221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
598462
"Hoa độc" thời @ (kỳ cuối): Nude “ngây thơ”...
1
Article
null
'Hoa độc' thời @ (kỳ cuối): Nude “ngây thơ”...
,

N.T.M.Nh. xinh đẹp nổi tiếng trong trường ĐH. Dáng cao, số đo chuẩn, gương mặt thanh thoát, đôi mắt trong veo, suối tóc huyền thướt tha, Nh. là người mẫu mang đến cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia. 

“Hoa độc” thời @: “Trò chơi” từ của “trời cho”
“Hoa độc” thời @ (kỳ II): Tôi đi bán tôi!

Sự “hồi sinh” của tấm ảnh dưới đáy tủ

Tai họa mang tính... "nhân bản" - Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần (Tuổi Trẻ)

Tốt nghiệp loại khá cộng thêm vốn tiếng Anh trôi chảy, Nh. xin được chân trợ lý giám đốc ở một công ty liên doanh tiếng tăm. Ba năm sau, Nh. tuyên bố sẽ kết hôn với người yêu là chuyên gia nước ngoài làm cùng công ty. Thiệp cưới đã gửi. Ảnh cưới đã xong. Chỉ còn chờ ngày lên xe hoa.

Đùng một cái đám cưới bị hủy vào phút chót, chú rể bỏ về nước, cô dâu mất tích. Bạn bè như bị... “sét đánh” bủa đi tìm khắp nơi. Rồi nguyên do cũng được tìm ra. Nhưng sự đời có ai tin được cuộc tình tan chỉ vì một tấm ảnh đã cũ cất kỹ dưới đáy tủ gây nên!

Câu chuyện của hơn năm năm trước, Nh. bắt đầu trong nước mắt: “Mình... khờ quá”. Đó là lần cuối cùng Nh. tham gia cùng nhóm nhiếp ảnh để chính thức chia tay với “nghề” làm người mẫu chụp ảnh. Cả nhóm quyết định đi Phan Thiết.

Những cô sinh viên thướt tha trong tà áo dài tung bay trong gió, trong cát - quá đẹp - nhưng cũng rã rời với nắng hốc và gió rát. Chuyến đi thành công ngoài dự kiến, cả đoàn được một nhiếp ảnh “thổ địa” khao chia tay bằng chầu nhậu ngay tại studio. Tất nhiên, Nh. là nhân vật chính vì từ đây cô sẽ rất ít khi gặp lại nhóm. Chuyện trò râm ran, vui vẻ, bỗng ai đó đề nghị “tại sao không chụp cho Nh. một tấm ảnh nude làm kỷ niệm”. Nh. từ chối quyết liệt.

Nhưng “mấy năm nữa em còn đẹp như vầy không?”, “tụi mình thân như anh em sợ gì”, “chụp đi anh đưa cả ảnh lẫn phim cho mà giữ”, “một tấm thôi”... Và Nh. xiêu lòng. “Lúc đó mình cũng thấy hay hay, mình đẹp thì người ta mới chụp chứ, lại quá chắc ăn, mình chụp mình coi có mất mát gì đâu nên đồng ý. Giờ thì mới thấy mất là như thế nào…” - Nh. nghẹn ngào.

Nh. giờ vẫn đang ở... ẩn tại quê nhà với nghề kế toán. “Dù mình có giải quyết thế nào, có nhờ chuyên gia cắt “nó” xuống, cảnh cáo admin, tìm lại được tấm phim phiên bản… nhưng không còn được sống bình an nữa. Mình sống khổ sống sở, sống thấp thỏm phập phồng, không biết ngày nào đó của 20 năm hay 30 năm sau “nó” lại đột ngột xuất hiện” - Nh. chua xót kết luận.

Con có chụp cái… mặt đâu mà lo

Chơi nude tại gia là chuyện của cô con gái rượu N.H.T.T. của bà V. ngụ tại quận Tân Bình (TP.HCM). Bà là giáo viên, chồng làm kinh doanh đang thời ăn nên làm ra. Gia đình sống sung túc, khá giả. Hai cô con gái - một đang học lớp 11 Trường NTH và một đang học lớp 5 - được chăm sóc và quản lý rất chu đáo.

Ngày hai buổi xe con đưa đón tận nhà, lịch học thêm, vui chơi bạn bè... bà theo dõi rất sát sao. Vốn là người tân thời lại khá rành rẽ về công nghệ thông tin, bà không ngần ngại sắm ngay cho con một bộ máy tính hiện đại, đầy đủ phụ tùng “để học Anh văn, tìm kiếm thông tin học tập”.

Sự việc chỉ vỡ lở khi người mẹ tình cờ nhìn thấy trong sọt rác mẩu giấy A4 bị xé đôi có in rõ cặp đùi nõn nà của... con gái mình. Bất ngờ kiểm tra máy vi tính của con, bà thật sự bị choáng. Mấy chục tấm ảnh nude từng phần của cô gái và vài cô bạn thân (có tấm chụp nguyên cả ngực trần) mà T. vừa là người mẫu vừa là nhiếp ảnh gia còn lưu lại đầy đủ trong thư mục.

Còn T. mặt mày xám xanh vì sợ, thật thà an ủi mẹ: “Mẹ đừng lo, con có chụp cái... mặt đâu mà. Trên mạng chẳng ai biết con là ai đâu mẹ à”. Xỉu. Bà nhập viện vì tăng huyết áp và phải gặp chuyên gia tâm lý để còn tiếp tục sống mà nuôi dạy con.

Giấc mơ hoa và cơn ác mộng

Các nhà xã hội học lưu ý đến khía cạnh lợi dụng công cụ truyền thông đại chúng (báo chí...) để tự lăngxê mình của những người nổi tiếng, vì sau những quả bom... sex đó họ càng nổi tiếng hơn, công chúng càng đến với họ nhiều hơn, đúng hơn là “thiệt đơn lợi kép”.

Đó là lý do giải thích vì sao ngày càng có nhiều “tai nạn sex” trong giới ca sĩ, diễn viên, người mẫu như hiện nay.

Trong khi đó VN lại chưa có tiền lệ của sự tẩy chay (thường đi đôi với công nghệ lăngxê).

Giới trẻ chưa có cái nhìn công tâm, chỉ hô hào ủng hộ chứ chưa có hành động phê bình chỉ trích, thậm chí là tẩy chay khi một người nổi tiếng có phẩm giá không tốt, nhân thân hoen ố...

Như vậy xã hội làm sao tốt hơn, những người nổi tiếng ấy có thể đi lên bằng chính năng lực thật sự của họ?

B., một người chụp ảnh ở Thị Nghè vào giữa thập niên 1990 của thế kỷ 20, kể: "Họ phần lớn là những cô gái có thân thể đẹp muốn lưu giữ lại thời xuân sắc nhất của mình. Đa số đều ở lứa tuổi 20-26 và chưa có gia đình riêng. Họ thích chụp ở phòng ngủ riêng hoặc trong một phòng nào đó của khách sạn, ít bị chú ý. Tôi chụp khá nhiều và cũng phóng khá nhiều ảnh cho các cô này. Thông thường họ rọi một bộ cỡ 9 x12 rồi chọn phóng một vài tấm cỡ lớn 50x60, có khi lên đến cả thước".

Cũng vào thời gian ấy, báo chí đã đề cập chuyện chụp ảnh nude của các cô gái nhưng không ồn ào như hiện nay và cũng ít hoặc không thấy xuất hiện cái tên lẫn hình ảnh nào quen thuộc với công chúng.

Bước vào thời @, khá nhiều hình ảnh, sinh hoạt riêng tư được ghi lại công khai hoặc lén lút bằng máy ảnh, máy quay phim cầm tay trong khoảng vài năm trở lại đây. Trừ việc bị quay lén, có thể khi quay, chụp những hình ảnh rất riêng tư các cô gái cũng muốn giữ lại "cho đời sau" chút gì đó hương vị của tình yêu, chút gì đó của thời trẻ đẹp, sung mãn.

 Ngờ đâu (mấy ai học được chữ ngờ) những hình ảnh riêng tư ấy bỗng trở thành một "mặt hàng công cộng" và đương nhiên là thiếu thẩm mỹ, thiếu văn hóa. Cơn ác mộng ụp xuống người trong cuộc.

