,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
738622
"Không còn xã nào có giá điện trên 900đ/kWh"
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

'Không còn xã nào có giá điện trên 900đ/kWh'

Cập nhật lúc 14:56, Thứ Tư, 30/11/2005 (GMT+7)
,

Bộ Công nghiệp khẳng định như vậy khi trả lời bằng văn bản cho cử tri về việc giảm giá điện cho bà con nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp và cho các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn được hưởng giá điện như các hộ dân sống ở thành phố, thị xã.

Cử tri các tỉnh Kon Tum, Bến Tre, Đồng Nai, Hưng Yên, Bạc Liêu:  

Soạn: AM 635419 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cung cấp điện cho nông thôn nói chung, đặc biệt vùng cao, vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm.

- "Đề nghị Chính phủ, Bộ Công nghiệp quan tâm hỗ trợ đầu tư kéo điện sinh hoạt từ đường trục vào nhà ở cho các hộ dân thuộc diện nghèo, người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, để tạo điều kiện góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho các đối tượng này”.

-“ Đề nghị giảm giá điện cho bà con nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp; cho các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn được hưởng giá điện như các hộ dân sống ở thành phố, thị xã”.

- “Kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức sử dụng điện sinh hoạt cho các hộ gia đình, vì hiện nay định mức cho mỗi hộ là 100kWh/tháng không đảm bảo cho nhu cầu sử dụng của nhân dân”.

Bộ Công nghiệp trả lời: Về vấn đề thứ nhất: Trong những năm qua, vấn đề cung cấp điện cho nông thôn nói chung, đặc biệt vùng cao, vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Đây là một trong các nội dung trọng tâm được đặt ra trong Quy hoạch phát triển Điện lực ở các giai đoạn (thường gọi là các Tổng sơ đồ), đặc biệt là trong giai đoạn 2001 - 2010 có xét tới năm 2020 (còn được gọi là TSĐ 5). Tại Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg, ngày 05/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2001 đến 2010 định hướng tới năm 2020, trong đó cung cấp điện cho nông thôn được nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nâng cao mức sống của đồng bào tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Nhờ có sự quan tâm đầu tư điện nông thôn, đến 31/3/2005, điện lưới quốc gia đã đưa đến 525/536 huyện đạt tỷ lệ 97,95% (còn 1 huyện trong đất liền và 10 huyện đảo đã có điện tại chỗ) và 8.596/9.014 xã có điện đạt tỷ lệ 95,36%, đã có 11.627.538/13.137.481 hộ dân nông thôn có điện đạt tỷ lệ 88,51%.

Theo khoản 4, điều 51 Nghị định 45/2001/NĐ – CP ngày 02/08/2001về hoạt động Điện lực và sử dụng điện quy định: Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng đường trục hạ áp và nhánh rẽ vào nhà dân cho vùng miền núi khu vực II, III, các xã biên giới, các gia đình thuộc diện chính sách theo quy định của pháp luật.

Thực tế trong những năm qua Chính phủ đã thực hiện việc hỗ trợ thông qua các dự án như: Chương trình 135; các dự án năng lượng nông thôn. Ngoài ra, ngành Điện còn sử dụng  nguồn vốn vay trong nước, vốn KHCB, để đầu tư các công trình cấp điện cho các huyện, xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới (Riêng vốn khấu hao cơ bản hàng năm, ngành Điện dành hơn 300 tỷ đồng cho phát triển lưới điện nông thôn). Tính đến nay, dự án Năng lượng Nông thôn 1 (RE I) đã hoàn thành đóng điện được 853/902 xã, dự án vay vốn của Quỹ phát triển Pháp (AFD) đã hoàn thành đóng điện đợt 1 cho 78 xã, các xã còn lại sẽ được hoàn thành và đóng điện vào tháng 6/2005. Phần vốn dư của các dự án RE I đang được chuẩn bị đầu tư thêm cho khoảng 70 xã, dự án AFD đầu tư thêm 60 xã. Như vậy 2 dự án đầu tư cấp điện cho khoảng 1110 xã  với khoảng trên 200.000 hộ dânđầu tư cấp điện cho khoảng 1110 xã  với khoảng trên 200.000 hộ dân.

Thực hiện Quyết định số 864/2004/QĐ - CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ phê duyệt tổng thể Dự án "Năng lượng nông thôn II" (REII), đến nay đã có 6 tỉnh  gồm Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Cà Mau, Bến Tre đang triển khai các bước thực hiện đầu tư, tổ chức đấu thầu, các tỉnh khác đang thực hiện chuẩn bị đầu tư như: Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), kế hoạch đền bù tái định cư (RP), báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA). Các hộ dân nằm trong các dự án này không phải đóng góp kinh phí xây dựng đường trục hạ áp và công tơ mà chỉ đầu tư đoạn nhánh rẽ vào nhà; Nhiều địa phương đã sử dụng vốn ngân sách hoặc sử dụng các nguồn vốn khác để đầu tư nhánh rẽ vào nhà dân thuộc đối tượng quy định tại khoản 4, điều 51 Nghị định 45/2001/NĐ - CP ngày 02/08/2001 về hoạt động Điện lực và sử dụng điện như: tỉnh Hà Giang đầu tư 1,5 triệu đồng/1hộ; Tỉnh Sơn La cho các hộ vay không tính lãi; Tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông chuyển sử dụng tiền trợ cấp vải may quần áo sang đầu tư đưa điện về nhà cho các hộ dân...

Về vấn đề thứ hai:  Hiện nay, việc cung cấp điện nông thôn được thực hiện bằng hai hình thức là thông qua các tổ chức quản lý điện nông thôn và thông qua các đơn vị do Tổng công ty Điện lực Việt Nam quản lý .

Theo thông tư liên tịch 01/1999/TTLT/BVGCP - BCN ngày 10/02/1999 của Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp về việc hướng dẫn thực hiện giá bán tiêu dùng sinh hoạt đến hộ nông dân quy định:

1- Với các hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ các đơn vị cung ứng điện do Tổng công ty Điện lực Việt Nam quản lý thì giá mua điện được tính theo biểu giá bán điện chung trong cả nước (cả thành thị và nông thôn). Với các trường hợp này thì không có sự phân biệt giữa giá thành thị và giá nông thôn.

2- Với các hộ dân mua điện qua các tổ chức quản lý điện nông thôn thì giá mua điện được thực hiện theo cơ chế giá trần điện sinh hoạt nông thôn do Thủ tướng Chính phủ quy định. Theo cơ chế này, giá điện sinh hoạt nông thôn không được vượt quá mức giá trần 700 đ/kWh và UBND các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức quản lý điện nông thôn thực hiện các giải pháp để giảm giá bán điện nông thôn xuống dưới mức giá trần. Giá bán điện cho mục đích khác ngoài mục đích sinh hoạt thực hiện theo biểu giá chung của Chính phủ. Trường hợp các khu vực có giá bán điện sinh hoạt cao hơn giá trần 700đ/kWh thì giá cho mục đích khác thực hiện theo quy định của UBND tỉnh.  

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đến 31/3/2005 chỉ còn 71 xã (khoảng 0,8%) có giá bán điện sinh hoạt cao hơn giá trần và không còn xã nào có giá điện trên 900đ/kWh.

Hiện nay Bộ Công nghiệp đang tích cực chỉ đạo các địa phương và ngành điện tăng cường phối hợp quản lý điện nông thôn, từng bước đưa giá điện sinh hoạt nông thôn về tương đương với mặt bằng giá chung do Chính phủ quy định.

Thành công của việc tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn trong 2 năm vừa qua theo chỉ đạo của Bộ Công nghiệp đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường quản lý điện nông thôn, từng bước đưa giá điện sinh hoạt nông thôn ở hầu hết các địa phương về mức dưới 700 đ/kWh.

Do đó, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức quản lý điện nông thôn phấn đấu giảm tổn thất, giảm chi phí để đưa giá bán điện xuống bằng giá trần Chính phủ quy định, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng ở các vùng nông thôn.

Về vấn đề thứ ba: Bộ Công nghiệp đã có văn bản số 595/CV - KH ngày 01/02/2005 trả lời về vấn đề này. Nay, Bộ Công nghiệp xin bổ sung thêm một số thông tin như sau: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của  ngành điện là phải đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu của các ngành kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Với tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao, đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân cũng vì thế ngày một tăng cao. Chính vì vậy, trong thời gian qua, ngành điện đã phải tăng cường đầu tư phát triển nguồn và lưới để đảm bảo đủ điện phục vụ nền kinh tế quốc dân. Riêng năm 2004, tổng đầu tư vào ngành điện đã đạt 32.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD).

Về định mức sử dụng điện, từ trước đến nay Nhà nước không khống chế định mức sử dụng điện. Mức sử dụng điện cụ thể hàng tháng do từng hộ gia đình quyết định tuỳ theo nhu cầu trên tinh thần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Mức 100kWh/tháng trong biểu giá hiện hành không phải là định mức sử dụng hàng tháng mà là mức sử dụng với giá được hưởng chính sách trợ giá của Chính phủ (giá bán thấp hơn giá thành sản xuất) dành cho toàn bộ các hộ sử dụng điện sinh hoạt trong toàn quốc. Các hộ vẫn có thể sử dụng trên 100 kWh/tháng nhưng mức trợ giá đối với giá bán điện cho các bậc thang sau sẽ giảm đi. Sản lượng sử dụng càng cao thì mức trợ giá càng thấp. Đây cũng là một chính sách đúng đắn nhằm đảm bảo công bằng xã hội.

Vì vậy, cùng với sự phấn đấu sản xuất của ngành điện, mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhằm góp phần cùng ngành điện vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Cử tri tỉnh Khánh Hoà: “Đề nghị Bộ Công nghiệp cùng với tỉnh sớm giải quyết cho những cụm dân cư chưa được sử dụng điện lưới quốc gia theo Chương trình điện nông thôn của Chính phủ”.

Bộ Công nghiệp trả lời: Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI, Bộ Công nghiệp đã có văn bản số 1362/CV - KH ngày 25/03/2004 trả lời cử tri tỉnh Khánh Hoà về vấn đề này. Nay, Bộ Công nghiệp xin được nhắc lại và bổ sung thêm như sau:

Trong những năm qua, vấn đề cung cấp điện cho nông thôn nói chung, đặc biệt là cung cấp điện cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Cung cấp điện cho nông thôn là một trong các nội dung trọng tâm được đặt ra trong Quy hoạch phát triển Điện lực ở các giai đoạn (thường gọi là các Tổng sơ đồ), đặc biệt là trong giai đoạn 2001 - 2010 có xét tới năm 2020 (còn được gọi là TSĐ 5). Tại Quyết định số 176/2004/QĐ – TTg ngày 05/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2001 đến 2010 định hướng tới năm 2020, trong đó cung cấp điện cho nông thôn được nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nâng cao mức sống của đồng bào tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Nhờ có sự quan tâm đầu tư điện nông thôn, đến 31/3/2005, điện lưới quốc gia đã đưa đến 525/536 huyện đạt tỷ lệ 97,95% (còn 1 huyện trong đất liền và 10 huyện đảo đã có điện tại chỗ) và 8.596/9.014 xã có điện đạt tỷ lệ 95,36%, đã có 11.627.538/13.137.481 hộ dân nông thôn có điện đạt tỷ lệ 88,51%. Riêng đối với tỉnh Khánh Hoà, tính đến ngày 30/06/2005, trừ huyện đảo Trường Sa  đang được cung cấp điện bằng nguồn tại chỗ, còn lại 5 huyện đất liền đã có điện lưới quốc gia, với số xã có điện là 104/104 xã - đạt tỷ lệ 100% , số hộ có điện là 125.845/ 131.012 - đạt tỷ lệ 96,1%. Đây là tỷ lệ khá cao so với một số tỉnh miền Trung (Quảng Nam: 91,1%, Phú Yên: 92,1%, Bình Định: 94,5%...). Khánh Hoà là tỉnh đầu tiên ở miền Trung thực hiện mô hình ngành điện bán lẻ đến các hộ sử dụng điện. Nhưng do đặc thù là tỉnh có nhiều đảo nên việc đầu tư cấp điện bằng lưới điện quốc gia là rất khó khăn, chỉ có thể cấp điện cho hải đảo bằng nguồn điện tại chỗ (pin mặt trời, gió...), với số vốn đầu tư không nhỏ (khoảng 7 – 10 triệu đồng/hộ). Vì vậy, công ty Điện lực 3 đang tích cực tìm các nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nguồn điện bằng các dạng năng lượng khác nhằm đáp ứng nhu cầu dùng điện của các hải đảo.  Đồng thời, thực hiện Quyết định số 219/2003/QĐ - TTg  ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam đến 2005, Điện lực Khánh Hoà được thực hiện thí điểm cổ phân hoá từ 01/07/2005. Với mô hình hoạt động mới, Công ty cổ phần điện Khánh Hoà sẽ năng động hơn, phục vụ tốt hơn công tác cấp điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của địa phương, đồng thời tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư cho phát triển điện lực địa phương. Đây cũng sẽ là mô hình thí điểm làm cơ sở để triển khai cổ phần hoá các đơn vị kinh doanh điện khác trong ngành, tiến tới hình thành thị trường điện trong tương lai.

Cử tri tỉnh Hoà Bình:

- “ Đề nghị Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam tiếp tục kiến nghị với Chính phủ ưu tiên nguồn vốn thuế tài nguyên thuỷ điện Sông Đà cho tỉnh Hoà Bình để đầu tư đường điện 0,4kV cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh”

- “Đề nghị Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên công tác quản lý bán điện ở vùng lòng hồ sông Đà, vùng cao, vùng sâu, vùng xa có chính sách cơ chế cụ thể riêng khác vùng đồng bằng để ngành điện áp dụng”.

- “ Thực hiện chủ trương chính sách cổ phần hoá Doanh nghiệp các Điện lực miền núi, hàng năm công ty Điện lực 1 phải bù lỗ trong sản xuất kinh doanh ít nhất mỗi Điện lực miền núi từ 30 - 40 tỷ đồng, cao nhất gần 100 tỷ đồng. Do vậy, việc cổ phần hoá Điện lực miền núi là khó khăn, vì thu không đủ chi. Để thực hiện cổ phần hoá, đề nghi Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công nghiệp cần phải có chính sách rõ ràng giữa kinh doanh và phục vụ công ích không làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ công nhân viên và nhân dân sử dụng điện”.

Bộ Công nghiệp trả lời:  Ngay sau khi nhận được công văn số 01/BDN ngày 04/01/2005 của Ban Dân nguyện - UBTVQH, về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Hoà Bình, Bộ Công nghiệp đã có văn bản số 593/CV - KH ngày 01/02/2005 trả lời về hai vấn đề thứ nhất và thứ hai. Nay, Bộ Công nghiệp xin được nhắc lại và bổ sung thêm như sau:

Về vấn đề thứ nhất: theo Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính phân bổ khoản thu thuế tài nguyên nước thuỷ điện Hoà Bình cho hai tỉnh Hoà Bình và Sơn La theo tỷ lệ 50/50, số tiền này được Tổng công ty Điện lực Việt Nam nộp trực tiếp cho kho bạc của hai tỉnh. Cụ thể: năm 2002 Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã nộp 52,44 tỷ đồng; năm 2003 là 59,514 tỷ đồng, năm 2004 là 56,626 tỷ đồng cho kho bạc tỉnh Hoà Bình. Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình xem xét cân đối trích một tỷ lệ thích đáng từ nguồn thu thuế tài nguyên nước để đầu tư lưới điện hạ áp cho các xã trong tỉnh, đặc biệt ưu tiên cho các hộ dân thuộc vùng lòng hồ Sông Đà.

Về vấn đề thứ hai: Chính sách ưu tiên cho công tác quản lý bán điện ở các địa bàn khó khăn, trong Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ về Hoạt động điện lực và sử dụng điện đã thể hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh điện năng ở các vùng này như: các tổ chức đầu tư nguồn điện tại chỗ, lưới điện nông thôn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, tổ chức quản lý kinh doanh điện nông thôn được mua buôn điện với giá ưu đãi, được miễn thuế GTGT. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí để xây dựng đường trục hạ áp và nhánh rẽ vào nhà dân cho vùng miền núi khu vực II, III, các xã biên giới, các gia đình thuộc diện chính sách.

Về vấn đề thứ ba: Hiện nay, nhiều Điện lực tỉnh, đặc biệt là Điện lực các tỉnh miền núi hoạt động kém hiệu quả do chi phí đầu tư quá lớn, trong khi giá bán điện ở khu vực nông thôn quá thấp so với giá thành sản xuất kinh doanh làm cho doanh thu không đủ bù các khoản chi phí. Để tiến tới hình thành thị trường điện trong tương lai, việc cổ phần hoá các Điện lực tỉnh là một quá trình tất yếu. Tháng 3/2005, Bộ Công nghiệp đã chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức thành công 2 phiên bán đấu giá cổ phần của nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (437,5 tỷ đồng - tính theo mệnh giá) và Điện lực Khánh Hòa (21,218 tỷ đồng - tính theo mệnh giá) thông qua Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đây là Nhà máy điện và Điện lực tỉnh đầu tiên của EVN thực hiện cổ phần hóa. Với mô hình hoạt động mới, các Công ty cổ phần sẽ năng động hơn, phục vụ tốt hơn công tác cấp điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của địa phương, đồng thời tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư cho phát triển điện lực địa phương. Đây cũng sẽ là mô hình thí điểm làm cơ sở để triển khai cổ phần hoá các đơn vị kinh doanh điện khác trong ngành điện.

Tuy nhiên, việc cổ phần hoá khâu phân phối điện cũng cần phải thực hiện theo một lộ trình nhất định. Một trong những mục tiêu phải đạt được khi tiến hành cổ phần hóa các điện lực tỉnh là phải đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên và quyền lợi của cổ đông cũng như nhân dân sử dụng điện. Do đó, việc nghiên cứu chính sách để các Điện lực miền núi vừa thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện như một dịch vụ công ích được quy định trong Nghị định số 31/2005/NĐ - CP ngày 11/03/2005 của Chính phủ, vừa bảo đảm mục tiêu chuyển sang cổ phần hoá là điều cần thiết. Bộ Công nghiệp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Cử tri tỉnh Cao Bằng, Hoà Bình, Quảng Nam: “Đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư về vốn cho mô hình HTX dịch vụ điện năng. Giúp đưa mô hình này kinh doanh có hiệu quả giảm giá điện cho nông dân”.

Bộ Công nghiệp trả lời:  Thực hiện Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/06/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, các Công ty Điện lực, Điện lực tỉnh phối hợp với các ban ngành của địa phương hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức quản lý điện nông thôn (TCQLĐNT) thành các mô hình hợp pháp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đến ngày 31/3/2005, công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn đã thực hiện ở 8.573/8.596 xã (chiếm tỷ lệ 99,7%), trong đó mô hình Hợp tác xã dịch vụ điện năng được thực hiện ở 4.987/8.596 xã (chiếm tỷ lệ 58,2%), các mô hình khác được thực hiện ở 3.586/8.596 xã (chiếm tỷ lệ 41,8%), chỉ còn 23/8.596 xã (chiếm tỷ lệ 0,3%) sẽ tiếp tục chuyển đổi trong năm 2005.

Việc hỗ trợ đối với các hoạt động điện lực nông thôn được quy định rõ tại các khoản 1 và khoản 3 điều 61, chương VIII Luật Điện lực, trong đó nêu rõ:

 1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị điện lực hoạt động tại khu vực mà việc đầu tư và hoạt động điện lực không có hiệu quả kinh tế,

2. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bao gồm:

a) Hỗ trợ về vốn đầu tư;

b) Hỗ trợ về lãi suất vay vốn đầu tư;

c) Ưu đãi về thuế.

Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ trên và UBND các cấp tạo điều kiện cho các tổ chức quản lý điện nông thôn hoạt động.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc giảm giá điện nông thôn xuống bằng hoặc thấp hơn giá trần quy định còn phụ thuộc nhiều vào phương thức tổ chức, quản lý vận hành của các tổ chức điện nông thôn sao cho giảm tổn thất, giảm chi phí. Các cơ quan chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra giám sát hoạt động này.

Cử tri tỉnh Điện Biên: “Việc áp dụng tiêu chí 70% số hộ dân trong một xã được sử dụng điện là đạt chỉ tiêu xã có điện, dẫn đến tình trạng thắc mắc, khiếu kiện trong dân và những hộ còn lại ít được quan tâm đầu tư. Đề nghị nâng tiêu chí xã có điện lên 90% số hộ dân được sử dụng điện”.

Bộ Công nghiệp trả lời: Trong những năm qua, vấn đề cung cấp điện cho nông thôn nói chung, đặc biệt là cung cấp điện cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Cung cấp điện cho nông thôn là một trong các nội dung trọng tâm được đặt ra trong Quy hoạch phát triển Điện lực ở các giai đoạn (thường gọi là các Tổng sơ đồ), đặc biệt là trong giai đoạn 2001 - 2010 có xét tới năm 2020 (còn được gọi là TSĐ 5). Tại Quyết định số 176/2004/QĐ - TTg ngày 05/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2001 đến 2010 định hướng tới năm 2020, trong đó cung cấp điện cho nông thôn được nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nâng cao mức sống của đồng bào tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Thực tế trong những năm qua Chính phủ đã thực hiện việc hỗ trợ thông qua các dự án như: Chương trình 135; các dự án năng lượng nông thôn. Ngoài ra, ngành Điện còn sử dụng  nguồn vốn vay trong nước, vốn KHCB, để đầu tư các công trình cấp điện cho các huyện, xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Riêng vốn khấu hao cơ bản hàng năm, ngành Điện dành hơn 300 tỷ đồng cho phát triển lưới điện nông thôn, trong đó tỉnh Điện Biên có 3 xã sử dụng nguồn vốn này. Tính đến nay, dự án Năng lượng Nông thôn 1 (RE I) đã hoàn thành đóng điện được 853/902 xã (trong đó tỉnh Điện Biên có 21 xã). Phần vốn dư của các dự án RE I đang được đầu tư thêm cho khoảng 70 xã, riêng tỉnh Điện Biên được 17 xã và đã hoàn thành đóng điện cho 5 xã.

Thực hiện Quyết định số 864/2004/QĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ phê duyệt tổng thể Dự án "Năng lượng nông thôn II" (REII), đến nay đã có 6 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Cà Mau, Bến Tre đang thực hiện các bước thực hiện đầu tư, các tỉnh khác (trong đó tỉnh Điện Biên có 12 xã) đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc xây dựng các công trình đưa điện về nông thôn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không thể thực hiện trong thời gian ngắn, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, không ở tập trung, vốn đầu tư bình quân cho mỗi hộ này khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Mục tiêu lớn nhất của Đảng và Chính phủ đề ra là phấn đấu 100% số hộ dân nông thôn có điện. Để đạt mục tiêu này, việc cấp điện cho nông thôn, miền núi phải được tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, phù hợp khả năng huy động  các nguồn vốn từng thời kỳ. Tuy vậy, trong từng giai đoạn đầu tư cần thiết phải xác định mục tiêu bằng tỷ lệ số xã, số hộ có điện để xác định quy mô, phạm vi của các dự án đầu tư nhằm xây dựng kế hoạch vốn cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương, không mang ý nghĩa tiêu chí “xã có điện”. Hiện nay, Bộ Công nghiệp tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác đầu tư điện nông thôn để phấn đấu đạt mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Cử tri tỉnh Cà Mau: “Dự án khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đang trong quá trình thi công nhưng tiến độ chậm, cử tri lo lắng việc kéo dài thời gian đối với công trình quốc gia và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có những giải pháp tích cực hơn trong thi công”.

Bộ Công nghiệp trả lời: Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XI tháng 12/2002 đã thông qua Nghị quyết về dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Đây là chương trình quan trọng quốc gia với 12 nhiệm vụ và giải pháp chính mà Chính phủ và các cơ quan liên quan phải thực hiện.

Tổ hợp dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau được xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau khoảng 14km, bao gồm 3 dự án thành phần.  Cho đến nay, tình hình triển khai của các dự án này như sau:

- Dự án Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau: đường ống dài 289 km dưới biển và 43 km trên bờ, công suất 2 tỷ m3/năm nhằm cung cấp khí cho khu công nghiệp điện - đạm Cà Mau, theo hình thức Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PV) tự đầu tư. XNLD Vietsovpetro là đơn vị được chỉ định thầu theo hình thức trọn gói (EPC), hiện đã hoàn thành hợp đồng mua ống và bọc ống, đang triển khai các hạng mục phụ trợ cho thi công tuyến ống trên bờ.

- Dự án Nhà máy điện Cà Mau: Công suất thiết kế 720 MW. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao PV làm chủ đầu tư và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC. Hiện nay LILAMA đang triển khai công tác xử lý nền, chuẩn bị công trường để triển khai xây dựng nhà máy. Theo chỉ đạo của Chíng phủ, LILAMA cùng với PV và các đại diện Bộ Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực đàm phán gói thầu EPC số 1 với Siemens. Dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán trong đầu tháng 9 tới.

- Dự án Nhà máy đạm Cà Mau: Công suất thiết kế 800.000 tấn urê/năm, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) tại Quyết định số 1218/QĐ-TTg ngày 10/9/2001 với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt vào năm 2001 là 492,7 triệu USD. Chính phủ đã đồng ý cho PV đàm phán trực tiếp với Nhà thầu Technip Italia (tổng thầu EPC của Nhà máy Đạm Phú Mỹ). Tuy nhiên, do có sự thay đổi tỷ giá giữa đồng EURO và đồng USD, tăng giá đột biến về sắt thép, chi phí phát sinh về xử lý nền móng, chi phí chạy thử bàn giao.v.v... làm cho quá trình đàm phán kéo dài nhưng không thành, Chính phủ đã cho phép Chủ đầu tư lập hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu rộng rãi. Do vậy tiến độ của nhà máy đạm sẽ bị lùi lại so với kế hoạch trước đây.

Trong thời gian tới, để công trình có thể triển khai với tốc độ nhanh hơn, cần thực hiện các giải pháp sau:

a) Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước

- Nghiên cứu áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để hỗ trợ có hiệu quả cho Chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu xếp vốn với các đối tác đầu tư, trong đó có phần vốn vay thương mại và xem xét tỷ lệ lợi nhuận bán dầu để lại cho PV.

- Đẩy nhanh tiến độ thẩm định lại Tổng mức đầu tư của các dự án, để Chủ đầu tư có cơ sở lập kế hoạch đấu thầu.

b) Về phía Chủ đầu tư

- Khắc phục ngay các phát sinh trong khâu điều tra, khảo sát thăm dò, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật xây dựng của các dự án.
- Trên cơ sở cập nhật tình hình thực hiện các gói thầu EPC, gấp rút hoàn thành kế hoạch đàm phán với Petronas - Malaysia để có thể thoả thuận lấy khí phù hợp với tiến độ và nhu cầu tiêu thụ của dự án khí - điện - đạm Cà Mau.
- Đối với dự án Nhà máy điện Cà Mau đã thu xếp được vốn vay với VietcomBank (270 triệu USD), Tổng công ty dầu khí Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ của dự án này để đảm bảo Nhà máy có thể đi vào hoạt động theo tiến độ đã được điều chỉnh.

