Sau khi xuất hiện 8 tháng trước tại Philippines, loại virus ĐTDĐ đầu tiên trên thế giới đã lan tới Mỹ với khả năng ngốn sạch hết nguồn pin của điện thoại.
Virus Cabir yêu cầu chấp nhận để cài đặt vào ĐTDĐ của "khổ chủ". |
Loại virus có tên Cabir (hay Caribe) này đã lây lan một cách chậm chạp qua 12 quốc gia, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên virus ĐTDĐ. Rất có thể một ngày nào đó, nó sẽ gây tổn hại tới cộng đồng dùng ĐTDĐ hiện có 1,5 tỷ người trên toàn cầu.
Theo ông Mikko Hypponen, Giám đốc hãng bảo mật F-Secure, ảnh hưởng lớn nhất của loại virus có vẻ vô hại này, với 15 biến thể đã xuất hiện, là ngốn hết điện năng pin của ĐTDĐ.
Ông Hypponen cho biết virus Cabir đã được phát hiện trong tuần qua tại một cửa hàng bán thiết bị công nghệ cao ở Santa Monica, California. Một chuyên gia đã nhìn thấy những dấu hiệu của virus Cabir trên màn hình một chiếc điện thoại thông minh đang bày trong cửa hàng.
ĐTDĐ của chủ cửa hàng trên cũng đã bị nhiễm virus Cabir, Hypponen cho biết. Cả hai thiết bị nhiễm virus đều là của hãng Nokia. Ông Hypponen cho biết có thể các thiết bị khác trong khu vực cửa hàng cũng đã bị Cabir tấn công, tuy nhiên chưa có khẳng định nào về việc này.
Các nhà phân tích cho rằng những tính năng đa dạng của ĐTDĐ thông minh đã khiến chúng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước virus so với các loại điện thoại chỉ có chức năng đàm thoại đơn giản.
Không như các loại virus lây lan nhanh chóng qua Internet ra khắp toàn cầu, Cabir lây lan chậm chạp vì chỉ có khả năng dò quét trong khoảng cách ngắn (vài chục met) để tìm các máy ĐTDĐ thông minh khác thông qua giao thức Bluetooth. Nó cũng đòi hỏi người dùng phải chấp nhận một yêu cầu cài đặt và khởi động lại máy để có thể xâm nhập thành công.
Trong trường hợp Cabir lây lan sang các quốc gia khác, những chiếc điện thoại thông minh nhiễm virus này đã được chủ máy cầm sang nước khác để sử dụng.
Cho tới nay, Cabir đã được phát hiện ở khá nhiều nước, từ Trung Quốc cho tới Anh. Trong tháng 11, một loại virus ĐTDĐ khác có tên "Skulls" (đầu lâu) nhằm vào các loại ĐTDĐ cao cấp đã được gửi tới các hãng bảo mật. Đây được coi là một bằng chứng cảnh báo ngành công nghệ bảo mật về khả năng phát tán của dạng virus ĐTDĐ.
B.M. (Theo Reuters)