16 vấn đề tiếp thu trong Văn kiện Đại hội X
(VietNamNet) - Sáng nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã đọc trình bày của Đoàn Chủ tịch về ý kiến thảo luận của đại biểu cho văn kiện Đại hội X của Đảng.
>>Đã bầu đủ 160 UV chính thức BCH Trung ương khóa X
Từ chiều 18 đến hết ngày 24/4, các đại biểu có 1.553 lượt ý kiến tại các đoàn và 29 ý kiến tại hội trường.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X làm việc tại hội trường (Ảnh: TTXVN) |
Hầu hết, các ý kiến nhất trí cao về vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân.
Cũng có một số đại biểu cho rằng, đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng phải gương mẫu chấp hành đường lối của Đảng. Ý kiến khác gợi mở hơn, bày tỏ, chỉ cần chấp hành luật pháp như mọi công dân khác là đủ và nhấn mạnh, đảng viên phải đi đầu trong làm kinh tế tư nhân.
Một số đại biểu đồng ý để đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể để ngăn ngừa nguy cơ sự thoái hóa, biến chất, sa vào vi phạm pháp luật. Cụ thể, cần có qui định, giới hạn để đảng viên làm kinh tế tư nhân và có sự giám sát của tổ chức Đảng. Những cán bộ đảng, chính quyền đương chức không được làm kinh tế tư nhân…
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở lý luận của vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, vì nhiều địa phương hiện khá lúng túng trong việc giải thích chủ trương này.
Đoàn chủ tịch cho rằng, đảng viên làm kinh tế tư nhân là vấn đề cụ thể nhưng có tính lý luận rất cao. Vấn đề này mất rất nhiều thời gian, công sức đề nghiên cứu. Bởi vậy, còn nhiều luồng ý kiến khác nhau là dễ hiểu. Sự lo ngại của một số đại biểu về sự tha hóa, biến chất là chính đáng.
Thực tế, số lượng đảng viên làm kinh tế tư nhân còn ít. Nhìn chung, dư luận xã hội chưa quan tâm nhiều vì đảng viên đó làm tăng công ăn việc làm cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo. Cho nên, chưa lo đảng viên lợi dụng chức quyền vun vén cho doanh nghiệp tư nhân của mình.
Đánh giá thực hiện nghị quyết Đại hội X và 20 năm đổi mới, một số ý kiến yêu cầu nhấn mạnh mặt trái của cơ chế thị trường, bổ sung thêm nguy cơ phân hóa giàu nghèo và đưa ra bài học chống tham nhũng. Một số ý kiến đề nghị cần nhắc lại các nguy cơ nêu ra từ Đại hội IX.
Đoàn chủ tịch nhận thấy, nếu không giải quyết 4 nguy cơ, trong đó có tham nhũng, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Đến nay, những nguy cơ đó vẫn tồn tại.
Đa số đồng ý chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2006 – 2010 trong báo cáo. Nhưng có ý kiến cho rằng, không cần nêu đến 3 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP (7,5%; 8% và trên 8%). Có ý kiến băn khoăn chỉ tiêu này thấp, không thu hẹp được khoảng cách với khu vực, trong 5 năm tới phải đạt 8,5% trở lên. Thậm chí, không ít đại biểu đề nghị đến 2010, con số này phải gấp 2,5 lần năm 2000.
Đoàn Chủ tịch khẳng định: Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ mang tính định hướng kèm với các chỉ tiêu khác. Cách nêu như vậy đạt được yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu đạt được 7,5% - 8%, trên 8% trở lên là thành tựu. Đoàn Chủ tịch đề nghị cho giữ 3 mức "mở" như vậy.
Trước ý kiến cho rằng nội hàm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa rõ, Đoàn Chủ tịch khẳng định, nền kinh tế thị trường tồn tại ở nhiều xã hội khác nhau. Việc xây dựng xã hội XHCN, phát triển kinh tế thị trường là tất yếu nhưng nền kinh tế thị trường ở nước ta khác về bản chất so với những nước khác.
Nhiều ý kiến cho rằng phòng chống tham nhũng là vấn đề sống còn của Đảng. Cần có thái độ rõ ràng minh bạch phòng chống tham nhũng. Nếu không, dân sẽ quay lưng lại với Đảng.
Trước hết, cần chống tham nhũng ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, bỏ cơ chế xin cho… đồng thời cải thiện cơ chế hành chính.
Đoàn Chủ tịch nhận thấy, tham nhũng đã xảy ra ở rất nhiều ngành. Vụ án PMU18 biểu hiện sự xuống cấp của cán bộ đảng viên, sự lỏng lẻo trong cơ chế, Đảng bộ cơ sở rất yếu. Đây là vấn đề nghiêm trọng, Đảng không né tránh mà xử lý thích đáng dù ai ở cương vị nào cũng không lọt tội và không để oan sai.
-
Phạm Tuấn
Ý kiến của bạn?