,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
740310
Bộ GT-VT trả lời thắc mắc về các công trình
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Bộ GT-VT trả lời thắc mắc về các công trình

Cập nhật lúc 21:42, Chủ Nhật, 04/12/2005 (GMT+7)
,

Hàng chục thắc mắc của các cử tri về những công trình được triển khai tại địa phương mình được chuyển đến Bộ GT-VT. Không có một thắc mắc nào liên quan đến lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản (?).

Soạn: AM 639685 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cử tri đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai.

Cử tri tỉnh Yên Bái: “Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai, cho phép lập dự án đầu tư xây dựng mới đoạn đường sắt từ Ga Văn Phú đi Cảng Hương Lý (hồ Thác Bà). Sớm triển khai dự án đường sắt Thái Nguyên- Tuyên Quang- Yên Bái.”.

Trả lời:

- Về dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai:

Để đảm bảo an toàn chạy tàu, hiện tại tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đang được đầu tư nâng cấp thông qua các dự án: Đường sắt Hà Nội - Phố Lu, tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách; đang chuẩn bị để triển khai dự án hiện đại hoá thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội, tổng mức đầu tư 1.161 tỷ đồng từ vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc. Bộ Giao thông vận tải cũng đang cùng Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) chuẩn bị dự án nâng cấp tuyến này bằng nguồn vốn vay ưu đãi của ADB, với mức vốn vay khoảng 60 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

- Về việc sớm triển khai dự án đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái:

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành đường sắt đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái sẽ  được đầu tư ở giai đoạn sau năm 2010. Sau khi xây dựng, tuyến Thái Nguyên - Yên Bái sẽ nối liền đường sắt Hà Nội - Lào Cai với đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội vùng Trung du Bắc bộ phát triển.

Để xác định nhu cầu đầu tư, vốn đầu tư, quy mô và hướng tuyến, Bộ GTVT đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang đến Yên Bái. Theo nghiên cứu ban đầu của đơn vị tư vấn thì điểm đầu của dự án là khu vực ga Quán Triều thuộc tỉnh Thái Nguyên, điểm cuối là khu vực ga Văn Phú thuộc tỉnh Yên Bái. Dự kiến chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 80km bắt đầu từ ga Quán Triều hướng tuyến đi bên trái quốc lộ 37 qua Sơn Dương, Nông trường Sông Lô, Phú Lâm, Đức Quân, tiếp đến Minh Lương, Đại Thân sau đó nối vào ga Văn Phú thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ GTVT sẽ căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu vận tải để xem xét đầu tư dự án vào thời điểm thích hợp.

- Về việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng mới đoạn đường sắt từ ga Văn Phú đi cảng Hương Lý (hồ Thác Bà):

Theo báo cáo của cơ quan quản lý đường sông, cảng Hương Lý là cảng hành khách địa phương hiện tại chưa có nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt. Nếu chuẩn bị đầu tư dự án mà nhu cầu vận tải chưa xác định thì các số liệu và công nghệ kỹ thuật của dự án sẽ bị lạc hậu. Như vậy, khi xuất hiện nhu cầu vận chuyển sẽ nghiên cứu đấu nối cảng Hương Lý với tuyến đường sắt Thái Nguyên - Yên Bái.

Cử tri thành phố Cần Thơ: “Đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tập trung đầu tư và sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng TP.Cần Thơ như: nâng cấp Cảng Cần Thơ cho tàu từ 10.000 tấn trở lên ra vào được;sân bay Cần Thơ; cầu Cần Thơ và đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng QL1A”.

Trả lời:

Về việc nâng cấp cảng Cần Thơ: Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó có cảng Cần Thơ - Cái Cui là cảng tổng hợp địa phương trung tâm của cả vùng; theo quy hoạch, đến năm 2010 quy mô cảng Cái Cui sẽ xây dựng 4 bến cập tầu 10.000DWT đầy tải và tầu trọng tải 20.000DWT chở non tải cập (nếu phương án cải tạo cửa Định An theo tuyến tránh Quan Chánh Bố được triển khai xây dựng). Đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ căn cứ quy hoạch được duyệt, nhu cầu hàng hoá thực tế và khả năng huy động vốn để triển khai đầu tư xây dựng cảng trên. Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện giúp đỡ trong phạm vi trách nhiệm và khả năng của Bộ.

Về xây dựng sân bay Cần Thơ: Dự án cải tạo nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay để có thể tiếp nhận được loại máy bay A321, B767 với tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng đã được khởi công 4/9/2005, dự kiến hoàn thành trong năm 2007.

Về việc xây dựng cầu Cần Thơ và đẩy nhanh tiến độ thi công QL1A: Quốc lộ 1 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau đã được đầu tư khôi phục, nâng cấp mở rộng từ năm 1998 đến nay, cụ thể như sau:

- Đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã được khôi phục với quy mô 2 làn xe bằng nguồn vốn do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ hoàn thành năm 2002. Do lưu lượng xe tăng đột biến nên trong năm 2002, Bộ GTVT đã khẩn trương triển khai dự án mở rộng QL1 đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương với quy mô 4 làn xe (bao gồm cả tuyến tránh Tân An và cầu Tân An), dự án hoàn thành thông xe trước tết âm lịch năm 2003. Đầu năm 2005, Bộ GTVT tiếp tục triển khai dự án mở rộng QL1 đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận lên 4 làn xe, phấn đầu hoàn thành vào năm 2006. Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2006 - 2009.

- Đoạn Cần Thơ - Năm Căn: Tại thời điểm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đây là đoạn tuyến có lưu lượng thấp nhất trên toàn tuyến QL1A nên WB đầu tư sau cùng. Hiệp định vay vốn cho dự án ký từ tháng 7/2001, quá trình đấu thầu bị chậm 15 tháng do đúng vào thời điểm này WB không cho phép các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GTVT tham gia đấu thầu, phải mất nhiều thời gian để đàm phán với WB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được chính thức khởi công vào tháng 3/2003. Theo hợp đồng, đoạn Cần Thơ - Cà Mau sẽ hoàn thành vào tháng 3/2006, đoạn Cà Mau - Năm Căn hoàn thành vào tháng 11/2005. Bộ GTVT luôn xác định đây là dự án trọng điểm và là đoạn cuối cùng thuộc tuyến QL1 được cải tạo nâng cấp nên luôn có sự chỉ đạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đã gặp phải một số khó khăn khách quan như:

+ Công tác giải phóng mặt bằng chậm: Theo hợp đồng ký với WB, ta phải hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trước khi khởi công nhưng thực tế tuy chưa giải phóng mặt bằng xong vẫn phải khởi công và tiếp tục giải quyết các tồn tại trong quá trình thi công. Cho đến nay, công tác này tuy đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn một số vướng mắc.

+ Do yêu cầu của các địa phương về việc mở rộng các đoạn qua thị xã, thị trấn và các điều chỉnh thiết kế để đảm bảo hơn nữa chất lượng của tuyến đường và phù hợp với điều kiện địa chất thay đổi so với thiết kế ban đầu nên khối lượng các gói thầu đã tăng từ 30 - 50% so với hợp đồng gốc, các nhà thầu phải huy động thêm nhiều vật tư, vật liệu và thiết bị cho công trường.

+ Điều kiện địa chất trong phạm vi dự án khá phức tạp, nhiều vùng đất yếu; ở xa nguồn cung cấp vật liệu, việc vận chuyển vật liệu phụ thuộc đường thuỷ nên chỉ vận chuyển được vào mùa mưa, gặp khó khăn về nguồn vật liệu trong mùa khô là mùa thi công chính.

Bên cạnh đó là những nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là việc chậm huy động nhân lực thiết bị triển khai công trường của nhà thầu và những khó khăn về nhân lực, tài chính của các Nhà thấu chính Trung Quốc và Nhà thầu trong nước.

Cho đến nay, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đã rải được xấp xỉ 50% bê tông nhựa lớp 1 nhưng tiến độ chung vẫn còn chậm và không liên tục, tạo nên những bức xúc và mối quan tâm sâu sắc của dư luận xã hội.

Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra, tổ chức các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc; phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh liên quan giải quyết các tồn tại đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời chỉ đạo Ban quản lý dự án 1, các đơn vị Tư vấn và Nhà thầu điều chỉnh tiến độ, tranh thủ mặt bằng đã có, tăng cường lực lượng, triển khai nhiều mũi thi công để kịp thời khắc phục phần khối lượng bị chậm; thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn giao thông và giữ vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, phấn đấu trước tết âm lịch 2006 hoàn thành việc rải lớp bê tông nhựa lớp 1 trên toàn tuyến, đạt được như vậy sẽ đảm bảo thông xe êm thuận và giảm thiểu cơ bản các tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, do khối lượng phát sinh, bổ sung lớn nên Bộ GTVT đang tổng hợp, cân đối khối lượng toàn dự án để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

- Cầu Cần Thơ đang được xây dựng bằng nguồn vốn do Nhật Bản (JBIC) tài trợ, đã khởi công năm 2004, hoàn thành năm 2008.

 Tuy đã mở rộng QL1 lên 4 làn xe hạn chế nhưng do lưu lượng xe cộ trong những năm gần đây gia tăng nhanh chóng cùng với việc nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông nên đã xảy ra tình trạng này ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông xảy ra nhiều. Để giải quyết tình trạng này và nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong những năm tới của vùng, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương với quy mô 4 làn xe giai đoạn I, phấn đấu đến năm 2007 hoàn thành; sau đó sẽ triển khai tiếp đoạn Trung Lương - Cần Thơ.

Cử tri Thanh Hoá: “Đề nghị xác định mốc giới đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 và tiến hành việc đền bù giải toả để nhân dân ổn định cuộc sống”.

Trả lời: Mới đây Chính phủ cho phép đường Hồ Chí Minh được giải phóng thêm mặt bằng từ chân công trình theo mặt cắt ngang quy hoạch ra mỗi bên là 6m. Bộ GTVT đang chỉ đạo cắm các loại cọc khống chế trên toàn tuyến và công bố công khai hình vẽ trên bảng cắm ở dọc đường để nhân dân biết. Công tác cắm cọc trên toàn tuyến kết thúc trong năm 2005 và bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng từ năm 2006.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã cắm xong cọc và công khai công bố mặt cắt ngang quy hoạch, diện phải giải toả, phần đất lưu không trong lộ giới đường bộ chưa giải toả nhưng không được phép xây dựng thêm. Như vậy địa phương và nhân dân đã đủ điều kiện biết được để chủ động ổn định quy hoạch và cuộc sống. Như đã nêu trên, kế hoạch giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện từ đầu năm 2006, sự nhanh hay chậm chủ yếu do sự nỗ lực của địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Cử tri Long An: “Đề nghị Bộ Giao thông vận tải thông báo lộ trình cải tạo nâng cấp QL50 trên địa bàn huyện Cần Đước, Cần Giuộc để địa phương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri”.

Trả lời:

Dự án nâng cấp cải tạo QL50 đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Gò Công (gồm cả cầu Mỹ Lợi) đi qua địa bàn huyện Cần Đước, Cần Giuộc đang được Bộ GTVT thẩm định và lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 - 2010 để thực hiện dự án. Nếu được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí vốn, công tác chuẩn bị thực hiện dự án sẽ được triển khai cuối năm 2005 và thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2008.

Cử tri tỉnh Cao Bằng: “Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành nâng cấp QL3 và QL4A là 2 con đường huyết mạch của tỉnh và QL34. Vì hiện nay điều kiện đi lại, giao lưu hàng hoá còn rất nhiều khó khăn”.

Trả lời:

1. Dự án cải tạo nâng cấp QL3:

Dự án nâng cấp quốc lộ 3 trên địa phận tỉnh Cao Bằng dài 121km, được đầu tư thành 2 dự án (dự án tuyến chính và dự án tuyến tránh thị xã Cao Bằng).

- Dự án tuyến chính hiện nay đã cơ bản hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường, còn lại 12km/121km tại 2 gói thầu chưa thảm bê tông nhựa do mới thay thế nhà thầu năng lực yếu và chủ yếu do vướng mắc về giải phóng mặt bằng thi công tại thị trấn Phục Hoà.

- Tuyến tránh thị xã Cao Bằng dài 12km, theo tiến độ hợp đồng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2006. Hiện vẫn còn vướng mặt bằng thi công nhiều đoạn.

Để hoàn thành dự án, ngày 27/8/2005, Bộ Trưởng Bộ GTVT cùng Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ký biên bản cam kết. Trong đó Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chịu trách nhiệm chỉ đạo các Ban ngành và Hội đồng giải phóng mặt bằng thực hiện hoàn thành và giao mặt bằng cho đơn vị thi công chậm nhất vào ngày 15/10/2005. Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án 5 thúc đẩy nhà thầu phấn đấu hoàn thành xây lắp dự án vào 20/01/2006.

2. Dự án cải tạo nâng cấp QL4A:

Dự án lúc đầu được giao cho Sở GTVT Cao Bằng làm chủ đầu tư. Tháng 8/2004 theo đề nghị của Chủ tịch tỉnh chuyển giao lại cho Ban QLDA5 làm chủ đầu tư; Ban QLDA5 đã triển khai hoàn tất các thủ tục vào đầu năm 2005.

Hiện nay tất cả các gói thầu đã được thi công. Theo kế hoạch, các hợp đồng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2007. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng mới giải quyết được 46%. Thực tế hiện nay nhiều đơn vị chưa có mặt bằng thi công, đặc biệt là đối với gói thầu thuộc địa phận thị xã Cao Bằng.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng có sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo để sớm giao mặt bằng. Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA5 đôn đốc các nhà thầu xây lắp khẩn trương bố trí lực lượng thi công sau khi có mặt bằng, phấn đấu đảm bảo tiến độ đưa dự án vào khai thác.

3. Dự án cải tạo nâng cấp QL34:

Dự án được giao cho Sở GTVT tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư. Toàn tuyến dài 131km (từ Nguyên Bình km36+00 đến thị trấn Bảo Lâm km167). Dự án đã cơ bản hoàn thành 125km, còn 6km và 03 cầu trung (cầu Bảo Lạc 1 & 2, cầu Pác Pha): tuyến đường QL34 nằm hoàn toàn khu vực miền núi, chịu ảnh hưởng của mưa bão, nhiều vị trí cần có biện pháp kiên có hoá. Do nguồn vốn hạn hẹp (sử dụng vốn tín dụng) dự án được đầu tư với quy mô nhỏ (đường cấp 5 miền núi), nhiều đoạn mặt đường còn sử dụng kết cấu tạm bằng đá dăm. Nay dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ và Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT Cao Bằng điều chỉnh dự án để hoản chỉnh trải nhựa toàn bộ mặt đường và xây dựng các công trình kiên cố hoá. Dự án điều chỉnh bổ sung TMĐT đã được phê duyệt tại Quyết định số 608/QĐ-GTVT ngày 12/12/2004 và đã triển khai thi công (từ tháng 4/1999 đến nay) việc thay đổi nguồn vốn và điều chỉnh bổ sung dự án như đã nêu trên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài dự án.

Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo Sở GTVT Cao Bằng hoàn tất thủ tục, đặc biệt là giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhằm thi công dứt điểm để hoàn thành dự án vào đầu năm 2006.


Cử tri tỉnh Cần Thơ:
"Dư luận cho rằng tiến độ xây dựng các cầu lớn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ) diễn ra quá chậm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của nhiều địa phương. Hơn nữa, các dự án đã triển khai từ lâu nhưng tiến độ thi công quá chậm”.

Trả lời:

1. Về dự án cầu Cần Thơ: Khởi công ngày 18/10/2004, theo hợp đồng sẽ kết thúc dự án vào 18/12/2008; chủ đầu tư: Ban QLDA Mỹ Thuận. Dự án gồm 3 gói thầu:

- Gói thầu cầu chính vượt sông (gói số 2): do liên danh Nhà thầu TKN (Nhật Bản thi công); đến hết tháng 8/2005 tiến độ thi công đạt 4,47%, vượt so với kế hoạch đặt ra;

- Còn hai gói thầu đường dẫn đầu cầu: được khởi công muộn hơn. Trong thời gian qua, các nhà thầu chủ yếu chuẩn bị công trường, huy động máy móc, thiết bị và lập bản vẽ thi công. Do vậy, tiến độ thi công các hạng mục này chưa đạt được nhiều. Trong thời gian tới, do công tác chuẩn bị đã xong, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo sát sao để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm hoàn thành theo tiến độ yêu cầu.

2. Về dự án cầu Rạch Miễu: đây là dự án được đầu tư bằng hình thức BOT trong nước có một phần công việc được thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước. Số kinh phí đầu tư BOT do Liên doanh CIENCO 1-5-6 thuộc Bộ GTVT thực hiện. Từ khi khởi công đến nay, khối lượng thực hiện thi công đạt trên 45% là chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, những hạng mục khó khăn nhất (phần kết cấu phần dưới), Nhà thầu đã vượt qua. Hiện nay, khối lượng chủ yếu là tập trung xây dựng kết cấu phần trên. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ công trình. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2/9 vừa qua, các đơn vị thi công đã gác những phiến dầm đầu tiên trên nhịp cầu dẫn.

Một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ:

+ Trong thời gian qua, các đơn vị thi công: CIENCO 1-5-6 thuộc Bộ GTVT đều khó khăn về tài chính; việc các ngân hàng chậm cho công ty BOT vay vốn dài hạn đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án;

+ Sự biến động tăng giá các loại vật tư, vật liệu trong đó có xăng dầu và những thay đổi về chế độ chính s ách của Nhà nước đã làm Tổng mức đầu tư tăng lên, phải tiến hành thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư;

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các Chủ đầu tư, các cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục giám sát đánh giá đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh Tổng mức đầu tư và đề nghị Thủ tướng cho phép bổ sung nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước vào Dự án. Đồng thời tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn kinh phí để các nhà thầu tham gia thi công có kinh phí hoạt động và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhằm phấn đấu sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác theo tiến độ yêu cầu.

 

Cử tri thành phố Hải Phòng: “Quốc lộ 10 là một trong những tuyến đường huyết mạch chạy qua Hải Phòng nối với các tỉnh phía Đông Bắc của nước ta. Nhà nước đã và đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp song tiến độ rất chậm. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến Quốc lộ này, đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, tránh những rắc rối do quá trình xây dựng đối với chính quyền và nhân dân địa phương“.

Trả lời:

Dự án cải tạo nâng cấp QL10 có tổng chiều dài 162km từ Bí Chợ (Quảng Ninh) đến thị xã Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và đoạn nội thị Hải Phòng dài 20km đã hoàn thành bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 28/9/2003 theo đúng tiến độ của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư QL10 để đầu tư một số tuyến tỉnh lộ và dự án nâng cao hiệu quả tuyến đường thuộc địa phận Hải Phòng bao gồm: Tỉnh lộ 355 và đoạn Núi Đèo - Phà Rừng, Tỉnh lộ 351 và Tỉnh lộ 357.

Đến nay các dự án trên đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ đặt ra. Hiện tại còn một số hạng mục mới được bổ sung như hệ thống thoát nước, vuốt nối đường ngang... theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố mới được Bộ GTVT chấp thuận vào tháng 7/2005, hiện đang triển khai thi công.

Bộ GTVT đang chỉ đạo các Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đẻ hoàn thành dự án và ban giao lại cho thành phố quản lý để khai thác. Riêng nút giao Quán Toan (giữa QL5 và QL10) mới được đầu tư giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2006 theo hợp đồng đã ký.

Cử tri thành phố Cần Thơ: “Một số công ty không muốn chi phí thuê các cảng chuyên nghiệp bốc xếp hàng hoá của mình nên lập bến xếp dỡ riêng, nhưng sau đó lại lợi dụng bốc xếp luôn các loại hàng hoá của những công ty khác, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các cảng chuyên nghiệp. Các cảng (thực chất chỉ là bến xếp dở nêu trên) thường có các vi phạm sau:

+ Cho tàu cập cầu vượt quá trọng tải cho phép của cầu tàu, không đảm bảo an toàn khi xếp dỡ hàng hóa.

+ Tổ chức bộ máy chưa đầy đủ để hoạt động kinh doanh cảng biển; khi hoạt động bốc xếp chủ yếu là làm “cò”, thuê phương tiện trôi nổi để ăn chênh lệch giá. Do không tốn chi phí cho hoạt động tổ chức, quản lý…  dẫn đến sụt giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá, phá giá… gây ảnh hưởng đến các cảng trong Hiệp hội cảng biển Việt Nam.

+ Không được đào tạo chuyên môn về hoạt động kinh doanh cảng biển, thiếu hiểu biết về Luật Hàng hải.

+ Không có giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng biển của Cục Hàng hải Việt Nam.

+ Không đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy nổ trong sản xuất kinh doanh, không đảm bảo vệ sinh- môi trường…

+ Không đủ phương tiện và thiết bị đúng tiêu chuẩn, không kiểm định và đăng kiểm.

+ Công nhân bốc xếp không được đào tạo, không được trang bị về bảo hộ lao động nhưng vẫn cho làm.”

Trả lời:

- Tại khu vực Cần Thơ hiện có 06 bến cảng chuyên dùng để phục vụ bố, dỡ hàng chuyên dùng là xăng, dầu, gas, nhựa đường, vật liệu xây dựng phục vụ Khu công nghiệp Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và 03 bến cảng tổng hợp để bốc dỡ các loại hàng hoá khác.

06 bến cảng chuyên dùng bao gồm: Bến cảng Total gas Cần Thơ, bến cảng Tổng kho xăng dầu Cần Thơ, bến cảng Phúc Thành, bến cảng xăng dầu Tây Nam bộ, bến cảng xăng dầu Petro Mekong và bến cảng vật liệu xây dựng Bình Minh. 03 bến cảng tổng hợp bao gồm bến cảng Sài Gòn - Cần Thơ, bến cảng X55, bến cảng lương thực Trà Nóc. Ngoài ra tại khu vực Cần Thơ còn có 12 bến phao trong đó có 10 bến phao của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và 02 bến phao của Cảng Sài Gòn tại Cần Thơ.

- Việc mở 06 bến cảng chuyên dùng và 03 bến cảng tổng hợp tại khu vực Cần Thơ đã thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 tại Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Các bến cảng chuyên dùng để bố, dỡ hàng lỏng là xăng, dầu, gas, nhựa đường thì không thể bốc dỡ được các loại hàng khác. Bởi vì các cầu cảng, phương tiện và thiết bị chuyên dùng để bốc dỡ các loại xăng dầu, gas và nhựa đường không sử dụng để bốc dỡ các loại hàng khác.

- Về bộ máy tổ chức hoạt động kinh doanh tại các bến cảng chuyên dùng đã thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 10/2001/NĐ-CP ngày 19/3/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải. Điều kiện đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, bảo hộ lao động; phương tiện vận tải, thiết bị bốc dỡ của cảng thực hiện theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền về môi trường, lao động và phòng chống cháy nổ. Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ không cho phép tàu cập các cầu cảng vượt quá trọng tải được cập các cầu cảng tại khu vực Cần Thơ.

- Các bến cảng chuyên dùng, tổng hợp tại khu vực Cần Thơ đã được Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng biển, chỉ còn bến cảng lương thực Trà Nóc và bến cảng vật liệu xây dựng Bình Minh hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng biển. Bến cảng X55 thuộc Bộ Quốc phòng chưa thực hiện theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Cử tri thành phố Đà Nẵng: “Cử tri đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm có quy hoạch, thiết kế lại hệ thống đường sắt nói chung, hạn chế đi qua khu vực dân cư để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và giảm bớt tai nạn. Đặc biệt, có phương án sớm di dời Ga Đà Nẵng ra ngoại thành như đã quy hoạch, góp phần tạo điều kiện để thành phố thực hiện Nghị quyết 33/BCT của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội T.P Đà Nẵng.”

Trả lời:

1. Đối với hệ thống đường sắt:

Các tuyến đường sắt hiện nay phần lớn được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, đã khai thác hơn một thế kỷ, chịu sự tàn phá nặng nề qua 02 cuộc chiến tranh. Đến nay, kết cấu hạ tầng đường sắt đều xuống cấp, tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức thấp, lạc hậu và thiếu đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng.

Để định hướng và xây dựng ngành đường sắt phát triển phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 7/01/2002 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020. Đây là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông đường sắt hợp lý và thống nhất trong cả nước, có quy mô phù hợp với từng vùng lãnh thổ..., tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của ngành giao thông vận tải đường sắt, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Hiện nay, căn cứ vào khả năng nguồn vốn hàng năm và nhu cầu vận tải, Bộ GTVT xem xét, từng bước triển khai, đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch phát triển đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Đối với vấn đề di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố:

Ga Đà Nẵng là một trong số những ga lớn của ngành đường sắt, và là ga lớn nhất tại khu vực miền Trung. Tại vị trí khu ga Đà Nẵng tập trung nhiều đơn vị phục vụ và điều hành vận tải gồm: nhà ga loại 1, Trung tâm điều hành vận tải, Xí nghiệp Đầu máy, Xí nghiệp Toa xe, Công ty Thông tin tín hiệu và một số đơn vị khác của đường sắt.

Để phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố Đà Nẵng, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT đã có quyết định số 1505/QĐ-BGTVT ngày 27/5/2003 cho phép lập quy hoạch chi tiết di dời ga Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, các đơn vị có liên quan đang triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết di dời, dự kiến đến tháng 12/2005, đơn vị được giao nhiệm vụ lập báo cáo sẽ hoàn thành hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Việc di dời ga Đà Nẵng là công trình lớn về quy mô, kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi lượng quỹ đất cũng như khoản kinh phí đầu tư rất lớn để thực hiện, đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng tích cực phối hợp cùng Bộ GTVT để dự án sớm được hoàn thành.

Cử tri tỉnh Yên Bái: “Đề nghị Chính phủ ưu tiên các nguồn vốn cho phát triển giao thông nông thôn, nâng cấp đường tỉnh bằng các nguồn vốn WB, ADB… Xây dựng đường Đại Lịch- Minh An, đường Hợp Minh- Mỵ và có các chương trình, dự án xây dựng các cầu vượt sông, suối cho các tỉnh miền núi phía bắc (tương tự như Chương trình xoá cầu khỉ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long)”.

Trả lời:

Theo phân cấp, các tuyến đường giao thông như đề nghị của cử tri là đường địa phương, tỉnh có trách nhiệm quản lý và đầu tư. Bộ GTVT đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn để triển khai. Bộ GTVT sẽ tìm kiếm thêm vốn ODA để hỗ trợ như: Dự án nâng cấp các đường tỉnh lộ vốn vay ADB (tỉnh Yên Bái có 50km, tiêu chuẩn đường cấp V với kinh phí 4 triệu USD); Dự án giao thông nông thôn 3 vốn vay WB (tỉnh Yên Bái có 40km, tiêu chuẩn đường cấp VI với kinh phí 2,72 triệu USD); Dự án xây dựng cầu giao thông nông thôn 8 tỉnh miền núi phía Bắc bằng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản trong đó có tỉnh Yên Bái.

Cử tri tỉnh Yên Bái: “Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho triển khai thực hiện dự án nâng cấp tuyến đượng từ Púng Luông- Nậm Khắt (Mù Cang Chải) đi Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La), nối với Quốc lộ 32 tại Km 285+200 để phục vụ cho xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La”.

Trả lời:

Đường Mường La (Sơn La) - Púng Luông (km285 - QL32, tỉnh Yên Bái), dài 72km có kinh phí dự kiến 739 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông liên vùng, Bộ GTVT đã đưa vào đề án tránh ngập khi có các thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huổi Quang và Nậm Chiến. Hiện tại, Bộ GTVT đã hoàn tất đề án, đã trình Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn la. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bố trí vốn, Bộ GTVT sẽ khẩn trương triển khai thực hiện.

Cử tri tỉnh Yên Bái, Lào Cai: “Đề nghị Chính phủ sớm triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo QL70”.

Trả lời:

Quốc lộ 70 chiều dài 198km. Điểm đầu: Đầu Lô - Phú Thọ, điểm cuối: Cầu Hồ Kiều II (cửa khẩu Quốc tế Hà Khẩu), đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tại Quyết định 182/2003/QĐ-TTg ngày 5/9/2003. Bộ GTVT đã khẩn trương hoàn thành công tác CBĐT tuyến đường này với quy mô 4 làn xe vào tháng 10/2005. Ngày 2/3/2005, tại Thông báo số 35/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo chỉ đầu tư QL70 với quy mô đường 2 làn xe, đồng thời giao Bộ GTVT nghiên cứu tuyến cao tốc mới Hà Nội - Việt Trì - Yên Bái -Lào Cai nằm về hữu ngạn sông Hồng. Bộ GTVT đã điều chỉnh dự án QL70 với quy mô 2 làn xe và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng văn bản số 4338/BGTVT-KHĐT ngày 14/7/2005. Song song, Bộ GTVT cũng triển khai lập dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc mới Hà Nội - Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai nằm về hữu ngạn sông Hồng, sử dụng vốn vay JBIC và ADB. Tuy nhiên sau khi xem xét lại phương án tổng thể của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của những năm tới, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phải đầu tư ngay tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai và với QL70 chỉ đại tu đảm bảo đi lại an toàn, êm thuận. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan để có thể khởi công tuyến cao tốc vào năm 2007, hoàn thành năm 2012 và đại tu QL70 vào năm 2006, hoàn thành năm 2007.

Cử tri tỉnh Yên Bái: "Đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hồng (Trái Hút- Đông An) trên tuyến đường Yên Bái- Khe Sang, nối với tuyến Âu Lâu- Đông An và Đông An- Phong Dụ thượng với Quốc lộ 32 tại Gia Hội thành hệ thống giao thông liên hoàn giữa các vùng, miền phục vụ Quốc phòng và phát triển kinh tế địa phương.”.

Trả lời:

Cầu Trái Hút nằm trên tuyến đường Yên Bái - Khe Sang. Đây là đường địa phương, theo phân cấp do tỉnh quản lý và đầu tư. Bộ GTVT đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn để triển khai.

Cử tri tỉnh Lai Châu: “Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư xây dựng các tuyến đường tránh ngập dự án thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát, các dự án nâng cấp Quốc lộ 12 (Km 25- Km 91), Quốc lộ 279 và một số đường tỉnh lộ như dự án mở đường mới Mường Tè- Pác Ma- Mường Nhé, Phìn Hồ- Phong Thổ… để tỉnh kịp thời xây dựng các khu tái định cư bố trí cho 7.500 hộ phải di chuyển do xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huổi Quảng”.

Trả lời:

Các tuyến đường theo kiến nghị của cử tri đã được Bộ GTVT đưa vào Đề án đường tránh ngập khi có thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn La. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành Đề án đường tránh ngập cho 5 dự án thuỷ điện trên, đồng thời tính toán vốn đầu tư và phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuỷ điện này. Sau khi rà soát, cập nhật bổ sung hoàn tất Đề án cải tạo hệ thống giao thông tránh ngập của 5 dự án thuỷ điện khu vực Tây Bắc, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La để thông qua tại văn bản số 5548/TTr-BGTVT ngày 8/9/2005. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bố trí vốn Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng.

Cử tri tỉnh Cao Bằng: “Đề nghị Bộ Giao thông vận tải khai thác tuyến đường vận tải Cao Bằng- Tà Lùng- Long Châu (Trung Quốc) để thúc đẩy du lịch, giao lưu buôn bán với nước bạn. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai biên giới”.

Trả lời:

1. Tuyến đường Cao Bằng - Tà Lùng - Long Châu (Trung Quốc):

Quốc lộ 3 đoạn thị xã Cao Bằng - Tà Lùng đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2005. Sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc khai thác vận tải tuyến đường này. Bộ GTVT và Cục đường bọ Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục pháp lý theo chức năng để các cơ quan chuyên môn của tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây ký kết Hiệp định, đưa tuyến vận tải quốc tế Cao Bằng - Long Châu vào khai thác từ tháng 5/2000. Tuy nhiên, việc giao lưu buôn bán và du lịch chưa được phát triển. Để khai thác tuyến vận tải quốc tế này một cách có hiệu quả phụ thuốc rất nhiều vào sự khai phát triển kinh tế của địa phương.

2. Hệ thống đường vành đai biên giới gồm:

- Hệ thống QL4 (vành đai 1, gồm có các quốc lộ: 4A, 4B, 4C, 4E, 4G): chiều dài 780km. Điểm đầu: Tiên Yên - Quảng Ninh, điểm cuối: Pa So - Lai Châu. Đang tiến hành nâng cấp một số đoạn còn lại để toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, dự kiến hoàn thành trước năm 2010.

- Hệ thống QL279 (vành đai 2): Chiều dài 623km. Điểm đầu: Hà Khẩu - Quảng Ninh, điểm cuối: Tây Trang - Điện Biên. Đang được đầu tư cải tạo nâng cấp trên toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, dự kiến hoàn thành năm 2008.

- Hệ thống QL37 (vành đai 3): Chiều dài 465km. Điểm đầu: thị trấn Sao Đỏ - Hải Dương, điểm cuối Mộc Châu - Sơn La. Đang được đầu tư cải tạo nâng cấp trên toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, một số đoạn cấp V, dự kiến hoàn thành năm 2008.

Đường vành đai biên giới đoạn qua địa phận tỉnh Cao Bằng thuộc QL4A dài 52km (km66 - km118), đang được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, nguồn vốn TPCP, TMĐT: 271 tỷ đồng, khởi công 2004, hoàn thành 2008.

Cử tri tỉnh Lai Châu: “Để tạo điều kiện cho tỉnh có kế hoạch san ủi mặt bằng, bố trí các khu dân cư và khu tái định cư cấp đất cho hơn 3000 cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân nằm trong quy hoạch thị xã Lai Châu; thị trấn Phong Thổ và thị trấn Tam Đường tỉnh Lai Châu, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên bố trí đưa vào Kế hoạch 2005-2006 bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đối với hai dự án Quốc lộ 4D đường tránh thị xã Lai Châu và dự án nâng cấp Quốc lộ 4D (Km 0- Km 89), tổng kinh phí đầu tư cho hai dự án 980 tỷ đồng”.

Trả lời:

Dự án mở rộng QL4D đoạn km 0 - km 89 (giai đoạn II và đoạn tránh thị xã Tam Đường đã được Bộ GTVT thống nhất với Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư bằng nguồn TPCP giai đoạn 2006 - 2010.

- Quốc lộ 4D đoạn km0 - km89 (giai đoạn II): Dài 89km, kinh phí 300 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2005 - 2009. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sẽ hoàn tất giai đoạn này vào cuối 2005. Dự kiến khởi công 2006, hoàn thành 2009.

- Đoạn tránh thị xã Tam Đường: Dài 10km, kinh phí 480 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2005 - 2008. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, sẽ hoàn tât giai đoạn này vào cuối 2005. Dự kiến khởi công 2006, hoàn thành 2009.

Cử tri tỉnh Điện Biên: “Nghiên cứu thiết lập tuyến giao thông đường thuỷ khi đưa nhà máy thuỷ điện Sơn La vào hoạt động. Sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến giao thông:

+ Quốc lộ 279: Quỳnh Nhai- Tuần Giáo- Điện Biên- cửa khẩu Tây Trang;

+ Quốc lộ 12: Điện Biên- TX Mường Lay- Lai Châu;

+ Quốc lộ 6: Sơn La- Tuần Giáo- thị xã Mường Lay;

+ Đường từ thành phố Điện Biên Phủ- Mường Lói (huyện Điện Biên) sang Na Son, tỉnh Luông Pra Băng (Lào);

+ Đầu tư nâng cấp tuyến nối quốc lộ 4G- Sông Mã- Sốp Cộp- Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên).

Trả lời:

1. Nghiên cứu thiết lập tuyến giao thông thuỷ: Bộ GTVT đã giao Cục Đường sông Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên nghiên cứu lập quy hoạch phát triển hệ thống vận tải thuỷ nội địa sau khi có hồ thuỷ điện Sơn La, làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống này sau khi có thuỷ điện.

2. Sớm đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến:

- Quốc lộ 279: Đoạn qua tỉnh Điện Biên dài 134km (Đèo Chiến Thắng - Tây Trang đang được đầu tư cải tạo nâng cấp với các dự án sau:

+ Đoạn Đèo Chiến - Tuần Giáo: dài 26km, TMĐT 112 tỷ, nguồn vốn TPCP, tiêu chuẩn cấp IV, khởi công 2002, hoàn thành 2005.

+ Đoạn Tuần Giáo - Điện Biên: dài 76km, TMĐT 576 tỷ (gồm cả đoạn nội thị thành phố Điện Biên, đường vào đền Hoàng Công Chất và 4 cầu nội thị thành phố Điện Biên), vốn TPCP, tiêu chuẩn đường cấp IV, khởi công 2006, hoàn thành 2009.

+ Đoạn thành phố Điện Biên - Tây Trang: dài 32km, đã triển khai công tác CBĐT nhưng chưa bố trí được nguồn vốn trong giai đoạn từ nay đến 2010, sẽ triển khai xây dựng sau 2010. Trước mắt Cục đường bộ Việt Nam thực hiện công tác bảo trì để đảm bảo an toàn giao thông.

- Quốc lộ 12: dài 196km, đoạn qua tỉnh Điện Biên dài 105km (km90 - km195), đang được đầu tư cải tạo nâng cấp với các dự án sau:

+ Đoạn km30 - km140: TMĐT 162 tỷ, vốn SCĐB và TPCP, tiêu chuẩn cấp IV, khởi công 2002, hoàn thành 2004.

+ Đoạn km140 - km196: TMĐT 265 tỷ, vốn TPCP, tiêu chuẩn đường cấp IV, khởi công 2002, hoàn thành năm 2006.

+ Đoạn km90 (cầu Hang Tôm) đến km104 (Mường Tùng): bao gồm cả cầu Hang Tôm, thuộc đề án tránh ngập thuỷ điện Sơn La, Bộ GTVT đã trình Đề án này để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng.

- Quốc lộ 6: địa phận Điện Biên dài 116km (km390 - km506), đang được đầu tư cải tạo nâng cấp với các dự án sau:

+ Đoạn Sơn La - Tuần Giáo: TMĐT 1.166 tỷ, đầu tư bằng nguồn TPCP, tiêu chuẩn đường cấp IV, dự kiến khởi công vào cuối 8/2005, hoàn thành 2008.

+ Đoạn Tuần Giáo - tx Mường Lay (tx Lai Châu cũ): đã triển khai công tác CBĐT nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Trước mắt Cục đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì để đảm bảo an toàn giao thông.

- Đường Điện Biên - Sông Mã: Bộ GTVT đã triển khai công tác CBĐT nhưng chưa bố trí được nguồn vốn trong giai đoạn từ nay đến 2010, sẽ triển khai xây dựng sau 2010.

- Đường từ thành phố Điện Biên Phủ - Mường Lói (huyện Điện Biên) sang Na Sơn, tỉnh Luông Pra Băng (Lào): đoạn thành phố Điện Biên Phủ - Mường Lói thuộc tuyến Điện Biên - Sông Mã, đoạn từ Mường Lói - Cửa khẩu Na Sơn (16km) đã được cập nhập bổ sung vào báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến Điện Biên - Sông Mã sẽ triển khai xây dựng sau 2010.

Cử tri tỉnh Yên Bái: “Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt tuyến đường hành lang Côn Minh- Việt Trì tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế- xã hội của cả vùng, trong đó có tỉnh Yên Bái”.

Trả lời:

Tuyến hành lang Côn Minh - Hải Phòng đang được triển khai đầu tư xây dựng với các dự án sau:

- Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng): đã được đầu tư xây dựng tiêu chuẩn đường cấp I, hoàn thành 2003.

- Quốc lộ 2 (đoạn Hà Nội - Đoan Hùng): đang được đầu tư xây dựng, gồm các dự án sau:

+ Đoạn Hà Nội - Vĩnh Yên: đầu tư bằng nguồn vốn BOT, khởi công 2005, hoàn thành 2007.

+ Đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì: đang được đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn đường cấp III, hoàn thành cuối 2005.

+ Đoạn Việt Trì - Đền Hùng: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng năm 2004, tiêu chuẩn đường đô thị.

+ Đoạn Đền Hùng - Đoan Hùng: đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục CBĐT, dự kiến khởi công 2006, hoàn thành 2009.

- Quốc lộ 70: dài 198km. Điểm đầu: Đầu Lô (Đoan Hùng) - Phú Thọ, điểm cuối: Cầu Hồ Kiều II (Cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu). Đang lập dự án với quy mô đại tu toàn tuyến trên mặt đường cũ đảm bảo đi lại êm thuận. dự kiến khởi công 2006, hoàn thành vào năm 2007. Song song, Bộ GTVT đang lập dự án đầu tư xây dựng ngay tuyến cao tốc mới HàNội - Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai, dự kiến sử dụng vốn vay của JBIC và ADB, phấn đấu khởi công 2007, hoàn thành 2012.

- Quốc lộ 4D đoạn kim 140 - km149: (trùng với lý trình km189 - km198 của QL70), đang triển khai đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn đường đô thị, khởi công 2001, hoàn thành 2005.

- Quốc lộ 4E đoạn thị xã Lào Cai - Cam Đường: đang được triển khai đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn đường đô thị, khởi công 2001, hoàn thành 2005.

Cử tri tỉnh Lạng Sơn: “Đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng nâng cấp quốc lộ 279, 31, 3B và mở rộng quốc lộ 1A mới”.

Trả lời:

1. Quốc lộ 279: đoạn qua tỉnh Lạng Sơn dài 156km (km143 - km299), gồm:

- Dự án cải tạo nâng cấp đoạn km184 - km229 đã được đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn đường cấp V, TMĐT 89 tỷ đồng, hoàn thành tháng 6/2005.

- Dự án cải tạo nâng cấp đoạn km143 - km184: TMĐT 98 tỷ đồng, đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công cuối 2005, hoàn thành 2007.

2. Quốc lộ 31: đoạn qua Lạng Sơn dài 64km (km100 - km164), Bộ GTVT đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, TMĐT dự kiến 308 tỷ đồng. Đoạn tuyến này dự kiến đưa vào dự án cải tạo nâng cấp mạng lưới đường bộ miền Bắc và miền Trung vốn vay JBIC. Sau khi được nhà tài trợ chấp thuận sẽ triển khai xây dựng.

3. Quốc lộ 3B: đoạn qua Lạng Sơn dài 62km, TMĐT dự kiến 1.400 tỷ đồng, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn để triển khai nhưng chưa được giải quyết.

4. Quốc lộ 1A: QL1A đoạn Hà Nội - Lạng Sơn được xây dựng với tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, mặt đường bê tông nhựa, hoàn thành cuối năm 2000 đã phục vụ tốt nhu cầu phát triển và đi lại của các tỉnh trong vùng. Với lưu lượng như hiện nay, quy mô đường 2 làn xe còn phù hợp. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đang chuẩn bị thủ tục xây dựng tuyến cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh để gọi vốn đầu tư, đáp ứng lưu lượng giao thông trong những năm tới.

Cử tri tỉnh Đăk Lăk: “Cử tri đề nghị Nhà nước bố trí xây dựng dự án đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và đường liên tỉnh Đăk Lăk- Phú Yên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đề nghị Nhà nước sớm triển khai thi công xây dựng QL 14 đoạn phía bắc và phía nam thành phố Buôn Ma Thuột với tổng chiều dài khoảng 20m thuộc dự án đường Hồ Chí Minh. Cử tri đề nghị cho mở rộng 3 km thuộc QL 14 (đoạn đi qua Pơng Drang, huyện Krông Buk), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cụm công nghiệp Buôn Hồ. Việc thi công các công trình giao thông chưa được các doanh nghiệp thực hiện tốt khâu gắn biển, đèn báo hiệu, rào chắn, gây tai nạn cho người đi đường- đây cũng là tình trạng chung của cả nước, cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm chỉ đạo khắc phục”.

Trả lời:

1. Về đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột và đường liên tỉnh Đăk Lăk - Phú Yên: đây là các tuyến đường của địa phương, Bộ GTVT đề nghị tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn trực tiếp cho tỉnh để triển khai.

2. Việc sớm triển khai thi công QL14 đoạn phía Bắc và phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột và mở rộng 3 km thuộc QL14 (đoạn đi qua Pơng Đrang, huyện Krông Buk): Bộ GTVT đã đưa vào dự án đường Hồ Chí Minh để sớm triển khai thi công trong kế hoạch năm 2006.

3. Việc thi công các công trình giao thông chưa được các doanh nghiệp thực hiện tốt khâu gắn biển đèo báo hiệu, rào chắn, gây tai nạn cho người đi đường: Bộ GTVT tiếp thu ý kiến này và sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu có biện pháp khắc phục kịp thời.

Cử tri tỉnh Bình Định:Cử tri đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải tiếp tục đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 Quốc lộ 1D đối với đoạn đường Quy Nhơn- Sông Cầu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ tỉnh đầu tư mở tuyến đường phía tây tỉnh (từ Vân Canh đi Hoài Nhơn) nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vùng miền núi, dân tộc phía tây tỉnh Bình Định”.

Trả lời:

1. Việc tiếp tục đâu tư nâng cấp giai đoạn 2 quốc lộ 1D: Dự án tuyến đường Quy Nhon - Sông Cầu trước đây do địa phương quản lý, đã đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2001. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ GTVT đã có Quyết định chuyển thành QL1D và giao cho Cục đường bộ Việt Nam quản lý từ ngày 01/7/2002. Đến nay do nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất khó khăn nên giai đoạn 1 vẫn còn nợ 122 tỷ chưa trả được cho Quỹ Hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, để bảo vệ lớp bê tông nhựa hạt trung dày 7cm của giai đoạn 1 và kéo dài tuổi thọ của mặt đường, Cục đường bộ Việt Nam đang triển khai thi công lớp thảm hạt mịn dày 5cm, sẽ hoàn thành vào năm 2006. Các hạng mục công trình còn lại của giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để tiếp tục đầu tư khi cân đối được vốn.

2. Việc hỗ trợ tỉnh đầu tư mở tuyến đường phía Tây từ Vân Canh đi Hoài Nhơ: đây là tuyến đường của địa phương, Bộ GTVT đề nghị tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư trực tiếp cho tỉnh để triển khai.

Cử tri tỉnh Bắc Ninh: “Cử tri huyện Tiên Du- Bắc Ninh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét mở nút cua nối từ đường tỉnh lộ 271 đoạn xã Liên Bão lên đường Quốc lộ 1A (đường cao tốc Hà Nội- Bắc Ninh)”.

Trả lời:

Bộ GTVT đã xây dựng cầu vượt trực thông tỉnh lộ 270 và tỉnh lộ 271 qua QL1A bằng vốn vay ADB (Ngân hàng phát triển châu Á), hoàn thành năm 2003. Theo đề nghị của tỉnh Bắc Ninh, Bộ GTVT đã thống nhất cho xây dựng nút giao liên thông giữa tỉnh lộ 271 và QL1A. Dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, thực hiện bằng ngân sách địa phương, sẽ được khởi công vào cuối năm 2005. Nay Uỷ ban nhân dân tỉnh và cử tri tiếp tục đề nghị cho xây dựng tiếp nút giao liên thông giữa tỉnh lộ 270 và QL1A (xã Liên Bảo) đầu tư bằng ngân sách địa phương, Bộ GTVT đã thống nhất với tỉnh và đang triển khai các thủ tục cần thiết để sớm triển khai.

Cử tri tỉnh Hà Nam: “Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư hoàn thành nâng cấp quốc lộ 21A giai đoạn 2”.

Trả lời:

Bộ GTVT đã có Quyết định số 1754/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2005 giao kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2005 từ nguồn vốn ứng trước kế hoạch 2006 cho dự án nâng cấp quốc lộ 21A giai đoạn 2 thuộc tỉnh Hà Nam để trả khối lượng đã hoàn thành và tiếp tục thực hiện khối lượng còn lại với kinh phí là 125 tỷ đồng. Sở GTVT Hà Nam hứa sẽ chỉ đạo thực hiện hoàn thành dự án vào đầu năm 2006.

Cử tri tỉnh Thái Nguyên: “Đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho tiếp tục thi công cầu Suối Long trên quốc lộ 37. Công trình đã thi công xong 01 trụ cầu từ năm 2003 nhưng đến đầu năm 2004 Bộ Giao thông vận tải cắt kinh phí. Đây là công trình có mức đầu tư không lớn nhưng là tuyến đường độc đạo nối liền Thái Nguyên với các tỉnh phía bắc (Tuyên Quang, Hà Giang…). Hiện tại cầu cũ không còn, các phương tiện và nhân dân đi lại bằng cầu tạm và ngầm nên thường xuyên ách tắc giao thông nhất là vào mùa mưa lũ. Nếu không được thi công nhanh sẽ không đảm bảo giao thông đồng thời gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước. Như năm 2004 Cục đường bộ phải chi tới 500.000.000đ (năm trăm triệu đồng) cho công tác sửa chữa cầu, ngầm tạm”.

Trả lời:

Bộ GTVT đã có văn bản số 3224/GTVT-KHĐT ngày 31/5/2005 trả lời đại biểu Quốc hội Đàm Đình Trại. Nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vốn, công trình cầu Suối Long chưa được thi công tiếp. Ngày 26/8/2005, tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 1341/CV-QLDA đề nghị cho triển khai thi công tiếp công trình cầu Suối Long, Bộ GTVT chấp thuận đề xuất cho tiếp tục thực hiện để hoàn thành công trình vào tháng 6/2006 trước mùa mưa lũ.

Cử tri tỉnh Phú Yên: “Đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành sớm nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 25, tuyến đường ĐT 645, ĐT 649 từ Phú Yên đi các tỉnh Tây Nguyên và xúc tiến khảo sát xây dựng tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Tây Nguyên và ngược lại để khai thác tiềm năng kinh tế Tây Nguyên và vùng biển Nam Trung Bộ”.

Trả lời:

1. Việc sớm nâng cấp và mở rộng quốc lộ 25 từ Phú Yên đi các tỉnh Tây Nguyên là một đòi hỏi chính đáng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các địa phương. Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước hiện nay rất khó khăn, nên chưa triển khai nâng cấp và mở rộng được. Bộ GTVT sẽ giao cho Cục đường bộ Việt Nam tăng cường công tác sửa chữa, quản lý đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời đã đưa vào danh mục dự án cải tạo mạng lưới đường bộ sử dụng vốn vay của JBIC - Nhật Bản để nâng cấp.

2. Việc sớm nâng cấp và mở rộng tuyến đường ĐT 645, ĐT 649 đi các tỉnh Tây Nguyên: đây là các tuyến đường tỉnh lộ do địa phương quản lý, Bộ GTVT đề nghị tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ vốn đầu tư trực tiếp để triển khai.

3. Việc xúc tiến khảo sát xây dựng tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Tây Nguyên và ngược lại: Bộ GTVT đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt từ Tuy Hoà dọc theo sông Ba đến Buôn Ma Thuột. Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ GTVT sẽ xem xét để có thể trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành Đường sắt đến năm 2020. Việc đầu tư một tuyến đường sắt đòi hỏi vốn lớn và đặc biệt là phải có nhu cầu vận chuyển. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch, Bộ GTVT sẽ triển khai các bước tiếp theo để khẳng định khả năng và thời điểm đầu tư phù hợp.

Cử tri tỉnh Gia Lai: “Đề nghị nâng cấp Quốc lộ 25 đạt tiêu chuẩn để đảm bảo giao thông, vì hiện nay tuyến đường này đã bị xuống cấp hư hỏng”.

Trả lời:

Việc nâng cấp quốc lộ 25 đạt tiêu chuẩn là một đòi hỏi chính đáng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các địa phương. Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước hiện nay rất khó khăn, nên chưa triển khai nâng cấp và mở rộng được. Bộ GTVT sẽ giao cho Cục đường bộ Việt Nam tăng cường công tác sửa chữa, quản lý đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời chuẩn bị các thủ tục liên quan và làm việc với phía Nhật Bản để nâng cấp tuyến này bằng vốn vay của JBIC.

Cử tri tỉnh Kiên Giang: “Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại quy định về lực lượng tham gia kiểm tra giao thông và xử phạt các quy định về an toàn giao thông, hiện nay có 3 lực lượng gồm: Ban an toàn giao thông, Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Nên chăng, chỉ quy định một lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, có thể trực thuộc Cảnh sát giao thông - Bộ Công an hoặc trực thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp”.

Trả lời:

1. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt:

Căn cứ quy định của Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001 có hiệu lực từ ngày 01/01/2002; Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 15/6/2004, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28/01/1989 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 6/7/1995; Luật Thanh tra ngày 15/6/2004 thì chỉ có 02 lực lượng được quyền kiểm tra và xử phát các hành vi vi phạm về trạt tự an toàn giao thông:

- Lực lượng cảnh sát nhân dân: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự thuộc Bộ Công an.

- Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải.

Ngoài ra, theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp (là cơ quan có thẩm quyền chung) cũng có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính.

2. Phân định chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng kiểm tra, xử phạt:

Chức năng và nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông đã được quy định trong Luật, Pháp lệnh nêu trên và không có sự chồng chéo, cụ thể:

a) Lực lượng cảnh sát nhân dân:

+ Cảnh sát giao thông là lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử phạt tất cả các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

+ Cảnh sát trật tự kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm về trật tự giao thông đô thị như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, dừng, đỗ xe trái phép, lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông (thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát trật tự được quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ).

b) Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải: thực hiện chức năng kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến chuyên ngành như tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý và bảo vệ công trình giao thông, an toàn vận tải (riêng Thanh tra giao thông đường bộ chỉ được kiểm tra lại các điểm giao thông tĩnh như bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng, nghỉ xe...).

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay; để thực hiện được mục tiêu “chặn đứng sự gia tăng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông” mà Quốc hội đã đề ra thì việc tăng cường lực lượng chuyên trách nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông qua đó góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân là hết sức cần thiết.

3. Cơ quan không có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt:

Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (ở Trung ương) và Ban an toàn giao thông (ở địa phương) chỉ là cơ quan tham mưu hoạt động mang tính phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông. Ban An toàn giao thông không có chức năng và thẩm quyền kiểm tra, xử phạt.

Cử tri thành phố Hồ Chí Minh:Trong thời gian qua tình hình tai nạn giao thông vẫn còn rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và của, đặc biệt là tai nạn về đường sắt. Nhiều ý kiến đề nghị ngành đường sắt cần kiểm điểm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể; nghiên cứu lại việc rút ngắn thời gian chạy tàu vừa phù hợp với thực tế nhưng bảo vệ được tính mạng của người dân. Đề nghị công bố cho dân biết trách nhiệm để lật tàu chết người vừa qua thuộc về ai?”.

Trả lời:

Ngay từ đầu năm 2005 các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đã tiếp tục thực hiện tích cực các giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế gia tăng và giảm dần các vụ tai nạn giao thông. Tình hình tai nạn giao thông có những chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương tiếp tục giảm so với cùng kỳ của năm 2004. Trong 8 tháng đầu năm trên toàn quốc đã xảy ra 9.918 vụ tai nạn giao thông làm chế 7.703 người, bị thương 8.483 người, so với 8 tháng đầu năm 2004 giảm 2.258 vụ (giảm 18,5%), giảm 494 người bị chết (giảm 6%), giảm 2.638 người bị thương (giảm 23,7%). Như vậy cùng với kết quả đã đạt được trong các năm 2003, năm 2004 và 8 tháng đầu năm 2005 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mục tiêu kiềm chế sự gia tăng tai nạn giao thông và giảm dần các vụ tai nạn giao thông đã từng bước được thực hiện.

Về tai nạn giao thông đường sắt, trong năm 2004 đã giảm được trên cả 3 tiêu chí so với năm 2003. Năm 004 đã xảy ra 367 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 165 người, bị thương 232 người, so với năm 2003 giảm 90 vụ tai nạn, giảm 82 người chết, giảm 24 người bị thương. Trong 8 tháng đầu năm 2005 tai nạn giao thông đường sát tiếp tục giảm về số vụ nhưng số người chết và bị thương tăng so với cùng kỳ năm 2004, cụ thể như sau: xảy ra 193 vụ tai nạn, giảm 44 vụ; làm chết 105 người, tăng 10 người; bị thương 200 người, tăng 44 người.

Số người chết va bị thương do tai nạn giao thông đường sắt trong 8 tháng đầu năm 2005 tăng so với cùng kỳ năm 004, vì đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường sắt, đặc biệt là vụ lật đổ tàu E1 ngày 12/3/2005 tại Thừa Thiên - Huế làm chết 11 người, bị thương 69 người. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn lật đổ tàu E1 đã được cơ quan cảnh sát điều tra xác định là do tài xế lái tàu chạy quá tốc độ quy định cho phép (69/40km) và đã có quyết định khởi tố vụ án.

Ngay sau tai nạn tàu E1 xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan kiểm điểm, xác định mức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan đã nghiêm túc kiểm điểm và xử lý cán bộ các cấp có liên quan như sau:

1. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cách chức 16 cán bộ các cấp trực thuộc Tổng Công ty:

- Cách chức 04 cán bộ, trong đó có 01 Phó Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội;

- Cảnh cáo Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội;

- Khiển trách 05 cán bộ, trong đó có 03 cán bộ là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội;

- Phê bình nghiêm khắc 07 cán bộ, trong đó có 02 Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và Giám đốc Xí nghiệp vận dụng toa xe Hà Nội.

2. Tập thể lãnh đạo Cục đường sắt Việt Nam đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Cá nhân đồng chí Cục trưởng đã kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo Bộ về những vấn đề còn tồn tại cần hoàn thiện trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành đường sắt.

3. Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn tàu khách E1, đồng chí Bộ Trưởng và đồng chí Thứ trưởng trực tiếp phụ trách Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trước Ban cán sự Đảng Bộ GTVT.

Căn cứ vào kết quả kiểm điểm của cac đơn vị, cá nhân có liên quan, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ:

- Xem xét và quyết định hình thức kỷ luật khiển trách đối với Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.

- Bộ Trưởng Bộ GTVT nhận trách nhiệm và nghiêm túc kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan đến vụ tai nạn đổ tàu E1 như đã trình bày ở trên, Bộ GTVT đã thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra toàn bộ các điều kiện của cơ sở hạ tầng đường sắt, chất lượng của đầu máy, toa xe trong các đoàn tàu E1/E2, SE1/SE2, công tác tổ chức chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Kết quả kiểm tra đã khẳng định chất lượng của cơ sở hạ tầng đường sắt, chất lượng của đầu máy toa xe, công tác tổ chức chạy tàu không là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và phù hợp với thời gian hành trình chạy tàu và tốc độ chạy tàu khách theo quy định trên tuyến đường sắt Thống Nhất như hiện nay.

Cử tri tỉnh Đồng Nai: “Cử tri sống ven Quốc lộ 51 thuộc địa bàn xã Phước Thái huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (đường thuộc TW quản lý). Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng trên tuyến đường này nhằm hạn chế tai nạn giao thông cũng như các tệ nạn xã hội khác”.

Trả lời:

Quốc lộ 51 đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 1999 đã góp phần cải thiện, phát triển kinh tế vùng nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Khi xây dựng tuyến Quốc lộ 51, đồng thời với việc mở rộng, nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao năng lực vận tải, dự án cũng rất quan tâm đến an toàn giao thông trong đó có xây dựng hệ thống chiếu sáng cho đô thị như đoạn km0 - km2 + 200 thuộc thành phố Biên Hoà.

Sau khi đưa vào khai thác, tình trạng đo thị hoá Quốc lộ 51 diễn ra phức tạp; nhiều khu dân cư, khu công nghiệp, khu dịch vụ bám dọc Quốc lộ 51, trong đó có đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành (km32+200 - km37+460) sát với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã làm giảm khả năng lưu thông và gia tăng tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Ngành giao thông đã tập trung quản lý bảo trì và nhiều giải pháp an toàn được bổ sung; báo hiệu, sơn gờ giảm tốc, lắp đèn tín hiệu, thêm dải phân cách và nhiều giải pháp khác nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Chia sẽ cùng Trung ương, các địa phương cùng đóng góp xây dựng hệ thống chiếu sáng (đèn đường) như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lắp toàn bộ đoạn tuyến Quốc lộ 51 nằm trên địa bàn tỉnh (km37+460 - km73+600), tỉnh Đồng Nai đã lắp cho đoạn qua thị trấn Long Thành (km16 - km32).

Ngoài ra, để tăng cường công tác an toàn giao thông, nâng cao năng lực khai thác Quốc lộ 51, Bộ GTVT đã giao cho Cục đường bộ Việt Nam thực hiện Dự án: “Nâng cao năng lực khai thác Quốc lộ 51” với nội dung cải tạo nút giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu, xây dựng hàng rào chống chói, ý kiến trên của cử tri cũng sẽ được cập nhật và dự án. Dự án trải dài toàn tuyến bằng nguồn vốn sửa chữa đường bộ và đang trong giai đoạn triển khai chuẩn bị đấu thầu.

  • VietNamNet
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,