Bộ Văn hoá Thông tin vừa ban hành văn bản số 43/TTr cho biết qua đợt kiểm tra đầu tiên đối với 64 webite, Thanh tra Bộ đã phát hiện có 12 trên tổng số 26 báo điện tử vi phạm các quy định ghi thông tin trên website (chiếm 46%), 27 trong tổng số 35 trang tin điện tử chưa ghi rõ thông tin trên website của mình (chiếm tỷ lệ 77%).
Những báo điện tử thuộc diện vi phạm lần này gồm có: Báo Cần Thơ, Bưu điện, Đầu tư, Sài Gòn Tiếp thị, Kinh tế & Đô thị, Bóng đá, Sinh viên VN, Khánh Hoà...
Báo điện tử đã và đang khẳng định vị thế truyền thông quan trọng của mình, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cần quản lý cung cấp thông tin cấp thiết hơn. |
27 trang tin chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về ghi thông tin trên website gồm: Các website của Bộ Ngoại giao, Trung tâm Thông tin Khoa học Kỹ thuật Hoá chất (thuộc Tổng công ty hoá chất VN), Site của Sở khoa học Công nghệ môi trường An Giang, Trung tâm Công nghệ thông tin Lào Cai, Điện lực HN, Trung tâm xúc tiến phát triển phần mềm doanh nghiệp (Phòng thương mại và công nghiệp VN), trang Thông tin điện tử Hàng Hải VN, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội...
Các website sai phạm chủ yếu là không ghi, hoặc ghi không đầy đủ các thông tin về tên gọi, tên cơ quan chủ quản, số giấy phép, ngày cấp, cơ quan cấp, họ tên tổng biên tập, người chịu trách nhiệm chính, địa chỉ, điện thoại theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hoá thông tin, cho biết đối với những đơn vị sai phạm đợt này, Bộ chỉ gửi công văn nhắc nhở. Sau ngày 20-3-2005, những tổ chức, đơn vị nào cố tình không thực hiện quy định này, Thanh tra Bộ thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 55 với số tiền từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Sẽ phân cấp cho các Sở cấp phép và quản lý website
Theo ông Thành, cho tới nay Bộ Văn hoá - Thông tin mới chỉ cấp phép cho 200 website về báo điện tử, nhà cung cấp thông tin, trang tin điện tử tại VN. Theo số thống kê từ Trung tâm Quản lý tên miền Internet (VNNIC), hiện ở VN có hơn 10.000 website đang hoạt động và được nhiều người quan tâm.
“Do đó bên cạnh việc chấn chỉnh các website có phép, trong thời gian tới Bộ Văn hoá Thông tin sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Công an để cương quyết xử lý các website “ngoài luồng”. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kết hợp với các ISP trong nước để ngăn chặn các website độc hại đang tuyên truyền phim ảnh “tươi mát”, các thông tin độc hại, đồi truỵ... để giúp môi trường mạng trở nên lành mạnh hơn”.
Những phương pháp sẽ được các nhà chức trách thực hiện trong thời gian tới gồm tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật; xây dựng các phần mềm quản lý, xử lý; nâng cao trách nhiệm cho chủ quản lý Internet công cộng; đồng thời nâng cao ý thức sử dụng cho người dùng. Đặc biệt, để thực hiện việc cấp phép và quản lý một cách bài bản hơn, sau chiến dịch này, đoàn Thanh tra Bộ Văn hoá thông tin sẽ kiến nghị Bộ phân cấp cho các Sở cấp phép và quản lý các wesite của các công ty, đơn vị địa phương, còn Bộ sẽ quản lý ở mức trung ương.
Thuỳ Minh (Theo TTO)