Cử tri tỉnh Hà Tây, Cần Thơ, Yên Bái: “Đề nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn để có cơ sở thực hiện việc ưu tiên bố trí nguồn kinh phí khuyến công hàng năm trong giai đoạn 2006-2010”.

Bộ Công nghiệp trả lời: Để khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 với nội dung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn; hỗ trợ, tư vấn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn về công tác quản lý phát triển sản xuất; tổ chức đào tạo phát triển nghề; hỗ trợ công tác cung cấp thông tin và tìm kiếm thị trường... Thực hiện triển khai Nghị định này, Bộ Công nghiệp đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/5/2005 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công. Nội dung chính của Thông tư quy định:

-         Đối tượng được nhà nước hỗ trợ kinh phí khuyến công;

-         Ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công;

-         Nội dung chi hoạt động khuyến công;

-         Phân cấp nhiệm vụ khi khuyến công;

-         Một số mức chi cụ thể;

-         Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí khuyến công;

-         Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước;

-         Thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, ngày 23/6/2005, Bộ Công nghiệp đã ban hành Thông tư số 03/2005/TT-BCN hướng dẫn việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công, một số nội dung của chính sách khuyến công và công tác kế hoạch hoá trong hoạt động khuyến công.

Vừa qua, Bộ Công nghiệp đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các Sở Công nghiệp phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) về việc tổ chức thực hiện các văn bản này. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục tập huấn cho các Sở Công nghiệp còn lại.

Cử tri tỉnh Cần Thơ:

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm triển khai và hoàn thành nhà máy nhiệt điện Ô Môn.

- Các Bộ, ngành Trung ương sớm chỉ đạo các Tổng công ty thực hiện các dự án lớn với quy mô tầm cỡ vùng, khu vực như : Công nghiệp Cơ khí chế tạo ; Công nghiệp kỹ thuật cao ; đóng tàu ; dệt may... để góp phần thúc đẩy công nghiệp vùng ĐBSCL phát triển nhanh hơn.

- Đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng nhà máy lọc dầu tại TP. Cần Thơ.  

Bộ Công nghiệp trả lời: Vấn đề thứ nhất: Nhà máy nhiệt điện Ô Môn.

Tháng 9/2004, Bộ Công nghiệp đã phê duyệt Dự án thành lập Trung tâm điện lực Ô Môn, gồm 4 nhà máy, tổng công suất 2640 MW, cụ thể:

- Mặt bằng tổng thể: Nhu cầu diện tích 120-130 ha, hiện có 47 ha đã san gạt cho 1200 MW.

- Quy mô, công nghệ, tiến độ và hình thức đầu tư dự kiến:

+ Ô Môn 1: 600 MW, nhiệt điện truyền thống, lò hơi đốt dầu và khí, vận hành 2006 - 2007 do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư.

+ Ô Môn 2: 750 MW, tuabin khí hỗn hợp, vận hành năm 2010 - 2011 theo hình thức liên doanh EVN/Unocal.

+ Ô Môn 3: 600 MW, nhiệt điện truyền thống, lò hơi đốt dầu và khí, 2012  - 2013 do EVN đầu tư.

+ Ô môn 4: 750  MW, tuabin khi hỗn hợp, vận hành 2014 - 2015, theo hình thức IPP, BOT hoặc Liên doanh.

- Đấu nối hệ thống điện: Ô môn 1&3 bằng điện áp 220 KV, Ômôn 2&4 bằng điện áp 500 kV.

Tình hình triển khai dự án Ô Môn 1

Nhà máy điện Ô Môn 1 gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 300 MW, dùng vốn vay ODA của Nhật Bản.

+ Tổ máy 1: dự kiến đưa vào vận hành năm 2005, nhưng quá trình thoả thuận với nhà cung cấp vốn (JBIC - Nhật Bản) bị chậm vì sau hơn 1 năm JBIC mới thoả thuận danh sách các nhà thầu đạt về kỹ thuật được mở phong bì tài chính. Sau khi được JBIC đồng ý thì thời hạn bảo lãnh dự thầu cũng đáo hạn và do có sự biến động lớn về giá sắt thép nên cả 3 nhà thầu đều không gia hạn và đề nghị được chào lại giá.

Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chào lại giá với điều kiện không thay đổi bản chào kỹ thuật. Tháng 11/2004 có 2 nhà thầu nộp bản chào tài chính và kết quả đánh giá thầu đang được Thủ tướng Chính phủ  xem xét phê duyệt.

+ Tổ máy 2: năm 2003 mới ký được vốn vay, nên sẽ triển khai chậm 01 năm so với tổ máy 1. Hiện nay mặt bằng nhà máy đã san gạt xong, công tác chuẩn bị thi công như điện nước, đường ô tô vào nhà máy cũng đã hoàn thành; khu công nhân viên đang được triển khai xây dựng.

Như vậy, trở ngại lớn nhất hiện nay của Dự án Ô Môn 1 là phải tuân thủ các quy định của tổ chức cho vay vốn (chỉ sau khi tổ chức cho vay vốn thông qua kết quả đấu thầu tổ máy 1 mới chọn được nhà thầu để thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công nhà máy). Vấn đề này ngoài tầm kiểm soát của phía Việt Nam nên dự án đã không thực hiện được tiến độ đề ra.

Đối với Dự án Ô môn 2 công nghệ Tuabin khí hỗn hợp công suất 720 MW, hiện nay EVN đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến cuối 2005 trình Bộ Công nghiệp thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ xin cho phép đầu tư.

Đối với Dự án khí: Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đang triển khai đàm phán với Nhà thầu khai thác khí Unocal - Mỹ về giá khí, lượng khí tiêu thụ, xây dựng đường ống và các vấn đề thương mại khác liên quan...để đưa dự án khí vào đồng bộ với các dự án điện của Trung tâm điện lực Ô Môn.

Vấn đề thứ hai: Chỉ đạo các Tổng công ty thực hiện các dự án lớn để thúc đẩy công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Vùng ĐBSCL) có vai trò vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng. So với cả nước vùng chiếm: 20,87% dân số; 12,1% diện tích tự nhiên; 31,7% diện tích đất nông nghiệp; 53% diện tích nuôi trồng thuỷ sản; 50% sản lượng thóc; 92% sản lượng gạo xuất khẩu…; có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt may, hoá chất, vật liệu xây dựng... 

Trong những năm qua sản xuất công nghiệp tại vùng đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng đi lên. Bình quân giai đoạn 2000 - 2003, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,35%/năm; các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao là Cần Thơ (17,7%), Sóc Trăng (20,74%), Bạc Liêu (21,5%), Long An (17,8%). Công nghiệp trong vùng đã huy động được nguồn nội lực, tạo thêm năng lực sản xuất mới và giải quyết việc làm cho một số lượng đáng kể người lao động, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế - lao động, củng cố và phát triển nhiều làng nghề truyền thống tại địa phương.

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ: Vùng ĐBSCL trong 10 năm tới cần tiếp tục phát huy vai trò của vùng lúa và nông sản, thuỷ sản xuất khẩu lớn nhất của cả nước, đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng lương thực, rau quả, chăn nuôi, thuỷ sản hàng hoá; phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, triển khai xây dựng các cụm công nghiệp sử dụng khí Tây Nam; chuyển mạnh cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất lương thực và các loại nông sản gắn chặt với thị trường, tăng nhanh chất lượng hàng hóa nông sản; phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản xuất khẩu và dịch vụ.

Theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng IX và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL, Bộ Công nghiệp đã chỉ đạo xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn 2020, trong đó có vùng ĐBSCL và triển khai thực hiện một số dự án phát triển công nghiệp tại vùng như sau:

- Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ xây dựng kế hoạch đầu tư và cơ chế hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp trong 3 năm với số lượng là 5.474 máy, tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 100% bằng Ngân sách tỉnh.

- Tổng Công ty Dệt - May Việt Nam phối hợp với các tỉnh thực hiện triển khai xây dựng các cụm công nghiệp dệt may, trong đó có cụm công nghiệp dệt may tại Cần Thơ. Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã hoàn thành xong chương trình chuyển dịch về các địa phương: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long...,  giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

- Bên cạnh việc giúp đỡ nâng cao chất lượng bia cho 5 đơn vị quốc doanh địa phương, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đang tiến hành xây dựng nhà máy bia tại Bạc Liêu.

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam đang triển khai thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện tại Ô Môn, Cần Thơ với tổng công suất 2640 MW. Tổng công ty cũng đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi công trình nâng công suất các trạm biến áp 110kV Khu công nghiệp Hưng Phú tại tỉnh Cần Thơ; giao Công ty điện lực 2 lập phương án cấp điện cho 6 xã anh hùng và cấp điện dọc quốc lộ 61 tại tỉnh Hậu Giang; phối hợp với Điện lực Trà Vinh triển khai lập quy hoạch xây dựng mạch vòng để bảo đảm cấp điện tin cậy và an toàn, tiến hành lập phương án nối tuyến các xuất tuyến khác nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện  tại tỉnh Trà Vinh...

- Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau có công nghệ, cấu hình và quy mô tương tự nhà máy đạm Phú Mỹ, công suất 800.000 tấn/năm, hàng năm tiêu thụ khoảng 500 triệu m3 khí do Tổng công ty Dầu khí (PV) làm chủ đầu tư cũng đang được thực hiện.

- Công ty Dầu thực vật - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam đang xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phát triển cây có dầu và đạm tại vùng ĐBSCL; phối hợp với một số địa phương như An Giang, Cần Thơ, thực hiện chương trình trồng đại trà giống mè V6. 

Với chức năng quản lý ngành công nghiệp, Bộ Công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện tốt các dự án phát triển công nghiệp tại vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung để thúc đẩy hơn nữa tốc độ phát triển công nghiệp, thực hiện thắng lợi những kế hoạch, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra.

Để ngành công nghiệp có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, Bộ Công nghiệp cũng đề nghị UBND các địa phương trong vùng cùng các cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, đất đai, thông tin - thị trường và các tiến bộ khoa học - công nghệ, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Vấn đề thứ ba: Về việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại TP. Cần Thơ

Ngày 17/1/2005 Văn phòng Chính phủ có công văn số 302/VPCP-ĐP lấy ý kiến của Bộ Công nghiệp về việc UBND Thành phố Cần Thơ xin chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu trên cơ sở liên doanh giữa Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Viễn Đông và Tập đoàn China National Overseas Engineering Corporation - Trung Quốc, Bộ Công nghiệp đã có công văn số 515 /CV-NLDK, ngày 27/1/2005 ủng hộ việc thực hiện dự án nói trên. Nếu thực hiện thành công, dự án này sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hỗ trợ cho ngân sách nhà nước trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng 3 nhà máy lọc dầu trước năm 2012 (theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí) đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, để có thể triển khai thực hiện, Dự án nhà máy lọc dầu Cần Thơ phải đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản như sau:

- Không được nhập thiết bị cũ của nước ngoài (có thẩm định của tư vấn quốc tế).

