221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
457956
TP.HCM: Internet cho người khiếm thị
1
Article
null
TP.HCM: Internet cho người khiếm thị
,

(VietNamNet) - Nghe tin thời sự, giải trí, truyện ngắn,... qua loa máy tính, người khiếm thị tại TP.HCM đã có cơ hội tiếp cận gần hơn với Internet nhờ các phần mềm mới của các mạnh thường quân. 

Ứng dụng công nghệ mang tính nhân bản

Trước đây, cộng đồng người khiếm thị tại TP.HCM đã từng tiếp cận với công nghệ đọc văn bản trên máy tính qua phần mềm NDC (Nguyễn Đình Chiểu). NDC do Công ty Scitec thực hiện riêng cho những người khiếm thị, hỗ trợ đọc các văn bản tiếng Việt, thư điện tử và các trang web off-line.

Giảng viên của Trung tâm Tin học Sao Mai đang hướng dẫn cho người khiếm thị lướt web tìm thông tin. (Ảnh: C.T)

Sau đó, với sự hỗ trợ của tổ chức nước ngoài, trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (dành cho người khiếm thị) đã từng dùng phần mềm JAW với khả năng truy cập Internet và đọc các thông tin hiển thị trên trang web. Tuy nhiên, phần mềm này bị hạn chế ở chỗ chỉ đọc được tiếng Anh nên chỉ  thích hợp với những người có trình độ tương đối về Anh ngữ.

Vừa qua, các giảng viên của Trung tâm Tin học Sao Mai (dạy tin học cho người khiếm thị) đã tiến hành hướng dẫn cách sử dụng phần mềm truy cập Internet và cho phép đọc các văn bản trên mạng bằng tiếng Việt. Phần mềm này mang tên Sao Mai Browser, được các nhà hảo tâm từ nước ngoài hỗ trợ.

Có thể nói đây là những công nghệ mang tính nhân bản vì nó hướng vào lòng người. Ông Trần Hà Nam, Giám đốc Công ty Tin học Scitec nói: "Chúng tôi cố gắng cùng với các giảng viên Trung tâm Tin học Sao Mai tạo ra những phần mềm tiện ích cho cộng đồng người khiếm thị. Các phần mềm này sẽ mang đến sự tiện lợi cho những người khiếm thị trong quá trình tiếp cận với máy tính và CNTT".

"Đọc" báo điện tử bằng tai!

Hiện nay, với phần mềm Sao Mai Browser, người khiếm thị có thể dễ dàng truy cập Internet bằng những phím tắt. Chương trình ứng dụng này có khả năng xác định lại mệnh lệnh sau khi người sử dụng ra lệnh bằng cách gõ bàn phím. Khi truy cập vào trang web, ngoài việc đọc từng từ, Sao Mai Browser còn có thể đọc các đoạn văn bản bằng tiếng Việt một cách rõ ràng. Những người khiếm thị sẽ nghe được tin thời sự trên Internet một cách nóng hổi như những người sáng mắt. Khi chuyển qua từng mục trên các trang web, máy tính sẽ đọc tiêu đề của từng mục nhằm xác định chắc chắn mục cần nghe.

Một số người khiếm thị đã cho biết tâm nguyện của họ: "Nếu các báo điện tử thiết kế công cụ đọc báo ngay trên trang web thì việc sử dụng của chúng tôi sẽ tiện lợi hơn; khi đó người khiếm thị sẽ có cơ hội đọc báo trên mạng một cách dễ dàng. Hiện nay, muốn đọc báo, phải cài đặt chương trình vào máy tính và đâu phải chỗ nào cũng có phần mềm cài đặt sẵn".

Một trở ngại khác: Khi đọc báo điện tử, người khiếm thị vẫn gặp trở ngại khi click chuột vào các banner quảng cáo hoặc các mục đa ngôn ngữ, do phần mềm không thể đọc theo lối song ngữ hoặc chưa có khả năng... mô tả hình ảnh bằng lời!

Đào tạo tin học cho người khiếm thị

Một lớp học về trình duyệt web và thiết kế web mang tính thử nghiệm tại Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM. (Ảnh: C.T)

Năm ngoái, Quỹ Từ thiện Samsung Digital Hope đã tài trợ cho Dự án "Phát triển hệ thống đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị" của Trung tâm Tin học Sao Mai. Thông qua Dự án này, các cộng đồng khiếm thị ở một số tỉnh, thành phía Nam đã có cơ hội tiếp xúc với máy tính và Internet.

Các giảng viên của trường tin học Sao Mai đã cất công hướng dẫn cho các lớp tin học cơ bản và cài đặt phần mềm đọc văn bản, đọc web lên máy tính dành riêng cho người khiếm thị. Sắp tới, khi hệ thống hoàn tất, sẽ có thêm nhiều cộng đồng người khiếm thị ở các tỉnh, thành xa xôi được học tin học từ xa qua mạng máy tính.

Thoạt đầu, Công ty Scitec đã tiên phong trong việc trình lên Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM (nay là Sở KH-CN) đề tài khoa học "Sử dụng tin học trợ giúp cho người khiếm thị". Bước đầu, nhờ đề tài này, những người khiếm thị đã có thể sử dụng phần mềm NDC để soạn thảo văn bản. Kể từ đó, các chuyên viên trong ngành CNTT đã cùng bắt tay với nhau để viết những phần mềm đọc văn bản, học tiếng Anh, gõ máy tính,... cho người khiếm thị.

Gần đây, các nhóm thành viên Ánh Dương, nhóm thiết kế phần mềm NDC và Trung tâm Tin học Sao Mai đang hướng đến việc hoàn chỉnh các phần mềm phát âm  bằng tiếng Việt để giúp người khiếm thị tiếp cận CNTT. Họ sẽ đọc/soạn thảo e-mail, đọc báo điện tử, lướt web,... "tương tự" như những người sáng mắt.

Hiện nay, nhóm thiết kế phần mềm Ánh Dương đã thiết lập trang web dành riêng cho Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Trong tương lai, người khiếm thị còn có khả năng thiết kế trang web.

  • Chí Thịnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,