Xây dựng Đảng - tâm điểm thảo luận tại đoàn
Chiều (18/4), các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng thảo luận tại đoàn về các Văn kiện Đại hội X.
Thảo luận tại đoàn. Ảnh: TTXVN |
Ông Vũ Khoan – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai cho biết: “Việc thảo luận của đoàn đồng Nai tập trung vào chính điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng Nai là vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Các đại biểu tỉnh Đồng Nai tập trung thảo luận 3 nội dung cơ bản về kinh tế vùng. Thứ nhất, kết cấu hạ tầng của tỉnh còn lạc hậu so với sự phát triển kinh tế của địa phương.
Thứ hai, Đồng Nai đang chuyển mình trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng các đại biểu lại rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu, đặc biệt là việc giải quyết vấn đề nông nghiệp-nông thôn và nông dân.
Thứ ba, việc phát triển giáo dục và nhân lực ở tỉnh không theo kịp với tình hình phát triển của công nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, sách giáo khoa lại liên tục thay đổi, không tạo sự ổn định trong phương pháp dạy”.
Các nội dung thảo luận: Về chủ đề Đại hội X; Đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội IX; Đánh giá về kết quả thực hiện 20 năm đổi mới; Mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2006-2010; Các thành phần kinh tế; Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá; Văn hoá-xã hội; Giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ phát triển nguồn nhân lực; Quốc phòng và an ninh; Đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế; Về Đảng và công tác xây dựng Đảng; Đại đoàn kết dân tộc; Cách diễn đạt về Đảng và Đảng viên làm kinh tế tư nhân. |
Ông Nguyễn Đình Sách - đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên cho biết: “Các đại biểu tỉnh Hưng Yên tập trung thảo luận sôi nổi 2 nội dung phát triển kinh tế-xã hội từ 2006-2010 và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Theo các đại biểu, đặt công tác xây dựng Đảng là then chốt, nhưng phải đúng tầm. Công tác xây dựng Đảng phải đổi mới và nghiêm túc để đạt yêu cầu. Một trong những nội dung cần chú ý là nâng cao năng lực lãnh đạo của và sức chiến đấu của Đảng. Điều này phụ thuộc vào chính mỗi đảng viên. Đây là một trong những nội dung mà nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Thời gian tới, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần thực hiện thường xuyên, liên tục công tác phê bình và tự phê bình. Việc phê bình không phải để nói xấu, trù dập mà mang tính xây dựng, tích cực. Công tác này có thực hiện thường xuyên thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh được”.
Các đại biểu đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thảo luận về các nội dung nêu trên. Theo các đại biểu, một số nội dung đưa ra trong Văn kiện cần phải định lượng rõ ràng hơn. Ví dụ như việc chống tham nhũng, cần đặt ra mục tiêu cụ thể, giai đoạn đầu sẽ giải quyết triệt để các vụ việc nổi cộm.
Về vấn đề nông nghiệp và nông thôn, theo các đại biểu đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, cần phát huy năng lực, sáng tạo và nội lực của nông dân, theo quan điểm “để nông dân suy nghĩ trên chính mảnh ruộng của mình”. Thực tế, nhiều nông dân có sáng kiến, sáng tạo ra máy móc phục vụ sản xuất trên chính đồng ruộng quê hương mình.
Văn kiện trình đại hội tự kiểm công tác xây dựng Đảng “chưa đạt yêu cầu”, nhưng Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM Võ Thị Dung nói: “Đảng nên đánh giá công tác xây dựng Đảng còn yếu kém”.
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM Lê Hữu Đức cho rằng: “Năm năm, công tác xây dựng Đảng còn giậm chân tại chỗ, sự lãnh đạo của Đảng còn lúng túng”. Theo ông Đức, đổi mới kinh tế đã rõ đường lối song sự lãnh đạo của từng tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp, cơ quan thì chưa rõ.
Mục tiêu “nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng”, theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, đã đề ra từ mấy đại hội rồi nhưng nội hàm đổi mới hệ thống chính trị lại vẫn chưa rõ. Ông Nhân phân tích: mô hình tổ chức hệ thống Đảng theo ngành dọc từ trung ương xuống địa phương rất phù hợp trong thời chiến, khi mà chính quyền còn ở tay giặc.
Nhưng nay ta đã có hệ thống chính quyền, nếu vẫn tổ chức hệ thống Đảng như cũ sẽ dễ dẫn đến chuyện “song trùng” lãnh đạo, chỉ đạo và khó vận hành trơn tru, nhất là khi “có vấn đề” (bộc lộ yếu kém, khuyết điểm).
