221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
657566
DV Internet Yên Bái: Dân sai - Chính quyền có đúng?
1
Article
null
DV Internet Yên Bái: Dân sai - Chính quyền có đúng?
,

(VietnamNet) - Từ năm 2003, tốc độ đường truyền được cải thiện nên thị trường Internet ở Yên Bái phát triển "nở rộ". Theo Ông Nguyễn Văn Được - giám đốc Sở Bưu chính viễn thông - thì thành phố Yên Bái là địa bàn có lượng truy cập Internet khá đông (lớn hơn cả Thị xã Vĩnh Yên).

Biển hiệu ngậm ngùi đứng ... sau cửa (Ảnh HL)

Song, có mặt ở thành phố vùng cao này vào cuối tháng 5/2005, chúng tôi lại được chứng kiến những thực tế "trái ngược"... Theo như nhận xét của một nhà báo tỉnh, Internet ở Yên Bái thời gian gần đây vốn khá sôi động, nhưng giờ sự sôi động ấy đã giảm đi quá nửa vì ... thuế cao. Hư hay thực?

Ngô Thanh Hà (102 - C8 - Giảng Võ - Hà nội): "Sau 2 tháng xin giấy phép, gia đình tôi mới bắt đầu kinh doanh. Chỉ với 10 máy tính (4000đ/h) và mở cửa hoạt động từ 9h đến 23h mỗi ngày, nhưng hơn 1 năm nay, chưa bao giờ 10 máy của gia đình tôi cùng hoạt động và cũng chẳng có một máy nào hoạt động liên tục được tới 10 tiếng mỗi ngày. Mức thuế mà gia đình tôi đang đóng là 120.000đ/tháng. Đây là kinh doanh tại nhà chứ nếu phải thuê cửa hàng thì chắc tôi đóng cửa".

Anh Hiếu - chủ hộ kinh doanh Internet ở Thanh Xuân: Tôi làm đại lý cho một công ty dịch vụ vui chơi giải trí nhằm phát triển công nghệ tin học nên không phải chịu thuế. Hơn 1 năm nay, 18 máy tôi đang quản lý chỉ hoạt động tối đa là 6 tiếng/ngày và cao điểm chỉ vào các buổi tối (khoảng 2 đến 3 giờ đồng hồ là 18 máy hoạt động liên tục). Nhưng đấy chỉ là vì không phải thuê nhà nên tôi "chịu" được.

Trên đường Điện Biên - con đường trục chính của thành phố Yên Bái - các quán hiện còn đang kinh doanh dịch vụ này đa phần là "treo đầu dê..."- vừa mở hiệu cắt may hoặc vừa làm dịch vụ taxi vừa kinh doanh Internet. Một số hoạt động theo kiểu "du kích" không cần quảng cáo vì chủ yếu là khách "quen", chỉ những trưa "vắng", họ mới tranh thủ mang biển hiệu ra trưng để khách khỏi nhầm tưởng họ đã chuyển nghề. Sau đó, tấm biển lại ngậm ngùi yên phận sau ...cánh cửa. Chồng chị Nguyễn Thanh Hương (ở 179 Điện Biên, phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái) cũng vội vã cất tấm biển "Internet tốc độ cao" rồi khoá trái cửa lại, "nhốt" những cô cậu học trò đang "mê mải" với màn hình máy tính ở bên trong, sau khi phát hiện ra ống kính máy ảnh chuẩn bị chĩa vào mình.

Nhưng cũng có không ít cửa hàng Internet ở thành phố này đã đóng cửa vì tự thấy "mất khả năng cân đối" nếu ngành thuế thu theo cách "mới". Những tấm biển chưa kịp tháo xuống sau khi các ông chủ "tự đào thải" tạo nên bức tranh "tĩnh" ở Yên Bái trước tốc độ phát triển vũ bão của "xã hội thông tin".

Hệ quả của  ... hai đường thẳng song song!

Trao đổi với VietNamNet, Cục trưởng Cục thuế Yên Bái khá bất bình khi Cục thuế Yên Bái cũng như cá nhân ông không nhận được bất cứ một tờ đơn hay ý kiến bất đồng nào về mức thuế mới từ phía các hộ kinh doanh. "Tôi sẵn sàng nhận khuyết điểm trước dân và xin lỗi dân, đồng thời yêu cầu các cán bộ nhận khuyết điểm xin lỗi dân."(?) - Cục trưởng Nguyễn Văn Chung khảng khái. Việc các hộ kinh doanh dịch vụ này ở Yên Bái chưa từng gửi đơn "vượt" cấp để đề đạt nguyện vọng của mình là có thật, cũng có ý kiến cho rằng: họ đã "dại" khi không sử dụng quyền lợi chính đáng này. Song, ngành thuế Yên Bái có nhất thiết phải chờ những ý kiến phản hồi(?)

Phía sau cánh cửa số nhà 179 Điện Biên, TP Yên Bái đóng vội khi thấy ống kính phóng viên (xe đạp của học sinh vẫn còn để ở ngoài) (ảnh HL).

Vấp phải tư tưởng "bất thuận" trong giới dân doanh cũng khiến ngành thuế Yên Bái gặp trở ngại trong hoạt động nghiệp vụ. Anh Nguyễn Văn Tuyết, đội trưởng đội thuế phường Minh Tân xác nhận: "phường hiện có 16 hộ kinh doanh Internet nhưng cho đến giờ (cuối tháng 5/2005) chúng tôi vẫn chưa quản lý được một hộ nào. Ngành thuế cho họ tự kê khai nên nhiều hộ bắt đầu kinh doanh từ năm 2003 hoặc 2004 vẫn kê khai là 2005 mới ra kinh doanh". Và khi nhận được thông báo sẽ bị truy thu thuế (từ 30/4/2005 đến thời điểm kê khai), các hộ lập tức phản ứng bằng việc...khoá tới 2 lần cửa, không tiếp cơ quan thuế. Thêm nữa, số lượng máy khi kê khai so với thời điểm truy thu không trùng khít, mà theo cán bộ thuế phường Minh Tân thì "Họ đã dấu bớt"(?) Thực tế này cũng đã được chính các hộ kinh doanh ở đây thừa nhận ...

Trong đơn khiếu nại gửi VietNamNet, các hộ kinh doanh Internet ở T.p Yên Bái đã thẳng thắn "muốn" ngành thuế "đừng" truy thu. Đây là một điều khó được chấp nhận. Tuy nhiên, theo những hộ kinh doanh này thì đã có cán bộ thuế địa phương "tuyên" không nhận đơn thư khi biết họ có ý định trình bày những suy nghĩ của mình về quyết định mới của ngành thuế cấp trên. Phải chăng ý nghĩ "trứng chọi đá" khiến họ quên mất các thủ tục khiếu kiện hành chính(?) Thay vì gửi những lá đơn khiếu nại lên ngành thuế cấp trên và các cơ quan tỉnh thì đơn khiếu nại của họ chạy "tuột" đến các cơ quan ngôn luận.

Điều gì đã tạo ra hai đường thẳng "song song" giữa dân với chính quyền?

Dân sai - chính quyền có đúng?

Ông Ngưyễn Văn Được - giám đốc Sở Bưu chính viễn thông Yên Bái trả lời VietNamNet (Ảnh HL).

Khi Yên Bái diễn ra tình trạng thực tế "cãi" chính sách trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ Internet thì tuổi đời của Sở Bưu chính viễn thông mới chỉ tính bằng... tháng. Theo giám đốc Nguyễn Văn Được, Sở Bưu chính viễn thông chỉ được chuyển giao đầu mối để quản lý lĩnh vực này từ ngày 13/4/2005 và mãi tới 4/5/2005, chỉ thị 09/2005/CT-UBND về việc "Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ truy cập Internet công cộng" mới ra đời. Nghĩa là, ngay tới khi ngành thuế "vào cuộc" để nâng cao hiệu quả quản lý dịch vụ Internet (truy thu từ 40/4/2005 và ấn định mức thu mới từ 1/5/2005), thị trường này vẫn gần như "bỏ ngỏ". Trước đó chỉ bằng động thái "không cấp phép", Internet "cứ mặc sức" hoạt động vì không có trong khái niệm quản lý. Vì thế, các hộ kinh doanh này mặc dù đã vi phạm pháp luật khi kinh doanh không phép, thậm chí truy cập vào những trang web xấu nhưng không hề bị chính quyền địa phương ra quyết định đóng cửa.

Đến bất kỳ cơ quan chức năng nào ở Yên Bái cũng nhận được "thông điệp": "Chúng tôi khuyến khích  chứ không cấm phát triển Internet". Thậm chí, Lãnh đạo ngành bưu chính viễn thông còn khẳng định "Yên Bái hiện có 168 hộ kinh doanh Imternet. Nếu con số này phát triển lên đến 2000 điểm chúng tôi vẫn khuyến khích nhưng phải có đăng ký kinh doanh"(?). Nhưng cũng chỉ với 168 điểm Internet đang hoạt động "chui" (không được cấp giấy phép) mà các ngành chức năng của tỉnh đã "rối cả lên" thì liệu với 2000 điểm kinh doanh, cơ quan chức năng có quản lý tốt hơn??? Bởi kết quả đợt thanh kiểm tra mới đây cho thấy: 100% điểm kinh doanh Internet trên địa bàn 2 phường Đồng Tâm và Minh Tân có trang web "vi phạm thuần phong mỹ tục".

Một thực tế đáng bàn là trong khi những hộ đang kinh doanh còn đang lúng túng trong việc kiểm soát các trang web mà khách hàng truy cập thì đa phần cán bộ quản lý lĩnh vực này ở Yên Bái đều không có trình độ về tin học, thậm chí chưa từng một lần "vào mạng" (truy cập Internet). Ông Đỗ Lê An- phó trưởng phòng tài chính kế hoạch thành phố thừa nhận: Trong những lĩnh vực được xem là nhạy cảm, mặt trái bao giờ cũng rộng trong khi hiệu quả quản lý Nhà nước lại chưa cao. "Có những đồng chí đi kiểm tra nhưng cũng không hiểu, không nắm được cách truy cập vào mạng như thế nào, sử dụng chương trình máy tính ra làm sao nên chưa theo kịp được".

Sau một chuỗi dài buông lỏng quản lý, ngành thuế lại vào cuộc như một sự "tất yếu" đã cho thấy rõ những yếu kém trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet của các ngành chức năng tỉnh Yên Bái. Có quan chức địa phương đã thốt lên rằng: "Đã đến lúc không thể làm ăn quan liêu như thế"; còn dân thì thắc mắc "Sao chính quyền không vào cuộc sớm hơn"?

  • Hải Lý

Quan điểm của bạn về cách quản lý dịch vụ Internet của UBND tỉnh Yên Bái? Theo bạn, cần phải làm gì để giải quyết vấn đề quản lý được hiệu quả? Hãy gửi ý kiến quả bạn về Ban Bạn đọc VietnamNet theo mẫu sau:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,