221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
495436
Kinh doanh phần mềm nguồn mở: Phá vỡ mọi quy luật
1
Article
null
Kinh doanh phần mềm nguồn mở: Phá vỡ mọi quy luật
,

Chỉ vỏn vẹn năm tháng, John Roberts đã lập một công ty phần mềm và tiếp cận sản phẩm đầu tiên tới hàng ngàn khách hàng tiềm năng - một quá trình theo lẽ thường phải kéo dài ít nhất vài năm. Bí quyết của Roberts? Tất cả là nhờ phát triển nguồn mở. 

Ngày hôm qua, SugarCRM, công ty mới của Roberts đã chính thức khai trương, cùng với thông báo nhận được hai triệu USD đầu tư từ bên ngoài. SugarCRM đã trở thành một trong những hãng phần mềm ứng dụng doanh nghiệp nguồn mở đầu tiên được rót vốn. Lý giải cho thành công chóng vánh này của mình, Roberts cho biết: "Kinh doanh phần mềm nguồn mở là một mô hình hiệu quả hơn, có năng suất hơn. Không chỉ đơn thuần là một phần mềm giá rẻ, nó là một sự thay đổi, một sự chuyển động, tạo ra động lực mới cho kinh doanh phần mềm thời buổi hiện nay''. 

Ngày càng có nhiều những doanh nhân như Roberts, cùng với giới đầu tư, nhận định nguồn mở là một hướng thành lập công ty triển vọng hơn. Thay vì phải gánh chịu những khoản đầu tư ban đầu khổng lồ cho cơ sở vật chất, cũng như chiêu mộ nhân viên bán phần mềm lương cao chót vót, các hãng nhỏ đang xây dựng công việc kinh doanh của mình xung quanh mô hình kinh doanh nguồn mở, nơi mã nguồn phần mềm có thể cho người khác xem tự do và chỉnh sửa tuỳ ý. 

Với việc bước chân vào thế giới của nguồn mở, các hãng phần mềm "mới ra ràng'' có thể lắp ráp sản phẩm phần mềm của mình từ những bộ phận hoàn toàn miễn phí. Các nhà lập trình tình nguyện không chỉ giúp phát triển sản phẩm mà còn tạo ra một khối khách hàng tiềm năng cho những công ty mới thành lập như SugarCRM. Đổi lại, giới lập trình có điều kiện phát triển các kỹ năng mới và nhận được phần mềm miễn phí. 

Roberts ý thức rất rõ đối thủ của mình là ai. Đó có thể là một loạt những "người khổng lồ" đã thành danh trên thị trường như Oracle, SAP và Siebel Systems. Thế nhưng với khoản đầu tư ban đầu khiêm tốn, giới doanh nhân và các hãng đầu tư mạo hiểm đang sẵn lòng "liều mình một phen''. Nếu thắng, họ sẽ tìm ra cách thức mới để phá vỡ mọi quy luật kinh doanh công nghệ thông tin truyền thống, bởi nguồn mở sẽ giúp họ giành được sự chấp nhận rộng rãi trong người sử dụng một cách nhanh chóng. 

Sự chú ý ngày càng tăng từ phía người tiêu dùng đã giúp hình thành những điều kiện và bối cảnh thị trường có lợi hơn cho những hãng như SugarCRM. Trong bản báo cáo hồi tháng 3 năm nay có tên "Nguồn mở đang trở thành xu hướng chủ đạo'', Forrester Research cho biết trên 60% trong số 140 công ty được hỏi đã có kế hoạch sử dụng, hoặc đang sử dụng các sản phẩm nguồn mở. Tại các hãng này, Linux được sử dụng vào rất nhiều khu vực và nhiệm vụ, từ máy chủ cho đến máy chủ web, cơ sở dữ liệu, công cụ phát triển và kể cả phần mềm cho máy tính để bàn. 

Lật đổ mô hình truyền thống

Trước đây, để khởi nghiệp một công ty công nghệ cao, người ta thường kết hợp đội ngũ quản lý với lực lượng kỹ sư hùng hậu, tích cóp và gom góp một số vốn nhất định rồi cố gắng "tìm bắt" những người sử dụng tìm kiếm công nghệ hiện đại mà các nhà cung cấp hiện tại bất lực. Trong khi đó, phát triển nguồn mở có thể rút ngắn đáng kể quá trình này, đẩy nhanh thời gian sản phẩm bước ra thị trường và giảm được chi phí cần có để điều hành công ty. Các dự án nguồn mở hoàn toàn có thể cho ra lò những sản phẩm chất lượng cao, một chín một mười với các phần mềm "nguồn đóng", vì mã nguồn được chia sẻ với rất nhiều người và khả năng phát hiện ra lỗi kỹ thuật là rất cao.

