"Lúc nào bức xúc, các bác đều có thể góp ý kiến"
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định với cử tri quận Ba Đình và Cầu Giấy: Bất cứ lúc nào có vấn đề bức xúc, các bác đều có thể đóng góp ý kiến.
Sáng 15/10, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc với cử tri hai quận Ba Đình và Cầu Giấy, 5 ngày trước khi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII khai mạc.
Cử tri phải góp ý ở tầm quốc gia
Dù đại diện cho đoàn ĐBQH Hà Nội - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Nguyễn Hùng Sơn đã trình bày chương trình dự kiến của kỳ họp có đủ các nội dung lớn, nhỏ như các vấn đề kinh tế, xã hội của năm 2010, phương án phân bổ ngân sách năm 2011, báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, báo cáo về việc cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng... Nhưng dường như cử tri lại quan tâm đến những vấn đề "sát sườn" hơn của khu phố mình, phường mình, như chuyện thiếu không gian sinh hoạt công cộng, chuyện cấp sổ đỏ và mua nhà theo nghị định 61 chưa được giải quyết...
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng (trái): Cử tri phải góp ý kiến ở tầm Quốc gia... Ảnh: K.L |
Kể cả khi cử tri nhắc đến quy hoạch thành phố, Luật Đê điều... thì cũng để giải quyết vấn đề cụ thể: "Khu nhà 5 tầng trên đường Hồng Hà đã bỏ không mấy năm rồi, có được xây dựng tiếp không, nếu không được làm tiếp thì nên giải phóng mặt bằng ngay để làm đẹp cảnh quan" như lời ông Trịnh Xuân Liêm (phường Phúc Xá, quận Ba Đình).
Theo các phát biểu của cử tri, họ phải kiến nghị những vấn đề hết sức cụ thể với Chủ tịch QH, là do họ đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết, như chuyện đình Mai Dịch bị hơn 10 hộ dân lấn chiếm từ hơn 10 năm nay, đã gửi kiến nghị tới rất nhiều cấp, kể cả Chủ tịch Quốc hội trực tiếp làm việc, Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo thành phố, thành phố chỉ đạo quận Cầu Giấy... "Người dân như con sâu cái kiến, thật sự không biết trông vào ai", ông Nguyễn Văn Phát (phường Mai Dịch) than thở.
Tuy nhiên, do những kiến nghị của cử tri hết sức cụ thể, nên cả đại diện chính quyền thành phố lẫn hai quận Ba Đình, Cầu Giấy chỉ nhẹ nhàng tiếp thu ý kiến, giải thích lại cho rõ những việc gì đang được giải quyết, việc gì phải chờ quy hoạch chung của thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải "nhẹ nhàng" nhắc cử tri quan tâm hơn đến các vấn đề của kỳ họp, bởi "kỳ này có rất nhiều phần việc quan trọng, nhưng không thấy các bác góp ý kiến gì. Vừa rồi Trung ương kết luận phải tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh cũng là đồng tình trên cơ sở ý kiến đóng góp của các ĐBQH, như thế là bước tiến lớn. Cử tri cũng phải góp ý kiến ở tầm quốc gia, chứ không chỉ những vấn đề của địa phương", ông Trọng nói.
Nhấn chìm
Thật ra, thỉnh thoảng cũng có những kiến nghị chung với các vấn đề lớn của quốc gia. Ông Trương Xuân Thành (phường Phúc Xá) đề nghị "kỳ họp này Quốc hội phải chất vấn Chính phủ về Vinashin, bởi kết luận của Bộ Chính trị còn nhẹ nhàng quá. Tập đoàn kinh tế này trực thuộc Chính phủ, vậy trách nhiệm của Chính phủ ra sao? Hình thức xử lý thế nào để giữ vững phép nước", nhưng có lẽ do bị "nhấn chìm" giữa hàng trăm kiến nghị cụ thể, nên ông đã không nhận được hồi âm.
Ông Trương Quang Sinh: Sao lại chuyển sang phạm trù phối hợp, phân công? Ảnh: K.L |
Hay cử tri Trương Quang Sinh (phường Thành Công) trăn trở về điều 2 của Hiến pháp ở lần sửa đổi gần đây nhất, bởi đã quy định "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân..." nhưng sau đó lại có quy định "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Theo ông Sinh, "phối hợp, rồi phân công, thì dựa trên cơ sở lý luận nào, sẽ thực hiện theo cơ chế nào? Đã có quốc gia nào trên thế giới thực hiện chưa, hay ta làm đầu tiên?".
Tuy nhiên, do ông Sinh nhầm việc Hiến pháp vừa được sửa đổi vào tháng 7/2010, nên phần trả lời của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng tập trung khẳng định lần sửa Hiến pháp gần nhất là từ năm 2001 chứ năm nay chưa sửa Hiến pháp, vì đây là việc rất trọng đại, do Quốc hội tiến hành nhưng phải có chủ trương từ Trung ương, rồi phải lấy ý kiến của nhân dân.
Riêng với đề xuất của ông Võ Giang Đông (phường Nguyễn Trung trực, quận Ba Đình) khi chất vấn phải có các ý kiến tiêu biểu của cử tri (có thể tiếp nhận qua điện thoại), Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định luật chưa quy định vấn đề này, nhưng "ĐBQH cũng là dân, và cử tri đã bầu ĐBQH đại diện cho mình rồi. Bất cứ lúc nào có vấn đề bức xúc, các bác đều có thể đóng góp ý kiến".
- Khánh Linh