Sự bùng nổ của khu vực công nghệ thông tin châu Á có thể là mối lợi to lớn của các công ty châu Âu hiện tại nhưng trong tương lai sẽ là mối đe dọa cho lục địa già này.
Thị trường công nghệ thông tin (IT) châu Âu đang đối mặt với những thách thức to lớn từ sự tăng trưởng dữ dội của thị trường công nghệ châu Á ngay khi châu Âu vừa phục hồi sau đợt khủng hoảng trước năm 2000.
Theo một báo cáo của nhà tư vấn công nghệ KPMG cho biết: vào thời điểm hiện nay, châu Á – Thái Bình Dương đã là một ngôi sao sáng trong bầu trời công nghệ thông tin với mức độ tăng trưởng 7%/năm so với châu Âu chỉ là 4%/năm.
Bản báo cáo này đưa ra số liệu cho biết: châu Á đã chi xài tổng cộng 650 tỷ USD trong năm 2004 vào phần mềm, phần cứng, các giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông. Các chuyên gia tiên đoán mức tiêu dùng vào lĩnh vực công nghệ ở châu Á sẽ lên đến 800 tỷ USD trong năm 2007.
Châu Á được xem là dòng thác tiêu thụ điện thoại di động mạnh mẽ nhất hoàn cầu với 10 triệu máy di động được bán ra mỗi tháng, ngoài ra châu Á cũng là nơi có mức độ tăng trưởng cao nhất đầu tư mạng viễn thông và số người dùng băng thông rộng. Xu hướng tích hợp giữa điện thoại di động với âm thanh và dữ liệu đang diễn ra mạnh nhất cũng tại châu Á và chiều hướng này đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Công nghệ thông tin đã trở thành một động lực phát triển mới và mạnh mẽ tại châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Với nguồn nhân lực rẻ, có trình độ cao nên nền IT của châu Á ngày càng được xem là một đối thủ đáng gờm của mọi châu lục. Trường hợp công ty Lenovo của Trung Quốc mua lại chi nhánh sản xuất và kinh doanh PC và máy xách tay của của IBM là một ví dụ điển hình của sức mạnh đáng gờm này, tuy rằng các doanh nghiệp sản xuất PC và máy xách tay đang được xem là các doanh nghiệp có lợi nhuận kém ở Âu - Mỹ, và việc IBM bán cho Lenovo được xem là “rảnh nợ”.
Châu Âu đang đối mặt với mối đe dọa cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty IT châu Á nhưng đây cũng xem là một cơ hội cho những công ty châu Âu nào muốn bán công nghệ cao của mình vào thị trường rộng lớn này.
Một cuộc nghiên cứu độc lập khác lại đưa ra một kết quả lạc quan hơn cho châu Âu. Mặc dù mức độ tăng trưởng của thị trường công nghệ châu Âu tỏ ra kém hơn châu Á nhưng châu Âu đã phục hồi nhanh hơn mong đợi từ sau cuộc khủng hoảng dot com từ những năm cuối của thế kỷ trước. Điều này chứng tỏ nền công nghệ châu Âu vẫn có sức sống mạnh mẽ.
Theo bản báo cáo của cơ quan Theo dõi công nghệ thông tin châu Âu (EITO) cho biết: thị trường công nghệ thông tin châu Âu sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2005 từ mức 3,3% trong năm 2004, con số tăng trưởng của châu Âu chỉ là 0,9% trong năm 2003. Anh là quốc gia có mức độ tăng trưởng IT nhanh nhất châu Âu với kỳ vọng trong năm 2005 là 4,6% so với kỳ vọng của Mỹ là 3,9%.
Còn theo một nghiên cứu của các nhà phân tích ở công ty Ovum & Indepen Consulting đưa ra vào tháng trước lại cho biết rằng mọi sự có vẻ sẽ không tốt đối với châu Âu, mặc dù thị trường IT tại đây có mức độ tăng trưởng nhỉnh hơn chút ít so với Mỹ.
Ovum & Indepen chỉ ra rằng, hiệu quả tăng trưởng của châu Âu nếu chỉ ở mức độ này thì chẳng bao lâu thị trường công nghệ châu Âu sẽ “đo ván” trước Mỹ và các quốc gia châu Á. Thêm vào đó là mức độ đầu tư thấp vào công nghệ thông tin sẽ tàn phá khả năng cạnh tranh, thu hút việc làm cũng như khả năng tăng trưởng ở mức độ toàn cầu của lục địa này.
Thiên Trang (TTO)