Thái Lan: Khi "quả bom nhân khẩu" được kích nổ

Cập nhật lúc 05:26, 15/05/2010 (GMT+7)

“Làm chủ” hai khu vực lớn tại Bangkok suốt hai tháng qua, phe Áo đỏ đang chứng tỏ là một trong những lực lượng phát triển mạnh nhất châu Á trong 25 năm qua, khi phe này đang có những dấu hiệu tham gia hình thức xung đột mới giữa giới thượng lưu cố thủ và hàng triệu người lao động di cư từ nông thôn ra thành phố ở khắp Thái Lan.

Những năm 1970, khi hầu hết người Thái còn sống ở nông thôn, thì biểu tình thường chỉ diễn ra tại vùng đồi núi và rừng già. Giờ đây, sau những cuộc biến đổi nhân khẩu học lớn nhất trong lịch sử, lực lượng cấp tiến có thể tuyển người “kế nghiệp” hàng loạt tại các thành phố như Bangkok với hàng triệu lao động bất mãn, những người không còn ruộng đồng để trở về nữa.

Rất đông người biểu tình tại Bangkok. Ảnh: Getty
Rất đông người biểu tình tại Bangkok. Ảnh: Getty

Khi tôi lần đầu tiên sống ở Bangkok năm 1987, thành phố 6 triệu dân này chủ yếu toàn các giới thượng lưu và quan chức. Nông dân ở Isaan, vùng đông bắc Thái Lan dường như sống ở một thế kỷ khác, ngày ngày đem trâu đi cày trên những cánh đồng khô nứt nẻ. Thanh niên đổ xô tới Bangkok mong có một cuộc sống dễ dàng hơn.

Quả bom nhân khẩu này cũng tồn tại ở Jakarta (Indonesia) và nhiều thành phố khác.

Ở Bangkok, thế hệ những người biểu tình mới - sinh ra từ nông thôn, lớn lên ở thành phố - phong tỏa được trung tâm thành phố trong màn trình diễn lớn đến mức khiến cả du khách và hầu hết người Thái hoảng loạn.

Địa điểm biểu tình của họ có thể được gọi là “pháo đài tre”, như thứ trẻ con thường làm; thực tế, trẻ con cũng tham gia biểu tình và dựng lên không ít chướng ngại vật bằng lốp xe, gậy tre và dây thép gai. Chiếm được một vùng trung tâm Bangkok, diện tích gần bằng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay Shibuya ở Tokyo, “Vùng Đỏ” cũng có nét giống với “Vùng Xanh” ở Baghdad và hay vùng đất Palestine ở Israel.

Một "pháo đài" tre và lốp xe bên ngoài khu biểu tình tại Bangkok. Ảnh: msnbc
Một "pháo đài" tre và lốp xe bên ngoài khu biểu tình tại Bangkok. Ảnh: msnbc

Không giống như những xung đột trước đó ở các khu vực biên giới xa xôi, cuộc “biểu tình thành thị” này xảy ra ngay ở trung tâm Bangkok. Thiếu liên hệ trực tiếp với người biểu tình, nhiều hãng truyền thông Thái Lan đã gọi nhầm họ là những nông dân “hết việc”; thực tế, nhiều người sống, làm việc tại Bangkok và có thể nhanh chóng tăng quy mô lên bất cứ khi nào biểu tình diễn ra.

Pheo Áo đỏ đã quen với việc đưa những chiếc xe buýt chật chội hay những xe hai bánh vào “công việc” của mình, cũng không ngại khi gây bất tiện với giới công chức và chủ cửa hàng trung lưu.

Các cuộc biểu tình của họ - trước tiên gần điểm hút khách du lịch Khao San Road, sau đó tới gần quảng trường Siam - đã đưa văn hoá gốc rễ từ nông thôn của họ vào những khu vực chủ chốt ở thành phố. Với âm nhạc ầm ĩ, chảo chiên ớt đỏ rực, những cuộc biểu tình của họ giống như lễ hội đền chùa ở miền xa, với cô gánh rong bán chôm chôm đỏ, xúc xích đỏ và gần như bất cứ thứ gì có màu đỏ.

Trong khi một số thích thú với cơ hội đi dạo qua trung tâm Bangkok mà không có đèn xanh đèn đỏ và những khói bụi độc hại, thì nhiều người Bangkok và phe Áo vàng Hoàng gia lại đang mệt mỏi vì những thứ đó, và bực bội với Thủ tướng Abhisit Vejjajiva vì đã không ngăn cản họ bằng vũ lực.

Song vấn đề là, ngay cả khi phe Áo đỏ đầu hàng ngay lúc này, họ cũng có thể dễ dàng tái vùng lên chiếm những địa điểm khác ở Bangkok, như sân bay Suwannabhumi, nơi phe Áo vàng đã làm hai năm trước.

Nhiều thế kỷ nổi tiếng là những tín đồ Phật giáo khoan dung và không màng chính trị, giờ đây sự chuyển hoá sang một xã hội chính trị hoá và phân cực cao của Thái Lan thực sự là cú sốc với du khách thường xuyên lui tới. Tập hợp với những bài phát biểu và bình luận không ngừng trên truyền hình và phát thanh, những tầng lớp thấp hơn từ các tỉnh nông thôn cũng như Bangkok không còn ngại đổ sự tức giận lên giới thượng lưu Thái Lan.

Lời kêu gọi thay đổi của họ ngày càng vọng ra khắp xã hội Thái Lan và cộng đồng người Thái ở nước ngoài. Với lực lượng “hậu duệ” hùng mạnh ở mọi nơi trừ miền nam Thái Lan, phe Áo đỏ có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo bằng cách mở rộng hơn về phía bắc và giành một nửa Bangkok, như những gì cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng làm. Ngay cả khi họ thất bại trong cuộc bầu cử, cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục cho tới khi họ giành được tiếng nói và con đường của mình.

Với hàng triệu “cựu” nông dân giờ ở lại thành phố, giới thượng lưu Bangkok sẽ phải tính chuyện nhường một phần đất cho họ trong chính phủ. Bằng không, cứ với những tre trúc ở mọi nơi khắp Thái Lan, có thể sẽ có thêm nhiều pháo đài mọc lên ở những thành phố khác.

Christopher Johnson, nhà báo chuyên viết về Thái Lan từ năm 1987, tác giả cuốn "Siamese Dreams" (Giấc mơ của người Thái).

  • Đình Ngân (Theo Japan Times)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác