,
221
1684
Nhân vật - Sự kiện
skbl
/chinhtri/skbl/
552460
Con rồng Singapore và dấu ấn của những người lãnh đạo
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Con rồng Singapore và dấu ấn của những người lãnh đạo

Cập nhật lúc 16:08, Thứ Ba, 07/12/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Một mảnh đất vô danh tăm tối cuối bán đảo Mã lai buổi lập quốc, 45 năm trước, giờ đã vươn mình hoá thành Con Rồng kinh tế Singapore, một điểm hẹn hấp dẫn trên bản đồ thế giới.

 

Lịch sử của Thành phố-Quốc gia này khởi đầu bởi vị khai quốc công thần Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), chuyển tiếp qua Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) và đang được Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long (Lee Hseen Loong) viết tiếp. Ba thế hệ lãnh đạo đó đã ghi những dấu ấn sâu đậm trên con đường phát triển của đất nước Singapore.

Singapore, một vũng ao tù hoá Rồng ...

Hình ảnh của Singapore khi vừa mới được tự trị, năm 1960, được một tờ tạp chí mô tả thật ảm đạm, như một vũng nước tù đọng, nghèo nàn và lạc hậu. Singapore gần như là một đảo quốc không có tài nguyên gi đáng giá, kể cả nước ngọt để uống và sinh hoạt cũng phải nhập khẩu, ngoài biển cả mênh mông nước mặn vây quanh. 

Giờ đây, ai cũng phải công nhận rằng Singapore là một đất nước rất thành công trong phát triển kinh tế. Ngày nay, thu nhập bình quân đầu người của Singapore vượt trên con số 38.000 đô la Singapore (SD), với mức tăng bình quân đầu người hơn 1.000 SD hay gần 600 USD mỗi năm.

Tốc độ phát triển đó đã đưa một nước Singapore thuộc các quốc gia kém phát triển, chỉ sau ba thập niên, vươn lên đứng trong "thế giới hạng nhất" gồm những nước phát triển nhất.

Người Singapore xứng đáng ngẫng đầu kiêu hãnh chỉ cho thế giới thấy những con số, những điểm son về đất nước mình:

 

    - Dân số: 4,3 triệu người

   - Diện tích: 660 cây số vuông

   - Ngôn ngữ chính: Anh, Mã lai, Mandarin, Tamil

   - Tín ngưỡng chính: Đạo Khổng, Phật, Hồi, Thiên chúa giáo

   - Tuổi thọ trung bình: 76 tuổi (nam giới), 80 tuổi (nữ giới)

   - Xuất khẩu chính: máy tính, máy cơ khí, Sản phẩm cao su, sản phẩm dầu khí ...

   - GDP trên đầu người: 21.230 USD (Theo WB, 2003).

 

Ai cũng biết: một nước nhỏ, dân ít, có khó khăn và cũng có thuận lợi. Nhưng trên thế giới có bao nhiêu quốc gia nhỏ bé vẫn nghèo, thậm chí rất nghèo. Cái kỳ diệu của Singapore là nằm ngoài số phận chung ấy. Dù còn đó những lời bình khác nhau từ bên ngoài, thế giới phải công nhận họ là xứ sở trong lành. Theo nghĩa thực, đó là môi trường sạch sẽ và xanh tươi. Theo nghĩa rộng, đó là cuộc sống văn minh, kỹ cương và mức độ tham nhũng xếp loại thấp nhất thế giới. Ở đây, một nước Singapore nhiều dân tộc (Hoa, Ấn, Mã lai), nhiều tôn giáo (Khổng giáo, Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo), nhưng xã hội ổn định, mọi người cùng tồn tại bên nhau và cùng đưa đất nước phát triển nhanh  trở thành Con Rồng châu Á, đạt những tiêu chí sống - tuổi thọ và thu nhập - hàng đầu thế giới.

 

Công đầu của người khai quốc ...

Sử sách Singapore đã và sẽ ghi nhớ công đầu cho Lý Quang Diệu. Điều may mắn cho Singapore khi họ chọn được người tài cầm lái như Lý Quang Diệu và cả những người kế nhiệm ông như Ngô Tác Đống và Lý Hiển Long. 

Ông Lý Quang Diệu, người có công lớn cho sự thành công của đất nước "sư tử biển".

Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 tại Singapore, trong một gia đình gốc Hoa trung lưu. Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Cambridge danh tiếng, ở nước Anh, về ngành Luật, ông chính thức bước vào con đường hoạt động chính trị. Năm 1954 ông thành lập Đảng Hành động Nhân dân, đảm nhận vai trò Tổng thư ký. Năm 1955 được bầu vào Hội đồng lập hiến và trở thành Thủ tướng đầu tiên năm 1959. Từ đó, trong suốt 31 năm liên tục cho đến lúc từ nhiệm, năm 1990, ông được trao trọng trách đứng đầu Chính phủ.

Ông được vinh danh là nhà kiến trúc của đất nước Singapore hiện đại. Những thành tựu của nền kinh tế thịnh vượng và nếp sống văn minh tiên tiến của đất nước này gắn với những dấu ấn sâu đậm mang tính Lý Quang Diệu.

 

Kể từ khi giành được độc lập, Lý Quang Diệu và những người kế nhiệm theo đuổi một đường lối chính trị khôn ngoan, cương nhu phối hợp. 

 

Về đối ngoại, Singapore có một tầm nhìn xa về chiến lược. Nước nhỏ, tài nguyên nghèo nàn, Singapore chủ trương bắt tay rộng mở với mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

 

Trước hết với nước láng giềng Malaysia, nguồn cung cấp nước ngọt sống còn cho Singapore, họ phải luôn duy trì mối quan hệ giao hữu thân thiện, dù không phải lúc nào cũng mưa thuận gió hoà.

 

Với nước khổng lồ Trung hoa, một quốc gia với số đông Hoa kiều như Singapore, dĩ nhiên phải rất coi trọng mối quan hệ giữa hai nước, dù không phải là láng giềng và cả khác nhau về ý thức hệ. Ngay từ thời kỳ "chiến tranh lạnh", ông Lý Quang Diệu đã đến Bắc kinh (năm 1976) gặp ông Mao Trạch Đông. Mặt khác, Singapore vẫn khôn khéo trong mối giao hảo với Đài Loan, xem họ như bạn làm ăn thân tình.

 

Với nước CHXHCN Việt nam, ngay khi Việt nam vừa thống nhất đất nước, Singapore đã xúc tiến quan hệ với Hà nội. Ông Lý Quang Diệu nhiều lần qua thăm Việt nam, có nhiều cuộc thảo luận trao đổi kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo Việt nam về những vấn đề hai nước quan tâm nhiều lần đến Việt Nam. Từ đó, "cố vấn đặc biệt" là danh xưng mà báo giới thường giành cho ông.

 

Lý Quang Diệu cũng đã giành cho Việt nam những nhận xét khách quan và thiện chí rằng: Tài năng của người Việt sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh và tài năng của người Việt hiện sống ở Mỹ và Pháp nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này ( trích hồi ký của ông Lý Quang Diệu "From The Third World To First- Singapore Story 1965-2000").

 

Về đối nội, Singapore thực thi một đường lối "quốc trị" của riêng mình với chế độ một đảng lãnh đạo (ngoài đảng Hành động cầm quyền, các đảng đối lập cực kỳ nhỏ bé), với những luật lệ nghiêm khắc (phạt từ những điều nhỏ nhặt như xả rác công viên, kéo nước nhà vệ sinh, duy trì án tử hình rộng rãi, nhóm họp từ 5 người phải xin phép...). Chính sách này cũng là lý do để một số tổ chức bên ngoài chỉ trích, cho là vi phạm dân chủ và nhân quyền.

