,
221
1842
Trực tuyến
tructuyen
/chinhtri/tructuyen/
548198
GS Stiglitz: "Dùng Internet để chống tham nhũng"
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

GS Stiglitz: 'Dùng Internet để chống tham nhũng'

Cập nhật lúc 22:18, Thứ Sáu, 26/11/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Đoạt giải Nobel về kinh tế năm 2001, tác giả cuốn best-seller "Toàn cầu hoá và những điều bất bình", từng là chuyên gia Kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nên GS Joseph Stiglitz - một chuyên gia tầm cỡ thế giới - đã chia sẻ với độc giả VietNamNet khá nhiều điều thú vị trong cuộc đối thoại trực tuyến vào 6h chiều 26/11.

Nhận được lời mời cộng tác với VietNamNet, GS. Stiglitz tỏ ra rất thích thú. Ông vui vẻ hứa với TBT Nguyễn Anh Tuấn: "Tôi sẵn sàng làm bình luận viên về các vấn đề kinh tế cho VieNamNet!".

 
GS Joseph Stiglitz và Giám đốc World Bank Việt Nam Klaus Rohland

GS Stiglitz hiện đang có mặt tại Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc 10 ngày.

Ông đã tiến hành hàng loạt buổi thuyết trình và đối thoại với các quan chức VN nhằm tìm hiểu về quá trình tăng trưởng và giảm nghèo của VN cũng như giúp cán bộ Đảng và Chính phủ VN nghiên cứu một cách thấu đáo các chính sách và kế hoạch thương mại của VN nhằm tiếp tục phát triển khu vực tư nhân và tăng cường hệ thống ngân hàng.

Cái tên Joseph Stiglitz từng lừng danh thế giới với cuốn sách gây xôn xao dư luận "Toàn cầu hoá và những điều bất bình" - một tác phẩm mà ông đã bán được gần 1 triệu bản và dịch sang 28 thứ tiếng.

Điều thú vị là cuốn sách được viết bởi một Chuyên gia Kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, vốn được coi như một trụ cột của Toàn cầu hoá, song lại thẳng thắn thừa nhận những mặt trái của nó đối với phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân. Chính vì thế, những điều ông viết ra thực sự chân thực và đáng tin cậy.

Tuy lịch trình làm việc ở VN dày đặc, song GS Stiglitz đã dành cho độc giả VietNamNet cuộc trao đổi ngắn đầy thú vị. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi trực tuyến này:

Hoàng Hải Vân - Nam - Báo Thanh niên
Giáo sư đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam so với Trung Quốc và những nước có điều kiện tương tự trong khu vực ?

GS Stiglitz: Tôi nghĩ rằng hiện nay nền kinh tế của VN đang
tăng trưởng rất nhanh bởi các bạn đã tạo ra được một môi trường tốt cho đầu tư. Hiển nhiên là Trung Quốc với thị trường khổng lồ cho đến nay đã thành công hơn VN trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết các công ty lớn trên thế giới đều có đại diện tại Trung Quốc vì nhu cầu thị trường nội địa ở đây là khổng lồ cũng như có nền tảng tốt cho xuất khẩu. Nhưng tôi nghĩ bản thân VN cũng đã tạo được những lợi ích mạnh mẽ và đã tương đối thành công trong việc thực hiện những điều đó.

Có một thực tế là nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bị thu hút tới các nước khác trong khu vực do các nước này rất thành công trong việc xây dựng một môi trường đầu tư hiệu quả. Khi chúng tôi tiến hành những cuộc phỏng vấn riêng rẽ với các nhà đầu tư về VN, họ thường nói: "Ồ, VN". Hầu hết họ đều đồng ý rằng VN có một nguồn lao động rất chăm chỉ, chất lượng cao và hiển nhiên, điều đó khiến cho môi trường đầu tư ở VN trở nên hấp dẫn.

Lan Anh - 21 tuổi- Hà Nội

Theo Giáo sư, sinh viên VN cần có những kỹ năng nào để thành công trong sự nghiệp?

