Một bộ phận cán bộ, đảng viên xuống cấp nghiêm trọng
(VietNamNet) - Ông Vũ Quốc Hùng bắt đầu bài phát biểu bằng việc bày tỏ sự nhất trí với đánh giá về cán bộ Đảng viên: “Đa số cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, năng động sáng tạo, giữ gìn phẩm chất đạo đức”.
Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, hiện nay điều mà Bác Hồ đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” đã và đang diễn ra, sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn đến sự quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra rất nghiêm trọng.
Suy thoái về đạo đức, lối sống
Suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên có xu hướng gia tăng cả về số lượng và phạm vi.
Đại hội VI cảnh báo: Trong xã hội ta diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích tập thể, của Nhà nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền” đến nay tình trạng đó đã và đang diễn ra ngay trong Đảng.
Từ chỗ chỉ có một bộ phận thì này đã diễn ra ở một bộ phận không nhỏ, trong đó có cả cán bộ, đảng viên có chức có quyền.
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống làm nảy sinh lãng phí, tham nhũng, nhũng nhiễu dân trước kia chỉ diễn ra ở cán bộ đảng viên hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thì nay xảy ra trong tất cả các ngành các lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa, thực hiện các chính sách xã hội, tổ chức cán bộ, công tác tham mưu hoạch định chính sác cụ thể…
Mức độ này tăng lên nếu trước kia chỉ là “ăn cắp vặt”, “bớt xén” mang tính chất đơn lẻ thì nay diễn ra với nhiều thủ đoạn, có tính tổ chức chặt chẽ, móc nối chằng chịt trên dưới, trong ngoài để trục lợi như: thông đồng, chia chác giữa các bên trong đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, mua sắm vật tư, thiết bị, hàng hóa, đấu thầu và chỉ định thầu, phân phối dự án, hoàn thuế giá trị gia tăng, trong cấp phát vốn, nhận lối lộ trong điều tra, truy tố, xét xử; “ra giá” trong việc cung cấp thông tin bí mật và trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Cơ hội chủ nghĩa
Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng và không chỉ có ở đảng viên trẻ mà còn thể hiện ở trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là những cán bộ nắm quyền, nắm tiền và tài sản công, nắm cán bộ, nắm thông tin. Lối sống này trái với những chuẩn mực đạo đức của người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như sinh thời Bác Hồ đã dạy.
Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã đề cập đến 5 kiểu chạy. Đó là chạy chức trước khi bầu cử, chạy quyền trước khi bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ; chạy chỗ. tìm chỗ “thơm”, chỗ “ngon”, chỗ kiếm được nhiều lợi (chẳng những chạy cho bản thân mà còn cho cả người nhà); chạy lợi khi phân chia ngân sách, xét duyệt dự án đầu tư, giao thầu, tính thuế, xét duyệt đề tài nghiên cứu…; chạy tội cho bản thân, cho người thân, có trường hợp cho cả những tên tội phạm.
Trong báo cáo công tác xây dựng Đảng tại Đại hội lần này, Trung ương cũng nhận định, nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp. Trong xã hội còn có dư luận “chạy tuổi” để được đề bạt, được vào cấp ủy, kéo dài thời gian công tác để được “bổng lộc”.
Nói nhiều làm ít
Nói nhiều làm ít; nói nhưng không làm còn xảy ra ở không ít cán bộ, đảng viên, trái với lời dạy của Bác Hồ là “nói phải đi đôi với làm”; “Dù khó khăn mấy cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng” đúng như báo cáo chính trị của Đại hội đã nêu: “Tình trạng nói nhiều làm ít, làm không đến nơi đến chốn hoặc không làm còn diễn ra ở nhiều nơi”.
Quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật
Trong Đảng ta hiện nay không ít cấp ủy, người lãnh đạo còn xa dân, không sát cơ sở, không hiểu được thực tiễn, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới, không nắm được hoạt động, lối sống của cán bộ dưới quyền, nên có trường hợp đề ra chủ trương, chính sách không phù hợp với thực tế, người dân không đồng tình.
Việc nhận xét cán bộ chung chung, thậm chí sai lệch tới mức độ “vô trách nhiệm”. Vụ tham nhũng và tha hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên ở PMU18 nghiêm trọng như vậy mà đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ vẫn khẳng định “trước khi bị khởi tố, họ đều là đảng viên tốt”. Khẳng định như vậy thì thật là quan liêu, vô chính trị, vô trách nhiệm, có thể nói là vô cảm, không thể chấp nhận được.
Tham nhũng, nhũng nhiễu gây hậu quả nghiêm trọng
Tham nhũng, nhũng nhiễu dân gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, làm thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước, của nhân dân và sự hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (sự hư hỏng cán bộ đã dẫn đến gần 4 vạn đảng viên bị kỷ luật trong một nhiệm kỳ đại hội, trong đó số cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 114 cán bộ, có 12 ủy viên Trung ương Đảng; chỉ riêng vụ án Trương Văn Cam đã có 17 đảng viên bị phạt tù, trong đó có người đã từng giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy công quyền, vụ xảy ra tại PMU18 đã dẫn đến Bộ trưởng phải từ chức và thứ trưởng bị khởi tố điều tra.
Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh ở nhiều cán bộ, đảng viên, công chức khi thực thi công vụ nhưng chưa tới mức phải truy tố trước pháp luật diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư…
4 nguyên nhân, 3 giải pháp
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là do Đảng ta chưa lường hết tác động của cơ chế thị trường, nên lúng túng trong chuẩn bị tư tưởng, khả năng tự đề kháng trong cán bộ, đảng viên; việc giáo dục đạo đức, lối sống trong đảng viên chưa được tiến hành thường xuyên, không ít nơi bị buông lỏng; chưa nhận thức và hành động đúng nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, chưa tạo được quyết tâm chính trị để ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Theo ông Hùng, giải pháp cho tình trạng trên là: phải làm chuyển biến sâu sắc trong toàn Đảng về tính nghiêm trọng và nguy cơ của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; trong giáo dục phải hết sức coi trọng về chất lượng, thường xuyên giáo dục về tư tưởng chính trị, nhân cách, lối sống cho cán bộ, đảng viên; trong chỉ đạo thực hiện (cả trong xử lý sai phạm) phải kiên quyết, ráo riết hơn...
-
Phạm Tuấn (ghi)
Ý kiến của bạn?