(VietNamNet) - "Chiếc vòng số tám ngày hôm nay tôi đeo có một nửa là phần của vợ tôi"... Ở Trung Quốc, phần lớn đằng sau những vụ án tham nhũng tày đình do các "tham quan" gây ra, các "tham quan bà" và "tham quan con" thường đóng một vai trò đáng kể...
Chu Kế Mỹ vợ của Tiêu Tác Tân đã ngất xỉu khi bị tuyên phạt tử hình. |
Theo thống kê, ước tính mỗi năm, nạn tham nhũng đã "cướp" đi của Trung Quốc hàng ngàn tỷ nhân dân tệ, làm thất thoát 13,2% đến 16,8% GDP.
Theo nhận xét của ông Hồ An Cang, Chủ nhiệm trung tâm nghiên cứu tình hình đất nước của Viện Nghiên cứu khoa học xã hội Trung Quốc, con số này vẫn còn “rất khiêm tốn”. Đứng trước tệ nạn tham nhũng đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như Quốc hội nước này đã ra rất nhiều chỉ thị để ngăn chặn hiệu quả hơn quốc nạn này.
Tệ nạn tham nhũng được biểu hiện ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau. Ở Trung Quốc, người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý và giáo dục tốt những người thân của các cán bộ chủ chốt là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách, nếu không sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”...
Khi đằng sau "tham quan ông" có "tham quan bà"...
"Chiếc vòng số tám ngày hôm nay tôi đeo có một nửa là phần của vợ tôi" - đó là câu nói của Kiểu Trí Nhân nguyên là Bí thư đảng uỷ, Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán tỉnh Sơn Đông, TQ tại phiên toà xét xử đã là một tiếng chuông cảnh tỉnh về hiện tượng tham nhũng có tính chất gia đình như hiện nay.
Theo điều tra của cơ quan Viện kiểm sát, trong thời gian làm Bí thư, Thị trưởng thành phố Thái Châu rồi đến Bí thư, Thị trưởng thành phố Diêm Đài tỉnh Sơn Đông từ tháng 12/1989 đến 6/2000, Kiểu Trí Nhân đã nhận hối lộ 222 lần của các cơ quan và cá nhân với số tiền hơn 1 triệu sáu Nhân dân tệ( khoảng 3 tỷ đồng).
Chung Phúc Khanh- vợ của Kiểu Trí Nhân là một quan bà tham “điển hình”. Trong số 1 triệu 6 Nhân dân tệ mà Kiểu Trí Nhận nhận hối lộ đó có hơn 400.000 Nhân dân tệ do vợ trực tiếp nhận hối lộ của các cá nhân và cơ quan đến đút lót.
Một ví dụ khác, Chu Kế Mỹ vợ của Tiêu Tác Tân nguyên thị trưởng TP. Phụ Dương, tỉnh An Huy, năm 1998 bị tai nạn ở Nam Kinh, trong thời gian nằm viện điều trị bà ta đã nhận quà biếu của các cá nhân và tổ chức tổng cộng hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 400 triệu VND). Sau khi nhận xong số tiền này Chu Kế Mỹ bắt chồng mình phải nâng đỡ những đối tượng đã đút lót vào các chức vụ khác nhau trong cơ quan.
Và các "tham quan con" đằng sau "tham quan bố"...
Lý Gia Diên, nguyên tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, TQ trước vành móng ngựa. |
Hiện tượng “bố làm quan, con được nhờ” cũng là một phổ biến không kém ở Trung Quốc. Lý Bột- con trai của tham quan Lý Gia Diên nguyên tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam đã có câu "danh ngôn" được lưu truyền: “Con sếp lớn mà không kinh doanh kiếm tiền đút túi thì bị coi là quá tầm thường”.
Do có hậu thuẫn lớn là ông bố làm tỉnh trưởng, Lý Bột có thể được coi là hét ra lửa trong giới kinh doanh ở Vân Nam. Ngân hàng của nhà nước coi như là tủ tiền của nhà mình, cứ ngân hàng nào mà ăn nên làm ra là Lý Bột lại đem tài sản của nhà nước mang ra thế chấp để lấy tiền kinh doanh buôn bán.
Nhiều năm trước đây, Chính phủ Trung Quốc đã có lệnh cấm con cái các cán bộ chủ chốt không được mở công ty kinh doanh. Mộ Dương - con gái của Mộ Tuy Tân nguyên thị trưởng thành phố Thẩm Dương đã lợi dụng ưu thế là “con gái thị trưởng” để mở một công ty quảng cáo, lũng đoạn trong tất cả các lĩnh vực quảng cáo của cả thành phố Thẩm Dương.
Mỗi lần đến các công ty để tìm chủ quảng cáo, Mộ Dương đã nói một cách rất ngang nhiên rằng: “Tôi là con gái thị trưởng Mộ Tuy Tân, muốn làm quảng cáo cho các anh, cứ đưa tiền đây là được”. Các chủ quảng cáo đành phải ngoan ngoãn chi vài trăm nghìn thậm chí vài triệu nhân dân tệ lệ phí quảng cáo cho con gái ngài thị trưởng.
Còn thực tế quảng cáo có được làm hay không, làm ở đâu có trời mới biết.
Lấy quyền lực làm hậu thuẫn, lấy quyền uy của bố làm chiêu bài để kiếm tiền dễ dàng không mất sức. Muốn thế chấp bao nhiêu tiền sẽ có bấy nhiêu tiền, đấu thầu công trình nào là trúng công trình đấy, bất động sản, xây dựng, xuất nhập khẩu, ngành nào dễ kiếm thì xài luôn ngành đó. Đây là hiện tượng hết sức phổ biến mà các cậu ấm cô chiêu Trung Quốc có bố mẹ làm quan to thường hay áp dụng.
Vì... bồ mà tham nhũng
Lý Gia Diên bị tuyên án tử hình, người tình Từ Phúc Anh phạt 4 năm tù. |
Một hiện tượng phổ biến của các vụ án tham nhũng ở Trung Quốc là hầu hết các tham quan đều dùng tiền tham nhũng được để chu cấp cho... bồ.
Thực tế cho thấy, các tham quan đi vào con đường tham nhũng phần lớn đều do lối sống không lành mạnh đưa đẩy. Nhiều tình nhân của các tham quan đã đóng một vai trò “tích cực” trong việc đẩy người tình của mình vào con đường tham ô hối lộ.Trường hợp của Lý Gia Diên, nguyên tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, chỉ vì muốn làm vui lòng người tình Từ Phúc Anh, trong nháy mắt, y đã ký quyết định xuất 3 triệu nhân dân tệ tiền của nhà nước cho công ty của người tình trả nợ.
Một ví dụ khác là Thành Khắc Kiệt, lạm dụng chức quyền khi còn là Chủ tịch khu tự trị Quảng Tây từ năm 1992-1998, y đã cùng với người tình Lý Bình đồng mưu nhận tham ô hối lộ khoản tiền lên tới 40 triệu nhân dân tệ.
Trung Quốc kêu gọi: Hãy cảnh giác với nạn "gia đình hoá" tham nhũng
Vì có quyền trong tay nên các phu nhân của các tham quan hay nhắm mắt làm liều, do đó nhiều địa phương ở Trung Quốc đã đề ra một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn những hiện tượng tham nhũng mang tầm cỡ gia đình đang khá phổ biến như hiện nay. Tại Tỉnh Liêu Ninh Uỷ ban kiểm tra, cục giám sát, hội phụ nữ thành phố Bàn Cẩm tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc đã viết thư gửi cho các phu nhân của các cán bộ chủ chốt trong địa bàn thành phố hãy nghiêm túc thực hiện là người trợ giúp trong sạch liêm chính của chồng mình.
Theo thống kê, phân tích của các cơ quan hữu quan về tình hình tham nhũng cho thấy, vài năm gần đây sau lưng các quan tham đa số đều có sự nhúng tay của một hoặc vài phụ nữ, người đó có thể là vợ hoặc là tình nhân.
Muốn làm trong sạch tận gốc đội ngũ cán bộ chủ chốt, đòi hỏi bản thân các cán bộ đó phải nhận thức được đúng vấn đề, phải tự mình kiềm chế trước sự quyến rũ của đồng tiền tránh tình trạng “trước mặt mình từ chối, sau lưng vợ nhận tiền”.
Một tấm gương sáng của một cán bộ liêm khiết của Trung Quốc là Trịnh Bồi Dân, khi có chức quyền trong tay, vợ ông có ba điều không bao giờ làm: một là không bao giờ nhận thư của người khác đưa cho chồng, hai là không bao giờ nhắn hộ ai một điều gì đến chồng, ba là không bao giờ nhận quà cáp của bất kỳ ai.
Đứng trước những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí gây thất thoát và tổn hại đến quốc gia, nhằm ngăn chăn việc lợi dụng chức quyền, tiếp tay cho người thân trong gia đình tham ô, hối lộ, Chính phủ và các địa phương của Trung Quốc đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn hiện tượng này.
Điển hình là cục quản lý thuế vụ của một huyện của khu tự trị dân tộc Triều quy định chặt chẽ đối với người đứng đầu ngành thuế của các đơn vị như sau:
1. Không được trực tiếp quản về mặt nhân sự;
2. Không được trực tiếp quản về mặt tài chính;
3. Không được trực tiếp quản các lĩnh vực mua bán các thiết bị lớn;
4. Không được trực tiếp quản xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các hiện tượng tiêu cực do vợ con của người có chức có quyền lạm dụng quyền lực dẫn đến gây thất thoát rất nhiều của cải vật chất của đất nước. Uỷ ban kiểm tra Đảng cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu tất cả các cán bộ đảng viên đặc biệt là những cán bộ chủ chốt phải quản lý và giáo dục thật tốt những người thân thiết trong gia đình như vợ, chồng, con cái... Đồng thời, nếu để xảy hiện tượng tiêu cực do người thân của mình gây ra phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc những cán bộ đó.
Trong một hội nghị chống tham nhũng gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã yêu cầu cán bộ đảng viên, cán bộ chủ chốt của các ban ngành từ trung ương đến địa phương phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của chính phủ đề ra, trong đó cán bộ không được lợi dụng chức quyền để dung túng, tiếp tay bật đèn xanh cho vợ chồng con cái và người thân trong gia đình có cơ hội làm giàu phi pháp cho bản thân. Đây cũng là một nội dung quan trọng được người dân Trung Quốc hoan nghênh, hưởng ứng.
-
Tuỳ Anh