Các ổ cứng sử dụng chuẩn External Serial ATA (eSATA) sẽ có tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp 5 lần chuẩn truyền dữ liệu USB 2.0 đang thịnh hành hiện nay.
Chuẩn truyền dữ liệu eSATA II có khả năng truyền dữ liệu ở tốc độ 300Mbit/giây trong khi USB 2.0 chỉ đạt tốc độ tối đa khoảng 45Mbit/giây. Các ổ cứng đầu tiên sử dụng chuẩn SATA cũng đã đạt tốc độ truyền đến 150Mbit/giây. Jeff Loebbaka, phó chủ tịch của hãng chế tạo đĩa cứng Seagate nổi tiếng, đã trình diễn công nghệ mới này vào cuối tuần qua cho biết rằng eSATA là chuẩn “hết sức dễ sử dụng và có tốc độ truyền cực nhanh”.
Cuộc thử nghiệm diễn ra với 2 đĩa cứng Seagate 160Gb – 7200 vòng/phút – 8MB bộ nhớ mở rộng cùng với card PCI NetCell eSATA RAID. Các đĩa cứng eSATA này có thể được sử dụng để tạo nên các mảng ma trận chuẩn RAID dành cho các máy chủ.
Quá trình sao lưu dữ liệu sử dụng đĩa cứng mở rộng (gắn ngoài) theo chuẩn eSATA I có thể hoàn tất chỉ sau 10 phút thay vì 50 phút. Một số nhà cung cấp phần cứng đã thử sử dụng cổng SATA gắn trong để kết nối với hộp đĩa bên ngoài, tuy nhiên cổng SATA gắn trong lại không tương thích với chuẩn thiết kế của eSATA chứng tỏ chưa có sự tương hợp giữa internal SATA và external SATA.
Tổ chức SATA I/O là chủ sở hữu bản quyền công nghệ của external SATA. Tổ chức này đã phát triển nên chuẩn SATA vì các nhà sản xuất đĩa cứng đã nhận ra được sự ưu việt của chuẩn này vì vậy yêu cầu thực tế của đời sống công nghệ đang đòi hỏi có một sự kết nối chuẩn giữa các đĩa cứng SATA gắn ngoài đến các PC hoặc máy chủ.
Các chi tiết kỹ thuật đặc thù của eSATA đã được công bố vào giữa năm 2004 bao gồm các chuẩn của cáp, kết nối và chuẩn tín hiệu. Sợi cáp theo chuẩn eSATA dài khoảng 2m dùng để kết nối đĩa cứng với máy tính bằng các chuẩn kết nối cực mạnh và dễ sử dụng. Các thiết bị sử dụng eSATA có khả năng cắm là chạy cực nhanh, cực kỳ thích hợp khi dùng để sao lưu dữ liệu hoặc chuyển giao các file dữ liệu cực lớn. Tuy nhiên công nghệ eSATA vẫn còn quá mới nên chưa được nhiều người biết đến và chưa được đưa ra ứng dụng rộng rãi.
eSATA ưu việt hơn đã ra đời nhưng không có nghĩa là thời đại của USB đã chấm dứt, đơn giản chỉ vì hiện nay USB 2.0 đã ở mức quá phổ biến và gần như chưa thể gạt ra ngoài lề công nghệ chỉ trong một vài năm trời. Nhưng tốc độ “rùa” của USB không thể giữ nó tồn tại quá lâu. Nhu cầu về các loại đĩa gắn ngoài chạy theo chuẩn eSATA sớm muộn cũng sẽ phổ biến và đây sẽ là kết nối chuẩn của mọi loại thiết bị trong thời gian tới. Tính từ thời điểm này trở đi thì thời đại của kết nối chuẩn hóa eSATA đã bắt đầu.
(Theo TTO)