Trường hợp rõ nhất là những hình ảnh của "ca sĩ hát trong phòng tắm". Chính cô thừa nhận với các nhà báo sau khi vụ việc đổ bể là có chụp và quay phim trong thời gian cô và người tình còn thắm thiết với nhau. Song khi cả hai chia tay một thời gian thì các hình ảnh ấy lọt lên mạng Internet.

Theo các nhà xã hội học, tâm lý giáo dục quan tâm đến hiện tượng chụp ảnh khỏa thân và quay phim làm tình hiện nay của giới trẻ thì có hai đối tượng chính tham gia (loại trừ các trường hợp gái mại dâm lợi dụng tiến bộ công nghệ thông tin để rao bán “hàng sẵn có”): đó là người nổi tiếng và người bình thường.

Nếu như người bình thường được nhìn ở góc độ “thích giữ lại nét đẹp của cơ thể”, “muốn làm cái gì đột phá, khác thường, thời thượng” hay bị dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí bị đe dọa thì người nổi tiếng (diễn viên, ca sĩ, người mẫu...) được lưu ý thêm ở góc độ tạo xìcăngđan, gây sốc, muốn tạo ra một bệ phóng để được nổi tiếng (mà không cần phải nỗ lực phấn đấu, lao động) để làm cần câu cơm cho mình.

Một số nhà tâm lý học còn cảnh báo một xu hướng hành vi bệnh hoạn là nhu cầu muốn khoe thân thể, nhẹ thì chỉ khoe cơ bắp, để lộ một vài bộ phận cơ thể, nặng hơn là khoe... của quí (nam thì khoe dương vật, nữ thì khoe ngực...).

“Suy cho cùng họ là người rất thiển cận, suy nghĩ nông nổi. Họ đáng được quan tâm, giáo dục hơn là lên án, phỉ báng - trừ những người có động cơ hành vi để kiếm tiền, nổi tiếng... - Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, giảng viên khoa tâm lý ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định - Họ có quan điểm không đúng về cái đẹp.

Về nhận thức, họ chưa suy nghĩ đánh giá vấn đề tận gốc rễ, được ít mất nhiều: mất sĩ diện, lòng tự trọng, hình tượng, lòng tin, nhiều nhất là (nếu hình phát tán) có thể bị đe dọa tống tiền... Với ca sĩ, diễn viên thì cái được là sự nổi tiếng tạm thời nhưng sẽ mất hình tượng thật sự vĩnh viễn trong lòng công chúng (vì công chúng tò mò đến xem hơn là thưởng thức nghệ thuật)”.

Quan điểm của giới trẻ trong việc này như thế nào? Theo một điều tra “bỏ túi” của cô Văn Thị Ngọc Lan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội học (Viện Khoa học xã hội khu vực phía Nam), thì giới trẻ có hai xu hướng rõ rệt: hoặc là phản ứng kịch liệt, cho là phi đạo đức, vô văn hóa, sụp đổ thần tượng; hoặc là ngưỡng mộ, thấy rất hay, rất thời thượng, là mốt - đặc biệt, đối với một số “dân chơi” mới lớn còn cho là “trò chơi mới đầy thử thách và hấp dẫn”.

“Giống như người quen trang điểm thì theo thời gian họ càng trang điểm đậm. Những người quen ăn mặc hở hang thì càng ngày càng hở và cuối cùng là không mặc cũng... chẳng cảm thấy gì - một du học sinh bất bình - Ở nước ngoài ảnh nude nhiều vô số, nhưng nhìn cách bạn chụp, bạn xem là biết bạn thuộc tầng lớp nào: trí thức hay tầm thường. Đâu phải cứ khỏa tất tật những chỗ “bí hiểm” nhất mới gọi là khỏa thân, khỏa thân nghệ thuật thì càng không lõa lồ như thế”.

“Phải hướng giới trẻ có cái nhìn thẩm mỹ đối với lối sống, phù hợp với văn hóa VN - hòa nhập nhưng có định hướng. Về phía xã hội học, cần có một cuộc điều tra, khảo sát để xác định được những người hiện nay tung hình lên mạng là ai, với mục đích gì… để hỗ trợ luật pháp đề ra những biện pháp chế tài để bảo vệ người bị lợi dụng, đồng thời nghiêm khắc xử lý những người cố tình đưa ảnh mình hoặc người khác lên mạng với mục đích không lành mạnh” - cô Ngọc Lan đúc kết.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,