- Có cấu hình công nghệ và công suất phù hợp để đảm bảo hiệu quả đầu tư và chất lượng sản phẩm đáp ứng  tiêu chuẩn Việt Nam.

- Đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường của Việt Nam.

- Nhà nước Việt Nam không bảo lãnh việc cung cấp dầu thô từ các mỏ dầu khai thác ở Việt Nam.

Hiện nay Chính phủ đang xem xét để có quyết định về việc cho phép triển khai Dự án trong thời gian tới.

Cử tri tỉnh Quảng Nam, Cao Bằng: “Đề nghị Chính phủ cấp nguồn vốn cho Cao Bằng để kéo điện cho nhân dân, có chính sách hỗ trợ vốn cho các hoạt động kinh doanh, phục vụ điện nông thôn, đồng thời hỗ trợ nguồn kinh phí bắt điện vào nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, nhằm thực hiện chủ trương đồng bộ các dự án”.

Bộ Công nghiệp trả lời: Trong những năm qua, vấn đề cung cấp điện cho nông thôn nói chung, đặc biệt là cung cấp điện cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Cung cấp điện cho nông thôn là một trong các nội dung trọng tâm được đặt ra trong Quy hoạch phát triển Điện lực ở các giai đoạn (thường gọi là các Tổng sơ đồ), đặc biệt là trong giai đoạn 2001 - 2010 có xét tới năm 2020 (còn được gọi là TSĐ 5). Tại Quyết định số 176/2004/QĐ - TTg ngày 05/10/2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2001 đến 2010 định hướng tới năm 2020, trong đó cung cấp điện cho nông thôn được nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nâng cao mức sống của đồng bào tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Nhờ có sự quan tâm đầu tư điện nông thôn, đến 31/3/2005, điện lưới quốc gia đã đưa đến 525/536 huyện đạt tỷ lệ 97,95% (còn 1 huyện trong đất liền và 10 huyện đảo đã có điện tại chỗ), 8.596/9.014 xã đạt tỷ lệ 95,36% và 11.627.538/13.137.481 hộ dân nông thôn đạt tỷ lệ 88,51%. Tính đến 30/6/2005 Cao Bằng đạt 100% số huyện có điện, 158/189 xã, phường có điện (trong đó 156 xã được cấp bằng điện lưới quốc gia), đạt 83,6% và 67.043/102.864 hộ có điện đạt 65,2%, trong đó số hộ nông thôn có điện là 50.385/85.911 đạt tỷ lệ 58,6%.

Đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh điện năng ở các địa bàn khó khăn, trong Nghị định 45/2001/NĐ - CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ về Hoạt động điện lực và sử dụng điện đã thể hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước như: các tổ chức đầu tư nguồn điện tại chỗ, lưới điện nông thôn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, tổ chức quản lý kinh doanh điện nông thôn được mua buôn điện với giá ưu đãi, được miễn thuế giá trị gia tăng; Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng đường trục hạ áp và nhánh rẽ vào nhà dân cho vùng miền núi khu vực II, III, các xã biên giới, các gia đình thuộc diện chính sách theo quy định của pháp luật.

Thực tế trong những năm qua Chính phủ đã thực hiện việc hỗ trợ thông qua các dự án như: Chương trình 135; các dự án năng lượng nông thôn. Ngoài ra, ngành Điện còn sử dụng  nguồn vốn vay trong nước, vốn KHCB, để đầu tư các công trình cấp điện cho các huyện, xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới (Riêng vốn khấu hao cơ bản hàng năm, ngành Điện dành hơn 300 tỷ đồng cho phát triển lưới điện nông thôn). Tính đến nay, dự án Năng lượng Nông thôn 1 (RE I) đã hoàn thành đóng điện được 853/902 xã, dự án vay vốn của Quỹ phát triển Pháp (AFD) đã hoàn thành đóng điện đợt 1 cho 78 xã, các xã còn lại sẽ được hoàn thành và đóng điện vào tháng 6/2005. Phần vốn dư của các dự án RE I đang được chuẩn bị đầu tư thêm cho khoảng 70 xã, dự án AFD đầu tư thêm 60 xã. Như vậy 2 dự án đầu tư cấp điện cho khoảng 1110 xã  với khoảng trên 200.000 hộ dân. Cao Bằng có 49 xã nằm trong dự án này, đến nay đã được đóng điện 46 xã, còn 3 xã sẽ hoàn thành đóng điện trong thời gian tới.

Ngoài ra, thực hiện Dự án "Năng lượng nông thôn II" (RE II) theo Quyết định số 864/2004/QĐ - CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ, đến nay đã có  6 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Cà Mau, Bến Tre đang thực hiện các bước thực hiện đầu tư, các tỉnh khác đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Riêng Cao Bằng có 25 xã nằm trong dự án này.

Các hộ dân nằm trong các dự án này không phải đóng góp kinh phí xây dựng đường trục hạ áp và công tơ mà chỉ đầu tư đoạn nhánh rẽ vào nhà; Nhiều địa phương sử dụng vốn ngân sách hoặc sử dụng các nguồn vốn khác để đầu tư nhánh rẽ vào nhà dân thuộc đối tượng quy định tại khoản 4, điều 51 Nghị định 45/2001/NĐ - CP ngày 02/08/2001 về hoạt động Điện lực và sử dụng điện như: tỉnh Hà Giang đầu tư 1,5 triệu đồng/1hộ; Tỉnh Sơn La cho các hộ vay không tính lãi; Tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông chuyển sử dụng tiền trợ cấp vải may quần áo sang đầu tư đưa điện về nhà cho các hộ dân...

  • VietNamNet

Quý vị có hài lòng với nội dung trả lời trên?

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,