Ông Nhân đề nghị Đảng chỉ nên tập trung lo việc lớn, thể hiện ở bốn điểm: chăm lo chiến lược, chính sách phát triển; chuẩn bị lực lượng để đưa sang chính quyền...; xây dựng cơ sở Đảng, đảng viên trong sạch, vững mạnh; giám sát cán bộ được cử ra ngoài (sang chính quyền) xem có làm tốt không, nếu không tốt thì kịp thời uốn nắn hoặc thay thế.
Nên chăng Đảng sẽ (chỉ) có Ban chiến lược và chính sách phát triển, Ban xây dựng Đảng, Ban tổ chức cán bộ, Ban tài chính. Còn lại những vấn đề khác như kinh tế, văn hóa... để chính quyền làm, HĐND giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Và cũng cần phải làm rõ vấn đề giám sát của dân đối với Đảng.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng mô hình tổ chức bộ máy của ta chưa hợp lý, không phải chỉ ở địa phương mà còn ở cấp trung ương. Đó cũng là một nguyên nhân khiến chế độ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm không rõ ràng. Thủ tướng Phan Văn Khải xen vào ngay: “Chuyện chấp nhận cho ông Đào Đình Bình từ chức bộ trưởng đâu phải thủ tướng quyết được đâu. Phải xin ý kiến Bộ Chính trị vì ông Bình là ủy viên trung ương. Rồi còn phải ra Quốc hội nữa”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung kêu lên rằng: chúng tôi thật sự sốt ruột về công tác tổ chức của cả hệ thống. Đảng phải là nhạc trưởng và hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng từ nghị quyết T.Ư 7 đến nay có xu hướng tăng tổ chức chứ không giảm tổ chức.
Ông Trung đặt câu hỏi: “Ai sinh ra bộ máy?” rồi tự trả lời: “Chính từ công tác xây dựng Đảng”. Bộ trưởng Trung đề nghị tới đây cần có chuyển động rõ về mặt này theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Đại hội VI.
Ông Trung phân tích: “Tôi cho rằng cái khó nhất là đánh giá cán bộ sao cho công tâm, khách quan trên cơ sở công việc. Người ta thường nể nang, né tránh, không dám đấu tranh. Cuối cùng chọn cách bỏ phiếu mà những anh hăng hái đấu tranh thì phiếu thấp”. Ông Trung nhắc lại trường hợp ông Nguyễn Việt Tiến là do Bộ GTVT làm qui trình đề bạt để nói rằng “công tác xây dựng Đảng mà hư hư thực thực thì rất nguy hiểm”.
Ở khía cạnh khác, theo Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, thẩm quyền và trách nhiệm của cán bộ lại không gắn với nhau nên khi có vụ việc gì đó xảy ra qui trách nhiệm rất khó. Trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền và người đứng đầu tổ chức Đảng ra sao? Quyền thì bị chia cắt, còn trách nhiệm thì không rõ ràng.
Vừa là bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa là phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ông Đỗ Quang Trung đề nghị cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tán thành đề nghị này, ông Đoàn Văn Kiển, tổng giám đốc Tập đoàn Than - khoáng sản, nói: “Không thể để ai hiểu Đảng lãnh đạo toàn diện là thế nào cũng được. Đảng lãnh đạo cả hai hệ thống các ban Đảng và hệ thống chính quyền. Đề xuất giải pháp về công tác cán bộ, ông Kiển nói: tại sao chúng ta không học cha ông ta: tổ chức thi tuyển, kể cả chức vụ bộ trưởng. Không nhất thiết bộ trưởng phải là ủy viên T.Ư”.
Bộ trưởng Đỗ Quang Trung nói thêm: “Bộ trưởng cũng không nhất thiết phải là đảng viên. Chúng ta đã nói như thế mấy nhiệm kỳ qua nhưng vẫn chưa làm được”. Ông Kiển cho rằng phải dân chủ hơn nữa, không thể giao cho vài người đi đánh giá cán bộ. Những cán bộ tròn vo được đề bạt nhanh, thậm chí đề bạt lên cả cấp cán bộ chiến lược.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Quynh cho rằng: chúng ta đang hội nhập, đang bị sức ép rất lớn trong nhiều lĩnh vực. Riêng công tác xây dựng Đảng không phải chịu sức ép hội nhập nên rất chậm đổi mới.
(VOV, Tuổi Trẻ)
Ý kiến của bạn: