(VietNamNet) - Các nhà băng tại Việt Nam đang sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra mua công nghệ để thêm sức mạnh cho mình trước thềm hội nhập, và một thị trường lớn đang rộng mở.
Cục công nghệ Tin học Ngân hàng và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) sáng nay (31/5) vừa khai trương Diễn đàn "Banking Vietnam 2005" tại Hà Nội. Đây là Hội thảo quốc tế với chủ đề "Dịch vụ ngân hàng hiện đại với sự phát triển của nền kinh tế và hội nhập quốc tế", nhưng cũng là nơi nhằm trưng bày, giới thiệu những sản phẩm, giải pháp, thiết bị, kỹ thuật công nghệ mới cho việc mở rộng dịch vụ và đổi mới công nghệ ngân hàng.
Theo ban tổ chức, Banking Vietnam 2005 sẽ tập trung thảo luận những chủ đề như Dịch vụ ngân hàng hiện đại với sự phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế; Những nét phác thảo về chiến lược phát triển các loại hình ngân hàng và định chế tài chính khác ở Việt Nam; Vai trò quan trọng của thẻ debit (thẻ ghi nợ) đối với ngành ngân hàng bán lẻ hiện đại; Đổi mới ngân hàng - sự lựa chọn tất yếu; Dịch vụ ngân hàng hiện đại - điều kiện phát triển và ứng dụng tại Việt Nam; Phát triển dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng thương mại; Hiện đại hóa hệ thống thanh toán thúc đẩy nền kinh tế phát triển; Bảo mật và vấn đề an ninh, an toàn các hệ thống thông tin ngân hàng...
Điểm mới của diễn đàn năm nay, cũng để theo kịp thời cuộc, là hội thảo sẽ có thêm chủ đề về CIO, làm sao để phát triển nhân lực về công nghệ, cũng như đánh giá đúng về vai trò lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) với lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Đây là năm thứ 4 IDG mở diễn đàn Banking hàng năm, với mục tiêu tiếp thị công nghệ tới các ngân hàng. Tập đoàn dữ liệu hàng đầu thế giới này đã sớm nhìn ra một thị trường rộng lớn tại Việt Nam chưa được khai phá và đang có cơ hội phát triển mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập.
Công nghệ ngân hàng: thị trường lớn đang có thế...
Ông Lương Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CFTDNET cho biết, năm 2005 được coi là năm bản lề đối với dịch vụ liên quan đến thẻ ngân hàng, nên các ngân hàng Việt Nam nếu không nhanh chóng tham gia lĩnh vực kinh doanh thẻ sẽ đối mặt với nguy cơ mất chân trên thị trường. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến cho diễn đàn năm nay xuất hiện nhiều chủ đề liên quan đến thẻ ngân hàng, từ phần mềm quản lý thẻ, xây dựng hệ thống chuyển mạch, từ quản lý hiệu quả hệ thống ATM đến nâng cao tính bảo mật và chống thẻ giả tại Việt Nam.
Các công nghệ ngân hàng hiện đại được trưng bày tại hội nghị Banking Vietnam 2005 (Ảnh: Huyền Sâm). |
Còn ông Gordon Cooper, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào - của Tập đoàn Visa nhận định, thị trường thẻ Việt Nam rất tiềm năng. Theo đánh giá của Visa, khoảng 10.000.000 khách hàng có thể sử dụng thẻ ngân hàng, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 1.000.000 khách hàng sử dụng dịch vụ này.
Điểm nhấn của Banking Vietnam 2005 sẽ là dự án hiện đại hoá ngân hàng giai đoạn II có trị giá hơn 100 triệu USD đang triển khai trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Trước đó, từ tháng 5/2002, dự án "Hiện đại hoá Ngân hàng và hệ thống thanh toán" do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ với tiểu dự án Thanh toán điện tử Liên Ngân hàng đã đi vào hoạt động. Với tổng số vốn đầu tư 53,9 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 49 triệu USD, dự án Hiện đại hoá ngân hàng và Hệ thống thanh toán là việc cụ thể hoá một khoản đầu tư rất lớn vào ngành kinh doanh tiền tại Việt Nam. Dự án bao gồm việc xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ điện tử và quyết toán liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm (trong phạm vi 5 tỉnh, thành phố) và 6 hệ thống thanh toán trong nội bộ và nghiệp vụ ngân hàng cốt lõi của 6 Ngân hàng Thương mại gồm: Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Xuất nhập khẩu và Ngân hàng Hàng hải.
Tiếp đó, trong khuôn khổ giai đoạn 2 của dự án trên, WB cũng đã thông qua khoản tín dụng ưu đãi 105 triệu USD nhằm hiện đại hóa các ngân hàng.
Chỉ riêng dự án lớn này đã cho thấy, số tiền đầu tư cho lĩnh vực công nghệ ngân hàng hiện không hề nhỏ. Chưa kể đến việc, hiện hàng trăm ngân hàng tại Việt Nam đều đua nhau phát triển nền tảng công nghệ của mình nhằm cạnh tranh và chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường tài chính được dự báo rất mạnh mẽ trong vài năm tới (khi các ngân hàng nước ngoài với nền công nghệ xuất sắc hơn hẳn sẽ vào Việt Nam và được kinh doanh trong môi trường bình đẳng). Các ngân hàng không ngần ngại bỏ ra hàng triệu USD mua phần mềm của nước ngoài, các công nghệ mới... Số tiền tiềm năng sẽ đầu tư vào công nghệ tuy đang nằm trong két của các nhà băng nhưng nó được dự đoán rất dồi dào.
