Ông Đào Duy Quát: Thảo luận thẳng để có quyết sách mạnh
(VietNamNet) - Vị Phó trưởng Ban tư tưởng Văn hóa Trung ương trong những ngày này quá bận rộn vì ông còn kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm báo chí Đại hội X. Chúng tôi đã phỏng vấn ông vào giữa… buổi trưa.
Tranh luận chứ không đọc tham luận
- Qua đại hội này chúng ta vỡ vạc ra nhiều thứ, riêng cá nhân ông, ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?
- Tôi thấy mỗi Đại hội thì Đảng ta đều trưởng thành hơn, về nhiều mặt. Nhưng nếu chúng ta đổi mới được hơn nội dung và cách tiến hành Đại hội thì chắc chắn chúng ta sẽ có bước tiến lớn hơn nữa.
Tôi lấy ví dụ: cá nhân tôi, tôi muốn thời gian thảo luận những vấn đề cốt lõi của văn kiện được nhiều hơn, chủ yếu là thảo luận tại Hội trường. Tranh luận chứ không đọc tham luận. Chẳng hạn đặt ra vấn đề xây dựng Đảng, chống tham nhũng ra thảo luận nửa ngày, tìm cho ra quyết sách.
Bàn cho được cái việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Bàn ra các giải pháp để phát triển nền kinh tế mạnh, nhanh và bền vững. Giờ cứ cho các đại biểu cứ tham luận, ông nói về địa phương, ông nói thành tích, vài cái kiến nghị, hiệu quả nó không cao.
Thời gian thì có hạn, thảo luận ở Hội trường có ngày rưỡi, tôi muốn giả sử những vẫn đề cơ bản ấy phải được dành một tuần, văn kiện chắc chắn sẽ tốt hơn.
- Không khí thảo luận tại đoàn thế nào thưa ông?
- Nói chung rất sôi nổi, có hàng ngàn ý kiến mà có cái tổng kết gửi cho các đại biểu đấy. Thực ra nếu đưa ra thảo luận tại Hội trường thì khác, chất lượng sẽ cao vì nó tập trung hơn.
Tóm lại nếu đổi mới hơn nữa thì chất lượng, trí tuệ của Đại hội sẽ được phát huy để giải quyết những vấn đề. Còn tổng thể đường lối chung thì tôi cho là đúng thôi: 12 vấn đề trong văn kiện đặt ra nói chung là trúng đúng rồi, nhưng để tạo nên những xung lực, những quyết sách cho mạnh thì cần có thảo luận.
- Vậy tại sao không thảo luận nhân sự ở Hội trường thưa ông?
- Thảo luận nhân sự ở Đoàn, còn bất cứ ai có thắc mắc gì thì sẽ được trả lời. Bởi vì có một nguyên tắc, người ta chống cái vận động trước khi bầu cử. Ví dụ như anh A muốn “đánh” anh B, thế là cứ nêu hiện tượng “tôi nghe có dư luận” thì anh B có “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Thảo luận là thảo luận tiêu chuẩn. Những người được giới thiệu cũng phải có cách nào để cho Đại hội người ta hiểu anh. Trước khi bầu anh vào, thì tôi cũng phải đánh giá, cảm nhận được, tất nhiên trên cơ sở các quá trình, quy trình tuyển chọn.
- Đại hội có quy định độ tuổi cụ thể của Tổng Bí thư không, thưa ông?
- Đã bầu Tổng Bí thư trong Bộ Chính trị, mà Bộ Chính trị thì phần lớn các đồng chí dưới độ tuổi 65, còn nếu mới vào Bộ Chính trị thì dưới 60. Nhưng chúng tôi muốn nhấn là không nên cứng nhắc, nếu không nó dẫn chúng ta đến một sự nguy hiểm.
Như cảm nhận cá nhân tôi, rất thích đồng chí Vũ Khoan. Còn rất khỏe và năng lực như thế, uy tín quốc tế như thế…thì chắc chắn làm việc rất tốt. Đấy là người tôi nghĩ thay không dễ đâu. Thế nhưng hình như đồng chí đã quá độ tuổi 65.
Ở nước ngoài có những vị nguyên thủ làm việc rất tốt ở độ tuổi cao. Trong công tác nhân sự đúng là nên có 3 thế hệ trong ban lãnh đạo: cao, trung và trẻ. Nó sẽ đảm bảo cho sự đoàn kết và kết thừa.
Cái hở nhất nằm ngay ở cách quản lý
Đến 9h sáng 22/4, tất cả các đoàn đã làm xong nhiệm vụ: đề cử và ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Danh sách ứng, đề cử này nằm ngoài danh sách mà Ban Chấp hành Trung ương khóa IX giới thiệu. Việc này đã xong và thu về Đoàn Chủ tịch. Chiều 22/4, các đại biểu nghe con số tổng hợp về danh sách ứng, đề cử. Sau đó, đại biểu nào xin rút thì sẽ thực hiện quyền của mình. |
- Thưa ông, quay lại vụ tiêu cực ở PMU 18 và Bộ GTVT, bây giờ đã có thể có bài học được rút ra?
- Cần đổi mới trong phương thức lãnh đạo và cải cách hành chính, để có thể quy được trách nhiệm cá nhân. Chứ không quả thật khó. Tôi đã đưa ra Thường vụ bàn cái này rồi. Đúng là tập thể quyết đến đâu, nhưng cá nhân phải chịu trách nhiệm.
Trên thực tế chúng ta đã đang bắt đầu làm, đó là địa phương đơn vị nào để xảy ra tham nhũng lớn thì người đứng đầu đều bắt đầu chịu trách nhiệm. Có nhiều mức: Từ chức, xử lý kỷ luật, khiển trách hoặc cảnh cáo. Tức là anh có “dính” hay không thì anh đều phải chịu trách nhiệm, nếu anh đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.
Đây cũng là bước tiến, tuy nhiên chưa mạnh mẽ. Tôi lấy ví dụ: Ngành giao thông bao nhiêu công trình có vấn đề: cầu Văn Thánh, rồi tàu lật… Ở nước ngoài thì phải từ chức lâu rồi. Thế thì, ta lần này phải cải cách hành chính, làm rõ trách nhiệm cá nhân khi thực hiện Nghị quyết của Đảng, thực hiện pháp luật.
- Theo ông ở đây, cái hở của chúng ta nằm chỗ nào?
- Thực ra cái hở nhất của mình là cơ chế quản lý. Tại sao mình cho sinh ra những Ban dự án? Thế nó là bên kinh tế hay bên quản lý nhà nước. Nếu là đơn vị quản lý nhà nước thì không thể được cầm tiền như thế này, mà suy cho cùng cũng không phải là đơn vị kinh tế. Thì ở đây vẫn là chuyện cơ chế quản lý của mình không đúng.
Thứ nữa phải siết chặt cơ chế về giới thiệu nhân sự. Tôi giới thiệu anh nhưng khi anh lên chức ấy mà anh hư hỏng thì tôi phải chịu trách nhiệm, có đúng không? Đó là cái sơ hở của chúng ta. Tôi cũng muốn nếu đổi mới công tác cán bộ lần này phải thấy cái này. Anh có quyền tiến cử nhưng anh phải chịu trách nhiệm về người anh tiến cử. Tất nhiên, nếu anh tiến cử người tài thì anh phải được thưởng.
Thời xưa, tiến cử người tài được thưởng đất đai; tiến cử người xấu có khi bị chém. Nếu không có cơ chế trách nhiệm này thì các cơ quan tổ chức cán bộ sẽ dễ có sơ hở, có quyền và trách nhiệm không tương xứng nhau. Cái này, theo tôi cũng là cơ sở để dẫn đến cái chạy chức, chạy quyền.
- Về mặt Đảng, quy trình xử lý như thế nào thưa ông?
- Bước đầu Đảng ủy Khối kinh tế xuống để chỉ đạo cái kiểm điểm của Đảng ủy Bộ Giao Thông Vận tải và Đảng ủy PMU 18. Sau này thì Ban Chấp hành Trung ương mới khóa X sẽ bắt tay vào chỉ đạo. Phải rút kinh nghiệm gắn với kiểm tra mười mấy công trình của PMU 18 thì mới ra được nhiều vấn đề.
Còn về việc khai trừ ra khỏi Đảng các cá nhân vi phạm. Trường hợp ông Nguyễn Việt Tiến thì đương nhiên bắt là đuổi ra khỏi Đảng ngay rồi chứ? Một đảng viên mà bị bắt là tước ngay tư cách đảng viên.
- Xin cám ơn ông!
-
Đỗ Minh (thực hiện)