,
221
5743
Đại hội Đảng X
daihoidangX
/chinhtri/daihoidangX/
787326
Đảng đổi mới lãnh đạo bằng dân chủ và pháp quyền
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Đảng đổi mới lãnh đạo bằng dân chủ và pháp quyền

Cập nhật lúc 11:55, Thứ Năm, 20/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sáng nay, tại hội trường Ba Đình, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, đại biểu của Đoàn đại biểu đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã có bài phát biểu “vo”, mang tựa: “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng”. Bài phát biểu làm hội trường Ba Đình sôi động hẳn lên qua lối nói hùng hồn của ông Tuyển.

 

Đảng không can thiệp sâu vào chính quyền

 

Soạn: AM 422979 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đảng không nên can thiệp quá sâu vào chính quyền.

Ông Tuyển mở đầu: Hiện nay, có tình trạng nhiều cấp ủy đảng can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền. Có tình trạng nếu có thành tích thì thuộc về cấp ủy đảng còn trách nhiệm thì không ai chịu.

 

Không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều lý do để Bác Hồ của chúng ta trong Bản Tuyên ngôn độc lập đã viện dẫn tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và tuyên ngôn dân quyền Pháp. Trong đó có một lý do, độc lập dân tộc và dân chủ là khát vọng của loài người, có thể nói đây là giá trị phổ biến của nhân loại, cũng có thể mạnh dạn nói rằng đây là giá trị có ý nghĩa đối với toàn nhân loại.

 

Đảng chúng ta đã lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, bây giờ trọng tâm của Đảng là lãnh đạo xây dựng một xã hội dân chủ. Bác Hồ đã từng nói cán bộ, đảng viên phải làm cho dân biết phát huy quyền dân chủ của mình, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.

 

Ở đây có thể nói dân chủ không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu, phát huy dân chủ sẽ phát huy được sáng kiến của mọi cá nhân sẽ làm xã hội chúng ta trở nên năng động hơn, chúng ta đều biết sáng kiến là của cá nhân. Cá nhân ấy có thể là ông nông dân, cũng có thể là một đồng chí lãnh đạo địa phương. Đảng chúng ta nắm lấy, tổng kết và hoàn thiện nó để hình thành đường lối.

 

Khi chúng ta nói cách mạng là sự nghiệp quần chúng thì dẫn đến một lô-gic là phát triển dân chủ trong nhân dân; Cần làm rõ dân chủ và tập chung. “Dân chủ, tập trung hay tập trung, dân chủ”, điều này không quan trọng bằng việc cần xác định rõ nội dung vị trí từng cụm từ. Đối với tôi, dân chủ là điểm xuất phát vừa là đích đến, còn tập trung chỉ là để giải quyết các ý kiến khác nhau trong một xã hội dân chủ để bảo đảm dân chủ cho đa số. Lê-nin có nói: sự dập khuân cứng nhắc và ý định gò theo một khuôn mẫu từ trên ban xuống không dính dáng gì đến nguyên tắc tập trung dân chủ và chủ nghĩa xã hội cả.

 

Sự thống nhất trong những vấn đề cơ bản, căn bản chủ yếu chẳng những không làm tổn hại mà trái lại còn được đảm bảo bởi muôn hình vạn trạng trong chi tiết của những đặc điểm địa phương, bởi cách đề cập vấn đề, bởi các biện pháp thực hành giám sát. Lê-nin rất quan tâm đến dân chủ, chú trọng sự sáng tạo của địa phương, tôn trọng tính phong phú đa dạng của hoạt động thực tiễn và phê phán lối gò ép khô cứng từ bên trên ban xuống. Vì vậy theo quan điểm của tôi, Đảng phải dành rất nhiều thời gian để hoàn thiện thiết chế dân chủ.

 

Chúng ta đã làm được một số việc theo hướng này nhưng chưa phải là ý thức thường trực của cơ quan Đảng, phải biến xây dựng xã hội dân chủ thành lý tưởng của Đảng. Lý tưởng dân chủ là một nội dung có thể chuyển thành hiện thực trong xã hội chúng ta. Đảng phải tích lũy kinh nghiệm cho mình trong lãnh đạo một xã hội dân chủ và làm được như thế thì bản lĩnh của Đảng sẽ được nâng cao, Đảng sẽ bớt quan liêu, gần dân hơn, nâng cao đời sống kinh tế văn hóa và được dân tin yêu

 

Pháp quyền - thần linh để quản lý xã hội

 

Ông Trương Đình Tuyển nói tiếp: Ý thứ 2 chúng ta phải hết sức chú ý đến việc xây dựng một xã hội phát triển. Ngay từ năm 1919, Bác Hồ đã từng nói “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Bác coi pháp quyền là thần linh để quản lý xã hội, và tư tưởng dân chủ, quan điểm pháp quyền hình thành trong Bác rất sớm và trở thành điều nung nấu mãi trong lòng Người. Chính vì vậy ngay sau khi đất nước độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Bác đã đặt ra yêu cầu chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ để đảm bảo tính dân chủ của xã hội, dân chủ cho nhân dân, đảm bảo tính pháp quyền của nhà nước.

 

Bộ Chính trị có nghị quyết về cải cách tư pháp, đấy là một hướng tích cực theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng chưa đủ. Khái niệm nhà nước pháp quyền rộng hơn khái niệm tư pháp. Tôi cho rằng cấp Trung ương và đặc biệt là Bộ Chính trị phải hết sức coi trọng, hết sức quan tâm đến việc hoàn thiện một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Chúng ta quản lý nhà nước và điều chỉnh hành vi của mọi công dân bằng pháp luật. Nếu chúng ta không làm được điều này là chúng ta không thực hiện được lý tưởng, mục tiêu phấn đấu của chúng ta là xây dựng Việt Nam trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

 

Đảng lãnh đạo để đảm bảo định hướng của sự phát triển, xác định các nội lực quan hệ lớn nhằm đảm bảo điều đó. Đảng không can thiệp vào các công việc cụ thể, phương án cụ thể nhưng phải xác định được định hướng lớn của sự phát triển thông qua việc xác định các mối quan hệ cơ bản để bảo đảm. Đảng lãnh đạo công tác an ninh quốc phòng và thống lĩnh các lực lượng vũ trang để đảm bảo chúng ta mãi mãi giữ  được độc lập và tự do.

 

Đảng lãnh đạo và xây dựng thiết chế dân chủ để đảm bảo quyền dân chủ cho nhân dân. Lý tưởng của Đảng, độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân là lý tưởng mà chúng ta suốt đời chiến đấu, chúng ta đã chiến đấu để dành độc lập dân tộc thì bây giờ chúng ta phải chuyển sang chiến đấu để xây dựng một xã hội dân chủ; phải xây dựng một nhà nước pháp quyền để quản lý xã hội.

 

  • Đỗ Minh (ghi)

 

"Công nghệ chọn người của chúng ta chưa tốt"

(VietNamNet) - Ngay sau khi có bài phát biểu “vo” tại Đại hội, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyến đã trả lời phỏng vấn PV VietNamNet.

 

Soạn: AM 42153 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển.

- Ông đã từng làm bí thư và nay đang làm bộ trưởng, ông nhận thấy sự chồng chéo giữa Đảng và chính quyền và sự cần thiết phải tách biệt giữa hai bộ máy?

 

- Cần minh định cho rõ chức năng giữa Đảng và chính quyền. Chúng ta thừa nhận Đảng lãnh đạo toàn xã hội nhưng cần vạch rõ lãnh đạo nội dung nào và nếu tập trung vào nội dung ấy thì định hướng cả xã hội.

 

Thứ nhất, trong kinh tế, Đảng định hướng bảo đảm sự phát triển và muốn đảm bảo phát triển phải xử lý các mối quan hệ lớn.

 

Thứ hai, Đảng phải lãnh đạo công tác an ninh quốc phòng và thống nhất lực lượng vũ trang.

 

Thứ ba, Đảng không buông lơi công tác đối ngoại để đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển và quan trọng là Đảng phải xây dựng một xã hội dân chủ như Bác Hồ mong muốn.

 

- Thực tế có tổ chức Đảng lợi dụng lãnh đạo để chuyên quyền độc đoán, tập trung dân chủ có thể giải quyết vấn đề này ra sao?

 

- Như  tôi đã phát biểu, cần có sự phối hợp giữa dân chủ và tập trung. Dân chủ đặt trước hay tập trung đặt trước không phải là quan trọng mà vấn đề là hiểu có được vị trí khái niệm dân chủ và khái niệm tập trung.

 

Ở đây dân chủ là điểm xuất phát, tư tưởng của nhà nước pháp quyền trước hết là tư tưởng dân chủ. Dân chủ là mục tiêu, là điểm xuất phát, đồng thời là đích đến. Tập trung chỉ là nguyên tắc để giải quyết các vấn đề trong xã hội dân chủ. Dân chủ có thể có rất nhiều ý kiến.

 

Trong xã hội dân chủ, tất cả mọi người có thể trình bày ý kiến của mình và ý kiến có thể khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, nội bộ nhân dân. Mâu thuẫn phát sinh là chuyện rất bình thường vì nhận thức khác nhau, thậm chí lợi ích khác nhau nên ý kiến khác nhau về chuyện này chuyện kia là bình thường.

 

Để giải quyết sự khác nhau này thì phải dựa vào nguyên tắc tập trung, tức là thiểu số phục tùng đa số. Việc xây dựng quy chế dân chủ cũng quan trọng như chính sách coi kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

 

- Đại hội X có nhiệm vụ quan trọng là tìm ra người tài, theo ông tiêu chuẩn quan trọng nhất để lựa chọn ủy viên trung ương là gì?

 

- Tôi quan niệm có một hệ tiêu chí, trong đó có điều kiện cần, bộ lọc đầu tiên là phẩm chất, lối sống. Nếu tham nhũng, tiêu cực thì không thể vào trung ương được. Nhưng như vậy chưa đủ, cần phải có năng lực thực sự. Thời đại chúng ta mọi sự kiện đều vận động rất nhanh, diễn biến rất phức tạp. Người đó cần có năng lực nắm bắt thời đại để có thể vận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức đưa đất nước đi lên.

 

Công nghệ chọn người của chúng ta chưa tốt. Bộ lọc đầu tiên về phẩm chất, chúng ta không xác định chung chung mà phải chọn ra những người có phẩm chất tốt, lối sống lành mạnh. Đây là những người lọt vào vòng 2 để xem xét năng lực. Chúng ta lẫn lộn và nhiều khi không rõ. Trong những người có phẩm chất tốt chọn được người có năng lực, dám đấu tranh cho cái mới, bảo vệ chân lý.

  • Phạm Tuấn (thực hiện)

Ý kiến phản hồi:

,
,