 

Thực sự, trong vấn đề này nhà cầm quyền Singapore cũng có những cách lý giải: nhằm bảo đảm sự ổn định đất nước trong bối cảnh một xã hội đa văn hoá, đa tôn giáo và đa chủng tộc Mặt khác, biến đổi những tập quán lạc hậu ngàn xưa để tiếp cận cách sống văn minh hiện đại là một quá trinh gian nan. Ta có thể nghe ông Ngô Tác Đống lý giải: có những thói quen phải tốn rất nhiều thời gian mới thay đổi được, như khạc nhổ nơi công cộng;vì đó là một "văn hóa cổ" ở châu Á, hoặc tật ném rác qua cửa sổ, kể cả khi sống trong những tòa nhà chọc trời. Vì vậy, họ cần được giáo dục, cần tồn tại mối đe dọa bị phạt để chấm dứt thói quen đó.

 

Đây có lẽ là sự khác nhau về quan niệm giữa nền dân chủ của phương đông và Âu-Mỹ. Về mặt này, tư tưởng Lý Quang Diệu gặp tư tưởng Mahathir Mohamed của Malaysia. Và không ít quốc gia khác, có nền pháp trị khác nhau ở châu Á cũng có thể chia sẻ với họ.

 

Gác lại những điều còn đang bàn cãi, hòn đá thử vàng vẫn là diện mạo của nền kinh tế của đất nước và cuộc sống của người dân. Lý Quang Diệu luôn nhấn mạnh tinh thần tự lực tự cường vươn lên. Ông có câu nói nổi tiếng: Thế giới không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống". Tinh thần đó là một trong những yếu tố tạo nên thành công ngày nay trong phát triển kinh tế của Singapore. Đó cũng thành công của Lý Quang Diệu.

 

Sự mềm mại và uyển chuyển ...

 

Kế nghiệp Lý Quang Diệu cũng là một người tài, một nhà kỷ trị được đào tạo kỹ lưỡng. Ông Ngô Tác Đống tốt nghiệp kinh tế ở Raffles Institution, tốt nghiệp Cử Nhân Kinh Tế loại Danh Dự ở Đại học Singapore, và nhận bằng Thạc Sĩ Phát Triển Kinh Tế ( Master of Arts in Development Economics) ở Williams College, Hoa kỳ.

 

Dù tờ báo The Straits Times của Singapore tiết lộ rằng "Ông Ngô Tác Đông không hề̀ ước sẽ có một ngày trở thành Thủ tướng", nhưng cuối cùng ông đã giữ cương vị này trong suốt 14 năm qua. Khi ông nhận quyền lãnh đạo Singapore và giữ người tiền nhiệm ở lại với cương vị̀ Bộ trưởng Cao cấp thu nhập đầu người hàng năm ở mức 22.000 đô la Singapore. Và lúc ông rời nhiệm sở con số đó là hơn 38.000. Đây hẳn là công lao của ông đối với người dân Singapore.

 

Ngoài những thành tích về kinh tế, ông Ngô còn đưa ra nhiều chính sách để tạo ra một xã hội dung hòa và phát triển bền vững hơn. Ông khuyến khích người dân có nhiều con hơn vào lúc mà tỷ lệ sinh nở trung bình của phụ nữ Singapore là 1,26. Ông cũng có những chính sách để phát triển và gìn giữ một xã hội Singapore văn minh lịch sự, tính cộng đồng chặt chẽ, và nói tiếng Anh chuẩn mực chứ không phải phiên kiểu tiếng Anh Singlish v.v ...

 

Dân chúng còn ghi nhận ở ông ở tính cách gần gũi, cỡi mở và "luôn muốn tham khảo ý kiến của dân chúng''. Sự mềm mại và uyển chuyển có lẽ là tính cách nổi bật ở vị Thủ tướng thứ hai của Singapore.

 

Đang lúc thành công về lãnh đạo kinh tế và được dân chúng tín nhiệm, ông Ngô Tác Đống cương quyết ra đi, và chuyển giao quyền lực lại cho người nhà họ Lý.

 

Tương lai của Thủ tướng đương nhiệm đang ở phía trước ...

 

Thủ tướng hiện tại, ông Lý Hiển Long được chuẩn bị công phu để nối nghiệp.

