,
221
1841
Hồ sơ
hoso
/chinhtri/hoso/
343363
"Một cuộc bầu cử công khai nhất trong lịch sử VN"
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

'Một cuộc bầu cử công khai nhất trong lịch sử VN'

Cập nhật lúc 17:19, Thứ Năm, 13/05/2004 (GMT+7)
,
 
(VietNamNet) - Các quan sát viên quốc tế đã đánh giá như vậy về cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009. Sau nhiều tháng chuẩn bị công phu, ngày 25/4 - ngày diễn ra cuộc bầu cử - đã trở thành một ngày hội đầy ý nghĩa, ngày hội dân chủ của toàn dân.

 

Cử tri ngày càng đòi hỏi khắt khe các ứng cử viên

 

Xem kỹ tiểu sử trước khi bỏ phiếu

Tưởng rằng những buổi tiếp xúc cử tri với ứng cử viên hiện đang là quan chức chỉ được diễn ra một cách hình thức, và người dân tại địa phương có thể “ngần ngại” khi đưa ra ý kiến, thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại. Để đi đến một quyết định lựa chọn đúng đắn người đại biểu đại diện cho quyền lợi của cử tri, người dân đã đến với các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử với một thái độ thẳng thắn và nghiêm túc.

 

Cùng với niềm tin ngày càng lớn dần, các cử tri cũng đặt lên vai các đại biểu thêm nhiều đòi hỏi và trách nhiệm. Những đòi hỏi đó không chỉ cho quyền lợi cá nhân của họ, mà còn vì sự phát triển chung.

 

Qua đó, ý kiến của các cử tri cũng phong phú và chất lượng hơn. Nếu như tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM người dân âu lo sự phân hóa giàu nghèo ở thành phố ngày càng gia tăng, bất cập trong quản lý đô thị, thì tại nhiều địa phương khác, người dân lại có những yêu cầu như chính quyền phải giải quyết dứt điểm những việc còn tồn đọng tại địa phương như chính sách, pháp luật và phẩm chất đạo đức của cán bộ xã thôn...

 

Không những vậy, nhiều nơi người dân còn yêu cầu các ứng cử viên phải đưa cho mình chương trình hành động cụ thể của từng ứng cử viên để họ “kiểm tra giữa lời hứa và việc làm”. Bởi theo dõi sát sao, chính cử tri đã phản đối những ứng cử viên là quan chức đã lấy “báo cáo của ngành” làm chương trình hành động. Trong khi đó, nhiều người dân tỏ ra “ngại” với những lời hứa quá “bạo miệng” như mở Văn phòng tiếp dân riêng, tư vấn pháp luật miễn phí … của một số ứng cử viên. Thậm chí, cử tri còn “cho” ứng cử viên độ “chênh”: chỉ cần thực hiện 70% lời đã hứa là tốt lắm rồi!

 

Qua 3 lần hiệp thương, cử tri đã "từ chối" tín nhiệm tư cách, phẩm chất 14 ứng cử viên ở cấp tỉnh; ở cấp quận huyện 87 vị (đáng chú ý trong đó có 8 ứng viên là cán bộ chủ chốt), cấp phường xã có đến 1.002 người. 

 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, chính vì sự “khắt khe” của cử tri đôi khi cũng làm cho các Hội đồng bầu cử phải lúng túng. Để cuộc bầu cử được diễn ra đúng luật và dân chủ, UBTVQH đã ra nghị quyết dời ngày bầu cử HĐND cấp xã đến 30/5/2004 đối với 3 xã của tỉnh Bắc Ninh là xã Đồng Quang (huyện Từ Sơn), xã Bồng Lai (huyện Quế Võ) và xã Minh Tân (huyện Lương Tài). Tại đây, các cử tri cho rằng, cán bộ xã thôn vi phạm quyền làm chủ của dân, có biều hiện tiêu cực, nên họ đã kéo thành đoàn đến “gõ cửa” Mặt trận tổ quốc Trung ương...

 

Kê khai tài sản: Mới và khó!

 

Ứng cử viên đang nghe ý kiến của dân.

 

Có vẻ như cả các ứng cử viên và cử tri trong đợt bầu cử lần này đều bất ngờ với quyết định của UBTVQH: kê khai tài sản đối với các ứng cử đại biểu HĐND. Quy định này tuy làm một số ứng cử viên - đặc biệt các ứng cử viên là người đứng đầu doanh nghiệp - "lấn cấn", nhưng đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận cả trong nước và quốc tế.

 

Một vài vướng mắc trong quá trình cụ thể hoá và thực hiện quy định này đã gây ra không ít tranh cãi trong các cuộc họp về bầu cử.

 

Ngay riêng việc áp dụng với trường hợp người bị án treo, dù HĐBC đã có công văn xin ý kiến cấp trên, nhưng mãi đến ngày 5/4, tại buổi giám sát công tác bầu cử ở TP.HCM ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội mới tháo gỡ được vấn đề này cho TP.HCM.

 

Cho đến những ngày đầu tháng 4/2004, câu hỏi lớn nhất, được nhiều người quan tâm nhất vẫn là: có kịp kê khai tài sản trước ngày bầu cử? Vì theo HĐBC nhiều thành phố lớn, thì việc kê khai tài sản đối với ứng cử viên như Nghị quyết 487 của UBTV Quốc hội, phải thực hiện theo hướng dẫn số 108 của Chính phủ, vừa ban hành ngày 1/4. Thế nhưng, hướng dẫn này chỉ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Do vậy ngay trong thời điểm đó  vẫn còn “lúng túng” trong việc tiến hành kê khai tài sản.

 

Phải đến ngày 10/4 trong cuộc họp giao ban công tác bầu cử các tỉnh phía Nam tại tỉnh Đồng Nai, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ (BNV) Đỗ Quang Trung mới “giải tỏa” được vấn đề này: Nói chung là được triển khai, “còn chờ gì nữa!” bởi Nghị định thì ban hành theo qui định của luật ban hành văn bản, sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong khi đó, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có hiệu lực ngay sau khi ký. Do vậy,  Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ gửi công văn yêu cầu các địa phương cứ tiến hành việc kê khai. Và trên thực tế, hiện nay các tỉnh đã và đang triển khai việc kê khai.

 

Người dân “chọn mặt gửi vàng”

 

 
 

Kết quả bầu cử được công bố, một sự kiện gây chú ý là chuyện ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, Đinh Hữu Cường không được dân tín nhiệm khi muốn làm đại biểu cho họ. Mặc dù trong nhiệm kỳ 1999 - 2004 ông đã kiêm chức Chủ tịch HĐND tỉnh, nhưng đến cuộc bầu cử lần này ông không đạt được đủ số phiếu để trúng cử. Đánh giá về sự kiện này ông Đoàn Kim Xử, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký HĐBC tỉnh cho rằng: việc bỏ phiếu cho ai, lựa chọn ứng viên nào để bỏ phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào tâm nguyện của người dân. Do vậy, việc ông Cường hay bất cứ ai trong số 76 UCV (bầu 50) HĐND tỉnh không trúng cử là chuyện bình thường.

 

Ngay sau khi có kết quả bầu cử, UBTVQH đã phải ban hành liên tiếp 10 Nghị quyết hủy bỏ kết quả bầu cử tại một số đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu của 10 địa phương do phát hiện có vi phạm pháp luật, phổ biến nhất đi bầu cử thay và số lượng phiếu bầu thu được... nhiều hơn lượng phiếu phát ra. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa là nơi có số vụ vi phạm nhiều nhất. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng phải tổ chức bầu cử thêm đại biểu (do kết quả bầu cử không đủ số đại biểu như đã phân bổ). Đến ngày 9/5/2004, 8 địa phương “phải làm lại” đã tổ chức tốt cho người dân đi bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu, còn một số xã của hai tỉnh Nghệ An và Bắc Cạn sẽ tổ chức bầu cử lại vào ngày 16/5/2004.

 

Ngoài ra, kết quả 98,7% cử tri cả nước đi bỏ phiếu cũng phần nào thể hiện đầy đủ tính dân chủ, nghiêm túc trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009. Chính quyền địa phương các cấp trên cả nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền công dân của mình. Qua đó cũng cho thấy người dân đã ý thức được sức mạnh lá phiếu của mình đối với quá trình lựa chọn nhân sự cho chính quyền địa phương. Nhìn ở góc độ khác, những kết quả trên đã làm sáng tỏ ý kiến có hay không chuyện: HĐND vừa “đá bóng vừa thổi còi”.

 

Mong mỏi đến giờ G cũng như đòi hỏi của những công dân khó tính đã toại nguyện. Chủ nhật ngày 25/4, hàng triệu cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu để chọn 3.871 đại biểu trong số 6.052 UCV cấp tỉnh, thành; 23.554 đại biểu quận huyện trong số 36.281 UCV và 284.507 đại biểu trong số 484.189 UCV cấp xã phường.

 

  • Đỗ Trần Toàn   
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,