221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
500024
Mười năm, chín lần giảm cước di động...
1
Article
null
Kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Bưu chính-Viễn thông (15/8/2004):
Mười năm, chín lần giảm cước di động...
,

(VietNamNet) - Hơn tám triệu điện thoại trên mạng, với nhiều dịch vụ viễn thông theo kịp trình độ quốc tế là những thành quả đáng kể của ngành Bưu chính-Viễn thông (BC-VT) Việt Nam, góp phần tạo được bộ mặt cũng như tầm vóc riêng của viễn thông Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới. Được như vậy một phần là nhờ trong giai đoạn 1995-2004, Tổng công ty BC-VT Việt Nam (VNPT) đã chín lần giảm cước di động, mười lần giảm cước quốc tế... 

Năm 1888, chiếc máy điện thoại đầu tiên đã có mặt tại Việt Nam.

100 năm sau, vào năm 1988, số thuê bao mới ở Việt Nam đạt 200.000 - với mật độ 0,18 máy/100 dân

Khách hàng được chọn lựa nhiều dịch vụ viễn thông đa dạng.

Tháng 11/2003, số lượng thuê bao của VNPT vượt trên bảy triệu thuê bao, đạt tỷ lệ 8 máy/100 dân. Nhu cầu thị trường và năng lực kinh doanh vào thời điểm này đã đẩy nhanh tốc độ đua tranh của VNPT.

Để tạo nên con số này, ngành viễn thông đã tập trung nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng với mục đích mở những xa lộ mới phát triển thông tin. Cuối năm 1995, hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn quốc đã được số hoá hoàn toàn, khiến tốc độ tăng thuê bao vượt gấp 20 lần so với năm 1991.

Theo lộ trình này, mạng điện thoại di động (ĐTDĐ) đầu tiên xuất hiện: mạng MobiFone vào năm 1993. Đến giữa năm 1996, mạng Vinaphone cũng đã ra đời. Năm 1997, Internet xuất hiện tại Việt Nam.

Hiện tại, có ba nhà cung cấp mạng và dịch vụ cố định đường dài trong nước, quốc tế gồm: VNPT, Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Viễn thông Điện lực (ETC); năm nhà cung cấp dịch vụ di động gồm VinaPhone, MobiFone, SPT, Viettel và Hanoi Telecom; sáu nhà cung cấp kết nối Internet (IXP) gồm VNPT, FPT, Viettel, SPT, ETC, Hanoi Telecom và 13 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP).

Tuy nhiên, ngoài VNPT hiện đang cung cấp tất cả các dịch vụ, Viettel và ETC mặc dù đã có giấy phép cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet tương đương với VNPT nhưng vẫn chưa triển khai đầy đủ các dịch vụ đã được cấp phép. Cụ thể, về dịch vụ ĐTDĐ mới chỉ có SPT bắt đầu triển khai và Viettel chuẩn bị tham gia thị trường. Về dịch vụ điện thoại VoIP, chỉ có SPT, Viettel và ETC; về dịch vụ Internet, cũng mới chỉ có SPT, FPT, NetNam, OCI.

2001: Năm "được mùa" giảm cước viễn thông

Sở dĩ gọi như vậy vì trong năm 2001, ngành BC-VT đã giảm tới sáu loại cước viễn thông và chỉ tăng duy nhất một loại cước bưu chính. Theo đó, cước điện thoại một chiều đi quốc tế giảm 15%, cước di động trả tiền sau giảm 10%...

Sự kiện có ý nghĩa nhất trong năm là giá thuê bao điện thoại cố định từ 68.000 đồng giảm xuống còn 27.000 đồng/tháng. Cước hoà mạng ĐTDĐ - dịch vụ trả tiền sau đã giảm 20-25%, cước liên lạc giảm 10%. Mức giảm giá cuộc gọi đối với dịch vụ điện thoại trả tiền trước cũng được cân đối dựa trên cơ sở mức giảm của dịch vụ trả tiền sau.

Cước thuê kênh viễn thông đường dài trong nước và quốc tế giảm 25-30%, cước thuê cổng Internet trực tiếp của các ISP cũng được giảm xuống tương đương mức bình quân của các nước trong khu vực.

Mức cước quy định ban đầu cho ĐTDĐ nội vùng là 3.500đ/phút, liên vùng là 6.000đ/phút; cách vùng là 8.000đ/phút. Đến ngày 2/10/2001, trừ cước nội vùng vẫn giữ nguyên, cước liên vùng giảm xuống còn 5.000đ/phút, cước cách vùng còn 6.500đ/phút. Ngoài ra, còn giảm cước gọi vào khoảng thời gian từ 23 giờ đêm hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau.

Cước ĐTDĐ một vùng đã được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, cùng với việc giảm cước hòa mạng, tăng thời hạn sử dụng các thẻ trả trước.

Cước di động trả sau giảm mạnh. Cước thuê bao giảm 25%, từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng, cước hoà mạng giảm 5,5%, cước thông tin cũng giảm trung bình gần 10%. Cước thông tin trong những ngày nghỉ giảm tới 50%.

Nhưng có lẽ mức giảm nhiều nhất là cước Internet. Trong năm 2001, cước thuê cổng IAP, ISP từ ngày 1/7/2001 giảm gần 20% so với trước. Cấu trúc cước cũng điều chỉnh thay đổi theo phương thức khách hàng dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu (cả thuê cổng và lưu lượng sử dụng). Theo các chuyên gia của Tổng cục Bưu điện, đây là cấu trúc mới so với nhiều nước trên thế giới. Cước thuê cổng cho các Khu công nghiệp phần mềm cũng được giảm 30% đến 50%. Cước thuê cổng của các ISP và thuê bao trực tiếp cũng giảm gần 50%, cước thuê bao gián tiếp cũng giảm 15%.

Đặc biệt, từ tháng 10/2001, VNPT đã cho triển khai dịch vụ Internet trả trước. Hình thức thanh toán này so với trả sau giảm được tới 20% giá cước. Cước viễn thông quốc tế trong năm cũng giảm khoảng 15%. Việc mở thêm dịch vụ "Gọi 171" quốc tế cũng là một hình thức để giảm cước các cuộc gọi điện thoại quốc tế. Cước thuê kênh từ 1/7/2001 cũng giảm từ 28 đến 30%, thuê kênh quốc tế giảm 15%.

Sau hơn hai năm ra đời, ĐTDĐ trả trước đã trở nên quen thuộc với nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhưng có lẽ sự kích cầu thị trường tiêu dùng bằng cách giảm mạnh cước di động đã tạo nên mức tăng trưởng đáng ghi nhận sau đây: Dịch vụ Vinacard của Vinaphone năm 2000 đạt 210.000 thuê bao, sau một năm đã tăng lên gấp ba lần - với trên 600.000 thuê bao, chiếm xấp xỉ 75% tổng số thuê bao trên toàn mạng ĐTDĐ và phát triển thuận lợi trên 61/61 tỉnh, thành trong cả nước lúc đó.

Tính cả thuê bao cố định và di động, năm 2001, VNPT đã có trên 4,2 triệu máy điện thoại hoạt động trên mạng, đạt mật độ 5,5 máy/100 dân.

Với việc giảm rầm rộ cước Internet và triển khai dịch vụ Internet trả trước, dịch vụ Internet Việt Nam đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, với trên 200.000 người sử dụng đăng ký chính thức dịch vụ Internet.

2003: Năm "bùng nổ" các dịch vụ viễn thông

Trong năm 2003, các doanh nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT, viết tắt tiếng Anh là ICT) Việt Nam đã cho ra đời rất nhiều dịch vụ mới. Điển hình là dịch vụ ĐTDĐ sử dụng công nghệ CDMA, dịch vụ GPRS, mạng Internet tốc độ cao ADSL, và các điểm truy cập Internet di động (Hot spot) với dịch vụ Wi-Fi,...

Năm 2003, chỉ riêng VNPT đã phát triển mới thêm 1.794.583 thuê bao điện thoại, vượt 11,97% kế hoạch đặt ra. Trong đó, có 43,82% thuê bao cố định (tăng 0,65% so với năm 2002), và 56,18% thuê bao di động (tăng 63,85% so với năm 2002).

Những con số trên đã góp phần nâng tổng số thuê bao trên mạng đạt 7.286.114 thuê bao với mật độ 9,02 máy/100 dân. Trong đó, có 62,43% thuê bao cố định, 18,55% thuê bao di động MobiFone, 23,08% thuê bao di động Vinaphone, 0,75% thuê bao vô tuyến nội thị Cityphone.

Tháng 6/2003, Bộ BC-VT đã ra Quyết định 476/QĐ-BBCVT cho phép triển khai dịch vụ điện thoại Internet (Internet Telephony) - loại hình PC-to-PC trong nước và quốc tế;  loại hình PC-to-Phone chiều đi quốc tế. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (OSP) được triển khai cung cấp dịch vụ này cho công cộng kể từ ngày 1/7/2003.

