Theo một báo cáo của Liên minh phần mềm doanh nghiệp thì khoảng hơn 1/3 phần mềm được cài đặt vào các máy tính trên toàn cầu trong năm 2004 là phần mềm lậu.
Công ty nghiên cứu IDC đã đưa ra số liệu cho biết: khoảng 35% tổng số phần mềm cài đặt trên các máy tính trong năm 2004 đều là phần mềm lậu, tăng 1% so với năm 2003, tức ngành công nghiệp phần mềm đã bị thất thoát thêm 4 tỷ USD.
Tổng giá trị phần mềm bị ăn cắp trên toàn cầu trong năm 2004 là 33 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với năm 2003. IDC ước tính tổng giá trị phần mềm hợp pháp được cài đặt vào các máy tính trên toàn cầu trong năm 2004 là 90 tỷ USD khi so với năm 2003 chỉ là 80 tỷ USD, tức doanh số phần mềm hợp pháp đã tăng 6%.
IDC ước lượng có khoảng 21% phần mềm trên các máy tính ở Mỹ là phần mềm lậu, 23% là ở New Zealand và 27% là ở Anh. Úc và Thụy Điển nằm trong số những quốc gia có mức độ sử dụng phần mềm lậu thấp nhất thế giới.
Vào thứ tư 18-5, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ là ông Chu Maoming cho biết rằng ông ra chưa xem qua báo cáo này nên không thể đưa ra bình luận gì. Nhưng ông Chu cũng cho biết là chính phủ Trung Quốc cũng đã tiến hành điều tra hơn 9.000 trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia này trong năm 2004: ”Điều này thể hiện chính phủ Trung Quốc hết sức mạnh tay với tệ nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đang tiến hành nhiều biện pháp mạnh để chống lại tệ nạn này”.
Trong báo cáo của mình, IDC đã sử dụng số liệu thống kê thu thập từ rất nhiều công ty sản xuất phần cứng và phần mềm trên thế giới, ngoài ra IDC cũng đã thực hiện 7.000 cuộc phỏng vấn từ 23 quốc gia và cử các nhà phân tích của mình xâm nhập để tìm hiểu về tệ nạn vi phạm bản quyền ở 50 quốc gia.
(Theo TTO)