ASEAN nghiên cứu để Nga, Mỹ tham gia cấu trúc khu vực

Cập nhật lúc 12:47, 11/04/2010 (GMT+7)

- ASEAN quyết tâm duy trì và tăng cường vai trò trung tâm ở khu vực bằng việc tăng cường đoàn kết, liên kết và xây dựng Cộng đồng, nâng cao tính chủ động trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời báo chí.

Bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN

Xin Phó Thủ tướng đánh giá ý nghĩa của Hội nghị ấp cao ASEAN 16 vừa kết thúc? Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động” đã được cụ thể hóa tại Hội nghị này như thế nào?

Đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN và của nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, do đó, có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đề ra định hướng ưu tiên cho hợp tác ASEAN, vừa là điểm nhấn nhằm hiện thực hóa chủ đề xuyên suốt năm 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”.

Bước vào năm 2010, ASEAN đang chuyển mạnh sang giai đoạn phát triển mới tiến tới Cộng đồng ASEAN vào 2015, và chính thức đi vào hoạt động theo khuôn khổ pháp lý của Hiến chương. Trong năm có ý nghĩa “bản lề” đối với hành trình phát triển của ASEAN như vậy, câu hỏi đặt ra với cả ASEAN và nước Chủ tịch Việt Nam là: làm sao biến Tầm nhìn của ASEAN thành hiện thực và thể hiện dấu ấn đậm nét của nước chủ tịch là Việt Nam.

Các nhiệm vụ trên, nhất là để đẩy mạnh mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN như Lộ trình đã đề ra, thực sự là điều không đơn giản. Cộng đồng ASEAN được xây dựng trên cơ sở hiện thực hóa các mục tiêu của các Kế hoạch tổng thể về ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Một khối lượng công việc đồ sộ và không ít phức tạp, với gần 800 mục tiêu hành động, trong khi trước mắt chỉ còn 5 năm tới 2015.

Mô tả ảnh.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và các Ngoại trưởng ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16. Ảnh: LAD

Mặt khác, ASEAN còn gặp không ít khó khăn cả từ những hạn chế nội tại, nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển, cũng như do tác động từ diễn biến phức tạp của môi trường bên ngoài với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thách thức xuyên quốc gia như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu…

Trong bối cảnh đó các định hướng và quyết sách của lãnh đạo các nước ASEAN tại Cấp cao lần này có ý nghĩa to lớn đối với vai trò và sự phát triển vững mạnh của Hiệp hội. Sự chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam với tư cách Chủ tịch đã giúp cho Hội nghị cấp cao ASEAN 16 thành công và đạt được những kết quả rất quan trọng:

Thứ nhất, đó là quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN nhằm triển khai hiệu quả và đúng tiến độ Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và đưa Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống.

Về xây dựng Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN chỉ đạo cần phải nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận, mục tiêu đã đề ra; bảo đảm các nguồn lực cần thiết, kể cả tăng cường vận động nguồn lực bên ngoài, từ các doanh nghiệp, khu vực tư nhân; tăng cường biện pháp phối hợp thực hiện cả ở tầm khu vực cũng như ở mỗi nước thành viên; đồng thời tích cực trau dồi ý thức về một Cộng đồng ASEAN cùng đùm bọc, chia sẻ, giàu bản sắc.

Về thực hiện Hiến chương, cần tập trung ổn định tổ chức và đưa bộ máy mới của ASEAN đi vào hoạt động, cải tiến phương thức làm việc và nâng cao hiệu quả phối hợp trong ASEAN; hoàn thiện khung pháp lý của ASEAN.

Thứ hai, đó là việc đề ra các cam kết và hành động thiết thực nhằm tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, cụ thể là lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố chung về thúc đẩy phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, đó là quyết tâm duy trì và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực bằng việc tăng cường đoàn kết, liên kết và xây dựng Cộng đồng, nâng cao tính chủ động của ASEAN trước những đòi hỏi to lớn của nhiệm vụ và những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế.

Về cấu trúc khu vực trong tương lai, Hội nghị hoan nghênh các sáng kiến về hợp tác khu vực, song khẳng định việc lập bất kỳ cơ chế mới nào cần phải bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và cần phải bổ trợ, dựa trên các khuôn khổ hợp tác hiện có.

Theo đó, ASEAN sẽ nghiên cứu cách thức cụ thể để Nga và Mỹ có thể tham gia vào cấu trúc khu vực, kể cả gắn kết với Cấp cao Đông Á (EAS) theo mức độ và hình thức phù hợp.

Hội nghị cũng đồng ý việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng theo công thức ASEAN+8, nhằm góp phần tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh giữa ASEAN với các Đối tác. ASEAN cũng nhất trí cao ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, dự Hội nghị Cấp cao G-20 và Chủ tịch ASEAN sẽ tiếp tục dự G-20 trong các năm tiếp theo như một cơ chế thường xuyên.

Thứ tư, đó là sự đồng thuận và nhất trí cao của lãnh đạo các nước ASEAN về các định hướng ưu tiên của ASEAN như Việt Nam đã đề xuất trong năm nay và trong chặng đường tiếp theo hướng tới 2015 theo chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”.

Cải tiến phương thức làm việc

Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã có đóng góp gì cho Hội nghị lần này?

Các nội dung chương trình nghị sự và văn kiện Việt Nam đề xuất cho Hội nghị lần này được xây dựng phù hợp với những ưu tiên hàng đầu của ASEAN, chuẩn bị để Cấp cao 16 thực sự tập trung vào bàn và đề ra các định hướng và quyết sách quan trọng về tăng cường hợp tác và liên kết ASEAN; kịp thời xử lý các thách thức cấp bách đang đặt ra, nhất là hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khủng hoảng hướng đến phát triển bền vững và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đề xuất của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa thực thi trong ASEAN, bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực như tăng cường cơ chế giám sát triển khai các thỏa thuận, kế hoạch và lộ trình xây dựng Cộng đồng, cải tiến phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phối hợp của các cơ quan trong bộ máy mới của ASEAN.

Việc Hội nghị nhất trí thông qua Tuyên bố về phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và Tuyên bố về hợp tác ứng phó với biển đổi khí hậu thể hiện sự đồng tình cao của ASEAN đối với đề xuất chủ động của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức đặt ra.

Về chương trình Hội nghị, theo đề xuất của Việt Nam, ASEAN đã nhất trí tổ chức lần đầu tiên phiên họp toàn thể của lãnh đạo các nước ASEAN, với sự tham dự của các Bộ trưởng và quan chức cao cấp phụ trách các trụ cột Cộng đồng ASEAN, nhằm thảo luận phương hướng đẩy nhanh thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, qua đó khẳng định quyết tâm mạnh mẽ quảng bá nỗ lực của Hiệp hội nhằm triển khai xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 như kế hoạch đã đề ra.

Cũng tại Hội nghị lần này, chúng ta đã chủ động bàn bạc thống nhất cùng các nước ASEAN và tổ chức thành công cuộc họp chính thức lần đầu tiên giữa lãnh đạo ASEAN và đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA). Hai bên đã nhất trí cao về việc tăng cường phối hợp và đóng góp của kênh hành pháp và lập pháp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN, phát huy vai trò tích cực của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA trong năm 2010.

  • XLinh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác