Thứ trưởng Quốc phòng: Ít nước cam kết điều họ không làm
- Trao đổi với VietNamNet sau Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) chiều 28/4, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay, chỉ cần các đối tác chịu ngồi lại với ASEAN cũng cho thấy vai trò của ASEAN.
Thành công của Việt Nam
Các quan chức quốc phòng cấp cao đã đồng thuận với phương án mở rộng 8 thành viên đối tác cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng. Trước đó, vẫn có nhiều nước có ý kiến khác, như Brunei đề nghị cộng cả 10 đối tác đối thoại. Việt Nam làm thế nào thuyết phục các nước đồng ý phương án cộng 8?
Ảnh: PL
Không chỉ riêng Brunei đưa ra phương án cộng 10, mà có nước đưa ra phương án cộng 3, có nước đưa ra phương án cộng 6, nhưng chúng ta phải dựa vào tiêu chí được thông qua, được nêu trong tài liệu về tiêu chí cộng.
Trong đó, một tiêu chuẩn quan trọng là các nước phải có quan hệ đối thoại đầy đủ với ASEAN. Hai là, các nước phải có tiềm lực để phát huy nguồn lực của họ. Và họ phải có mối quan tâm lớn đến hợp tác quốc phòng ASEAN.
Trong 10 nước đối tác của ASEAN, EU và Canada chưa kí Hiệp ước Thân thiện và hợp tác TAC, và họ cũng chưa bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến hợp tác quốc phòng. ASEAN nếu có mời, thì khả năng đáp ứng của họ cũng không cao và hiệu quả đem đến cho hợp tác cũng không lớn.
Với các nước đề nghị ít hơn cộng 8, Việt Nam thuyết phục ở lẽ, cùng đáp ứng các tiêu chí, chúng ta mời nước này mà không mời nước kia đã là chưa ổn và mất đi tính mở của ASEAN.
Cho đến hôm nay, đến cấp Thứ trưởng đã đồng tình với kiến nghị về cộng 8 của ASEAN.
ASEAN kì vọng gì về đóng góp của các đối tác, nhất là nước lớn, trong việc hợp tác quốc phòng và giữ gìn an ninh khu vực nói chung?
Trước hết, việc cộng thể hiện vị trí, vai trò, uy tín của ASEAN trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Nếu có các nước cộng ấy cùng ngồi lại về quốc phòng thì cũng cho thấy các nước đánh giá cao vai trò quốc phòng của ASEAN.
Chúng ta cũng không kì vọng nhiều, bởi vấn đề mỗi nước chủ yếu do tự nước ấy giải quyết. ASEAN với chủ trương đối thoại rộng mở cũng sẵn sàng tiếp nhận những thiện chí, hỗ trợ của các nước.
Ngược lại, bản thân các nước cũng muốn sự chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN, khả năng đặc thù của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Phương Loan
ASEAN giữ vai trò trung tâm
Khác với ARF đơn thuần là diễn đàn thảo luận, ADMM+ hướng tới với các đối sách, chính sách cụ thể về quốc phòng - an ninh. Liệu sân chơi mới ADMM+ có một cơ chế để ràng buộc các quốc gia khi đưa ra cam kết đối sách sẽ tuân thủ theo đúng tinh thần cam kết?
Quan trọng nhất là ASEAN phải giữ được vai trò trung tâm. Và chúng ta có cơ chế rõ: ADMM luôn là diễn đàn quan trọng nhất, mang tính động lực cho các diễn đàn an ninh - quốc phòng khác, như ADMM+. Mọi vấn đề đưa ra ở ADMM+ đều phải qua đồng thuận của ADMM.
Về cam kết của các đối tác, không ai có thể nói họ cam kết rồi sẽ thực hiện. Nhưng với sự phát triển của thế giới hôm nay, ít nước cam kết điều mà họ không làm.
Tuy nhiên, cam kết quan trọng nhất của các đối tác là họ tôn trọng độc lập chủ quyền, thừa nhận vị thế của chúng ta ở quốc tế và khu vực.
ADSOM không phải là hội nghị về an ninh - quốc phòng đầu tiên mà Việt Nam đứng ra tổ chức trong năm 2010. Nhìn lại các hội nghị liên quan từ đầu năm tới nay, ông đánh giá những vấn đề nào được các quốc gia ASEAN cùng quan tâm và mong muốn thúc đẩy giải pháp xử lý?
Mỗi nước trong ASEAN có vấn đề của riêng mình. Nhưng có một vấn đề chung, được tất cả các quốc gia quan tâm là các vấn đề an ninh phi truyền thống. Đó không phải là vấn đề mới, nhưng là đang nổi lên ngày càng đe dọa cuộc sống, hòa bình và phát triển của khu vực.
Hai là, với sự phát triển chung của ASEAN, chúng ta cần và nên chia sẻ các kinh nghiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề.
An ninh phi truyền thông là vấn đề chung, dễ nhất và cũng cần nhất trong hợp tác của các quốc gia ASEAN vào thời điểm này.
-
Phương Loan