Sâu sát để bớt người bị oan sai
Ngành Kiểm sát, Công an, Toà án ở cấp trung ương nên thành lập một bộ phận theo dõi việc nhận hoặc huỷ các quyết định về việc bồi thường oan sai của cấp dưới.
Cử tri tỉnh Gia Lai: “Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm cố ý làm trái của Công ty xuất nhập khẩu Gia Lai vì có nhiều vấn đề mâu thuẫn, uẩn khúc chưa được Toà án cấp sơ thẩm, cấp phúc lẩm làm rõ và xử lý chưa nghiêm”
Trả lời:
Không để xảy ra án oan sai là nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. |
Sau khi xét xử phúc thẩm vụ án trên (ngày 07 và 08/4/2005) Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận được nhiều đơn của cán bộ công nhân viên Công ty xuất nhập khẩu Gia Lai, của bị cáo Tô Thị Kim Phượng và một số người có liên quan đến vụ án, của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Tô Thị Kim Phượng; công văn của Tỉnh uỷ tỉnh Gia Lai, của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm số 240 ngày 08/4/2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
Ngày 17/5/2005 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã làm thủ tục rút hồ sơ vụ án trên để xem xét. Nhưng hồ sơ vụ án trên đã được Toà án nhân dân tối cao nhận thụ lý nghiên cứu. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang và sẽ phối hợp với Toà án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Cử tri thành phố Hồ Chí Minh: “Các ngành Kiểm sát, Công an, Toà án ở cấp trung ương nên thành lập một bộ phận của ngành mình hoặc thành lập một tổ liên ngành có trách nhiệm theo dõi; tổng hợp và tham mưu cho người có thẩm quyền công nhận hoặc huỷ các quyết định về việc bồi thường oan sai của cấp dưới nhằm đảm bảo tính khách quan, hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình giải quyết”
Trả lời:
“Trong quá trình thực hiện giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan, do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, nếu có tranh chấp trong nội bộ ngành, thì thủ trưởng cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết.
Nếu có tranh chấp giữa các ngành thì thủ trưởng cấp trên trực tiếp phối hợp với nhau để xem xét giải quyết.
Thủ trưởng các ngành ở trung ương chịu trách nhiệm giải quyết mọi tranh chấp trong nội bộ ngành mình và phối hợp để xem xét tranh chấp giữa các ngành với nhau”
- Riêng đối với ngành kiểm sát thì sau khi có Nghị quyết 388, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phân công vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (gọi tắt là vụ 1) là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao để quản lý, hướng dẫn toàn ngành về công tác này.
Kết quả từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 388 và Thông tư liên tịch 01 đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận 73 đơn yêu cầu bồi thường của người bị oan, đã làm thủ tục khôi phục danh dự và thương lượng bồi thường xong cho 41 người với tổng số tiền gần 779 triệu đồng, tổ chức công khai xin lỗi 22 người. Có 06 người do thương lượng không thành nên đã khởi kiện ra Toà án để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.
Quá trình thực hiện Nghị quyết 388 trong ngành kiểm sát cũng bộc lộ một số thiếu sót, tồn tại như: ở một số Viện kiểm sát địa phương việc xác định thời điểm, trách nhiệm bồi thường còn lúng túng, một số nơi triển khai việc rà soát còn chậm.v.v... Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Viện kiểm sát địa phương khắc phục những thiếu sót trên.
Hiện nay Uỷ ban thường vụ Quốc hội đang tổ chức đoàn giám sát, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 388 của ngành kiểm sát nhân dân. Hy vọng rằng đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ cho chúng tôi những ưu điểm, thiếu sót và đặc biệt là giúp chúng tôi tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 388 để ngành kiểm sát nhân dân thực hiện tốt hơn Nghị quyết này.
- VietNamNet
Quý vị có hài lòng với nội dung trả lời trên?