Lấy thí dụ ngay với SugarCRM. Hãng này xây dựng các ứng dụng kinh doanh hoàn toàn dựa trên thư viện thông dụng của phần mềm cơ sở hạ tầng nguồn mở, bao gồm hệ điều hành máy chủ Linux, máy chủ Web Apache, cơ sở dữ liệu MySQL và ngôn ngữ phát triển Web PHP. Thậm chí SugarCRM cũng chẳng phải mua một máy chủ phần cứng để phát triển phần mềm nữa. Một công ty hosting ở Connecticut đã cung cấp dịch vụ này với giá rẻ hơn rất nhiều. 

Nếu đi theo lối mòn truyền thống - mua giấy phép sử dụng phần mềm thương mại, rồi mua phần cứng mới tương thích, doanh nghiệp có thể dễ dàng mất thêm hàng trăm ngàn USD như chơi. Chính vì vậy, các công ty nguồn mở bao giờ cũng có chi phí điều hành thấp một cách đáng kinh ngạc so với các hãng phần mềm truyền thống.

Thay vì móc túi hơn một nửa ngân sách để tiếp thị và bán hàng, họ chỉ phải dựa vào phương pháp quảng cáo "truyền mồm'' đặc trưng cho cộng đồng nguồn mở. Chi phí điều hành thấp hơn, kết hợp với sản phẩm giá thấp hoặc miễn phí sẽ cho phép các hãng này cạnh tranh "ác liệt'' về giá cả với các ông lớn mà chẳng phải nghĩ suy. "Phần mềm hiện nay có giá quá cao. Sẽ khó có những công ty như SAP và Oracle xuất hiện trong tương lai, vì họ không thể cạnh tranh về giá với nguồn mở." - Josh Stein, nhà phân tích của Draper Fisher Jurverson, một công ty đầu tư mạo hiểm cho biết.

Có rất nhiều mô hình kinh doanh khác nhau cho phép kiếm tiền từ phần mềm miễn phí. Một trong số đó, hiện đang được Red Hat sử dụng, là tính phí thuê bao dịch vụ và hỗ trợ đối với phần mềm miễn phí. Trong khi đó, hãng cơ sở dữ liệu nguồn mở MySQL lại cấp giấy phép thương mại cho những khách hàng muốn có hỗ trợ bên ngoài. Zend Technologies thì tính giá đối với các sản phẩm có nhiều chức năng hơn so với phiên bản phần mềm nguồn mở. 

Nhưng vẫn phải dè chừng...

Bất chấp những ưu điểm không thể phủ nhận ấy, mô hình phát triển nguồn mở vẫn vấp phải những thách thức không nhỏ. Các hãng cung cấp phần mềm với mô hình phần lớn là "nguồn đóng", như Microsoft và Oracle, có thể bảo vệ nghiêm ngặt sở hữu trí tuệ của mình. Nhưng với việc có nhiều người cùng tham gia, đóng góp vào một dự án duy nhất, phát triển nguồn mở có thể đụng phải những vấn đề liên đới đến pháp luật như bản quyền và giấy phép sử dụng, mà đó lại chẳng phải việc của riêng ai, dù là công ty phần mềm hay người sử dụng. 

Một dự án nguồn mở muốn thành công cần phải có sự đóng góp công sức và trí tuệ của cả một cộng đồng hùng hậu. Nhưng với số lượng hàng chục ngàn dự án nguồn mở hiện nay, một dự án muốn thành công phải thực sự "nổi bật'' trong đám đông. Theo dự đoán của giới phân tích, trong tương lai, các dự án nguồn mở cần phải phát triển một phương thức xây dựng cộng đồng hỗ trợ mới, cũng như đẩy mạnh tìm kiếm tài trợ từ các hãng lớn. Lấy thí dụ, Quỹ Nguồn mở Eclipse đã nhận được khoản đầu tư lên tới 40 triệu USD của IBM và đang do nhân viên cùng quan chức các hãng phần mềm thương mại điều hành chứ không phải người tình nguyện. 

Cho đến nay, nguồn mở có tác động mạnh nhất trên thị trường cấu thành phần mềm cơ sở hạ tầng, vì các nhà lập trình phần mềm có đóng góp cho dự án cũng chính là đối tượng khách hàng tiềm năng. Họ đã từng góp công trong việc phổ biến cơ sở dữ liệu nguồn mở, máy chủ ứng dụng Java và các công cụ phát triển phần mềm. Hơn nữa, trái với suy nghĩ của nhiều người, phần mềm nguồn mở lại tỏ ra phù hợp nhất với các thị trường cũ, nơi giá rẻ có thể lôi kéo không ít khách hàng. 

SugarCRM là một trong số ít những công ty kinh doanh nguồn mở khai phá địa hạt ứng dụng doanh nghiệp nguồn mở, một thị trường hiện vẫn còn bỏ ngỏ và chưa qua thử thách. Song giám đốc điều hành Roberts, người đang sửng sốt với thành công chóng vánh của công ty mình, đã thề sẽ trung thành đến cùng với cộng đồng nguồn mở mà SugarCRM có phần đóng góp. 

Cầm Thi (Theo CNET)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,