221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
505404
Sáng kiến Kiên Giang: Nối mạng ĐBSCL với thế giới
1
Article
null
Sáng kiến Kiên Giang: Nối mạng ĐBSCL với thế giới
,

(VietNamNet) - Hội thảo Kiên Giang 2004 đã thông qua "Sáng kiến Kiên Giang" nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Một ý tưởng hay nhưng sự thành công liệu có đến, nếu chỉ đến từ một chiều?

Trang bị máy tính: Dân đi nhanh hơn Nhà nước

Thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang không lớn. Thế nhưng nếu muốn tìm một điểm dịch vụ Internet để gởi email cho bạn bè chẳng hạn, bạn chắc phải đỏ mắt mà tìm… Đại diện Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) tỉnh Kiên Giang so sánh: Cả tỉnh có khoảng 7.000 máy tính (gộp luôn số máy của các cơ quan nhà nước và của dân). Trong khi đó, chỉ riêng quận Gò Vấp (TP.HCM) đã có tới 300.000 máy tính.

Ông Bùi Ngọc Sương - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Nhận thức của các ngành, các cấp về vai trò của CNTT chưa đúng mức. (Ảnh: CV)

TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Dù chưa có điều tra về nguồn lực CNTT ở ĐBSCL nhưng thị trường CNTT ở khu vực này quả còn rất yếu. Rất ít công ty làm phần mềm, đồng thời việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp hầu như không đáng kể. Mỗi năm, Đại học Cần Thơ vẫn cho ra trường 200 kỹ sư tin học, 100 cử nhân cao đẳng tin học. Thế nhưng do không có đất dụng võ nên số nhân lực này hoặc phải tìm việc tại TP.HCM, hoặc phải chấp nhận… làm trái ngành, hay… thất nghiệp!

Ông Lương Thanh Hải, giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang lại nhìn nhận vấn đề một cách khá lạc quan. Theo ông, toàn tỉnh đã đạt 114.308 máy điện thoại (cố định và di động), đạt mật độ 7,04 máy/100 dân (trong khi mật độ cả nước là 10 máy/100 dân). Với số lượng 2.934 thuê bao Internet, đạt mật độ 0,18 thuê bao/100 dân được ông Hải nhận xét là “tốc độ tăng trưởng Internet nhanh!”. Thế nhưng một báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang cho thấy người dân gần như đã vượt qua Nhà nước trong việc đầu tư trang bị máy tính. Năm 2003, khu vực nhà nước tỉnh Kiên Giang đã trang bị trên 3.000 máy tính với kinh phí gần 35 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ riêng thị xã Rạch Giá và huyện Phú Quốc, người dân đã tự trang bị gần 4.000 máy tính các loại, trị giá 22,3 tỷ đồng.

Thuê bao Internet ở ĐBSCL (đến tháng 1/2004)

Tỉnh Diện tích (km2) Dân số (1.000 người) 1260 1268 + 1269 Tổng cộng

Cần Thơ

2.985,6

1.852,1

2.993

2.414

5.347

An Giang

3.406,2

756,8

1.299

2.958

4.187

Kiên Giang

6.269,1

1.542,8

960

1.439

2.399

Đồng Tháp

3.238,1

1.592,6

618

1.266

1.884

Vĩnh Long

1.475,2

1.023,4

755

1.122

1.877

Bạc Liêu

2.523,9

756,8

502

1.212

1.714

Cà Mau

5.195,1

1.158,0

471

1.091

1.562

Trà Vinh

2.215,2

989,0

476

310

786

 

Máy tính xem như đã có… nhưng còn thông tin? Có thể xem ý kiến của ông Lương Thanh Hải là nỗi bức xúc chung của lãnh đạo và người dân ở ĐBSCL: Hơn 70% dân cư ĐBSCL sống ở vùng nông thôn. Người dân có nhu cầu tiếp nhận các loại thông tin phục vụ sản xuất và đời sống phù hợp với điều kiện sinh sống đặc thù trong khu vực. Tuy có khá nhiều website nhưng website của Bộ, ngành thì không phù hợp cho tất cả địa bàn dân cư trong cả nước; còn website của các địa phương thì rời rạc, không liên kết với nhau dù trong cùng một khu vực. "Điểm chung của website của ta là chưa có nội dung thiết thực phục vụ đúng nhu cầu thông tin mà đối tượng cần. Càng đáng ngại hơn, các website của ta chỉ thông tin một chiều!" - ông Hải nhận xét.

Thêm nữa, mặc dù có tới 900 đại biểu tham dự ngày đầu tiên của Hội thảo song sự vắng mặt của nhiều lãnh đạo cấp tỉnh ở ĐBSCL đã khiến cho không ít đại biểu lo lắng: Phải chăng lãnh đạo các tỉnh ở khu vực ĐBSCL vẫn tiếp tục chưa quan tâm tới việc ứng dụng và phát triển CNTT?

Trong góc độ của mình, ông Bùi Ngọc Sương - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thẳng thắn thừa nhận: “Nhận thức của các ngành, các cấp về vai trò của CNTT chưa đúng mức. Thiếu hiểu biết về CNTT! Từ đó, chưa quan tâm thường xuyên đến việc ứng dụng và phát triển CNTT, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo…”.

Từ đó, trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Ngọc Sương đã đề nghị thông qua “Sáng kiến Kiên Giang”, nhằm tìm phương thức hữu hiệu để thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển CNTT ở khu vực nông nghiệp ĐBSCL.

ĐBSCL: Không thể đứng ngoài hội nhập toàn cầu

Thứ trưởng thường trực Bộ BC-VT Mai Liêm Trực nói: Đến làm việc ở Kiên Giang, ông đã nhìn thấy lãnh đạo tỉnh dành nửa giờ vào mỗi buổi sáng để vào mạng cập nhật thông tin, tình hình mới. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng đã mạnh dạn chi 1% ngân sách địa phương cho CNTT. Đó là những tín hiệu lạc quan nhằm thúc đẩy việc đưa CNTT (Internet) về nông thôn.

ĐBSCL không thể đứng ngoài xu thế hội nhập toàn cầu.

Ông cũng lưu ý: Chỉ cần một người dân ở Phú Quốc gọi điện thoại đến một trong số ba tỷ số điện thoại (cố định và di động) trên thế giới này. Trong nháy mắt, tổng đài đã ghi nhận được mọi thông tin về cuộc gọi (số máy gọi đi, gọi đến, thời gian gọi, cước phí…). Chỉ có CNTT mới đưa đến điều kỳ diệu này. Và, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông, nhiều lĩnh vực khác trong sản xuất và đời sống đều có những thay đổi đáng kể nhờ CNTT. “ĐBSCL không thể đứng ngoài xu thế này” - Thứ trưởng Mai Liêm trực nhấn mạnh.

Trong phạm vi quốc gia, Thứ trưởng Mai Liêm Trực cho rằng đến năm 2005, sẽ có những bước đột phá về viễn thông và Internet”. Ông tiết lộ: Bộ BC-VT đang trình Chính phủ chiến lược phát triển CNTT–VT, giai đoạn từ nay đến 2010, 2020. Chiến lược này hiện đang được xem xét để thông qua vào cuối năm nay. Theo đó, sẽ hạn chế độc quyền trong lĩnh vực viễn thông. Thông qua cạnh tranh, giá cước viễn thông, Internet sẽ hạ hơn so với hiện nay và kích thích người dùng sử dụng các dịch vụ CNTT-VT nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Mai Liêm Trực tỏ ý muốn đẩy mạnh “Sáng kiến Kiên Giang”.