Hội thảo Banking Vietnam 2005 thu hút nhiều đại biểu tham dự (Ảnh: Huyền Sâm). |
Đơn cử như chỉ riêng đầu tư cho hệ thống ATM, cứ một máy rút tiền tự động này người ta đã phải bỏ ra 30.000 USD. Hiện có những ngân hàng đã có tới vài trăm máy ATM. Và để "phủ sóng" hết 64 tỉnh, thành tại Việt Nam, các chuyên gia dự báo các nhà băng phải bỏ ra nhiều triệu USD nữa.
Với nền công nghệ chưa cao như tại Việt Nam, điều hiển nhiên là hầu hết các nhà băng sẽ phải bỏ tiền ra mua công nghệ của các công ty đến từ nước ngoài. Và đầu tư thế nào, làm sao cho khỏi lãng phí là bài toán không đơn giản ngay cả với những nhà kinh doanh tiền tệ.
...và gặp thời,
Theo IDG Việt Nam, hiện ngành ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hoá với sự đầu tư mạnh mẽ của từng ngân hàng. Sức ép công nghệ hoá với các ngân hàng đã thấy rất rõ. Tại một diễn đàn về công nghệ, chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý cũng đã nói: "Trong bước đường phát triển của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, hiện đại hoá hoạt động Ngân hàng là một trong 4 nội dung chủ yếu xuyên suốt từng bước đi".
Cách đây chưa lâu, ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cũng cho rằng, mở rộng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ là điều kiện sống còn để các ngân hàng có thể cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi mà thời điểm mở cửa lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam đang đến gần. "Sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ điện tử-tin học sẽ làm ngân hàng tụt hậu và không thể cạnh tranh nổi ngay trên địa bàn của mình", ông Minh nói.
"Đổi mới công nghệ ngân hàng suy cho cùng chính là tin học hoá hoạt động ngân hàng. Hay nói một cách khác, tin học hoá các nghiệp vụ ngân hàng, mở rộng dịch vụ trên nền công nghệ mới gắn liền với việc thay đổi cơ chế pháp lý phù hợp là đổi mới công nghệ ngân hàng". (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) |
Theo ông Minh, các dịch vụ chuyển tiền điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán bằng máy rút tiền tự động ATM, thanh toán trực tuyến đang tạo ra tiện ích thu hút khách hàng. Rất nhiều ngân hàng Việt Nam đang đổi mới nhanh chất lượng dịch vụ như Ngoại thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Á Châu, Sài Gòn Thương Tín, Đông Á, Xuất nhập khẩu, Đầu tư và Phát triển. Riêng ngân hàng Xuất nhập khẩu trong lộ trình 2002-2003 đang triển khai 12 loại hình dịch vụ, kể cả quyền lựa chọn, tư vấn tài chính, tiền tệ; nghiệp vụ quản lý vốn; địa ốc. Nguyên thẻ tín dụng, trong vòng một năm qua các ngân hàng đã liên tục trang bị máy ATM, phát hành hàng trăm nghìn cả thẻ nội địa lẫn quốc tế...
...nhưng đừng lãng phí!
Các ngân hàng đang tìm kiếm những sản phẩm công nghệ tiên tiến, phù hợp với mục tiêu bao phủ thị trường của mình. Và trong một lần trò chuyện với báo chí, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần đang được xem là rất năng động trong hiện đại hoá cho rằng, ông cũng như các ngân hàng Việt Nam đang tin và đã, sẽ đầu tư vào những sản phẩm công nghệ của nước ngoài. Nói riêng về một sản phẩm phần mềm thanh toán thẻ, ông cũng thừa nhận các kỹ sự công nghệ thông tin trong nước có thể viết được, nhưng ngân hàng có khả năng (tiền) và cần cái có sẵn, đã được thử nghiệm nên "ngại" đặt hàng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.
Công nghệ hoá đi liền với việc thanh toán điện tử sẽ thay thế các giao dịch tiền mặt truyền thống. |
Một vấn đề nữa, không chỉ riêng của ngành ngân hàng, đó là sự lãng phí do thiết bị công nghệ thông tin mất giá. Theo Cục công nghệ tin học Ngân hàng Nhà nước, hiện tượng máy tính thay máy chữ, trang bị máy tính không trang bị phần mềm ứng dụng kịp thời, hay phải chờ đợi cơ chế vận hành làm tăng cho tính hiệu quả chưa cao của vốn đầu tư.
Các thiết bị CNTT có tuổi thọ rất thấp, có thiết bị chỉ sau 3 năm mặc dù chưa tàn nhưng đã phế vì nó không tương thích với những phần mềm mới. Tình trạng các dự án tin học cũng vậy, từ khi mở thầu thiết bị (giá cả thường là theo loại, chất lượng, cấu hình và giá thời điểm mở thầu) đến khi lắp đặt và bàn giao mà kéo dài (từ 1 năm trở lên) thì trong thực tế, có thiết bị giá chỉ còn một nửa. Điều này gây tốn kém cho nhà đầu tư, mang lợi cho nhà thầu.
Rồi nhân lực, yếu tố quan trọng nhất thì lại chưa nóng chỗ đã ra đi. Không chỉ của riêng ngành Ngân hàng, mà cơ chế đãi ngộ trong các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay rất khó giữ được những chuyên gia CNTT giỏi. Giám đốc Trung tâm CNTT của một Ngân hàng lớn nhất nước cũng đã có lần ngậm ngùi: "Đào tạo được một kỹ sư CNTT am hiểu nghiệp vụ Ngân hàng không phải là điều đơn giản, nhưng việc họ ra đi quá đơn giản lại khiến tôi day dứt nhất".
-
Hồng Phúc