 

Sinh ngày 10/2/1952, con cả của Lý Quang Diệu. Ông du học với học bổng của Tổng Thống và học bổng Quân Đội, năm 1974 đỗ thủ khoa ngành Toán ở đại học Trinity, Cambridge và học tiếp nghiên cứu sinh về Công nghệ thông tin. Năm 1980 nhận bằng Thạc sĩ Hành chính quốc gia tại trường Kennedy, Đại học Havard, Hoa kỳ. Qua các khoá học quân sự ở các trường Fort Sill Oklahoma, Fort Leavenworth Kansas, từ năm 1971 đến 1984 ông tham gia lực lượng không quân Singapore (SAF) và xuất ngũ với cấp bậc Chuẩn tướng và bước vào hoạt động chính trị.

 

Lý Hiển Long ý thức rất rõ về con đường đời của mình. Trước hết là ý thức gắn bó với đất nước. Tại Cambridge, tốt nghiệp Toán loại tối ưu và cao hơn người đứng đầu lớp kế tiếp 50% điểm ưu, vị giáo sư hướng dẫn đã yêu cầu Long tiếp tục ngành học của mình, nhưng ông, dù mới tuổi 20 tuổi đã trả lời rằng: ... Tôi không muốn cho "chảy chất xám" vì đó sẽ là điều tệ hại với Tổ quốc... Song, trên hết, Singapore chính là nơi tôi gắn bó, phụ thuộc và là nơi tôi muốn sống ở thác về!....

 

Có người cho rằng Lý Quang Diệu tránh tiếng không trao quyền cho con ngay mà chuyển cho người họ Ngô, và để Lý Hiển Long bứơc qua từng nấc thang sự nghiệp. Hẳn những bậc thang đó cũng không ngắn chút nào: Những năm 1984; 1988; 1991; 1997 và 2001 là nghị sĩ QH. Năm 1985 giữ các chức vụ: Quốc vụ khanh Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp và Bộ trưởng thứ hai Bộ Quốc phòng.

 

Mãi đến năm 1986 ông mới được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) (hiện là Trợ lý thứ nhất Tổng thư ký PAP). Từ tháng 11-1990 đến tháng 12-1992: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp. Từ năm 1994 đến 2001: Chủ tịch Ủy ban Kinh tế cấp Bộ trưởng, phụ trách cả Bộ Thương mại - Công nghiệp và Bộ Quốc phòng; Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ Singapore; Bộ trưởng Tài chính.

 

Và sau 14 năm chính quyền trao vào tay họ Ngô, ngày 12-8-2004, người nhà họ Lý, ông Lý Hiển Long mới nhận cương vị Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính và chuyển chức Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ cho Ngô Tác Đông nay là Bộ trưởng cấp cao .

 

Các nhà bình luận cho rằng: Ông Lý Hiển Long cho đến nay vẫn là người đi theo khuôn mẫu của cha. Họ kể rằng: Ông Ngô Tác Đống đã đề nghị ông Lý nên giảm bớt tiếng đồn là quá "cứng rắn". Hình như ông đã bắt đầu điều chỉnh để chứng tỏ là vị Thủ tướng cũng có tình cảm trong ứng xử với con người.

 

Dù sao, hãy còn quá sớm để ông bộc lộ hết mọi mặt trong con người bình thường và con người chính khách, đặc biệt trong đường hướng chính sách tương lai. Mọi việc chờ đợi ông ở phía trước. Ông còn cơ hội dẫn dắt đất nước mình 10-15 năm nữa!

 

Với nước Việt Nam, vị Thủ tướng mới của Singapore tiếp tục mối quan hệ hữư hảo hình thành từ thời người cha thân yêu của mình, Lý Quang Diệu, và đang thực hiện ý định nâng mối quan hệ đó lên tầm cao mới.

 

Thật vậy, khi bài viết này đưa lên mạng, vị Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long đang ở Việt nam để cùng các nhà lãnh đạo  chúng ta bàn bạc việc biến Sáng kiến "kết nối hai nền kinh tế" thành hiện thực sống động. Trong bối cảnh hai nước bước vào khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21 này, việc xem xét quá trình phát triển và những bài học kinh nghiệm trong 45 năm phát triển của nước bạn chắc cũng là điều bổ ích.

  • Trần Hoàng Hà

 

 

 

,
,