,
221
1684
Nhân vật - Sự kiện
skbl
/chinhtri/skbl/
922368
Vĩnh biệt nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Vĩnh biệt nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng

Cập nhật lúc 14:10, Thứ Hai, 16/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - 10h50 sáng nay, 16/4, nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, nhà báo Trần Bạch Đằng đã từ giã cuộc đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, hưởng thọ 81 tuổi.

Nhà nghiên cứu trần bạch đằng trong buổi giao lưu trực tuyết học bác xử dụng người tài trên VNN
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong buổi giao lưu trực tuyến "Học Bác sử dụng người tài" trên VietNamNet tháng 6/2005. Ảnh: Phạm Cường

Linh cữu nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3.

 

Trưởng Ban tang lễ là Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.

 

Lúc 12h10 ngày 18/4, sẽ diễn ra lễ truy điệu tại Nhà tang lễ. Sau đó, vào lúc 12h30, sẽ diễn ra lễ an táng tại Nghĩa trang TP.

 

Dự tính, tang lễ nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng sẽ có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cao cấp Trung ương và TP.HCM, cùng nhiều nhân sỹ, trí thức, người dân cả nước.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều, cháu nội nhà chí sĩ yêu nước Trương Gia Mô (còn gọi là cụ Nghè Mô).

Tham gia cách mạng từ khi mới 17 tuổi, năm 1946, ông đã được giao phụ trách tờ Chống Xâm Lăng của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951 làm tổng biên tập báo Nhân Dân Miền Nam của Trung ương Cục.

Ông lần lượt đảm trách nhiều cương vị quan trọng như bí thư Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Cầm bút hơn 60 năm, ông có nhiều bút hiệu như: Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý, Trần Quang... và sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau.

Không chỉ sáng tác thơ, ông có những tập truyện ngắn nóng bỏng và những tiểu thuyết góp phần thúc đẩy xu thế đổi mới của đất nước.

Trong lĩnh vực kịch và điện ảnh, các tác phẩm kịch bản phim truyện Ông Hai Cũ (hai tập - 1985, 1987), Dòng sông không quên (1989) và đặc biệt là Ván bài lật ngửa đã gây được nhiều ấn tượng, để lại dấu ấn rất quan trọng với điện ảnh Việt Nam.

  • Phạm Cường

********************

Dưới đây là một trong những trích đoạn hồi kí của ông về những ngày tháng sống trong lò lửa cách mạng. Đoạn trích từ cuốn sách Trần Bạch Đằng - cuộc đời và ký ức (NXB Trẻ, 2006).  

2.jpg
Ông Trần Bạch Đằng (thứ hai từ trái sang) tại chiến khu Lộc Ninh (1972)Ảnh tư liệu

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Mới hôm nào…Có vẻ như cách nay vài bữa, có vẻ trong tuần hoặc trong tháng này. Chiếc commanca vứt hết mọi cành lá ngụy trang, từ giã Cần Đăng – những buồng chuối già trĩu quả, con suối chảy xiết mà mọi người chờ đợi, nhà máy thủy điện hoạt động trong một thời gian ngắn tới, các ngôi nhà xếp dài sáng màu tranh – men theo quốc lộ 22, xuôi về thị xã Tây Ninh. Tôi ngoảnh lại lần cuối cầu Cần Đăng, ngó xa hơn về phía Bắc – xóm Thuận Ngôn Xa Mát, mảnh đất nhỏ nhưng là cái gia tài lớn của cách mạng sau Hiệp định Paris. Nhưng, rồi phía trước vẫn hấp dẫn tôi và chắc không ai trách tôi, bởi bánh xe bao giờ cũng quay về phía trước. Trại Bí, Mỏ Công, Tua Hai…Núi Bà Đen xanh lơ, mặt trận có lúc trèo lên đỉnh núi không để lại một bằng chứng gì, có thể vì ta nhìn nó từ xa mà cũng có thể vì tương lai đủ sức xóa bỏ mọi vết thương.