Dịch vụ Internet Telephony bao gồm bốn hình thức (PC-to-PC, PC-to-Phone, Phone-to-PC và Phone-to-Phone), cho phép sử dụng Internet để truyền các cuộc liên lạc điện thoại. Đây là dịch vụ cho phép người sử dụng dịch vụ viễn thông tăng thêm sự lựa chọn điện thoại giá rẻ, đồng thời thúc đẩy phát triển ứng dụng Internet trong các hoạt động kinh tế xã hội.

Tháng 7/2003, sau hai mạng VinaPhone và MobiFone, mạng di động thứ ba là S-Fone - do Công ty cổ phần BC-VT Sài Gòn (Saigon Postel) chính thức ra mắt trên thị trường Việt Nam. Công nghệ mới CDMA cho chất lượng cuộc gọi tốt hơn, tính bảo mật cao, ít hao pin, với tốc độ truyền dữ liệu nhanh. Từ thời điểm này, thị trường ĐTDĐ bắt đầu sôi động, nhộn nhịp cạnh tranh gắt gao và quyết liệt hơn...

Các đợt giảm cước ''hâm nóng'' thị trường viễn thông

Ngày 1/1/2003, cước điện thoại quốc tế dùng giao thức IP giảm 10% so với cước hiện hành, cước điện thoại quốc tế mạng điện thoại chuyển mạch công cộng giảm 15,5%, cước thuê kênh viễn thông quốc tế giảm 15% và cước dịch vụ thông tin vệ tinh bằng các trạm mặt đất cỡ nhỏ (VSAT) giảm hơn 20%.

Ngoài ra, Bộ BC-VT cũng ban hành cách tính cước mới đối với cước điện thoại quốc tế: Mỗi cuộc gọi tối thiểu là 1 phút, mỗi block tính cước là 6 giây, thay vì block là 1 phút như trước đây.

Ngày 1/4/2003, Bộ BC-VT lại ra quyết định giảm mười loại cước viễn thông. Quan trọng nhất là quyết định về vùng tính cước của dịch vụ ĐTDĐ: giới hạn lại, chia thành hai vùng thay vì ba vùng như trước đây. Giá cước thuê bao dịch vụ ĐTDĐ trả sau còn 120.000đ/tháng (trước là 150.000đ/tháng), giá cước gọi Vùng 1 vẫn giữ nguyên 1.800đ/phút, Vùng 2 giảm còn 2.700đ/phút. Mức cước này giảm khoảng 34% so với trước đây.

Đối với dịch vụ di động trả trước, cước nội vùng giảm còn 3.300đ/phút (giảm 200 đồng); cách vùng còn 4.200đ/phút (giảm 800 đồng đối với Vùng 2 và 2.300 đồng đối với Vùng 3). Đối với ĐTDĐ thuê bao ngày, cước thuê bao ngày còn 2.700đ/ngày (giảm 300 đồng); cước gọi nội vùng là 2.100đ/phút; cách vùng còn 3.100đ/phút (giảm 400 đồng đối với Vùng 2, giảm 1.400 đồng đối với Vùng 3).

Từ năm 2003, rất nhiều dịch vụ Internet đã có mặt ở Việt Nam: ADSL, Internet di động (Hot spot) với công nghệ Wi-Fi,...

Cước điện thoại quốc tế giảm bình quân từ 30-35% đối với cả hai phương thức quay số trực tiếp (IDD) với giá cước được chia làm ba vùng và theo giao thức IP. Cước điện thoại quốc tế theo phương thức trực tiếp IDD Vùng 1 là 0,9 USD/phút; Vùng 2 là 1 USD/phút; Vùng 3 là 1,2 USD/phút. Cước điện thoại quốc tế theo phương thức IP tới tất cả các nước là 0,75 USD/phút.

Cước dịch vụ truy cập Internet qua mạng điện thoại công cộng được quy định mức tối đa đối với cước thuê bao Internet và thuê bao hộp thư điện tử là 27.273đ/thuê bao/tháng. Khung cước truy cập tối đa cho dịch vụ này là 180đ/phút và mức tối thiểu là 40đ/phút (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Ngoài ra, một số cước viễn thông khác cũng được giảm, như dịch vụ thuê kênh viễn thông quốc tế giảm bình quân khoảng 30-35%; cước thuê kênh viễn thông liên tỉnh giảm bình quân 20-30%.

Cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ

Ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 217/2003/QĐ/TTg về quản lý giá cước dịch vụ BC-VT. Theo đó, Chính phủ quy định nguyên tắc và căn cứ quản lý, quy định giá cước; thẩm quyền quản lý giá cước, nhiệm vụ và thẩm quyền của doanh nghiệp BC-VT.

Giá cước được xác định trên cơ sở chi phí sản xuất sản phẩm dịch vụ, quan hệ cung cầu trên thị trường và tương quan hợp lý với mức giá cước của khu vực và thế giới. Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng Bộ BC-VT được giao nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý giá cước. Người sử dụng có quyền được thông tin đầy đủ, chính xác, được khiếu nại đối với những sai sót về giá cước, sai sót trong việc cung cấp giá cước... và tất nhiên phải có nghĩa vụ thanh toán tiền giá cước theo hợp đồng thỏa thuận.

Tiếp thị của mạng MobiFone dựa trên chính sách giảm giá cước. (Ảnh: H.Y)

Với Quyết định 217/2003/QĐ/TTg, Nhà nước đã tôn trọng quyền định giá cước và quyền cạnh tranh về giá cước của các doanh nghiệp BC-VT theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp đều có thể sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bình ổn giá cước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, cũng như các doanh nghiệp BC-VT và Nhà nước; được tạo điều kiện để các doanh nghiệp này phát triển mạng lưới dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, biên giới, hải đảo.

Tiếp theo đó, ngày 6/1/2004, Bộ BC-VT đã có công văn số 16/BBCVT-KHTC hướng dẫn triển khai Quyết định 217/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ BC-VT. Theo đó, doanh nghiệp không nắm thị phần khống chế được tự quyết định giá cước các dịch vụ viễn thông.

Văn bản cũng quy định rõ: VNPT chiếm thị phần khống chế đối với các dịch vụ điện thoại đường dài trong nước (PSTN, IP), điện thoại quốc tế (PSTN, IP), dịch vụ cho thuê kênh (quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh, nội hạt), các dịch vụ của mạng ĐTDĐ (cả trả trước và trả sau), Internet (kết nối, truy nhập) và dịch vụ Inmarsat (cho phép cung cấp thuê bao di động vệ tinh, trên biển và di động mặt đất).

Viettel chiếm thị phần khống chế đối với dịch vụ điện thoại quốc tế IP và Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải (Vishipel) chiếm thị phần khống chế đối với dịch vụ Inmarsat.

Đây được xem là một bước tiến lớn, nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh hơn, đồng thời xóa bỏ sự e ngại của các doanh nghiệp "nhỏ" trước "đại gia" trong ngành là VNPT.

Điển hình nhất, ngay sau khi văn bản này ra đời, từ ngày 20/1/2004, mạng ĐTDĐ sử dụng công nghệ CDMA đầu tiên của Việt Nam S-Fone đã đăng ký tính cước theo block 10 giây ngay từ phút đầu tiên. Theo đó, cuộc gọi không quá 10 giây sẽ được tính cước thành 1 block và khách hàng chỉ trả 300 đồng thay vì phải trả 1.800 đồng theo cách tính cước trọn phút thông thường. Theo khảo sát của các chuyên gia, cách tính cước này tiết kiệm trung bình 20% so với cách tính thông thường và tiết kiệm tối đa đến 83% đối với các cuộc gọi không quá 10 giây.

2004: Cuộc "cách mạng" của các chiến dịch giảm cước

Tính đến ngày 21/4/2004, mạng điện thoại của Việt Nam đã đạt trên 8.029.814 máy điện thoại. Trong đó, máy điện thoại cố định chiếm 59,69%, mạng di động VinaPhone chiếm 23,95%, mạng di động MobiFone chiếm 15,09%, mạng Cityphone, CDMA chiếm 1,27%. Đó là kết quả đạt được nhờ vào hai đợt giảm cước trong năm của VNPT.

Từ ngày 1/5, cước dịch vụ thông tin di động hai mạng Vinaphone, MobiFone, cước gọi quốc tế IDD, gọi IP quốc tế đều giảm đáng kể, thực sự đã đáp ứng được sự trông đợi của người tiêu dùng. Đặc biệt, sự biến đổi lớn nhất trong giới thông tin di động là việc tính cước theo block 30 giây, thay vì block 1 phút trước đây, tiết kiệm hơn cho người sử dụng.

So sánh số thuê bao của VNPT trước và sau ngày giảm cước 1/5/2004

Đơn vị

Trước ngày giảm cước (21/4/2004)

Sau ngày giảm cước (30/6/2004)

 Số thuê bao phát triển mới

Thuê bao  cố định

4.792.996

4.904.127

111.131

Thuê bao  Vinaphone

1.923.140

2.026.706

103.566

Thuê bao MobiFone

1.211.699

1.309.435

97.736

Thuê bao toàn mạng

8.029.814

 

8.340.353

 

310.539

 

Theo đó, cước ĐTDĐ dịch vụ trả trước chỉ còn 1.500đ/30 giây, cước ĐTDĐ dịch vụ trả sau còn 850đ/30 giây. Cước gọi quốc tế IDD Vùng 1 là 0,65 USD/phút; Vùng 2 là 0,7 USD/phút; và Vùng 3 là 0,75 USD/phút.

So với trước đây, cước dịch vụ điện thoại quốc tế IP trả trước giảm đáng kể, còn 0,42-0,52 USD/phút; trả sau là 0,52-0,63 USD/phút.

Đối với dịch vụ Internet, từ ngày 1/1/2004, VNPT cũng ban hành nguyên tắc xác định cước truy nhập Internet/VNN áp dụng chung cho tất cả các điểm công cộng trên cả nước, với mức cước tối thiểu cho các phương thức truy cập gián tiếp 1260, 1268, 1269, ADSL (Mega VNN) và Wi-Fi  là 3.000đ/giờ, thay cho mức cước cũ là 180đ/phút giá trần và 40đ/phút giá sàn.

Đặc biệt, so với các đợt giảm cước trước đó, quyết định của Bộ BC-VT lần này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới, thay đổi cước kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Theo đó, Bộ quy định với mỗi cuộc điện thoại gọi từ mạng S-Fone vào mạng VinaPhone và MobiFone, SPT sẽ chỉ phải trả cho VNPT 765đ/phút thay vì mức cước 820đ/phút như trước đây. Ngược lại, mỗi cuộc điện thoại từ mạng VinaPhone và MobiFone gọi vào mạng S-Fone, VNPT vẫn phải trả mức cước kết nối cũ là 900đ/phút.

Lần đầu tiên từ khi mạng di động GSM xuất hiện, quyết định cước một vùng, thống nhất trên toàn quốc đã được áp dụng. Khách hàng chưa hết phấn khởi thì lại biết đến tin vui liên tiếp: giảm cước hòa mạng và tăng thời hạn sử dụng các thẻ trả trước.

Năm 2004, VNPT đã hoàn thành chỉ tiêu 10 máy/100 dân.

So sánh lượng thuê bao di động (tính đến 30/6/2004)

Đơn vị

Số thuê bao di động

 Thị phần

VNPT

3.336.141

98,12%

S-Fone

60.000

1,76%

Viettel

4.000 (thử nghiệm)

0,12%

Tổng số

3.400.141

100%

Đợt giảm cước của VNPT còn dành cho cước dịch vụ gọi IDD và và gọi VoIP quốc tế. Mặc dù giảm mạnh song bù lại, VNPT đã có một sản lượng đáng kể từ sau ngày giảm cước 1/5: Sản lượng viễn thông quốc tế tính đến ngày 30/6/2004 của VNPT đã đạt khoảng 271,08 triệu phút (chiếm 57,57% tổng sản lượng điện thoại quốc tế Việt Nam), tăng 26,81% so với cùng kỳ năm 2003 - trong đó VoIP chiếm 54,54%, IDD chiếm 45,46%.

Chỉ tính riêng tháng 6 năm 2004, tỷ trọng dịch vụ VOIP quốc tế giữa các nhà khai thác như sau: VoIP VTI (Công ty Viễn thông quốc tế VNPT) chiếm 43,64%; Viettel chiếm 24,99%; SPT chiếm 15,11; VP Telecom (Công ty Viễn thông Điện lực) chiếm 12,84% và Vishipel chiếm 3,42%.

Như thế, trong khoảng thời gian không dài và gấp rút, cước viễn thông Việt Nam đã không ngừng đổi mới, liên tục được điều chỉnh phù hợp với các doanh nghiệp cũng như mong muốn của người tiêu dùng. Hơn tám triệu máy điện thoại trên mạng, với nhiều dịch vụ viễn thông theo kịp trình độ quốc tế là những thành quả đáng kể của ngành BC-VT Việt Nam. Điều này đã tạo được bộ mặt cũng như tầm vóc riêng của viễn thông Việt Nam, so với các nước trong khu vực và thế giới.

Đinh Hằng 

Tin, bài liên quan:

Thời cơ mới, vị thế mới để nâng mức phát triển ICT

VNPT: Từ ''anh bưu điện'' đến tập đoàn kinh tế mạnh

Tháng 9: Phê duyệt thí điểm mô hình Tập đoàn BC-VT

Trong giai đoạn đổi mới, VNPT có vai trò chủ lực

Bưu chính Việt Nam 2010: Tin học hoá, kinh doanh có lãi

Nỗ lực hết mình cho mục tiêu 100% xã có điện thoại

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,