GS Stiglitz:  Lời khuyên của tôi ư? Thật ngắn gọn là các bạn hãy học cho chăm chỉ (cười). Theo tôi thì trong thời đại ngày nay, hai kỹ năng quan trọng nhất cần phải có là kỹ năng sử dụng máy tính và tiếng Anh. Tại sao lại là kỹ năng sử dụng máy tính? Các bạn thấy đấy, qua Internet, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với vô vàn kho tri thức của nhân loại. Tôi vẫn nhớ thời trẻ, chúng tôi chỉ có một nguồn duy nhất là đọc sách trong thư viện. Nhưng các thư viện địa phương thường lèo tèo ít sách. Hiện nay thì các bạn có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều.

Một điều may mắn cho tôi là ngôn ngữ sử dụng trên Internet là tiếng Anh. Tiếng Anh đã trở thành công cụ quốc tế của cộng đồng khoa học công nghệ trên thế giới. Và vì thế, để muốn tăng vốn hiểu biết của mình, bạn không thể không biết tiếng Anh. Người Pháp cũng đã nhận thấy điều này chứ không thể ghen tị hay suy bì như trước kia nữa. Ngoài ra, kỹ năng thứ 3 cũng cần thiết cho việc học tập và công việc sau này của các bạn: đó là toán và thống kê.

Phạm Phú Nghị - Nam 27 tuổi - Bà Rịa - Vũng Tàu
Thưa Giáo sư!. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định tham nhũng là vấn nạn, tham nhũng kìm hãm sự phát tiển kinh tế, nhưng kết quả chống tham nhũng còn ở mức độ hạn chế. Vậy theo Giáo sư thì Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp gì để đẩy lùi vấn nạn này!. Cám ơn Giáo sư!

GS Stiglitz: Trước khi nói về những giải pháp chống tham nhũng đối với VN thì tôi muốn nhấn mạnh rằng tham nhũng là một vấn đề mà cả các nước đang phát triển lẫn phát triển phải đối mặt. Điều khác biệt chỉ là hình thức tham nhũng thường thay đổi mà thôi. Tôi xin đơn cử một ví dụ về quá trình làm luật ở Mỹ. Chẳng hạn như chúng tôi có một đạo luật về năng lượng với nick name là "không lobby sau lưng". Nhưng trên thực tế, các công ty năng lượng lớn đã vận động và chi trả hàng triệu USD cho các nhà làm luật với mong muốn nhận được một cái gì đó đổi lại, có thể là một đạo luật có lợi cho họ. Điều này giống như kiểu bạn đầu tư vào các quan chức công để nhận lại một cái gì đó. Rõ ràng ở đây không có sự tham nhũng trực tiếp nhưng về bản chất đó cũng là một hình thức tham nhũng. Vì thế, chúng ta nên thừa nhận với nhau rằng tham nhũng luôn luôn tồn tại ở cả khu vực công lẫn tư.

Hiện nay, càng ngày chính phủ các nước càng chú trọng nhiều hơn tới nhiệm vụ chống tham nhũng bởi vì họ ý thức được, giống như bạn nói, tham nhũng đang kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội. Có rất nhiều các cuộc nghiên cứu đã được tiến hành để tìm ra biện pháp làm thế nào giảm phạm vi tham nhũng.

GS Joseph Stiglitz và TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn xem trang ww.vnn.vn

Để chống tham nhũng một cách hiệu quả, cần phải có những cơ chế hết sức cụ thể. Tôi chưa nắm được nhiều thông tin về tình hình tham nhũng tại VN nhưng tôi sẽ nói về các giải pháp từ góc độ kinh nghiệm quốc tế. Một số nước trên thế giới thường sử dụng nguyên tắc luân chuyển công chức nhưng theo tôi, cách thức này không hiệu quả lắm. Điều gì có thể đảm bảo những người tham nhũng khi chuyển sang vị trí mới không tiếp tục vi phạm? Nhiều khi, nguyên tắc luân chuyển lại trở nên nguy hiểm hơn.

Ngày nay, nhiều nước đã dùng máy tính, Internet như một cách thức hiệu quả để hạn chế tham nhũng. Bởi lẽ thông qua Internet, nhiều người có thể biết điều gì đang xảy ra, và họ tạo sức ép giám sát những hành vi của quan chức. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề tính minh bạch như một nhân tố cốt lõi trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tôi luôn phản đối mạnh mẽ việc giữ bí mật. Các bạn nên nhớ rằng một khi các quan chức muốn giữ bí mật tức là họ đang muốn che giấu không chỉ chuyện tham nhũng mà cả sự bất lực của mình. Các nhà kinh tế luôn khuyên các chính khách hãy đối thoại với công chúng và công khai, minh bạch mọi thông tin. Chính sự minh bạch đó sẽ giúp hạn chế được các hành vi tham nhũng. Báo chí cũng là một kênh hữu hiệu giúp chống tham nhũng khi làm tốt chức năng cung cấp thông tin cho độc giả.

Dang Vu Nhat Hoang - Nam 32 tuổi - 21C4 KP2, F Tan Phong, Q7, HCM
- Trước hết trân trọng chào mừng Ngài Joseph đã đên đất nước Việt nam chúng tôi. Theo những kinh nghiệm và sự hiểu biết về thị trường thế giới của Ngài thì Việt nam nên chọn những ngành công nghiệp nào làm ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai gần ( đến 2020)?.

G.S Stiglitz: Quả thật đây là một câu hỏi hay song cũng rất khó. Để trả lời cho thấu đáo đòi hỏi phải có một kiến thức sâu rộng về tình hình VN. Tuy nhiên, tôi có thể nghĩ trong số những ngành mà VN nên tập trung phát triển trong tương lai không thể thiếu công nghệ cao. Vì như các bạn đã thấy, ngày nay, bất kỳ một ngành nào cho dù có sản xuất cái gì đi chăng nữa thì chắc chắn công nghệ cao đều ảnh hưởng đến sản xuất đó. Nhìn quanh thì thấy không có ngành nào, ngay cả những ngành chế tác đơn giản nhất mà không chịu ảnh hưởng của cái gọi là số hoá, vi tính hoá.

Mặt khác, tôi có cảm giác rằng tầm quan trọng của khu vực dịch vụ dường như chưa được chú ý đúng mức. Ở Mỹ, khu vực dịch vụ chiếm tới 60% tỷ trọng nền kinh tế. Theo tôi, VN có thể cân nhắc phát triển các lĩnh vực dịch vụ sau. Thứ nhất là về du lịch, các bạn được tự nhiên ban cho rất nhiều lợi thế để phát triển ngành này. Hơn nữa, lòng mến khách và cảm giác được chào đón của mỗi du khách khi tới đây cũng là một lợi thế rất lớn của VN. Ngành du lịch có đặc điểm sử dụng nhiều lao động, vì thế phát triển ngành này không chỉ thu nhiều ngoại tệ mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Tôi cũng lựa chọn dịch vụ tài chính và bảo hiểm như một trong những mũi nhọn. VN cũng giống như các nước Đông Á khác có tỷ lệ tiết kiệm trong dân rất cao. Và tôi cũng biết rằng rất nhiều hãng bảo hiểm quốc tế đang tiến mạnh vào VN. Tôi thấy không có lý do gì mà người dân không mua bảo hiểm của các công ty VN.

Nam 26 tuổi, Mỹ:

- Tôi nhận thấy rằng thị trường bảo hiểm của VN hiện đang ở giai đoạn sơ khởi. Vậy Giáo sư có lời khuyên nào để VN tăng sức cạnh tranh của các công ty nội địa và đảm bảo ổn định lâu dài?

GS Stiglitz: Bảo hiểm là một ngành kinh tế rất quan trọng. Sự tăng trưởng của ngành này là tự nhiên vì nó gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế càng phát triển, thu nhập của người dân càng cao thì họ càng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và mua bảo hiểm để đảm bảo cuộc sống của họ.

Để tăng sức cạnh tranh của ngành bảo hiểm, theo tôi VN nên xem xét xem các nước khác đã làm gì trong lĩnh vực này. Bảo hiểm rất khác sản xuất. Bạn rất dễ tìm ra các công ty khác đang hoạt động như thế nào trên thị trường. Chỉ cần nhìn vào các hợp đồng bảo hiểm, bạn có thể rút ra được bài học kinh nghiệm thành công hay thất bại.

Các công ty bảo hiểm  trong nước của VN hoàn toàn có thể tự tin mình có lợi thế để cạnh tranh trong ngành này. Vì các công ty này có thể nắm bắt được nhu cầu của người VN trong khi các công ty nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc hiểu xem người VN thực sự muốn gì. Các công ty nước ngoài có thể biết những gì mà các công ty Mỹ biết về khách hàng Mỹ. Họ cũng có thể nắm được những gì mà các công ty Anh biết về khách hàng Anh. Nhưng họ sẽ phải mất thời gian để nghiên cứu tâm lý và nhu cầu khách hàng của một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi và mới bước vào hội nhập quốc tế.

Vì thế, điều quan trọng ở đây chính là việc học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, kể cả bài học thành công hay thất bại.

Minh Huy - Nam - 27 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh

- Trong các bài thuyết trình của mình, GS có nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển giáo dục đối với nền kinh tế. Từ nhiều năm nay, VN cũng đang nỗ lực đổi mới giáo dục và tìm kiếm một chiến lược phù hợp nhất. Từ kinh nghiệm của mình, theo GS đâu là mô hình thích hợp cho giáo dục VN?

- GS Stiglitz: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Bằng chứng từ các nước phát triển cũng như đang phát triển đều cho thấy chúng ta có thể thu được lợi suất rất lớn từ việc phát triển giáo dục. Vấn đề ở đây là chúng ta nên thiết kế hệ thống giáo dục như thế nào là phù hợp nhất. Cách đây 10 năm, các thể chế tài chính quốc tế đưa ra lời khuyên cho các nước đang phát triển rằng nên tập trung vào giáo dục tiểu học. Điều này là một lựa chọn khá đúng.

"Tôi sẵn sàng làm bình luận viên cho VietNamNet"
Nhưng nếu các bạn nhìn vào chiến lược của Hàn Quốc có thể thấy sự khác biệt. Hàn Quốc không chỉ nhận thấy được tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục tiểu học mà họ còn nhận thức rằng mình cần phải đi xa hơn nữa. Để có thể thu hẹp khoảng cách về công nghệ giữa nước đang phát triển với các nước phát triển, Hàn Quốc đã chọn đầu tư vào đại học, thậm chí các bậc học tiên tiến hơn. Nói cách khác, họ đầu tư nhiều vào giáo dục bậc cao và lịch sử đã chứng minh rằng họ đúng. Đối với VN, do nhiều sinh viên gặp khó khăn về kinh tế nên Nhà nước cần có sự hỗ trợ thông qua các chương trình tín dụng sinh viên. Chúng ta có thể yêu cầu những sinh viên nhận trợ cấp này phải có đóng góp nhất định trong quá trình học tập, đồng thời đảm bảo sau khi ra trường và có công ăn việc làm sẽ hoàn lại khoản trợ giúp này.

Mặt khác, cũng cần phải nói tới vai trò của khu vực tư nhân trong ngành giáo dục. Tôi luôn tin vào những giá trị mà sự cạnh tranh đem lại, thậm chí cả trong ngành GD. Nhưng tôi cũng nghi ngờ khả năng tận dụng khu vực tư nhân trong việc phát triển giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Thực tế cho thấy một xu hướng trong các nền kinh tế công nghiệp hoá phát triển là nếu có tư nhân hiện diện nhiều ở bậc tiểu học thì xã hội thường có sự phân hóa cao độ. Vì thế, lựa chọn khôn ngoan hơn cả là khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư ở cấp độ Đại học.

Trường Giang - Nam - 32 tuổi

VN có thể học được gì từ Trung Quốc trong hoạch định và triển khai chính sách kinh tế?