Bốn mục tiêu mà Thứ trưởng Mai Liêm Trực đề ra đối với việc phát triển CNTT ở ĐBSCL là: Phát triển cơ sở hạ tầng và viễn thông Internet; xây dựng công nghiệp phần cứng, phần mềm; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực CNTT; thúc đẩy ứng dụng CNTT trong toàn xã hội.

Sáng kiến Kiên Giang: Có đi vào dân?

Và ông Trực đề nghị: Trước mắt, ĐBSCL cần giới thiệu các điển hình ứng dụng thành công CNTT trong cả nước cho người dân được biết. Cần thành lập một cổng thông tin kết nối khu vực ĐBSCL với cả nước và một mạng thông tin liên kết của ĐBSCL. Mạng thông tin này nhất thiết phải có forum (diễn đàn) để tạo nên một không gian thông tin đa chiều. Nhờ đó, người dân có thể trao đổi với nhau hoặc trao đổi với chính quyền những thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống phù hợp với đặc thù khu vực ĐBSCL.

TS Phạm Văn Sáng, giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai: Chúng tôi mua tin (thắc mắc độc đáo) của nông dân để làm giàu kho dữ liệu của website phục vụ nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh. (Ảnh: CV)

Thứ trưởng Mai Liêm Trực đã giao trách nhiệm cho Trung tâm VDC 2 (thuộc Công ty Điện toán và Truyền Số liệu VDC) thiết lập và duy trì cổng thông tin nói trên. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ đã đồng ý giao công tác quản trị mạng thông tin này cho Đại học Cần Thơ. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng giao Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang làm nhiệm vụ chắp nối, tạo cơ chế và mối liên kết với các tỉnh bạn thuộc ĐBSCL để hình thành mạng thông tin ĐBSCL. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác nói trên sẽ được cấp từ Bộ BC-VT và từ kinh phí các Sở KH-CN ở các tỉnh, thành trong khu vực.

“Sáng kiến Kiên Giang” liệu sẽ thành công? TS Đỗ Nam, giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên-Huế, một người từng có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia các chương trình ứng dụng và phát triển CNTT trong nhiều năm qua,  và đã có một tham luận đọc tại Hội thảo Kiên Giang 2004, nói: ”Phải trở lại điểm xuất phát: Nhu cầu của người sử dụng. Chỉ khi quan tâm đến người sử dụng, đến nhu cầu của họ thì CNTT mới thực sự đi vào cuộc sống”

... Bên ngoài hành lang Hội thảo, chủ cửa hàng Kim Ngân - một cửa hàng nổi tiếng chuyên bán các loại phần mềm Việt Nam trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, cho biết: Trong hai ngày Hội thảo, đã bán được 50 đĩa các loại nhưng người mua lại toàn là đại biểu (mặc dù Hội thảo mở rộng cửa cho mọi người tham dự). Khi gần hết đĩa để bán, cô gọi cho đại lý của mình ở Rạch Giá mang thêm đĩa đến phục vụ. Chừng đó, đại lý của Kim Ngân mới... bật ngửa: Té ra có một... hội thảo về CNTT ở ngay Trung tâm Văn hóa tỉnh nhà!

Cô chủ cửa hàng Kim Ngân tỏ ra tiếc rẻ: Nếu người dân biết và đến với Hội thảo, chắc chắn số lượng đĩa bán được sẽ nhiều hơn hẳn.

Miễn bình luận về nỗi tiếc rẻ "mang tên Kim Ngân" ấy, chỉ càng ngẫm nghĩ nhiều hơn về đề nghị rất đúng của TS Đỗ Nam!

Bích Vân 

Tin, bài liên quan:

Sáng kiến Kiên Giang: Đưa Internet về nông thôn

Công nghệ thông tin góp gì cho sự phát triển ĐBSCL?

Sáng kiến Kiên Giang: Ai lo cổng, mạng thông tin, phối hợp?

Mua "tin" của nông dân để khuyến khích làm quen Internet

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,