Tờ Cứu quốc phỏng vấn ứng cử viên ĐBQH khoá đầu tiên
(VietNamNet) - Mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mà theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một ngày đầu tiên trong lịch sử VN mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình". 333 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá đầu. Trước Tổng tuyển cử, tờ Cứu quốc đã tiến hành phỏng vấn một số ứng cử viên ra ứng cử đại biểu QH.
VietNamNet xin trân trọng chuyển đến độc giả những tư liệu này.
Hỏi: Xin cụ cho biết cảm tưởng trước cuộc Tổng tuyển cử này?
Cụ Nguyễn Văn Tố. |
Đáp
: Tôi vừa có dịp đi thăm nhiều vùng quê...Tôi ngạc nhiên nhận thấy dân trí của dân ta đã lên cao đến một bậc trước chưa dám mong được thế. Từ người già đến trẻ con, ai cũng luôn nhắc đến chữ Độc lập và tỏ ra hiểu nghĩa dân quyền lắm...Dân ta hiểu cái quyền của mình lắm và chắc hẳn là biết dùng cái quyền của mình một cách sáng suốt.Hỏi: Tóm lại theo ý cụ thì cuộc tổng tuyển cử này đến cũng vừa hợp thời và sự phổ thông đầu phiếu không có gì là cao quá cho trình độ nhân dân ta?
Đáp: Vâng, chính tôi muốn nói thế.
Hỏi: Cụ cho biết chủ ý của Cụ đối với bản hiến pháp?
Đáp: ...Tôi có chân trong ban dự thảo hiến pháp... Muốn biết bản hiến pháp có hợp với trình độ nhân dân ta hay không thì phải theo dõi cuộc cách mạng ta từ khi phát sinh cho đến bây giờ và nhìn cả triển vọng về sau này nữa.
Tôi thấy cuộc cách mạng đang tiến tới về dân trí và như vậy ta chẳng nên sợ rằng dân ta không đuổi kịp hiến pháp mà chỉ lo hiến pháp không theo kịp sự tiến hóa của dân ta vậy.
Ông Vũ Đình Hòe (Giáo sư. Viết báo. Tác giả cuốn “Một chương trình cải tạo giáo dục ở nước ta“. Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ lâm thời). bulletin.vnu.edu.vn
Hỏi: Cảm tưởng ông trước cuộc Tổng tuyển cử này?
Cụ Vũ Đình Hoè. Ảnh từ bulletin.vnu.edu.vn |
Đáp
:...Khi sắc lệnh mới ban ra, chúng tôi hơi lo vì thời gian sửa soạn ít ỏi quá, sợ cuộc tổng tuyển cử mở không kịp thời hạn đã định...bây giờ thì vững lòng rồi vì mọi việc sửa soạn đã xong...Lại có thêm cái sung sướng thấy quốc dân tham gia một cách sôi nổi hăng hái đủ tỏ ra rằng cái ý nghĩa quan hệ của cuộc tổng tuyển cử này đối với vận mệnh nước nhà đã được quốc dân thấu hiểu sâu xa, mặc dầu những việc dắp tâm phá hoại vô ích của một bọn phản động.Hỏi: Ông có ý kiến gì về Hiến pháp sẽ thảo?
Đáp : ...Theo văn bản dự thảo Hiến pháp, Nghị viện sẽ có một quyền hành động rất lớn và quốc dân được trực tiếp điều khiển công việc nước. Cái đó là theo đúng nguyên tắc của chủ nghĩa Tân dân chủ mới xuất hiện trong cuộc đại chiến lần thứ hai này.
Hỏi: Ông cho biết ý kiến về Chính phủ mà quốc hội sẽ cử lên?
Đáp: Trước hết phải là một chính phủ liên hiệp quốc gia mới tập trung được tất cả lực lượng trong nước, đương đầu được với tình thế nước ta trong giai đoạn hiện nay ...những người được cử vào Chính phủ phải là người thật có tài có đức nhất là cương quyết nhất định kháng chiến đến kỳ cùng cho nền độc lập hoàn toàn của nước nhà.
Ông Nguyễn Đình Thi. Ảnh: TT |
Ông Nguyễn Đình Thi
(Hai lần bị Pháp bắt, đại biểu Văn hoá cứu quốc tham gia quốc dân đại hội Tân trào, tham gia Uỷ ban dân tộc giải phóng. Hiện là Chủ tịch Uỷ ban chấp hành Hội Văn hoá cứu quốc).Hỏi: Cảm tưởng anh trước Tổng tuyển cử?
Đáp: ...Trình độ dân chúng cao. Ở Hải phòng nơi tôi ứng cử,dân chúng bàn soạn,cân nhắc lá phiếu hết sức kỹ lưỡng...Theo lời một bạn tôi cũng ra ứng cử thì ở một huyện nhỏ,anh đã bị mộtđồng bào nông dân chất vấn về 3 nguyên tắc của văn hoá mới là : dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Dân hiểu rõ địa vị mình như vậy thì không âm mưu nào phá hoại nổi.
Hỏi: Ý kiến anh về hiến pháp?
Đáp: Dự thảo... đã định rõ một chế độ dân chủ mới riêng cho nước ta. Chế độ ấy căn bản ở chỗ:
- Liên hiệp các giai cấp. Sự tham dự của tất cả các giai cấp cách mạng vào chính quyền.
- Thiết lập một tổ chức chính trị mới mẻ đem dân chủ đến cho mọi người, không phải cho một số nhỏ trong các chế độ dân chủ cũ.
Những căn bản ấy là những thắng lợi quan trọng của Cách mạng Tháng Tám nhất định phải được giữ vững.
Hỏi : Ý kiến anh về Chính phủ sẽ thành lập?
Đáp : ...Những vai quan trọng sẽ không thay đổi mấy...Đường lối sẽ nối tiếp đường lối hiện thời chứ không rẽ ngoặt sang một hướng khác.
Ông Ngô Xuân Diệu (Nhà thơ)
Hỏi: Cảm tưởng anh về Quốc hội ?
Ông Xuân Diệu. |
Đáp:
...Chính quyền của nhân dân, nhân dân sẽ giữ chặt lấy...Những bọn cố giật lại sẽ chỉ tự sát. Bánh xe lịch sử sẽ nghiến nát chúng. Rõ ràng là chó cứ sủa, đoàn người vẫn cứ đi. Lịch sử cứ đi , Quốc hội cứ họp. Quốc hội sẽ làm tròn cái nhiệm vụ thiêng liêng của nó.Hỏi : Nếu anh vào Quốc hội anh sẽ bênh vực cho chương trình nào ?
Đáp : Quốc hội ta sẽ là một Quốc hội chiến đấu, một Quốc hội cương quyết dành độc lập. Quốc hội ta sẽ là một Quốc hội Cách mạng. Nó sẽ phải mãnh liệt nghiền nát những trở lực chứ không đi vòng.
Chương trình của tôi sẽ tóm tắt trong hai chữ đấu tranh.
Ông Đoàn Phú Tứ (Nghệ sĩ, ứng cử tại
Hỏi: Cảm tưởng anh về Tổng tuyển cử?
Đáp: Anh hỏi tại sao tôi ra ứng cử thì hơn... Tôi là một người dân Việt Nam và bất cứ người Việt Nam nào lúc này cũng cần, cũng phải có bổn phận phải tỏ rõ cái chí muốn độc lập của mình...Quốc hội kỳ này sẽ biểu dương ra thế giới cái ý chí của nhân dân ta như một sự thực hiển hiện, không thể chối cãi được. Dân ta sẽ bày tỏ cái ý chí ấy, không những trong sự quyết định kháng chiến đến kỳ cùng chống ngoại xâm mà cả trong sự quyết định tổ chức lại nước nhà theo ý muốn của mình nữa.
Hỏi: Anh cho ý kiến về Hiến pháp sẽ thảo luận và về Chính phủ mà Quốc hội sẽ cử ra sau này?
Đáp: ...Tôi có thể nói ngay tính cách tiến bộ (của Hiến pháp) rất vừa ý tôi.
... Rất có thể Chính phủ sẽ tuyển lựa trong Nghị viện (cả bộ trưởng, thứ trưởng). Song trong tình thế đặc biệt này, tôi nghĩ có lẽ nên tổ chức một Chính phủ theo một hiến chế rộng rãi hơn, nghĩa là bộ trưởng và thứ trưởng có thể tuyển cả ở trong Nghị viện và cả ở ngoài nhân dân. Trong bước đầu tiên của quốc dân Việt Nam trên đường độc lập, nhân tài thiếu sót và cử tri bỡ ngỡ, thế nào cuộc tuyển cử chẳng bỏ sót một số nhân tài kiến quốc mà quốc dân chưa có dịp biết đến để bỏ phiếu tín nhiệm.
Ông Phùng Như Cương (45 tuổi, Chủ nhà chế sơn Thăng Long, Hội trưởng Liên đoàn Canh nông, Hội viên công thương cứu quốc)
Hỏi: Ý kiến của ông đối với Tổng tuyển cử và Chính phủ sẽ thành lập?
Đáp: Rất cần, rất cần. Nước ta đang bị nạn xâm lăng, trong nước gặp nhiều trở lực, cuộc tổng tuyển cử sẽ đem lại sự đoàn kết chặt chẽ lớn lao của dân chúng và Quốc hội sẽ dung hòa mọi nguyện vọng của dân chúng.
Quốc hội sẽ đưa nhiều nhân tài ra ánh sáng và Chính phủ chính thức sẽ có nhiều bộ trưởng xứng đáng.
Hỏi: Chương trình của ông nếu được trúng cử ?
Đáp: Chính trị đi đôi với kinh tế. Thay mặt công thương giới, nguyện vọng của tôi là xây một nền kinh tế thịnh vượng cho nước nhà.
Những bài phỏng vấn các ứng cử viên đại biểu QH trên tờ Cứu quốc. Ảnh: LAD. |
Ông Trần Tấn Thọ
(43 tuổi, Chủ hãng sơn Aviato. Hội trưởng Hội Hợp thiện. Trông nom Dục anh đường và Bình dân phạn điếm. Uỷ viên Ban Chấp hành Công thương cứu quốc đoàn)Hỏi: Ý kiến ông đối với Tổng tuyển cử và Hiến pháp?
Đáp: Tổng tuyển cử là rất cần. Đối nội, nó thống nhất mọi nguyện vộn của nhân dân; đối ngoại nó bày tỏ cho thế giới ý muốn độc lập tự do của quốc dân Việt
Dự án hiến pháp về đại cương tôi rất tán thành. Quyền hành tập trung ở cơ quan trung ương rất phải...trong những lúc cần phải hành động nhanh chóng. Còn ở địa phương vần có sự phân quyền để tránh những sự lạm dụng.
Hỏi: Nếu vào Quốc hội ông sẽ làm việc thế nào?
Đáp: Tôi sẽ đứng về phía dân chúng cần lao để bày tỏ ý kiến, sẽ có vài cuộc nói chuyện với cử tri Hà Thành bày tỏ chương trình làm việc của tôi.
Bác sĩ Tôn Thất Tùng (Giám đốc bệnh viện Yersin, ứng cử Hà Nội)
Hỏi: Thấy anh ghi tên ứng cử, tôi đến xin anh cho biết cảm tưởng anh trước cuộc Tổng tuyển cử này?
Bs.Tôn Thất Tùng. |
Đáp
: Tôi lấy làm sung sướng lắm, cũng như hầu hết người ViệtTôi lấy làm lạ cho thái độ lãnh đạm của một số anh em trí thức đối với cuộc Tổng tuyển cử này. Họ làm như việc của nước mình như là việc của nước nào ấy.
Tôi từ trước vẫn ở yên trong địa hạt chuyên môn của tôi, không tham dự gì vào đời sống chính trị, nhưng bây giờ tôi thấy phải có bổn phận phải ra ứng cử. Phần thấy tôi có thể giúp ích đôi chút bằng công việc chuyên môn của tôi, vừa phần muốn...phản đối thái độ hờ hững , lạnh lùng của bọn trí thức nói trên.
Hỏi: Còn ý kiến anh đối với phổ thông đầu phiếu?
Đáp: Đó là một sự mới mẻ cho dân ta thực nhưng chớ nghĩ dân ta không xứng đáng được hưởng quyền ấy. Tôi thấy những người lao động , những người nghèo nàn, những người không có học ở đâu không bíết , chớ những người làm việc ngay dưới quyền tôi...tôi thấy họ tỏ rõ sự quan tâm chú ý tới tất cả mọi chuyện có liên can về độc lập về vận mệnh nước nhà lắm. Lẽ nào họ lại không có quyền được bày tỏ ý nguyện của họ ra ?...
Hỏi: Theo ý anh Chính phủ cử ra sau đây phải có tính cách như thế nào?
Đáp: Theo tôi Chính phủ sắp tới đây phải mạnh, vững vàng thẳng tay đối phó với những hoạt động phản nghịch với nền độc lập, với nền dân chủ của ta. Nên, Chính phủ ấy không tất nhiên dễ dàng thực hiện ngay chế độ dân chủ, mà chỉ là dọn đường mở lối đưa đến chế độ dân chủ.
Bài viết giới thiệu ông Đỗ Đình Thiện (Nhà doanh nghiệp)
Gần đây, chúng ta phần nhiều biết tên tuổi ông Đỗ Đình Thiện vì: Ông là nhà triệu phú đã quyên vàng vào Tuần lễ vàng. Ông đã giúp Chính phủ và mua bức chân dung của vị Chủ tịch với số bạc triệu. Sự thực ta chỉ biết có thế, còn tại sao ông có cử chỉ ấy, ta chưa rõ. Muốn trả lời câu hỏi trên đây, chúng ta cần nhắc qua cuộc đời tranh đấu của ông thì hiểu ngay sự hy sinh dễ dàng của ông.
Khi ông Thiện du học tại Pháp (1927-1938), ông cùng anh em học sinh tham gia phong trào đấu tranh cho dân tộc giải phóng.
Tương lai ông bị phá tan nhưng ông không sờn lòng.
Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền (1936), ông hưởng ứng với phong trào bình dân, cùng anh em trong nhóm Lao động ( Le Travail )( cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Bắc kỳ) ...ông THiện một thanh niên sốt sắng, sẵn sàng trả lời tiếng gọi đầu tiên của Tổ quốc.
Ông đã đứng vào hàng ngũ.
Ông ra ứng cử, mang theo những kinh nghiệm của một doanh nhân trẻ tuổi và từng trải, một nhà chính trị hăng hái và thiết thực.
Chúng tôi lấy làm hân hạnh giới thiệu ông Đỗ Đình Thiện với các vị cử tri trong cuộc Tổng tuyển cử này.