GS Stiglitz: Trung Quốc rất thành công trong điều hành nền kinh tế của mình, chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Á. Hiện nay, họ đang cố gắng đưa nền kinh tế của mình về trạng thái "hạ cánh mềm" từ sự tăng trưởng quá nóng. Sự thành công của Trung Quốc do một số nhân tố như: Điều gì đảm bảo khả năng tiếp cận vốn cho sản phẩm? Đó chính là vai trò quan trọng của hệ thống tài chính trong việc cung cấp tín dụng cho sản xuất. Tôi nghĩ VN có thể làm được điều này và thậm chí còn tốt hơn thế.

Điều thứ hai là trong những vấn đề gần đây mà Trung quốc phải giải quyết như hạ cánh mềm nền kinh tế đang trong tình trạng tăng trưởng quá nóng, nước này đã đặt trọng tâm vào sử dụng các biện pháp điều tiết, hành chính chứ không chỉ là giải pháp lãi suất. Họ thừa nhận rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng quá nóng là do khả năng tiếp cận với bất động sản. Và vì thế, việc tăng lãi suất có thể làm tổn thương đến các ngành sản xuất hơn là làm chậm lại quá trình tăng trưởng của ngành kinh doanh bất động sản. Do đó, Trung Quốc nhắm tới mục tiêu làm chậm lại sự tăng trưởng của thị trường bất động sản bằng cách hạn chế quyền tiếp cận đối với nguồn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cũng như đối với đất đai.

TBT Nguyễn Anh Tuấn - Báo VietNamNet:

Ngành CNTT ở Mỹ đã từng có giai đoạn phát triển bùng nổ mà nhiều nhà kinh tế gọi là giai đoạn"bong bóng". Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành này đang có dấu hiệu chững lại. Theo Giáo sư, trong tương lai ngành CNTT ở Mỹ có thể phát triển như trước hay không?

GS Stiglitz: Tôi nghĩ rằng Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn từ cuối thập niên 90 khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Vấn đề là ở chỗ Tổng thống Bush đang thi hành một chính sách kinh tế sai lầm, ngay cả đối với toàn cầu hoá. Ngành CNTT cũng chịu chung số phận.

Liệu năm tới nền kinh tế của Mỹ có thể hồi phục hay sẽ suy  yếu thêm? Nếu nền kinh tế phục hồi, tôi nghĩ ngành CNTT có thể tăng trưởng trở lại. Nhưng hiện rất khó khẳng định điều này và chúng ta chỉ có cách trông chờ xem chính sách kinh tế của ông Bush sẽ có hiệu quả hay không?

Thuy Anh Cao - Nam 35 tuổi - tp Ho chi Minh
Liệu có hơi sớm khi Việt nam mong muốn gia nhập WTO vào năm 2005 trong khi một số ngành có ảnh huởng đến đa số nguời dân vẫn còn quá yếu trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nuớc ngoài?

GS Stiglitz: Việc VN gia nhập WTO vẫn là mục tiêu quan trọng. Tại sao tôi lại nói như vậy? Lý do là vì đầu năm 2005, Hiệp định Đa sợi sẽ hết hạn và ngành dệt may của VN sẽ chịu tác động xấu khi các nước thành viên WTO được dỡ bỏ hạn ngạch. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là WTO tạo ra pháp quyền ở cấp độ quốc tế cho dù nó chưa thực sự công bằng nhưng ít nhất thì sự hiện hữu của nó cũng giúp hạn chế những hành vi bất bình thường của các nước giàu. Chí ít thì các nước đang phát triển có thể sử dụng công cụ của WTO để kiện các nước giàu khi họ có những hành vi phân biệt đối xử gây hại cho các nước này. Lịch sử của WTO cũng đã có một số trường hợp mà phán quyết nghiêng về các nước nghèo.

Vì thế, điều đặt ra cho VN là các bạn nên gia nhập WTO nhưng làm thế nào để vừa hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu, vừa đảm bảo phát triển bền vững. VN cần phải thấm nhuần bài học kinh nghiệm của các nước khác, kể cả thành công hay thất bại. Bởi xét cho cùng thì điều quan trọng không chỉ là khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế, cao hơn đó là việc bảo tồn bản chất của xã hội VN cho các thế hệ tương lai.

Tôi không theo dõi sát sao quá trình đàm phán gia nhập WTO của VN nên khó lòng đưa ra một dự báo chính xác là liệu VN có thể trở thành thành viên của tổ chức này vào năm 2005 hay không.

Nguyễn Phú Lợi - Nam 25 tuổi - Thanh Xuân - Hà Nội
Thưa Giáo sư Joseph Stiglitz, theo ngài chính sách "Đồng Đô la yếu" cuả Chính phủ Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt nam trong thời gian hiện nay và sắp tới? Xin cảm ơn Ngài.

GS Stiglitz: Đồng đô la yếu có ảnh hưởng bất lợi nhất cho Châu Âu. Các nhà sản xuất Châu âu sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong xuất khẩu trong khi hàng nhập khẩu từ Mỹ sang Châu Âu dễ dàng hơn. Thế nhưng hầu hết các nước Châu Á, nơi tiền tệ có mối liên kết với đồng đô la lại được hưởng lợi vì xuất khẩu của họ trở nên cạnh tranh hơn về giá cả. Đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho người thắng và kẻ thua trong các chính sách kinh tế.

nguyen thu mai - Nữ 24 tuổi - 25/122 Thai Ha

- Đâu là điều tốt nhất và xấu nhất cho VN khi gia nhập WTO? Những khuyến nghị của GS đối với quá trình gia nhập WTO của VN?

GS Stiglitz: Tôi cho rằng điều đáng lo ngại nhất nhìn từ cấp độ kinh tế là trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Như chúng ta đều thấy, luật chơi chung của WTO và ngay cả các thoả thuận song phương với các nước đòi hỏi VN phải mở cửa thị trường tài chính và ngân hàng của mình cho các công ty nước ngoài. Và một khi sự mở cửa nhanh chóng mà thiếu các biện pháp đối phó cẩn trọng có thể gây ra mức độ rủi ro rất cao đối với sự ổn định tài chính của quốc gia. Thực tế cho thấy rất nhiều nước đã phải trả giá đắt cho việc tự do hoá thị trường vốn này như Brazil, Argentina...

Trong bối cảnh rộng lớn hơn thì đó là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và khả năng tiếp cận với dược phẩm. Việc tái cơ cấu và phân bổ quyền tiếp cận đối với thuốc men có thể làm tồi tệ hơn điều kiện y tế của đất nước.

Khi WTO dự kiến đưa ra Hiệp định về Quyền sở hữu trí tuệ, tôi cùng các thành viên của Hội đồng Tư vấn Kinh tế Hoa Kỳ đã phản đối rất mạnh mẽ nhưng cuối cùng lại không thành công do sức ép của giới doanh nghiệp và giới truyền thông Hoa Kỳ. Rõ ràng, những quy định về quyền sở hữu trí tuệ đã hạn chế quyền tiếp cận với tri thức và công nghệ cao của các nước đang phát triển. Trong lĩnh vực dược phẩm lại càng tồi tệ hơn vì từ đó, người dân các nước nghèo sẽ rất khó khăn để được tiếp cận với các loại thuốc tốt.

Vậy giải pháp nào cho VN khi trở thành thành viên của WTO. Có hai vấn đề mà theo tôi các bạn cần phải quan tâm. Trước hết là khả năng đối phó của khu vực tài chính. Khu vực này phải đối phó như thế nào trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ bên ngoài. Rõ ràng, vấn đề chủ yếu là phải đảm bảo cho hệ thống ngân hàng của VN được lành mạnh hoá và xử lý dứt điểm nợ khó đòi. Tuy hồ sơ nợ khó đòi của các ngân hàng VN không đến mức tệ hại lắm so với các nước khác nhưng đây là một vấn đề cần được giải quyết ngay. Các ngân hàng cho vay phải có chi nhánh đảm bảo cho dòng tín dụng được lan toả trong mọi ngõ ngách của nền kinh tế.

