(VietNamNet) - Dự kiến, đến cuối năm 2005, chương trình phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2006-2010 do Bộ Bưu chính Viễn thông soạn thảo sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, chúng ta sẽ còn nhiều việc cần giải quyết để kịp thời phát triển ngành công nghiệp non trẻ này. Đây cũng là nhận định của thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây.
''Tôi khẳng định thị trường VN về công nghệ thông tin, phần mềm, viễn thông có rất nhiều tiềm năng và bằng chứng là hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp đang nước ngoài đang nhắm tới''. |
- Thưa thứ trưởng, xin ông cho biết đánh giá về tình hình phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong thời gian qua?
- Thứ trưởng Mai Liêm Trực: Doanh thu công nghiệp phần mềm của nước ta đã có những bước tăng trưởng rõ rệt. Mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 30%. Năm 2004 được đánh giá là năm thành công của công nghiệp CNTT nói chung và của công nghiệp phần mềm nói riêng. Tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp phần mềm đạt khoảng 160 triệu USD trong đó gia công xuất khẩu đạt 40 triệu USD.
Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp phần mềm và lực lượng lao động phần mềm cũng gia tăng nhanh chóng. Hiện chúng ta đã có 600 công ty phần mềm, thu hút gần 15.000 kỹ sư và chuyên viên phần mềm làm việc. Đây là những con số đáng khích lệ đối với một ngành công nghiệp vẫn được coi là non trẻ ở nước ta.
Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn. Ngành phần mềm VNT đang còn tồn tại một số vấn đề mà chúng ta cần phải khắc phục, đó là vấn đề về trình độ nguồn nhân lực, sự thiếu các chuyên gia cao cấp về sản xuất và kinh doanh phần mềm, về quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất phần mềm và trình độ quản lý doanh nghiệp.
- Ông đánh giá như thế nào về mô hình các khu công nghiệp phần mềm hiện nay và vai trò của nó?
Khi chuẩn bị cho mở cửa thị trường chúng ta đã có nhiều khu công nghệ cao, khu công nghệ phần mềm... đây là việc làm mà chúng ta học tập được từ các nước. Tuy nhiên, trong quá trình thành lập có nơi thành công có nơi không. Việc thành công hay thất bại theo tôi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa lý, môi trường kinh doanh, điều kiện kinh tế, địa bàn...
- Mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đạt được. Theo ông, lý do chính là gì?
- Kỳ vọng này mới đánh giá được đúng tiềm năng của VN, được thể hiện trên năng lực kỹ sư có thể tạo nên những giá trị sản phẩm phầm mềm trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, để có thể phát huy được tiềm năng, chúng ta chưa lường hết được khó khăn. Ví dụ nguồn lực của VN phải đào tạo có chất lượng mới có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm phần mềm có giá trị.
Hiện nay, chúng ta có khoảng 15.000 kỹ sư phần mềm làm việc trong khoảng 500 doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ với giá trị 10 ngàn USD/đầu người/1 năm. Giá trị này là thấp so với các kỹ sư làm ở các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài. Tiềm năng chúng ta có nhưng vẫn chưa thực hiện được do điều kiện của chúng ta còn kém. Hy vọng rằng chúng ta sẽ phát triển được tiềm năng này trong tương lai.
- Điều này có nghĩa là trong thời gian vừa qua, chúng ta chưa chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực hay những chế độ ưu đãi thu hút sự cống hiến của nhân lực vẫn chưa thỏa đáng?
- Hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn còn theo mô hình truyền thống. Tất nhiên, mô hình này có nhiều cái tốt nhưng để đáp ứng thị trường về lao động công nghệ phần mềm thì các khoa công nghệ thông tin ở các trường hiện nay chưa đáp ứng được (cả về số lượng, chất lượng và kể cả về mặt con người).
Bởi vì, nếu muốn có 1 kỹ sư công nghệ phần mềm với giá trị 1 năm khoảng 25.000 USD/người (hiện nay là 10.000) đòi hỏi phải có trình độ cao. Hai năm gần đây, tốc độ phát triển trong lĩnh vực này tương đối cao - khoảng 35-40% - là do các doanh nghiệp phải bươn trải họ từ tìm tòi mày mò tìm thị trường và bắt đầu nhận thấy điểm yếu, để tự tạo nên cơ hội kinh doanh cho mình. Bản thân doanh nghiệp đã tự nhận thấy điều này nên họ chuyển hướng đầu tư.
Chẳng hạn như hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Trước đây, không ai để ý đến việc đưa chỉ số ISO vào đánh giá chất lượng, nhưng bây giờ, nếu không đạt được tiêu chuẩn này thì sản phẩm sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều đơn vị vẫn kêu khát nhân lực trong khi các trường đại học thì nhiều. Các công ty nước ngoài cũng đã đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ở VN, thậm chí xuất hiện ngày càng nhiều các trường tư và các chương trình tổ chức du học..
Nhu cầu về nguồn nhân lực đang rất cao. Nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền nhỏ đầu tư cho con em mình hay cho nhân viên mình được tham gia các lớp học cấp cao tại nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà các nước đã đầu tư vào việc đào tạo các kỹ sư phần mềm tại VN! Vậy tại sao chúng ta không chuyển hướng sang tập trung đào tạo nguồn nhân lực này ngay trong nước?
- Như thế, theo ông, trong giai đoạn 2006-2010, chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề gì để phát triển nguồn nhân lực?
Cụ thể, Bộ Giáo dục đạo đã được phê duyệt chương trình đào tạo nguồn nhân lực nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống đào tạo hệ chính quy của Nhà nước, Bộ BCVT đang mong muốn Chính phủ sớm có cách đào tạo linh họat hơn. Chúng tôi mong muốn đưa vào các trường đại học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cho tất cả các môn. Thậm chí, áp dụng phương pháp học tiếng Anh trong vòng 1 năm của các nước khác... Một trong số khó khăn của VN hiện nay là vấn đề ngôn ngữ, nếu chúng ta muốn sản phẩm vào được một nước nào đó, trước hết chúng ta phải hiểu được ngôn ngữ, văn hóa của họ, những nhu cầu văn hóa thói quen...
- Từ nay đến năm 2010, theo ông, chúng ta cần bắt tay vào công việc gì trước tiên?
- Chúng ta cần có một quá trình đào tạo lâu dài. Năm năm nữa vẫn là thời gian để chúng ta chuẩn bị thị trường, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển. Tôi khẳng định thị trường VN về công nghệ thông tin, phần mềm, viễn thông có rất nhiều tiềm năng và bằng chứng là hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp đang nước ngoài đang nhắm tới.
- Xin cám ơn ông!
Hoàng Hùng (thực hiện)