 

Đường 22 chập vào đường số 1 tại Gò Dầu. Tôi có cảm giác hai con lộ giống hai hợp lưu của một dòng sông, ồ ạt đổ về một hướng và khi ra quốc lộ 1 – chẳng biết có phải vì con số 1 tạo cho tôi ảo giác hay không – tôi ngỡ mình vào một dòng sông cái.

 

Xe lướt nhanh qua những lô cốt, đồn trại, những xác xe tăng. Làng xóm và thị trấn nối đuôi, vàng hoe. Tường in dấu đạn, nhiều nơi còn mùi khét. Tôi biết phòng tuyến dày đặc này mới vỡ vài ba hôm trước. Xe tôi chạy trên những địa danh và xe chạy theo những chiến công. Đây là khoảng cách cuối cùng với thắng lợi và khoảng cách ấy, như thường lệ, đòi hỏi các đồng chí bộ đội ta những hy sinh. Tốc độ ngót trăm cây số giờ của chiếc commanca là nhờ tốc độ có khi xê dịch vài cây số của những người đi trước.

 

Tôi quên mình đã qua những nơi này. Trảng Bàng, Suối Sâu, Suối Cụt Củ Chi…Phía tay trái tôi là vùng Tam giác sắt. Không thấy được Hố Bò, nhưng chắc vừa từ lòng đất lên các ba, các má đang đứng nhìn ánh nắng tháng năm, rất gắt nhưng cũng rất chói chang. Dễ gì, trong mười năm nay, được đứng thẳng lưng trên lộ 15 để ngó lên Bời Lời, ngó qua Long Nguyên, ngó xuống Nhuận Đức, ngó ra An Tịnh? Sau này, có dịp gặp má Bảy, tôi mới biết những ngày đó các ba, các má chỉ ngó mông sơ sơ rồi thì lo đi vun các nấm mồ chiến sĩ, bởi trước nay mồ không nấm, ngại xe tăng giặc ủi phá. “Cách mạng thắng rồi, mấy đứa hy sinh mới ngoi được lên cao…”. Má Bảy nói với tôi như vây.

 

Xe vào ngoại ô Sài Gòn. Đường như nêm, xe lết từng chút từng chút. Tôi không có một cảm giác nào rõ rệt khi thấy những dãy phố lầu, những tiệm buôn, nhựng cột đèn đỏ chói màu cờ, bởi tôi có quá nhiều cảm giác. Sài Gòn đây! Tôi không phải là người xa lạ với thành phố nhiều danh tiếng và cũng nhiều tai tiếng này. Tôi biết nó khi ngoại ô chưa bung ra tận Hóc Môn, Bà Quẹo này; tôi biết nó khi Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố tách ra, khi đường Kitchener chạy xuống Cầu Ông Lãnh còn kè bên cả một con kinh, thuyền cập được bến ngay trước trường Nguyễn Thái Học bây giờ, sát đại lộ Trần Hưng Đạo, hồi đó kêu là Gallieni. Tôi ở với thành phố những ngày Cách mạng tháng Tám, những ngày kháng chiến đầu tiên. Tôi trở về thành phố khi Hiệp định Geneve ký. Tôi gắn bó với thành phố dài cho tới Mậu thân, sau đó nữa. Nghĩa là tôi không kinh ngạc về những thay đổi bề ngoài của Sài Gòn. Vậy mà tôi vẫn phải thốt: Sài Gòn đây! Điều chắc chắn là tốp nữ tự vệ - có cô da bánh mật áo bà ba, có cô quần ống voi, thẹn thùng về cái băng tay và lúng túng vì khẩu CRC gắn lê quá dài, hẳn để thiên hạ chung quanh tò mò hoặc thích thú nhìn các cô hơn là các cô kiểm soát trục đường lớn vào thành phố - đập mạnh vào mắt tôi. Cái dáng đáng yêu của Sài Gòn năm 1945 sống lại và tôi hiểu rằng mọi cuộc cách mạng chân chính đều bắt đầu như thế.

