế mặt tiêu cực bằng cách cấm…"

Quản lý dịch vụ Internet bằng thuế không phải là cách làm hay.

Nguyễn An Nhiên, Tuy Hòa, Phú Yên
Các ngành chức năng (cụ thể UBND tỉnh và Cục thuế Yên Bái) hãy thử phân tích hiệu quả kinh tế và xã hội của dịch vụ Internet trước khi áp đặt mức thuế suất nhằm kìm hãm sự phát triển của loại hình dịch vụ này. . Khách quan mà nói, sự phát triển loại hình dịch vụ Internet thể hiện sự phát triển của đất nước, thể hiện sự phát triển văn hoá xã hội, sự nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của ngưởi dân. Tại sao phải áp dụng các biện pháp hạn chế sự phát triển của loại hình dịch vụ này?

Hải Triều, motminhgiuabaysoi@yahoo.com
Tôi thấy không thể chấp nhận được cách làm cũng như cách nghĩ của cục Thuế Yên Bái. Tại sao lại hạn chế sử dụng Internet trong khi đây đang là thời đại công nghệ thông tin và Internet chính là cánh cửa giúp mọi người tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn với tri thức nhân loại? 
Đành rằng, Internet cũng có những mặt xấu nhưng nhiệm vụ của những người có trách nhiệm là hạn chế những mặt xấu và phát huy những điều tốt chứ không phải cứ không quản lý được là cấm.

Trần Đình Trung, Đăk Lăk
Sau khi đọc bài viết về "Yên Bái hạn chế dịch vụ Internet bằng đánh thuế cao", tôi thấy bức xúc về cách áp đặt và quản lý của ngành thuế Yên Bái cũng như một số tỉnh thành khác các dịch vụ Internet. Tôi xin có ý kiến như sau:

- Trước hết, Chính phủ nên có chính sách và biện pháp hợp lý để quản lý dịch vụ này vì hiện nay ngành dịch vụ này đang ồ ạt và không kiểm soát hết.

- Ngành thuế các tỉnh thành cùng đồng loạt có chung một biện pháp tính thuế thống nhất trong cả nước nhằm tránh những thắc mắc không đáng có từ người kinh doanh.

- Nên phổ biến rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách, biện pháp mà ngành thuế áp dụng để người dân được hiểu biết và có kế hoạch kinh doanh hợp lý, đồng thời những người đang dự tính mở sẽ được hiểu biết đầy đủ tránh tình trạng người dân đầu tư rồi mà cơ quan thuế không cấp giấy phép kinh doanh.

Khuất Việt Hùng, Đại học Giao thông Vận tải
Có thể khẳng định tư tưởng "không quản lý được thì cấm" như tỉnh Yên Bái là điều không thể chấp nhận được. Hiện tại và tương lai, cả thế giới đang hướng tới phát triển Internet và những ứng dụng khác của công nghệ thông tin để phục vụ cho quá trình hội nhập và toàn cầu hoá. Internet thực sự là công cụ đắc lực để giúp cho người dân, đặc biệt là thanh niên có khả năng tiếp cận được những kiến thức của nhân loại với chi phí tài chính và thời gian rất thấp. Sự năng động của các hộ kinh doanh dịch vụ Internet ở Yên Bái và các địa phương khác ở Việt
Nam được xem như một đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin và nâng cao dân trí cho người dân. Những nỗ lực này đáng được biểu dương hơn là lên án. Việc các cơ quan an ninh, văn hoá không đủ khả năng về khoa học công nghệ để ngăn chặn những thông tin độc hại thể hiện sự hạn chế về năng lực quản lý, đó là lỗi của phía quản lý, không phải lỗi của người kinh doanh và người sử dụng.

Hoàng Cao Sơn, Hải Phòng
Hình như Yên Bái mới chỉ nhìn Internet theo một khía cạnh, nên còn có quan điểm như vậy. Chúng ta muốn đất nước ngang tầm với các nước khác trong khu vực cũng như trên tầm quốc tế, chúng ta phải làm gì? Thông tin trên Internet không phải cái gì cũng xấu, đó chỉ là một mặt thôi. Trên đó có rất nhiều thông tin mà mọi người cần biết, duy chỉ có điều là nhiều người chưa biết sử dụng chúng mà thôi.

chuatroixin@yahoo.com
Ai cũng có thể nhận thấy cái lợi và cái hại của Internet trong xã hội hiện nay. Chủ trương của nhà nước là phổ cập tin học và tin học luôn đi đôi với Internet. Việc hạn chế kinh doanh Internet của UBND tỉnh Yên Bái như vậy không có gì sai so với luật (nếu tư nhân thì có thể gọi là lách luật thành công). Tuy nhiên, xét về khía cạnh tự do hoá trong kinh doanh và lợi ích của việc sử dụng Internet thì điều đó là "đóng cửa" đối với thông tin và sự tiến bộ của xã hội. Xét về quản lý, nếu UBND thấy "ngại" với mặt tiêu cực của Internet thì hãy tìm hiểu cách quản lý bằng kỹ thuật để đạt hiệu quả, có thể liên kết với nhà cung cấp dịch vụ và các hộ kinh doanh để có thể quản lý tốt tình hình sử dụng dịch vụ chứ không thể hạn chế mặt tiêu cực bằng cách "cấm". Không quản lý được thì cấm không được dùng đã từng là một cách để quản lý hay sao?

Nguyen Thi Thoa, TT Co Phuc, Tran Yen, Yen Bai
Gia đình tôi cũng như những hộ kinh doanh Internet tại thị trấn đã phải nộp mức thuế truy thu với cơ quan thuế thị trấn. Cứ tình trạng thuế cao như thế này thì chúng tôi không tồn tại được mà bức xúc hơn cả là khi mức thuế tăng, chúng tôi bảo nhau tăng giá truy cập thì Bưu điện huyện lại mở thêm máy và thu thấp hơn hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh chỉ có 10 hoặc 15 máy thì Bưu điện huyện có tới 25 máy cạnh tranh với hộ kinh doanh, điều này thật khó để hộ kinh doanh phát triển. Kính mong các ban ngành liên quan xem xét giúp đỡ để các hộ kinh doanh Internet như chúng tôi khỏi thiệt thòi.

Nguyễn Hà Giang, Đại học Luật Hà Nội
Quyết định của UBND tỉnh Yên Bái là hoàn toàn không hợp lý. Điều đó thể hiện ở chỗ khi người dân không đăng ký kinh doanh được thì họ mới kinh doanh không phép. Tỉnh Yên Bái làm thế là không phù hợp với chính sách nâng cao dân trí của Đảng, làm ảnh ưởng tiêu cực tới tự do kinh doanh theo  quy định của pháp luật.

Phạm Gia Hà, Thị trấn Mù Căng Chải, Yên Bái
Tôi là một hộ kinh doanh Internet tại thị trấn Mù Căng Chải cũng hết sức bất bình với việc thu thuế này. Tôi đã kinh doanh Internet 2 năm. Trước khi làm, tôi cũng đã đi hết các cơ quan như: Bưu điện, văn hóa, Phòng tài chính - kế hoạch, chi cục thuế nhưng không có cơ quan nào trả lời cho chúng tôi việc cấp giấy phép kinh doanh, cho nên chúng tôi đành phải làm đơn xin kinh doanh và có xác nhận của Thị trấn và chủ tịch UBND huyện để được kinh doanh. Mặc dù không có giấy phép kinh doanh nhưng hàng tháng chúng tôi vẫn nộp thuế đều đặn. Cho đến tháng 5/2005, Chi cục thuế huyện Mù Căng Chải mời chúng tôi đến để thống nhất việc nộp thuế dịch vụ Internet. Chúng tôi không thể chấp nhận được. Chúng tôi có hỏi ngành thuế áp dụng vào đâu thì cán bộ thuế nói căn cứ vào văn bản của cục thuế là doanh thu áp dụng cho 1 máy là 790.000đ/tháng nhưng thử hỏi trên Mù Căng Chải, chúng tôi chỉ mở Internet từ 7h30' đến 10h, mỗi giờ chỉ có từ 3.500đ đến 4.000đ thì  với mức thuế 90.000đ/máy, chúng tôi phải bỏ cả tiền túi ra để nộp chứ không nói gì đến việc có tiền để bảo dưỡng máy. Chúng tôi rất bất bình với việc làm này của ngành thuế Yên Bái. Rất mong các ngành chức năng giúp đỡ cúng tôi để chúng tôi có điều kiện kinh doanh.

Nguyen Hoai An, Minh Khai, Ha Noi
Tôi hoàn toàn bất bình với kiểu hành dân của Cục thuế tỉnh Yên Bái, thể hiện rõ sự yếu kém trong quản lý, trong tư duy, đi ngược lại với tinh thần của Luật doanh nghiệp và Cải cách hành chính vốn đang nặng nề ở nước ta. Tại sao các cán bộ quản lý lại lo sự phát triển của Internet trong khi các quốc gia khác trên thế giới đang tự hào lấy tiêu chuẩn số người dùng Internet thể hiện sự văn minh và dân chủ của đất nước mình? Phổ cập Internet là cơ sở để dân chủ hoá, tiếp cận thông tin và nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật. Tại sao các cán bộ không nhìn nhận được mặt tích cực của Internet?

Phạm Thanh Hải, P1 C6 Giang Vo, Ha Noi
Tôi cũng là chủ một dịch vụ Internet. Hãy để tôi tính hộ ngành thuế Yến Bái: mỗi ngày cửa hàng hoạt động 16 tiếng, từ 7h00 tới 23h00 (theo quy định của pháp luật). Một cửa hàng trung bình có 10 máy, mỗi máy hoạt động tối đa 10h, 3000đ/h, thu được 10x10x3000 = 300.000đ/ngày, một tháng thu được: 300.000x 30ngày=9.000.000đ/tháng. Các khoản phải chi: thuế 2.700.000/tháng + điện 1.500.000/tháng + trả tiền thuê đường truyền ADSL 1000.000đ/tháng + tiền thuê cửa hàng 1.000.000đ/tháng + khấu hao máy móc 500.000đ/tháng = 7.200.000đ/tháng (chưa kể hộ kinh doanh phải trả lương cho nhân viên trông cửa hàng), đó là số tiền bắt buộc phải chi. Nhưng theo tôi biết, mỗi máy chỉ hoạt động tối đa ~6h/ngày (không kể thứ 7 chủ nhật), tức là doanh thu chỉ khoảng ~5.400.000đ/tháng, trừ đi 7.200.000đ/tháng thì hộ kinh doanh chịu lỗ 1.800.000, đó là chưa kể hộ kinh doanh phải trả lãi ngân hàng. Theo tôi, Yên Bái đã cố tình làm sai các ý kiến chỉ đạo về phổ cập Internet tại Việt Nam. Cần phải xử lý nghiêm khắc.

Nguyễn Đình Dũng, Nha Trang, Khanh Hoa

Bản thân tôi cũng là chủ tiệm Internet. Khi tôi đi đăng ký kinh doanh thì những người có trách nhịêm giải thích với tôi rất rõ ràng là họ đánh thuế căn cứ theo điều khooản nào, giá tiền là bao nhiêu làm tôi rất "tâm phục, khẩu phục". Trong khi Nhà nước ta đang có khuyến khích các thành phần trong xã hội làm quen với máy tính, làm quen với Internet thì cách làm của UBND tỉnh Yên Bái là hình thức tuy không trực tiếp nhưng cũng là gián tiếp  đi ngược lại với chủ trương trên, làm cho người dân tụt hậu với thế giới. Họ làm như thế liệu có lợi ích gì?

Nguyễn Văn Chương, Kim Tân, Lào Cai
thật hài hước khi nói "Đây mới chỉ là biện pháp đầu tiên của cơ quan thuế nhằm đưa hoạt động kinh doanh Internet vào nền nếp". Trong chức năng nhiệm vụ của ngành thuế, điều nào cho cơ quan thuế chức năng quản lý Internet vậy? Còn bàn về mức thu, với mức thu như vậy thì đồng nghĩa với "Cấm dịch vụ Internet" hoặc bắt người sử dụng Internet phải sử dụng dịch vụ với giá cao. Để đóng 90.000đ/máy thì giá truy nhập phải là 6000đ/giờ so với 2000-3000đ/giờ hiện nay. Vì 1 ngày có 24 giờ, không thể tăng giờ sử dụng được vì còn các quy định về giờ giấc khác.

Như vậy, nếu đây là một biện pháp, một công cụ quản lý của tỉnh Yên Bái thì quả thực Yên Bái đã sử dụng một công cụ sai lầm. Yên Bái có thể học Tp.Hồ Chí Minh trong quản lý dịch vụ Internet. Tp.HCM sẽ cho các quý vị làm quản lý nhà nước ở Yên Bái những kinh nghiệm quý báu.

