221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
596882
Manh mún thị trường nhạc số Việt Nam
1
Article
null
Manh mún thị trường nhạc số Việt Nam
,

Với sự phát triển của Internet trong nước hiện nay, người Việt Nam không còn quá xa lạ với nhạc số. Tuy nhiên, thực tế là đến nay, thị trường nội địa vẫn chưa có kho nhạc trực tuyến nào mang dáng dấp quy mô hoành tráng. 

Ở bình diện quốc tế, trong các kho nhạc lớn của thế giới như Yahoo, Real, iTunes... chưa thấy xuất hiện các nhạc phẩm của Việt Nam. Còn tại thư mục âm nhạc Việt Nam của Yahoo mới chỉ có 3 website được liệt kê. Tuy nhiên, với từ khóa "nghe nhạc" trên Google, người duyệt web dễ dàng tìm thấy hàng chục site cho phép nghe nhạc Việt, trong đó nổi bật có vietnamaudio.com. Hệ thống này tương đối toàn diện với số lượng nhạc phẩm lớn chạy trên phần mềm "made in Việt Nam" cho phép nghe nhạc trực tuyến miễn phí trên đường truyền dial-up với chất lượng tốt. Tuy nhiên, đại diện của vietnamaudio.com cho biết họ chưa có ý định thương mại hóa vì chưa đủ khả năng giải quyết các vấn đề liên quan tới máy chủ, tài chính, bản quyền....

Nhiều ca sĩ trong nước như Đan Trường, Cẩm Ly, Mỹ Linh, Mỹ Tâm... và nhạc sĩ như Đỗ Bảo, Đức Trí, Lưu Việt Hùng... đã có trang web riêng, nhưng chủ yếu là tạo địa điểm tập hợp người hâm mộ. Các hãng băng đĩa như Hồ Gươm Audio, Video Kim Lợi... cũng làm website nhằm giới thiệu những album mới hoặc sắp phát hành hơn là phát triển thành một hệ thống nhạc số. Nhưng theo đánh giá của musicbizacademy.com, trung bình các website của ca sĩ hoặc hãng băng đĩa, chỉ bán được 2-5 album/năm.

Ca sĩ Nguyễn Tùng Dương bày tỏ: "Qua những lần trao đổi trực tuyến với người hâm mộ trên Internet, tôi thấy nhạc số giúp nâng cao hình ảnh của ca sĩ một cách rộng rãi. Nhưng theo tôi, nó cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới công nghiệp ghi âm vì khi người ta có thể download từ trên mạng xuống thì người mua đĩa sẽ giảm".

Tuy nhiên, một đại diện của Trung tâm sản xuất và dịch vụ CD-VCD Hồ Gươm Audio lại tỏ ra lạc quan khi cho rằng những người sành nghe nhạc không thích nhạc số vì chất lượng âm thanh không chuẩn như CD. Vì thế mà thị trường này không là mối lo ngại của ngành ghi âm.

Trong khi đó trên thế giới, nhạc số đã tạo ra một thị trường rất sôi động với doanh thu lên đến hàng trăm triệu USD. Các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như Microsoft, MTV, Sony, Real thậm chí hãng đồ ăn McDonald's và đồ uống Coca-Cola đã lao vào lĩnh vực này sau thành công bất ngờ của iTunes & iPod. Các đại gia về điện thoại di động cũng nhập cuộc, điển hình là việc bắt tay giữa Microsoft với Nokia, Apple với Motorola.

2004 được đánh dấu là năm cất cánh, năm bản lề của nhạc số thế giới. Theo con số tính toán của Apple, đến thời điểm này Apple download đã đạt đến ngưỡng 300 triệu bản nhạc. Jupiter research loan báo thị trường nhạc số trong năm 2004 lên tới 330 triệu USD và có thể tăng gấp đôi vào năm 2005. Song, mức phát triển mạnh mẽ của nhạc số thế giới cũng vẫn tiếp tục đồng hành với nạn vi phạm bản quyền. Theo thống kê của BigChampagne, đã có 13 tỷ file nhạc trực tuyến vi phạm bản quyền. Riêng trong năm ngoái, có khoảng 60.900 website nhạc lậu, 477 mạng đồng đẳng (P2P) với số lượng 1,6 tỷ file nhạc đã bị đóng cửa.

Ở Việt Nam, ngoài việc phải đương đầu với nạn băng đĩa lậu đang ở mức báo động và các website cung cấp dịch vụ tải nhạc số vi phạm bản quyền... việc xây dựng và phát triển một hệ thống nhạc trực tuyến thực thụ vấp phải vô số khó khăn khác. Một hệ thống, cơ sở dữ liệu đồ sộ như vậy đòi hỏi rất nhiều công sức, tâm huyết và thời gian. Bên cạnh đó là những chi phí bản quyền, máy chủ, băng thông, nhân lực, quảng bá, xây dựng công nghệ, thu thập dữ liệu... đòi hỏi đầu tư lớn nhưng nguồn thu thì mờ mịt.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc VN, một vài năm trước cũng đã có người đến đặt vấn đề về nhạc số nhưng Trung tâm chưa có đủ thông tin về vấn đề này. "Trong thương trường chẳng ai tự giác trả tiền cả. Chúng tôi biết một số đơn vị kinh doanh đã xâm hại quyền tác giả của các nhạc sĩ VN và thu lợi nhuận lớn từ nhạc số, nhạc chuông điện thoại. Chúng tôi sẽ gửi công văn và làm việc với các đơn vị đó về vấn đề bản quyền", nhạc sĩ khẳng định.

Hiện tại, Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc VN có khoảng 800 hội viên đã ký hợp đồng bảo vệ đại diện quyền lợi cho 630 nhạc sĩ. "Hiện chúng tôi mới bắt đầu đặt nền móng để thực hiện bản quyền với âm nhạc số. Như vậy thực ra là hơi muộn", nhạc sĩ Phó Đức Phương thừa nhận.

Tuy nhiên, việc phát triển một hệ thống như vậy với những ưu thế vượt trội của nhạc số (dễ lưu trữ, dễ phân loại sắp xếp, tìm kiếm, nghe nhạc ở mọi nơi, mọi lúc...) lại đáp ứng được mong mỏi của không chỉ 3 triệu người Việt sống ở nước ngoài đang rất "khát" giai điệu quê hương. Những bản tình ca được đưa lên trang web sẽ giúp tất cả những người xa tổ quốc nguôi bớt một phần nỗi nhớ quê hương là một trong rất nhiều tâm sự của người Việt ở nước ngoài với vietnamaudio.com.

Nhạc số là con đường ngắn nhất để âm nhạc trong nước tiếp cận với người dùng toàn cầu và là con đường dễ đi nhất đưa văn hóa Việt Nam hội nhập cùng khu vực và thế giới và là phương cách để bảo tồn các giá trị truyền thống cho các thế hệ mai sau. Đây còn là phương tiện quảng bá hữu hiệu đối với các ca sĩ và nhạc phẩm mới.

(Theo Lao Động)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,