 

Ít ra, tôi có tới năm kiểu vào Sài Gòn. Hồi còn bé, ba má tôi đưa tôi từ một làng ven vịnh Thái Lan lên Sài Gòn, trên một chiếc xe đò loại nhỏ. Trời đã tối khi chúng tôi qua Phú Lâm. Thành phố đối với tôi quá rộng, quá kỳ cục. Cái quảng cáo chớp chớp hình một người xức dầu Nhị Thiên Đường khiến tôi sửng sốt, cũng như tôi quái lạ về chiếc xe điện, cần cung xẹt lửa xanh lè. Nhưng, có lẽ tiếng rao hấp dẫn tôi hơn cả: ông Chà Và đội cái thúng bánh rế bánh cay, rao xà nẹo các tiếng, tiếng nào cũng có âm r, ông Các Chú đạp xe quanh các hẻm hô có dây có nhợ: vàng pể pạc pể pán hôn… Và, chị bán bột khoai bún tàu rao như hát…Lúc đó, tôi gặp xe kéo và thắc mắc vì sao một người nhỏ thó lại phải kéo một ông Tây bụng thật bự. Tôi cũng ngán lão biện Chà và những người quanh tôi đều ngán lão. Sài Gòn trình bày như là sự trái ngược với cái xẻo nhỏ, ngọn mù u, con nước ròng, con nước lớn và bầy cá ăn mống ở quê tôi. Nhưng, Sài Gòn cũng dễ làm tôi quen mắt vì lão biện Chà với khẩu súng ngắn na ná như Tây Hội đồng với khẩu súng lửa, người kéo xe na ná người chèo ghe mướn và những người thợ na ná những tá điền.

 

Đó là kiểu thứ nhất.

 

Cuối năm 1954, tôi trở về Sài Gòn. Tôi không lý giải được nỗi lo lắng khi rời xa khu 9 và càng lo lắng hơn khi dấn sâu vào đường phố Sài Gòn, nơi mà cái vui hòa bình có đến nhưng không trọn vẹn. Những đêm đầu, tiếng xe rú ga dựng tôi dậy và lòng cứ phập phồng bọn mã tà dậm cửa ùa vào nhà. Có thể vì tôi vắng thành phố một số năm mà mất lòng tin thành phố, cũng có thể vì trong thảng thốt tôi chưa nhận ra điều mà trước đây tôi đã gặp: thành phố Sài Gòn vẫn lắng làm hai, một thành phố của những người yêu nước và một thành phố của bọn thống trị.

 

Đó là kiểu thứ hai.

 

Những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi thường có dịp ra vô Sài Gòn. Tất nhiên, không lần nào giống lần nào, nhưng nói chung lại chẳng khác nhau là mấy. Đại thể, phải nghi trang bằng một cái gì đó và phải xem Phú Lâm hoặc Ký Thủ Ôn, hoặc Hàng Xanh, hoặc Ngã tư Bảy Hiền là cửa ải mà mỗi lần qua lại đầu thêm nhiều sợi tóc trắng. Cố làm tỉnh để che mắt bọn lính kín, mỗi lần qua những nơi đó là mỗi lần tôi đứng tim. Không chỉ có lính kín, còn bọn đầu thú, chiêu hồi, phản chiến. Gần như tôi chẳng có thì giờ và đầu óc đâu để mà ngắm Sài Gòn. Sự căng thẳng chỉ giảm nhẹ khi bước vào giữa thành phố và nếu nói được là cảm giác thì đó là cái thở phào, giữa rừng người tất tả đi lại.

 

 Đó là kiểu thứ 3.