Thứ hai là toàn cầu hoá thường đi liền với sự gia tăng bất bình đẳng. Do đó, vấn đề đặt ra đối với VN là các bạn cần chuẩn bị một mạng lưới an sinh xã hội để khắc phục tình trạng bất bình đẳng có thể gia tăng khi VN là thành viên WTO. Bức tranh nghèo đói tương đối khác biệt giữa các vùng với nhau. Tôi không phủ nhận rằng VN đã đạt được những thành công cực kỳ to lớn trong việc giảm nghèo song chính phủ vẫn cần có một chính sách bao quát, trong đó đặc biệt chú ý tới các vùng ở miền núi bị thiệt thòi. Điều đáng mừng là theo tôi được biết, hiện Chính phủ VN đang có một số chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, nhất là đưa cơ sở hạ tầng đến những nơi này.

Một độc giả - Nam - Mỹ

Được biết, Giáo sư từng phản đối chính sách tự do hoá thị trường vốn của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF. Nhưng đây lại là biện pháp tất yếu khi các quốc gia tham gia toàn cầu hoá. Vậy Giáo sư có lời khuyên nào cho VN nhằm tránh khủng hoảng trong tương lai nếu phải thực hiện biện pháp này?

GS Stiglitz: Một trong những vấn đề then chốt là nếu bắt buộc thì nên tiến hành tự do hoá từ từ vì tự do hoá vốn không mang lại tăng trưởng nhanh.

Có một điều phải thừa nhận rằng nhiều khi cú sốc không phải do nhân tố bên trong mà do bối cảnh bên ngoài gây ra. Ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính của Brazil năm 1999 không phải do những khuyết tật trong hệ thống ngân hàng của Brazil mà là do các nhà đầu tư lo sợ rủi ro từ sự sụp đổ đồng rúp của Nga nên đã ào ạt rút vốn về. Cuối cùng thì Brazil lại là kẻ chịu trận.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã áp dụng các biện pháp cẩn trọng hơn và không chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái. Ví dụ họ chỉ cho DN vay bằng USD nếu DN đó có tài sản tương ứng bằng USD nhằm đảm bảo thăng bằng giữa tài sản có và tài sản nợ. Vậy thì những biện pháp cẩn trọng sẽ giúp chúng ta có được một sự ổn định nhất định.

Thứ hai là chúng ta có thể sử dụng công cụ thuế. Đối với những khoản vay ngắn hạn hoặc bằng ngoại tệ có độ rủi ro cao hơn thì có thể yêu cầu các DN và hộ gia đình đóng thuế cao hơn hay cho họ hưởng khấu trừ thuế kém hào phóng hơn các loại khác.

Cuối cùng, tôi cho rằng cần thiết phải có Luật Phá sản. Vấn đề sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều nếu chúng ta có Luật Phá sản tốt.

Thu Thuỷ - 20 tuổi - Nữ, Hà Nội

Được biết đây là lần thứ 4 Giáo sư đến VN. GS có nhận xét gì về VN?

GS Stiglitz: Tôi cảm thấy hết sức thích thú khi được đến thăm VN mấy năm gần đây. VN gợi lên cho tôi sự hứng thú đặc biệt vì mỗi khi quay trở lại VN, tôi đều được chứng kiến rất nhiều điều đang xảy ra. Đối với một nhà kinh tế như tôi, VN là một trường hợp thành công đặc biệt, không chỉ trong vấn đề tăng trưởng kinh tế mà còn trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo. Vì thế, VN vẫn luôn là một câu chuyện hấp dẫn và tôi mong sẽ có nhiều dịp đến thăm VN hơn nữa.

Do thời gian có hạn và hầu hết các câu hỏi đều tập trung vào một số vấn đề đã được giáo sư trả lời như vấn đề gia nhập WTO của VN, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế VN, vấn đề phát triển bền vững..., GS Stiglitz không thể trả lời hết mọi câu hỏi của bạn đọc. Tuy nhiên, GS khẳng định, trong chuyến thăm VN lần sau, ông sẽ dành thời gian để tới làm việc và nói chuyện với phóng viên VietNamNet và giao lưu với độc giả nhiều hơn.

  • VietNamNet

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Trực tuyến'

,
Quảng cáo
,
,
,