Họa phúc có mầm, đâu một lúc!
(VietNamNet) - Trước thì không biết thế nào, nhưng bây giờ về sau thì tôi nghĩ hai ông Trưởng,Thứ của Bộ kia hẳn trong số những người căm ghét thực lòng thói say mê bài bạc.Nếu không có trò lãng nhách của thuộc hạ (hoặc, nói để công bằng, không thuộc hạ) thì đâu đến nỗi!
Nỗi đau thứ hai đến từ câu hỏi: Những người mà chân dung đạo đức và chân dung trí tuệ như thế, trong khuôn khổ các thiết chế mà hệ thống chính trị chúng ta có trong việc chọn người, tại sao lại được đặt vào các vị trí cao như vậy?
Đã đến lúc phải trả lời. Không được - và cũng không thể - tránh né.
Tôi hoàn toàn biết trong những việc thế này không được suy đoán. Nhưng những gì tôi đọc thấy - cũng mới hôm nay - thì không phải là suy đoán của tôi:
Người ta muốn nói đến việc “chạy chức, chạy quyền”. Trước đây, anh Mai Thúc Lân (nguyên phó chủ tịch Quốc hội) họp Trung ương Đảng chuẩn bị Đại hội IX, nghe người ta đồn có người “chạy chức” 1 triệu USD để vào Trung ương Đảng thì anh ấy bảo chuyện đó không bao giờ có.
Nhưng khi đọc hồ sơ của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến (hồ sơ ứng cử vào trung ương khóa IX) thấy ghi những chuyện xô xát trong tiệm rượu, quán ăn... thì anh ấy nói “hồ sơ như vậy mà vẫn đưa lên trung ương thì tôi nghĩ rằng những chuyện đó là có”. (Trích phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Báo Tuổi trẻ 1/4/2006)
Nếu chuyện kia có thật (dù ở mức độ nào), tôi - và nhiều người - buộc phải nhận thấy điều này: Chẳng có lý do gì ông Thứ kia phải ghét ông Tổng nọ. Bởi họ giống nhau. Đều một mê say. Một máu đỏ đen. Duy thể loại bài đánh có khác. Bùi Tiến Dũng máu mê thắng tiền. Nguyễn Việt Tiến máu mê vị trí.
Chẳng ai có thể đánh bạc một mình. Bùi Tiến Dũng cùng Bùi Quang Hưng. Nguyễn Việt Tiến cùng ai?
Ngay cả bây giờ vẫn đang có dư luận về việc ông Thứ trưởng kia dường như lại từng có tên trong dịp chuẩn bị nhân sự TW Đại Hội X. Nếu có - cần nói rõ. Không - càng cần nói rõ. Nói rõ không hại cho Đảng, không hại cho an ninh chính trị. Nói rõ là bảo vệ Đảng. Nói rõ là bảo vệ một nền chính trị trung thực.
Những lập luận của ông Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến không phải không có những điều ít ra về khía cạnh hành chính là đúng. Ông này không có quyền bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng. Cũng như vậy, ông Đào Đình Bình không có quyền bổ nhiệm Nguyễn Việt Tiến. Tiếp nữa, bản thân ông Bình không thể tự bổ nhiệm mình.
Công việc lựa chọn nhân sự, cũng như mọi việc khác, không thể không có các sai số. Mà đây lại là công việc phức tạp hơn cả. Thông tin nhiều chiều, đan chéo, bộn bề. Người có tâm làm việc này rất vất vả. Cực nhất là làm xong rồi vẫn còn bị day dứt.
Sai sót là dễ hiểu. Sai sót vì thiếu thông tin, sai sót vì đo lòng người không phải không thể, nhưng không dễ như đo bể, đo sông. Sai sót - là khi người ta phải quyết định mà không đủ các dữ kiện cần và đủ. Nhưng với ai đó, với đơn vị nào đó, có phải các dữ kiện đó luôn thiếu không? Có phải ai cũng thiếu thông tin không? Khi mà hơn một lần xảy ra chuyện thiên hạ biết, rồi cơ quan pháp luật biết sau, và những người có trách nhiệm tham mưu chọn người, theo dõi người biết sau rốt?
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan pháp luật, và cả xã hội, đang và sẽ rọi đèn pha vào những chuyện ở PMU 18 và Bộ GTVT. Nhưng vì lâu dài, chúng ta cũng phải bàn thảo về cơ chế chọn và kiểm tra, theo dõi cán bộ. Lỗi chủ quan, lỗi có địa chỉ phải có. Nhưng phải làm rõ chuyện quan trọng hơn là có lỗi hệ thống hay không. Như trong nhiều lĩnh vực khác, cần có ISO trong việc chọn, dùng người.
Trong luật có tội danh Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng. Và có tội danh lãng phí tài sản công. Đối mặt với các tội danh đó, phải chịu các hình phạt nghiêm khắc.
Tham mưu chọn sai người, thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi người đã được chọn, có thể đem lại những điều khốc hại. Xin tiếp tục trích dẫn lời ông Thuận (Không chỉ ông Thuận, mọi người ai cũng biết điều này): "Tôi nghĩ rằng khi con người không còn danh giá của con người nữa thì hãy coi chừng có thể họ sẽ làm bất cứ điều gì, sẽ gây tội ác... "
Đất nước này đâu thiếu người có tâm, có tài. Khi tham mưu để cấp có thẩm quyền chọn người, mà tham mưu sai, để một người kỳ đức không xứng với y phục có cơ hội, đồng nghĩa là đã gạt những người khác đủ tâm và đủ tầm hơn ra khỏi cơ hội phụng sự sự nghiệp chung. Đó là lãng phí. Đó còn hơn cả lãng phí.
Luật Nhà nước không có tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lãng phí tài sản công đối với những cái sai trong công tác nhân sự. Nhưng Luật Đảng thì cần phải có. Mà phải có ở dạng thật rõ ràng.
Phải làm sao sau mỗi đề xuất về nhân sự có người chịu trách nhiệm, mà là trách nhiệm nặng nề. Chúng ta có quy định người giới thiệu Đảng viên mới chịu trách nhiệm trước Đảng. Người tham mưu nhân sự cao cấp phải chịu trách nhiệm cao hơn trăm ngàn lần. Người quyết định cũng phải chịu trách nhiệm trong chọn lựa người tham mưu nhân sự cho mình.
Tất nhiên, việc lựa chọn quyết định nhân sự chủ chốt xuất phát đầu tiên là từ cơ sở. Về việc nếu tổ chức Đảng cơ sở tê liệt, vận hành như môt động cơ không tải, thì giới thiệu từ cơ sở vẫn trái khoáy - tôi đã đề cập trong bài viết trước của mình(*). Giờ đây, xin được đề cập đến những trách nhiệm của cấp phải xử lý thông tin từ cơ sở, đến trách nhiệm của bộ lọc thông tin để tham mưu cho cấp cao hơn.
Tôi tin rằng lỗi hệ thống nằm ở chỗ: Dường như không có cơ chế rõ ràng quy trách nhiệm đối với công tác nhân sự. Quy trách nhiệm ở đây theo nghĩa là quy đến người cụ thể, nơi cụ thể. Kèm theo những hình phạt (Theo kỷ luật Đảng) cụ thể.
Không phải điều bí mật: Vị Thủ tướng đáng kính có thâm niên cao nhất từng thốt lên: (cá nhân) tôi có quyền cho lên chức và cách chức ai đâu!.
Nhân sự là việc thuộc thẩm quyền lãnh đạo tập thể. Nhưng điều này không có nghĩa là người có nhiệm vụ tham mưu được giảm nhẹ trách nhiệm, cũng không có nghĩa không thể trao cho người có vị trí cầm đầu một lĩnh vực lớn quyền chọn lựa và chịu trách nhiệm sau khi chọn lựa đối với những vị trí giúp việc cho mình.
Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại Hội X có viết:
Cán bộ phải là người có đức, có tài, có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không dao động trước mọi biến cố phức tạp, có đủ năng lực thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân.
Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao.
Quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ.
Những điều trên cần làm riết róng ngay bây giờ, không đợi đến lúc Báo cáo Chính trị được Đại hội thông qua.
-
Trần Đăng Tuấn - Trần Chí Hiển (1/4/2006)
(*) Tôi hiểu trách nhiệm cá nhân với những ý kiến của mình, vì vậy tôi ký dưới bài viết này cả tên thật cùng bút danh trong thẻ báo chí của tôi.
Bạn đọc đồng cảm với bài viết "Họa phúc có mầm..."
Ý kiến của quý vị: