Thái Lan: Súng đạn có chừa trẻ em “Áo đỏ”?

Cập nhật lúc 08:20, 18/05/2010 (GMT+7)

Một trong những khía cạnh tồi tệ nhất khi đụng độ chính trị tại Thái Lan leo thang là trẻ em ở chính "điểm nóng". Lãnh đạo phe biểu tình chống chính phủ dường như thờ ơ với lời kêu gọi đưa trẻ em và người già khỏi vùng biểu tình tại trung tâm Bangkok.

Trong khi đó, quân đội tiếp tục tăng cường bao vây vùng biểu tình, những cuộc đọ súng đã để lại hàng chục xác người trên phố.

"Vâng, tôi biết là nguy hiểm và tôi biết nơi đây có trẻ em”, Nattawut Saikua, một thủ lĩnh phe Áo đỏ nói. "Chúng tôi đã gặp cha mẹ các em và yêu cầu đưa các em rời đi, nhưng họ khăng khăng muốn ở lại”, ông nhấn mạnh.

Phụ nữ và trẻ em trong khu trại của người biểu tình, phía bên ngoài, những cuộc đụng độ, đọ súng giữa phe Áo đỏ và quân đội vẫn diễn ra. Ảnh: AP
Phụ nữ và trẻ em trong khu trại của người biểu tình. Bên ngoài, những cuộc đụng độ giữa phe Áo đỏ và quân đội vẫn diễn ra. Ảnh: AP

Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ từ Bangkok và các tỉnh lân cận đã đổ về thủ đô của Thái Lan, chiếm giữ và phong tỏa quận thương mại Rajaprasong từ hôm 3/4 và yêu cầu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức, tổ chức cuộc bầu cử mới. Rất nhiều người trong số đó ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự 2006. Áo đỏ cho rằng, ông Abhisit nắm quyền trái phép thông qua thỏa thuận ngầm với quân đội.

Thaksin đã đưa các con rời khỏi Thái Lan khi cuộc biểu tình nổ ra. Vào lúc hy vọng đàm phán giữa chính phủ và Áo đỏ chấm dứt, quân đội Thái Lan đã bao vây khu vực biểu tình, ngăn chặn phe phản đối chính phủ tăng cường lực lượng, chặn nugồn cung cấp hậu cần vào trong khu trại, đồng thời thúc giục người biểu tình trở về nhà.

Trong khi đó, nhiều thành viên Áo đỏ và những người đến từ các khu ổ chuột bên ngoài vùng biểu tình đã nỗ lực tấn công quân đội bằng cách bí mật dùng súng, lựu đạn, đất đá và vũ khí tự tạo. Xung đột giữa hai bên vào cuối tuần qua làm 37 người chết và 266 người bị thương. Nhân vật cấp cao nhất của Áo đỏ tử nạn là Khattiya Sawasdiphol, còn gọi là Seh Daeng, đã chết sau năm ngày bị thương vì đạn bắn vào đầu.

Khoảng 6.000 người biểu tình vẫn ở lại khu vực Rajaprasong. Họ bao gồm rất nhiều người già, phụ nữ và trẻ em được cha mẹ mang theo lúc đổ về Bangkok từ các tỉnh khác. Theo nhiều phóng viên hiện trường, có ít nhất hơn 20 trẻ em trong vùng biểu tình, có lẽ còn nhiều hơn thế.

"Tôi mang con gái theo tôi vì không có ai chăm sóc cháu ở nhà lúc tôi lên đây”, Kaneung Pana, một người lao động từ tỉnh Mukdahan ở phía đông bắc Thái Lan cho biết. Bé gái 8 tuổi của anh là Hongfah, mặc một chiếc áo đỏ đang ngồi cạnh cha. "Tôi biết nơi đây không an toàn, nhưng chúng tôi phải làm gì đó để gây áp lực khiến chính phủ giải tán”, Pana quả quyết. Không một thủ lĩnh Áo đỏ nào đề nghị anh ra đi, nhưng anh nói sẽ không từ bỏ kể cả khi họ yêu cầu như vậy.

Kampit Jooncha, một nông dân cùng tỉnh cũng tỏ ý tán thành khi cho biết, cô không thể đem bé trai 10 tuổi Chalor ra đi và bỏ rơi những người biểu tình khác. “Nếu tôi có phải chết, tôi muốn con tôi chết cùng tôi”, Jooncha nói.

Cả Hongfah và Chalor tỏ ra không sợ hãi cho dù Hongfah thổ lộ muốn trở về Mukdahan. Khi các em được hỏi có hiểu rằng, tình hình có thể tồi tệ hơn, hai em đều nói không hiểu gì.

Sự hiện diện của trẻ em và người già trong khu biểu tình là một lý do khiến chính phủ và quân đội Thái khá miễn cưỡng trong quyết định sử dụng vũ lực giải tán phe Áo đỏ tại một trung tâm ở Bangkok trong nhiều tuần nay.

Và, thực tế là, phe Áo đỏ, mặc dù tự tuyên bố là những người biểu tình hoà bình, vẫn tổ chức các đội bảo vệ trong trang phục đen, một số người có vũ trang. Vào hôm thứ Bảy, các nhà hoạt động vì quyền trẻ em và hòa bình kêu gọi lãnh đạo Áo đỏ sơ tán trẻ em và người già. "Trong trường hợp căng thẳng chính trị tăng cao thế này, trẻ em có mặt trong khu biểu tình không hề có lợi”, Tomoo Hozumi, đại diện UNICEF tại Thái Lan cho biết.

Wallop Tangkhananurak, phụ trách Quỹ Children Creation thậm chí còn đề nghị đưa tất cả con cái người biểu tình tới văn phòng Quỹ. Nhưng không ai chấp nhận việc này.

Nattawut, đã mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc rằng, lãnh đạo Áo đỏ muốn phụ nữ và trẻ em hiện diện để ngăn chặn binh lính sử dụng bạo lực chống lại họ. "Tôi đảm bảo rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng trẻ em và phụ nữ làm khiên chắn”, Nattawut tuyên bố.

Khi được hỏi tại sao các thủ lĩnh Áo đỏ không ra tuyên bố ở khu vực biểu tình để yêu cầu những người ủng hộ đem con theo rời đi vì nguy hiểm, ông đã trả lời, đó là việc của chính phủ.

Hôm qua, chính phủ Thái Lan yêu cầu Bộ An sinh xã hội và Phát triển con người, hội Chữ thập đỏ Thái Lan và các tổ chức phi chính phủ khác tiếp cận khu biểu tình để thuyết phục những người có con nhỏ, người già trở về.

Nattawut cuối cùng đã có phản ứng khi đề nghị các gia đình và người già trong khu vực biểu tình chuyển đến vùng phía trước một ngôi chùa - nơi họ có thể ẩn náu, nếu bạo lực xảy ra.

  • Thụy Phương (Theo TIME)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác