Cảm nhận tham nhũng...
(VietNamNet) - Một số loại hình xếp hạng dựa trên các số đo cụ thể, một số loại hình xếp hạng kết hợp các yếu tố đo lường được, ví dụ như giá điện nước, giá vận tải… Riêng bảng xếp hạng tham nhũng hoàn toàn dựa vào cảm nhận. Như vậy, để cải thiện vị trí xếp hạng, chúng ta không chỉ cần phải cải thiện tình hình trong nước mà đồng thời phải cải thiện sự cảm nhận của cộng đồng quốc tế.
Tham nhũng là gì?
Hối lộ là chi tiền cho người tham nhũng để thúc đẩy người này làm theo quyền lợi của người chi. |
Gần đây ở diễn đàn Quốc hội và trên công luận, cụm từ "tham nhũng" được nhắc đến rất nhiều, nhưng hình như chưa có diễn đàn nào có một cách định nghĩa đầy đủ thế nào là tham nhũng.
Tham nhũng được nói đến rất nhiều ở khắp nơi trên thế giới. Nhìn chung người ta định nghĩa tham nhũng theo ba loại:
1. Loại “nhũng nhiễu” xảy ra khi phải chi tiền để được làm điều tốt. Ví dụ, xuất khẩu hàng hóa hay mở doanh nghiệp tạo công ăn việc làm là những điều tốt, nhưng nhiều doanh nhân vẫn phải chi tiền để được phép làm những việc tốt này.
2. Loại “phá hoại” xảy ra khi chi tiền để làm được điều xấu. Ví dụ như buôn lậu là xấu, nhưng nhiều kẻ vẫn chi tiền để làm được điều này.
3. Loại “bôi trơn” xảy ra khi vui vẻ chi tiền để đẩy nhanh tiến độ. Ví dụ như khi sắp hết giờ làm việc, người dân chi một khoản khuyến khích để anh công chức làm thêm giờ và hoàn thành thủ tục ngay trong ngày.
Dường như loại ba là hiền hòa và vô hại. Tổng cục Hải quan đã từng ra quy định cán bộ Hải quan đi kiểm hóa ngoài giờ được phép nhận tiền bồi dưỡng của khách hàng. Nhưng điều nguy hại là trên thế giới người ta thấy loại ba không bao giờ dừng lại ở loại ba mà sẽ rất nhanh chóng chuyển sang loại một và loại hai.
Ngân hàng Thế giới cũng phân tham nhũng ra thành các cấp như sau:
· Bôi trơn: một khoản chi nhỏ để đẩy nhanh những thủ tục thông thường.
· Hối lộ: chi tiền cho người tham nhũng để thúc đẩy người này làm theo quyền lợi của người chi.
· Nhũng nhiễu: lợi dụng chức quyền để thu tiền một cách bất hợp pháp.
· Lại quả: chi tiền cho các nhân vật có tác động, sau khi một giao dịch được thực hiện (thường là giao dịch với nhà nước).
· Cấp nhà nước: chính sách hay qui chế của chính phủ chịu tác động của một nhóm tham nhũng.
(Nguồn: Chống tham nhũng ở Đông Á, Ngân hàng Thế giới 2003)
Chỉ số tham nhũng được đo lường như thế nào?
Nếu không có bằng chứng thì không thể kết luận là có tham nhũng. Không có chuẩn so sánh thì không thể nói mức độ tham nhũng là cao hay thấp. Vậy có giải pháp gì?
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (có trụ sở ở Đức) từ năm 1995 đã khảo sát, cho điểm và xếp hạng tham nhũng của các quốc gia. Năm 2004 Việt Nam được 2,6 điểm trên 10 và xếp hạng 102 trong 146 nước được đánh giá. Đứng đầu danh sách này là Phần Lan với 9,7 điểm. Đứng cuối danh sách này là Haiti với 1,5 điểm. Không có nước nào đạt điểm 10 là điểm tuyệt đối.
Một số câu hỏi được đạt ra: Kết quả này thể hiện điều gì? Kết quả này có công bằng và chính xác không? Kết quả này có tác động gì đối với Việt Nam? Việt Nam cần phải làm gì?
Kết quả này thể hiện điều gì?
Có một số cách nhìn nhận khác nhau. Trong bảng điểm xếp hạng năm 2004, một nhóm các nước nhiều dầu mỏ bị gọi là “điểm cực kỳ thấp”, trong đó có Iran (2,9 điểm), Nga (2,8) điểm cho đến Nigeria (1,6) điểm. Như vậy Việt Nam cũng nằm trong số “cực kỳ thấp” với 2,6 điểm. Ở Đông Á, Việt Nam chỉ đứng trên Indonesia, và năm nay đứng trên được Pakistan do điểm của nước này đột ngột giảm.
Nhìn vào thứ tự xếp hạng thì kết quả khá bi quan. Việt Nam liên tục tụt hạng từ 43 năm 1997 xuống đến 102 năm 2004. Chúng ta ngày càng xa vời khỏi nhóm dẫn đầu gồm những nước như Phần Lan, Ai len, Niu Dilân, Singapore.
Có thể lý giải sự tụt hạng là do bảng danh sách ngày càng dài thêm, từ 41 nước năm 1995 đã lên đến 146 nước năm 2004. Việt Nam hạng 102/146 năm 2004 liệu có tệ hơn Việt Nam hạng 43/52 trong năm 1997? Tuy nhiên, những nước đứng ngoài danh sách thường bị coi là thiếu minh bạch, nếu khi họ bắt đầu tham gia vào danh sách lại đứng trên ta thì quả là một dấu hiệu không tốt gì cho ta.
Năm 1997, khi Việt Nam bắt đầu có tên trên bảng xếp hạng, có 9 nước xếp hạng thấp hơn Việt Nam. Đến năm 2004, có 4 trong 9 nước đó đã vượt qua chúng ta. Đó là Colombia (3,8 điểm), Mexico (3,6 điểm), Ấn Độ (2,8 điểm), và Nga (2,8 điểm).
Nếu xét theo điểm số, trong tám năm qua điểm của ta giảm từ 2,8 năm 1997 xuống 2,6 trong năm 2004. Trong cùng khoảng thời gian này, các nước láng giềng cạnh tranh với ta đã có chuyển biển rõ rệt: Thái Lan đã tăng từ 3,0 năm 1997 lên 3,6 điểm năm 2004 và Trung Quốc cải thiện từ 2,4 năm 1996 lên 3,4 điểm năm 2004.
Năm |
1997 |
1998 |
1999 |
2000 |
2001 |
2002 |
2003 |
2004 |
Điểm |
2,79 |
2,5 |
2,6 |
2,5 |
2,6 |
2,4 |
2,4 |
2,6 |
Xếp hạng |
43 |
74 |
75 |
76 |
75 |
85 |
100 |
102 |
Tổng số nước |
52 |
85 |
99 |
90 |
91 |
102 |
133 |
146 |
Nguồn: Tổ chức Minh bạch Quốc tế (www.transparency.org)
Kết quả này có công bằng và chính xác không?
Trước tiên là câu hỏi việc xếp hạng có công bằng đối với Việt Nam. Tổ chức Minh bạch Quốc tế, như tên gọi của họ, đã cung cấp miễn phí trên Internet toàn bộ các nguồn tài liệu sử dụng, phương pháp tính toán, các lời giải thích và bình luận. Một số ví dụ khác như Singapore và Hồng Kông được điểm cao hơn cả Mỹ và Pháp cho thấy không có dấu hiệu thiên vị nước nào khi cho điểm.
Thứ hai là câu hỏi việc xếp hạng có chính xác đối với Việt Nam. Điểm số được tổng hợp từ 18 nguồn thông tin của các tổ chức quốc tế có uy tín, trong đó có Viện Gallup (chuyên khảo sát ý kiến), Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Thụy sĩ), v.v… Cũng nên lưu ý đây chỉ là cảm nhận của những đối tượng được khảo sát, đó là các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu, và khách du lịch.
Kết quả này có tác động gì đối với Việt Nam?
Xét về phương diện marketing cho một quốc gia, xếp hạng tham nhũng không tốt gây ảnh hưởng đến hình tượng của quốc gia. Các nhân tài, các nhà quản lý, các nhà đầu tư chẳng muốn làm việc trong môi trường đó. Họ tin vào uy tín của tổ chức xếp hạng và không muốn mất thời gian để tìm hiểu việc xếp hạng có chính xác hay không.
Các nhà đầu tư chiến lược lại càng không muốn sản phẩm và hình tượng của mình lại kết giao với một hình tượng tiêu cực. Việt Nam đã có một số nhà đầu tư lớn được coi là đầu tư chiến lược, nhưng thực ra những tập đoàn này đang tập trung khai thác thị trường được bảo hộ trong nước như ô tô, xe máy, hàng điện tử, xi măng, thép…. Đến nay mới có rất ít tập đoàn lớn, như tập đoàn Nike hay Ikea, dám mạnh dạn đưa sản phẩm từ Việt Nam đến thị trường các nước phát triển.
Việt Nam cần phải làm gì?
Dù chúng ta muốn hay không, các cuộc khảo sát xếp hạng quốc tế vẫn được tiến hành. Điều không tốt là chúng ta bị xếp hạng thấp. Điều tốt là chúng ta đã có tên trong danh sách, tốt hơn những quốc gia còn đứng ngoài. Mặt khác, chúng ta biết được vị trí tương đối của mình và biết các đối thủ cạnh tranh của mình đang tiến như thế nào.
Một số loại hình xếp hạng dựa trên các số đo cụ thể, ví dụ như thu nhập bình quân đầu người, xuất khẩu, công nghiệp hóa…. Một số loại hình xếp hạng kết hợp các yếu tố đo lường được, ví dụ như giá điện nước, giá vận tải… với các yếu tố cảm nhận. Riêng bảng xếp hạng tham nhũng hoàn toàn dựa vào cảm nhận. Như vậy để cải thiện vị trí xếp hạng, chúng ta không chỉ cần phải cải thiện tình hình trong nước mà đồng thời phải cải thiện sự cảm nhận của cộng đồng quốc tế.
Việc cải thiện tình hình trong nước đến nay đang được diễn ra mạnh mẽ. Trong năm 2004 hàng loạt các vụ tham nhũng lớn ở những ngành vẫn được coi là “nhậy cảm” đã lần lượt được đưa ra ánh sáng. Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 11 vào cuối năm nay đang dành cả một tuần chỉ để thảo luận hai chuyên đề, trong đó vấn đề chống thất thoát là một. Chúng ta cũng đã có Pháp lệnh chống tham nhũng và Quốc hội đã quyết định đến năm 2005 sẽ ban hành Luật chống tham nhũng.
Việc cải thiện cảm nhận của cộng đồng trong nước và quốc tế cần đến nhiều kỹ năng tinh tế về quan hệ và marketing. Tuy nhiên một trong những cách hiệu quả để cải thiện cảm nhận là tăng cường thông tin minh bạch. Hiện nay rất nhiều hệ thống thông tin xếp hạng quốc tế vẫn chưa có tên Việt Nam. Những tổ chức thực hiện thông tin này chắc chắn không muốn bỏ qua một quốc gia với qui mô dân số đứng thứ 12 trên thế giới, lại nằm trong khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vấn đề là sự sẵn sàng và chủ động hợp tác của chúng ta.
-
Bùi Văn