Nguyễn Hữu Hoàng, Hà Tĩnh
Việc Cục thuế Yên Bái đánh thuế “trên trời” đối với dịch vụ Internet là biện pháp kìm hãm sự phát triển dịch vụ Internet một cách tiêu cực. Muốn quản lý mặt trái của Internet thì Nhà nước phải có biện pháp quản lý tốt phần gốc, tức là các nhà cung cấp (VDC, FPT, ISP) bằng các biện pháp kỹ thuật, chứ không phải bằng các biện pháp hành chính như hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển Internet đến với mọi người dân để người dân sớm làm quen với loại hình thông tin mới này, có như thế Chính phủ điện tử mới sớm trở thành hiện thực.

Hong Thanh, Vinh, Nghe An
Theo tôi, điều này cũng không có gì khó hiểu khi công tác quản lý hành chính của chúng ta còn có quá nhiều bất cập, yếu và tiêu cực. Bản thân cá nhân tôi khi mở dịch vụ Internet cũng gặp khó khăn tương tự, đó là người khác mở ngay trước cổng trường học thì có giấy phép còn tôi cách trường gần 1/2 km thì được trả lời là quá gần trường học, sai với quy định (?).

Tôi đồng ý với những hạn chế nhưng lý do của nó phải chính đáng. Đó là các yêu cầu bắt buộc mà người chủ kinh doanh phải đáp ứng. 1- Cơ sở vật chất kỹ thuật phải đảm bảo yêu cầu của viêc kinh doanh. 2- Trình độ người đứng ra kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu của công việc. 3- Không nên cấp giấy phép quá nhiều cho một khu vực tạo ra sự mất cân đối giữa "cung và cầu". Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường không thể dùng biện pháp hành chính cứng nhắc trong kinh doanh.

Nguyễn Thanh Danh, phi_vu_1000@yahoo.com
Tôi nghĩ, chúng ta trong đang trong thời đại bùng nổ thông tin nên nhà nước cần phải tạo điều kiện để phát triển CNTT cho mọi người để không bị cho là lạc hậu (mù thông tin). Việc dùng công cụ thuế để quản lý, cản trở sự phát triển dân trí là bất hợp lý, cái quan trọng là nhà nước phải cho các người thuộc cơ quan quản lý đi học thêm về CNTT cho kịp với xã hội thì mới quản lý được, chớ vì trình độ kém mà bắt dân phải mù thông tin.

Trương Thái Định, 156 Bà Triệu, Hà Nội
Rõ ràng, chúng ta đang tồn tại một thực tế là những gì không quản lý được, hoặc khó quản lý thì tìm mọi cách để cấm. Sở Văn hóa Thông tin Yên Bái đã cho thấy rõ năng lực của mình như thế nào qua sự việc trên. Họ không nhìn thấy lợi ích do Internet mang lại (đặc biệt Yên Bái là một thành phố trẻ) cho chính địa phương của họ mà chỉ nhìn những mặt trái của Internet. Họ không đủ trình độ để hiểu rằng Internet mang lại những lợi ích gì cho họ và con em họ.

Trần Minh Hải, Nghệ An
Theo tôi, UBND tỉnh Yên Bái cần phải có biện pháp tích cực hơn, biện pháp trên là quá tiêu cực. Nhà nước đang khuyến khích nâng cao dân trí mà Internet là một trong những công cụ rất hữu hiệu để người dân giao tiếp với thế giới bên ngoài, một kho tàng kiến thức khổng lồ, nhất là đối với những tỉnh lẻ, nơi mà trình độ dân trí đang rất thấp. Theo tôi, nên quy định các hộ kinh doanh Internet phải sử dụng phần mềm lọc các trang web xấu, password của phần mềm đó do cơ quan quản lý nhà nước nắm giữ, phần mềm nay phải luôn được cập nhật các trang web xấu mới.

Nguyễn Hồng Dung, London School of Economics, London
 Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế, thuế chỉ là một trong những công cụ để hạn chế sự phát triển của các mặt hàng xấu. Internet có phải mặt hàng xấu không,?

Internet trên thực tế không phải là một mặt hàng xấu mà là một mặt hàng có những mặt lợi và hại, trách nhiệm của UBND là phải chỉ ra được cho các hộ sản xuất mặt hàng biết và khuyến cáo khách hàng các mặt lợi hại và trừng trị nghiêm khắc các hộ tạo điều kiện cho mặt hại phát triển. UBND dùng thuế, mà thuế cao, thuế nặng để "quản lý" là UBND đang trốn tránh trách nhiệm thực của mình. Vẫn từ góc độ kinh tế, dù là mặt hàng không có lợi cho người tiêu dùng như thuốc lá, cũng chỉ có thể đánh thuế đến một giới hạn nhất định. Quá giới hạn này sẽ dẫn đến các phản ứng tiêu cực: hình thành chợ đen (do không thể ngăn cản được sự tiêu dùng), trốn thuế…

Thuế là công cụ để quản lý nhà nước, nhưng nhà nước là của dân và vì dân, vì thế chính sách thuế cũng phải của dân và vì dân, mức độ phải hợp lý, và thuế chỉ là một công cụ. Dùng thuế cao tới 100% để hạn chế sự phát triển của một mặt hàng có lợi nhiều hơn là có hại như Internet, tỉnh Yên Bái đã làm sai. Hạn chế sự sử dụng Internet vì cho rằng Internet có những ảnh hưởng xấu tới trẻ nhỏ, thay vì dạy cho trẻ nhỏ cách tiếp cận Internet một cách đúng đắn, tôi cho rằng tỉnh Yên Bái đang tự giảm mức dân trí xuống giữa thời đại Internet bùng nổ thế này.

Nguyễn Thanh, Vũng Tàu
Đề nghị Cục thuế Yên Bái tính toán chính xác: Căn cứ nào để lấy 45% là giá trị gia tăng của dịch vụ. Tôi có thể làm bài tính đơn giản:
1. Doanh thu 1 tháng: 20máy x 10h x 2.500 x 30 = 15 triệu. 2. Chi phí: Vốn đầu tư: 20 x 7,5 triệu = 150 triệu (loại máy bình thường nhất). 3. Khấu hao: Vì máy tính hao mòn vô hình nhanh nên 3 năm là không thể kinh doanh được nữa 150 triệu/ 36 tháng= 4 triệu (làm tròn). 4. Tiền Internet khoán: 1 triệu/tháng. 5. Tiền điện: 0,4KW x 20máy x 10h x 30 ngày x 1400 đ/KW= 3.360.000 (chưa tính 5% thuế GTGT). 6. Tiền lương: 2ca x 2 nhân viên x 1 triệu/tháng = 4 triệu.  7. Chi phí sửa chữa + chi phí khác: 1 triệu/tháng. 8. Bảo hiểm XH (15%) = 4 triệu x 15%= 600.000.  8. Các loại thuế môn bài, lãi vay ngân hàng chi phí khác: 1 triệu. Cộng chi phí: 4+1+3,3+4+1+0,6+1 =15 triệu (làm tròn). Thuế GTGT tính trên cơ sở tiền công do nhân viên tạo ra: 4 triệu x 10% = 400.000. Thuế TNDN: Doanh thu - tổng chi phí : 15 triệu - 15 triệu = 0. Vậy tối đa thu thuế là 400.000VND/1 tháng (thực tế thuế khoảng 200.000 VND là phù hợp với thuế khoán).

Phạm Duy Đức, 170 Đường Lý Thường Kiệt, Thành phố Yên Bái
Cháu vốn là một học sinh đam mê tin học của thành phố. Kể từ khi dịch vụ Internet của Yên Bái phát triển, những bạn trẻ như cháu mới có cơ hội tiếp cận với lượng kiến thức vô tận trên Internet. Tuy rằng, Internet cũng có những mặt xấu của nó, thế nhưng việc ngăn cấm nó một cách thái quá như những gì cục Thuế thành phố đang làm là hoàn toàn không có lợi. Việc đưa Internet của thành phố vào nề nếp không thể chỉ dùng bằng biện pháp tăng thuế như hiện nay.

Đúng là ở thành phố đang có hiện tượng nhiều học sinh ham chơi gameonline (như Mu, Gunbound), thế nhưng việc ngăn chặn hiện tượng này, theo ý kiến của cháu, không thể bằng việc tăng thuế dẫn đến các cửa hàng Internet bị đóng cửa được, mà phải đánh vào ý thức của các bạn đó. Vì nếu ý thức đã xấu thì dù có ngăn chặn thì họ vẫn tìm cách len lỏi và hoạt động "ngầm", mặt khác, việc đó lại gây rất nhiều khó khăn cho những bạn thực sự muốn sử dụng Internet vào những mục đích học tập. Vì vậy, cháu tha thiết mong ngành thuế Yên Bái điều chỉnh lại mức thuế một cách hợp lý để các dịch vụ Internet còn có thể tồn tại.

Vấn đề phát triển CNTT ở Yên Bái còn rất nan giải mà hành động này của chính quyền chẳng khác nào làm thụt lùi những bước tiến của tỉnh. Hồi trước, khi các cửa hàng bỗng có dịch vụ ADSL, cháu rất mừng vì có thể truy cập được Internet dễ dàng hơn, tưởng là thành phố đã có những bước tiến đáng mừng, té ra việc cung cấp ADSL của ngành bưu điện lại bị "phê phán và vi phạm pháp luật?". Điều này khiến cháu vô cùng thất vọng. Không lẽ bây giờ Chính quyền thành phố tính hủy hết các tụ điểm có ADSL để trở về “con rùa” Dial-up như trước. Việc quản lý các tụ điểm Internet nên được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình Yên Bái. Vì thế, cháu rất mong Chính quyền thành phố xem xét lại và đề ra hướng đi đúng cho việc phát triển CNTT của thành phố.

Nguyễn Đình Bình, Hà Nội

Nước ta là một nước nghèo! Còn rất lâu nước ta mới có thể theo kịp với trình độ phát triển của các nước trên thế giới. Loại hình kinh doanh Internet đã ra đời và đã phát triển rất mạnh ở các nước tiên tiến trên thế giới. Vậy tại sao chúng ta không học tập cách quản lý loại hình dịch vụ này ở các nước tiên tiến và áp dụng cho chúng ta. Bất kể cái gì cũng có mặt trái và mặt phải của nó. Nếu chỉ nhìn vào mặt trái của vấn đề thì chúng ta sẽ thấy nó đen tối, và không muốn làm. Đấy là ta chưa nhìn thấy mặt tích cực của nó, chưa nhìn thấy mặt tích cực của Internet là nâng cao hiểu biết của mỗi người. Nếu Internet độc hại đến như vậy, liệu nó có thể tồn tại đến bây giờ không?

Lưu Thanh Đồng , Thanh Trì, Hà Nội
Ngành thuế Yên Bái tính thu thuế của các dịch vụ Internet của các cá nhân và tập thể kinh doanh dịch vụ internet trên địa bàn Tỉnh Yên bái là chưa minh bạch. Tôi cũng kinh doanh dịch vụ này, tôi nêu một bài toán của dịch vụ Internet cho ngành thuế Yên Bái hiểu và thông cảm cho các hộ kinh doanh dịch vụ Internet: Cửa hàng tôi có 15 máy tính kinh doanh mỗi ngày hoạt động 8 tiếng, mỗi tiếng chúng tôi chỉ thu có 2.000đ vậy bài toán 1 máy x 6 tiếng x 2.000đ = 12.000đ. Tổng thu cho một cửa hàng trong một ngày là 15 máy x 12.000đ = 180.000đ. Tổng thu trong một tháng là 180.000đ x 30 ngày = 5.400.000đ. Tổng thu nhập cả tháng cộng cả các khoản dịch vụ khác mới được khoảng 6.000.000đ. Chi phí cho dịch vụ + Tiền thuê nhà 1.000.000đ/1 tháng + Tiền thuê dịch vụ Internet 1.000.000đ + Tiền thuê người làm 2 người 700.000đ x 2 = 1.400.000đ + Tiền điện 1.500.000đ/1tháng + Chi phí sửa chữa máy tính bảo dưỡng cho cửa hàng là 500.000đ. Vậy tổng chi phí 5.500.000đ/1 tháng.

Nếu thu thêm 90.000đ/1 tháng thì hỏi rằng dịch vụ Internet có còn hoạt động được hay không? Vậy thì ngành dịch vụ này có đáp ứng được nhu cầu thông tin giải trí đến với mọi tầng lớp không hay đánh sự tụ hậu về công nghệ thông tin trong nước. Chúng ta hay nhìn vào thực tế, đừng vì hạn chế dịch vụ Internet bằng đánh thuế cao.

  • Ban Bạn đọc VietNamNet

Ý kiến của bạn về vấn đề quản lý Internet của UBND tỉnh Yên Bái như thế nào, xin phản hồi về toà soạn theo mẫu bên dưới:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,