221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
596110
Web "chết" rộ nở
1
Article
null
Web 'chết' rộ nở
,
Hiện có khoảng hơn 50 tỉnh thành trong cả nước và nhiều bộ, ngành đã có cổng thông tin, website. Tuy nhiên, công việc duy trì các website này hoạt động và cập nhật thông tin thì chưa được quan tâm là mấy.

Trong thời đại công nghệ thông tin và kinh tế tri thức, việc làm này hoàn toàn đúng hướng. Tuy nhiên tại nhiều nơi, những cổng, website tốn tiền tỉ đã không mang lại hiệu quả bởi không đáp ứng được yêu cầu thông tin do được xây dựng quá sơ sài và gần như không được cập nhật. Chúng trở thành những web “chết” gây lãng phí lớn về tiền bạc cho Nhà nước.

Bắt đầu rộ lên từ năm 2002, đến nay hầu hết các tỉnh, thành, bộ, ngành đã xây dựng cổng hoặc website cho riêng mình. Mặc dù việc xây dựng và duy trì “ngốn” khoản kinh phí lên đến hàng tỷ đồng, nhưng hiện phần lớn số cổng, website này mới chỉ làm nhiệm vụ thông tin hành chính, gây lãng phí không nhỏ.

“Xây” cổng web để làm sang?

Truy cập vào địa chỉ www.camau.gov.vn của tỉnh Cà Mau, cảm nhận đầu tiên về trang này là sự sơ sài đến mức khó tin. ở trang chủ chỉ có phần giới thiệu tổng quan; tiềm năng & tài nguyên bao gồm các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, du lịch, nguồn nhân lực; phương hướng phát triển; các dự án ưu tiên.

Mỗi lĩnh vực chỉ được giới thiệu gói gọn khoảng 200 từ. ở chính giữa trang chủ là phần liên kết (link) website. Đây quả thực là một trang web “chết”, nghĩa là thông tin trên website là thông tin “cứng”, hầu như không được cập nhật.

Trong website www.caobang.gov.vn của Cao Bằng, phần “thư ngỏ” của Chủ tịch UBND tỉnh được đặt lên đầu trang. Sau đó là cột ghi mục tin tức rất dài các tin tức tỉnh Cao Bằng. Những tin tức mới nhất được đăng tải (post) từ tháng 10/2004. Ngoài ra, website này chỉ còn có phần giới thiệu tổng quan: vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, lịch sử truyền thống, thành tựu nổi bật…

Nội dung các trang web địa phương thường ít cập nhật nên không hấp dẫn                                               ảnh: N.A

Mở trang chủ www.hanam.gov.vn, thấy ngay bài viết có tiêu đề: “Hà Nam – vùng đất hấp dẫn đầu tư”. Bài viết này vẫn “yên vị” như thế đã lâu lắm rồi. Ngoài ra, giống như những website trên, cũng giới thiệu toàn cảnh, điều kiện tự nhiên, bộ máy tổ chức hành chính, lịch sử văn hoá, hầu hết tin tức được cập nhật từ năm ngoái.

Có tin được cập nhật cách đây… 5 tháng. Thông tin “đáng xem” nhất trên www.hanam.gov.vn có lẽ là phần hướng dẫn thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực xây dựng, đầu tư, thuế, thương mại, du lịch, tư pháp, đăng ký kinh doanh… Tuy nhiên, chưa thấy bất kỳ đường link (liên kết) nào tới các sở, ban, ngành của địa phương này.

Vào www.hochiminhcity.gov.vn của UBND TP.HCM thấy nội dung thông tin rất phong phú và cập nhật, giao diện đẹp mắt. Tuy nhiên, nội dung thông tin và cách đăng tải khiến người xem liên tưởng website này giống với một tờ báo điện tử. Ngoài phần tin tức, giới thiệu, văn bản pháp quy, hướng dẫn thủ tục hành chính, website còn có phần dịch vụ trực tuyến cho lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố.

Phong trào tự phát

Ông Lương Cao Sơn – Thư ký Ban đề án 112 (Ban đề án tin học QLHC nhà nước của Chính phủ) cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là vì xuất hiện từ quá trình tin học hoá quản lý hành chính nhà nước, phong trào xây dựng cổng, website ở phần lớn các địa phương, bộ ngành mang tính tự phát chứ không theo một chuẩn nào.

Khi được hỏi có bao nhiêu tỉnh trên toàn quốc đã xây dựng cổng, website cho riêng mình, ông Sơn cho biết chính Ban 112 cũng không có số liệu bởi không có báo cáo của các địa phương. “Mục tiêu chính của Ban 112 là xây dựng và củng cố “bên trong”, nghĩa là làm sao xây dựng được một hệ thống mạng nội bộ đủ năng lực để đảm bảo công tác điều hành, quản lý nhà nước của cơ quan, bộ ngành đó. “Muốn xây cổng phải có thật nhiều thông tin đa dạng, cần thiết và phải được cập nhật thường xuyên cho mọi đối tượng và thậm chí phải có giao dịch trực tuyến” - Ông Sơn nói.

Trên thực tế, đang xảy ra tình trạng không thống nhất trong cách gọi “cổng” hay “website”. “Có trang web ghi là cổng giao tiếp điện tử, nhưng thực tế, điều này vẫn chỉ dừng ở mức thể hiện ý muốn” - Ông Trần Lạc Hồng đánh giá. Theo TS Mai Anh, không phải cứ xây dựng một website có gắn nhiều đường liên kết đến các cơ quan khác nhau thì gọi là “cổng”. “Bỏ ra tiền tỷ để làm trang điện tử có gắn đường link rồi gọi là cổng thì phí quá. Nếu chưa có dịch vụ trực tuyến tích hợp thì chưa nên xây dựng bởi ngoài kinh phí xây dựng còn phải bỏ tiền ra duy trì nữa”.

 Ông Nội Thế Nghiệp – Quản trị mạng của UBND tỉnh Cao Bằng cho biết để “nuôi” website được cho là có quy mô nhỏ của tỉnh, mỗi năm địa phương phải chi khoảng 30 triệu cho việc duy trì. Thế nhưng, số lượng truy cập từ thời điểm khai trương đầu năm 2002 đến nay chỉ là trên 40 ngàn lượt. Vị chi mỗi ngày chỉ có trên 30 lượt người truy cập vào website này.

Hơn nữa, theo ông Mai Anh, nếu xây dựng cổng rồi để đó, công nghệ sẽ lạc hậu và đến khi có dịch vụ trực tuyến sẽ phải phá đi xây lại, rất tốn kém. Theo TS Nguyễn Mạnh Dũng– GĐ Sở BC&VT Hà Nội, đơn vị chủ quản của cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (www.hanoi.gov.vn), kinh phí cho giai đoạn 1 của dự án xây dựng cổng này là trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2, đơn vị này đang còn phải xem xét phát triển công nghệ mới để có thể đáp ứng việc tích hợp các dịch vụ hành chính trực tuyến.

Việc quản lý, điều hành cổng, website cũng đang xuất hiện nhiều bất cập. Cổng điện tử, web của mỗi địa phương, ngành có đơn vị chủ quản khác nhau, nơi là Trung tâm Tin học, nơi là Sở KH&CN, có nơi lại là Văn phòng UBND… Website của tỉnh Cao Bằng chỉ có 1 người làm việc biên tập và đưa thông tin lên mạng. Tình trạng thiếu người có trình độ chuyên môn đã dẫn đến việc thông tin không đưa lên kịp thời, có khi đến 4 tháng thông tin mới được cập nhật.  

Theo con số thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, đã có khoảng 52/64 tỉnh thành trên cả nước có cổng, website, trong đó một số website đang thiết kế, thử nghiệm và xây dựng lại như của các tỉnh Ninh Thuận, Tiền Giang, Tuyên Quang…

Theo tìm hiểu, hầu hết các Bộ, ngành trung ương đã có cổng giao tiếp điện tử, website. “Nhìn chung, các trang web chỉ mới làm nhiệm vụ thông tin hành chính” - Ông Trần Lạc Hồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM nhận xét. Theo TS Mai Anh – Uỷ viên Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội, các dịch vụ của cổng, website hành chính của cơ quan quản lý nhà nước được sắp xếp theo 3 mức.

Mức 1: đưa thông tin đơn thuần. Mức 2: Giao tiếp (Interactive) với người dân. Mức 3: có giao dịch trực tuyến (online). Tuy nhiên cho đến thời điểm này, vẫn theo TS Mai Anh, phần lớn những cổng, website mới chỉ thực hiện được chức năng ở mức 1, nghĩa là mức sơ khai mà thôi. Mới chỉ có lác đác một vài địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng thực hiện được mức 2. Còn mức 3 mới chỉ đang trong giai đoạn manh nha. Cũng vẫn chỉ có những tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM… thực hiện được mức manh nha này.

(Theo tintuconline.com.vn)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,