 

Tôi theo đơn vị vào Sài Gòn trong Mậu Thân. Trưa ba mươi Tết chạy từ Ba Thu xuống Bến Lức. Đêm đó và cả ngày sau ngủ tại bờ sông Vàm Cỏ Đông, trong bóng dừa nước. Rồi, qua lộ số 4, lại vượt sông Vàm Cỏ Đông, đi giữa ban ngày qua Rạch Kiểng, Long Thượng, đi suốt đêm về Hưng Long. Tờ mờ mùng hai Tết qua sông Quán Cơm, đến cầu Bà Tàng. Đêm mùng hai Tết từ cầu Bà Tàng qua bót Đa Rắc, vòng vào Phú Định, đi sát khu ra đa Phú Lâm và sáng ra đóng tại cầu Bình Tiên.

 

Bom pháo, trực thăng vũ trang, xe tăng luôn luôn khuấy động những đêm ngày mà thần kinh như sợi dây đàn kéo đến độ chỉ cần vặn thêm một chút là đứt. Xung phong, phản xung phong, phản kích, chống phản kích…, trật tự của từng giờ là như vậy. Nhưng, cũng như tất cả những người được lịnh – và cũng có người không được lịnh – vào Sài Gòn trong Mậu Thân đều phấn chấn. Dễ gì đặt bàn chân lên đường phố Sài Gòn trong tư thế của một giải phóng quân, với khẩu AK trong tay?Tôi biết nhiều đồng chí lang thang trên vỉa hè, áp chân mình vào những tảng đá lát đường và các đồng chí đã phấn khởi: sướng quá! Nhưng, dầu sao, những ngày Mậu Thân vẫn còn thòm thèm, vào chưa phải để ở hẳn.

 

Đó là kiểu thứ tư.

 

Và, lần này, trên chiếc commanca, giữa rừng cờ của ta, trong làn sóng có xanh, có đỏ, có màu sậm của những bộ quân phục quân giải phóng.

 

Mới hôm nào…Tôi như còn giữ hơi ấm của giọt nước mắt của mấy đồng chí ôm hôn tôi trong ngày đó. Rốt cuộc rồi chúng ta vào Sài Gòn, vào theo kiểu đàng hoàng nhất. Cũng phải qua nhiều tư thế để chọn ra tư thế “Tiến về Sài Gòn” này. Biết bao người nôn nao chờ ngày đó, có khi chờ cả trong giấc chiêm bao, mà không được hưởng. Những đồng chí ấy hy sinh trên đường “Tiến về Sài Gòn”, tiến về chiến thắng.

 

Tôi lảo đảo nhìn Sài Gòn. Chẳng phải vì những buyn đinh cao ngất, những cửa hiệu sang trọng, những đoàn xe hơi quý phái. Lảo đảo vì tôi đã vào Sài Gòn và vào trẽn chiếc commanca, trước đầu xe cắm một lá cờ, không ngờ nghệch như chú bé năm nào, không lo lắng như những lần trước, không hấp tấp như Mậu Thân. Chẳng vội gì áp chân vào bờ lề, ta làm chủ mãi mãi thành phố rồi mà, thành phố đang ôm ta đó mà! Mong mỏi vào Sài Gòn – mong mỏi nồng nhiệt- nhưng không ước lượng ngày giờ và kiểu cách vào Sài Gòn, bởi vào Sài Gòn tức là chiến thắng hoàn toàn. Điều đó, lúc đầu có vẻ hưởn đãi thậm chí trật vuột nữa, vậy mà khi đến thì chẳng còn ai kịp thở, đến ào ào, vùn vụt, đến như điện chớp, nhanh hơn cả sự mong đợi và tưởng tượng.

 

Quanh tôi, biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ, những người lần đầu tiên đến Sài Gòn – hang ổ cuối cùng của bọn cướp nước va bán nước, thành trì của chủ nghĩa thực dân mới, hậu cứ của Mỹ ngụy - ấy thế mà ai cũng ung dung như đi vào một vùng quê quen thuộc, dầu đây đó còn ngún cháy, việc giành giật từng khu nhà vừa diễn ra hôm kia, hôm kìa thôi! Phải chăng, thêm môt điều ngoài mong đợi và tưởng tượng nữa?

 

Bài liên quan:

Xin gửi lời chia buồn tại đây:

,
,