Biểu tình làm Thái Lan có thể tụt hậu so với VN

Cập nhật lúc 05:58, 20/05/2010 (GMT+7)

Những cuộc xung đột chết người ở đường phố đã khiến nhiều phần ở thủ đô của Thái Lan trở thành vùng chiến tranh đô thị, đe dọa các nhà đầu tư nước ngoài và khiến một quốc gia từng nằm trong số nước tăng trưởng nhanh nhất khu vực có nguy cơ tụt hậu sau các nước như Việt Nam.

Một số công ty với đặc thù di chuyển hoạt động dễ dàng - trong ngành công nghiệp như dịch vụ và chế tạo hạng nhẹ - đã bắt tay vào việc ra khỏi Thái Lan. Các nhà đầu tư dài hạn thì thận trọng xem xét khi đưa ra cam kết mới.

Bangkok mịt mù khói đen (Ảnh AP)
Bangkok mịt mù khói đen. Ảnh: AP

Hôm qua (19/5), chính phủ Thái đã triển khai chiến dịch trấn áp người biểu tình ở Bangkok. Quân đội đã bắn vào khu trại của phe Áo đỏ, làm ít nhất hai người thiệt mạng và nhiều người khác nhập viện. Tổng cộng 66 người đã chết kể từ khi Áo đỏ bắt đầu cuộc biểu tình vào tháng 3 với yêu cầu giải tán chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Giới kinh doanh nước ngoài từng nghĩ rằng Thái Lan “miễn dịch” khỏi những bất ổn chính trị với hình ảnh bãi biển đầy nắng, con người thân thiện khoan dung.

Nhưng 3 năm nay, những cuộc xung đột chính trị đã làm cách nhìn ấy thay đổi. Giờ đây, hình ảnh Thái Lan lại hiện lên như một bức tranh đầy bất ổn và hỗn loạn.

"Các công ty đang nghiên cứu lại việc đầu tư ở Thái Lan. Quan điểm đã thay đổi so với trước đây", Jacob Ramsay, nhà phân tích Đông Nam Á tại Control Risks - hãng tư vấn rủi ro chính trị ở Singapore nói. "Điều này ảnh hưởng tới mọi công ty từ chế tạo tới công nghiệp nặng".

Du lịch từng sụt giảm vì những cuộc biểu tình bạo lực gia tăng trong 3 năm qua, nay đứng bên miệng vực khi các khách sạn 5 sao và trung tâm mua sắm trở thành nơi chiếm giữ của phe Áo đỏ. Tuy ngành chiếm 6% nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á này có thể sớm phục hồi khi bạo lực chấm dứt, nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định của Thái Lan sẽ rất khó phục hồi.

"Điều này làm tổn hại hình ảnh Thái Lan”, Preston Chang, một doanh nhân Đài Loan xuất khẩu hoa quả đóng hộp từ Thái, cho biết. "Người Thái Lan từng được coi là rất thân thiện, hiểu biết và hiếu khách, Thái Lan từng được coi là quốc gia ổn định về chính trị”.

Mọi thứ đột nhiên biến mất trong những chao đảo diễn ra tháng này. Theo một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng hiện tại đáng lo lắng hơn nhiều với những vụ bạo lực trước đây như sự kiện đầu năm 1970 và 1992.

"Những cuộc biểu tình trước, máu không đổ quá nhiều”, Chang nói. "Lần này, bạo lực sẽ phá hỏng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài”.

Hiện tại, nông dân và tầng lớp lao động Thái Lan đã “chính trị hóa” hơn nhiều so với một thập niên trước, làm gia tăng rủi ro xung đột bùng phát ở các tỉnh ngoài Bangkok và dàn trải năng lực của quân đội trong việc khôi phục trật tự và luật pháp.

Tình hình bắt đầu xấu đi không lâu sau vụ đảo chính quân sự lật đổ Thaksin Shinawatra khi ấy nắm cương vị thủ tướng. Thaksin là một tỉ phú viễn thông làm chính khách. Những cuộc biểu tình đường phố liên tục tái diễn khi Thaksin bị kết tội tham nhũng và chịu án 2 năm tù giam. Giới đầu tư lấy lại niềm tin với phán quyết của tòa án về Thaksin, nhưng sự lạc quan của họ nhanh chóng lụi tàn.

Cuộc bầu cử chính phủ mới vào cuối 2007 làm dấy lên làn sóng bạo lực mới khi Áo vàng và Áo đỏ đụng độ, làm tê liệt Bangkok. Việc chiếm giữ hai sân bay chính tại Bangkok của Áo vàng năm 2008 đã khiến 100.000 khách du lịch mắc kẹt.

Chưa ai dám dự báo rằng, từ General Motors tới những tập đoàn công nghiệp Nhật Bản từng đầu tư hàng chục tỉ USD vào khu công nghiệp phía đông Thái Lan có ý định hạn chế hoạt động hay không. Tuy nhiên, thực hiện quyết định này cũng không phải điều quá khó khăn.

"Nhìn vào diễn biến thực tế, sự bất ổn này sẽ chấm dứt mà không có giải pháp nào cho vấn đề cơ bản”, Roberto Herrera-Lim, nhà phân tích châu Á thuộc tập đoàn Eurasia nói.

"Về khía cạnh điểm đến cho đầu tư dài hạn, bất ổn là nhân tố đáng kể mà các nhà đầu tư quan tâm”, ông nhấn mạnh. "Tình hình bất ổn này nếu kéo dài có lẽ sẽ ảnh hưởng tới quyết định trong vòng 3-5 năm của các nhà đầu tư như kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất lớn”.

Những công ty tài chính như ngân hàng và môi giới dường như cũng thu hẹp hoạt động, Andrew Yates, một chuyên gia tại Asia Plus Securities, thuộc chi nhánh Ngân hàng Hoàng gia Scotland tại Thái, đánh giá. Một số hãng buộc phải dàn trải nhân viên ở nhiều điểm trong thành phố khi bạo lực đột nhiên leo thang.

"Bạn dường như đang chứng kiến ngành công nghiệp di rời nhân viên từ Bangkok sang những nơi khác như Singapore. Họ sẽ chỉ để nhân viên ở đây trong thời gian ngắn”, Yates nói.

Chang, nhà xuất khẩu hoa quả, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Thái - Đài, cho biết, giới doanh nhân Đài Loan từ sản xuất giày dép tới đồ gỗ chuyển dịch hoạt động sang Việt Nam từ năm ngoái. Công ty của ông, Thai Bonanza, đã chuyển một số dịch vụ sang Việt Nam và bắt đầu xuất khẩu từ Việt Nam trong năm 2009 với nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào tình hình bất ổn đang ngày một gia tăng tại Thái Lan.

Ông khẳng định, trong năm 2009, các nhà sản xuất Đài Loan đã cam kết hàng tỉ USD để xây dựng nhà máy và các cơ sở khác tại Việt Nam trong khi con số này ở Thái Lan chỉ là 200 triệu USD.

Nhiều công ty khác đang nghiên cứu tính khả thi để thay đổi địa bàn hoạt động ở các thành phố khác trong khu vực, một quan chức thương mại nước ngoài tại Thái Lan nói. Ông cũng cảnh báo, rủi ro này càng gia tăng mỗi ngày khi bạo lực tiếp diễn. "Luật pháp và trật tư phải được khôi phục hoặc Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi không thể ở trong tình thế mà không biết rõ điều gì sẽ xảy ra trong hai tháng tới”.

  • Thụy Phương (Theo AP)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác