Việc tỉnh Yên Bái "không muốn khuyến khích loại hình này phát triển nên hạn chế cấp phép", dùng thuế để hạn chế việc sử dụng Internet ,phải chăng là trái với chủ trương của Nhà nước trong việc phổ cập Internet đến mọi tầng lớp xã hội, phát huy những khả năng và tác dụng của nó phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Trước hết, cần nói ngay rằng: Việc ông Đỗ Lê An - Phó trưởng phòng Tài chính kế hoạch thành phố Yên Bái giải thích: "Không muốn khuyến khích loại hình này phát triển nên hạn chế cấp phép", là một vấn đề cần bàn.
Yên Bái hạn chế dịch vụ Internet bằng đánh thuế cao? |
Tại sao "không muốn khuyến khích"? Phải chăng internet là một loại hình “độc hại” nên không được tỉnh Yên Bái khuyến khích?
Những tiện lợi của internet đối với sự phát triển xã hội trong thời đại thông tin thiết nghĩ không cần nói nhiều cũng đã có rất nhiều những công trình khoa học, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng nói đến. Internet đã thực sự là một cuộc cách mạng thông tin, tác động trực tiếp, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế, tri thức nhân loại phát triển...
Xã hội Việt Nam, từ khi tiếp xúc Internet đến nay vốn chưa lâu, chúng ta vốn chậm chạp trong lĩnh vực này, nhưng Internet đã phát huy nhiều tác dụng của nó trong nhận thức, trong hoạt động kinh tế và cuộc sống nhân dân.
Tuy vậy, để phát triển và đưa Internet đi vào đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển không phải là dễ dàng, không phải ngày một ngày hai có thể đáp ứng yêu cầu, hiện nay tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam chỉ mới đạt mức 3%... Tỷ lệ này là thấp so với các quốc gia đang phát triển. Về nhận thức, nhiều người còn chưa thấy được tác dụng của Internet, lại thêm những hạn chế về ngoại ngữ nên cảm thấy “ngại” Internet.
Nhận thức được vai trò và giá trị của Internet rất to lớn, vì vậy, chính sách của nhà nước Việt Nam đã đặt ra là cần phổ cập và phát triển Internet để nó thực sự đi vào đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển về vật chất và tinh thần của nhân dân, của mọi thành phần kinh tế, của xã hội... Trước hết là các chương trình như: Đưa Internet vào trường học, cổng thông tin Thánh Gióng, Cổng thông tin Hà Nội với chi phí tiền tỉ... không phải chỉ để cho vui. Chưa nói đến chuyện tiến tới Chính phủ điện tử.
Vậy lý do gì mà tỉnh Yên Bái lại "Không muốn khuyến khích loại hình này phát triển nên hạn chế cấp phép"? Phải chăng tỉnh Yên Bái chỉ nhìn thấy những “mặt trái” của internet?
Xin nói ngay rằng: Cái gì cũng có mặt trái, vấn đề là ở chỗ: Chúng ta phải giáo dục để những người sử dụng trẻ có nhận thức đúng đắn, có lối sống lành mạnh, biết sử dụng những tiện ích của Internet để phục vụ nhu cầu của cuộc sống, biết tự loại trừ những mặt trái của nó... điều đó phụ thuộc nhiều vào biện pháp quản lý và nhiều yếu tố khác nhau. Không thể làm cái việc “Không quản lý được thì cấm”, mà cái cần thiết là phải học tập để nâng cao hiệu quả và có những biện pháp quản lý đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội và khoa học kỹ thuật.
Điều này nảy sinh một vấn đề là Nhà nước cần phải có những cán bộ quản lý có khả năng nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đáp ứng những nhu cầu của xã hội. Nói đến điều này, tôi lại nhớ đến câu chuyện một cô bạn tôi là chủ cửa hàng kinh doanh Internet ở một tỉnh miền núi kể lại: Khi cán bộ Phòng Văn hoá đến kiểm tra ở dịch vụ Internet của cô ta, cán bộ đánh lên trên dòng điạ chỉ như sau: "xếch việt .com" , "quán nhà lá . com" và kết luận: “Không có các trang đồi truỵ”. Cũng như chuyện Trưởng phòng Kỹ thuật của một công ty khá lớn về các lĩnh vực thuộc Công nghệ thông tin thuộc doanh nghiệp nhà nước, đã yêu cầu “Muốn sử dụng Internet truy cập vào trang quốc tế, phải có ý kiến của Trưởng phòng”, điều này được ghi trong biên bản cuộc họp...
Với đội ngũ cán bộ như vậy, chuyện không quản lý được thì cấm, hoặc đánh thuế thật nặng là điều dễ dàng xảy ra.
Việc khuyến khích sử dụng Internet, đưa Internet vào cuộc sống nhân dân là điều hết sức cần thiết, nếu không muốn đất nước chúng ta tiếp tục mãi mãi tụt hậu.
. Không thể để người dân tiếp tục bị thiệt thòi bởi bị "đói thông tin".
-
H. Vinh (Hà Nội)