Ngân sách: Bội chi vì trả nợ
- Mức bội chi 6,9% GDP được Bộ trưởng Tài chính nói "đảm bảo trả được nợ". Nhưng Chủ nhiệm UB Kinh tế đề nghị Chính phủ cân đối.
Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009 và phương án sử dụng nguồn vượt thu, dư dự toán chi ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2009, quyết toán NSNN năm 2008.
Theo tờ trình do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, dự toán chi NSNN năm 2009 QH quyết định là 491.300 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Hiền (phải). Ảnh: VNN
Tuy nhiên, để hạn chế tác động không thuận của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu khoảng 145.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD).
Do nhu cầu tăng chi lớn để thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, QH đã thông qua điều chỉnh bội chi NSNN năm 2009 lên mức không quá 7% GDP.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, mức bội chi NSNN 115.900 tỷ đồng (6,9% GDP, đảm bảo trong phạm vi QH cho phép) khiến cân đối NSTƯ năm 2009 vẫn còn thiếu và phải xử lý tiếp trong quá trình điều hành NSNN năm 2010 và các năm tiếp theo.
Ông cho rằng mức bội chi 6,9% GDP mới đảm bảo trả nợ, nguồn nợ chuyển sang năm sau mới giảm dần, nếu không sẽ tiếp tục trong tình trạng “treo nợ”.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền không đồng tình việc chi cho trả nợ nhiều. “Thực tiễn cho thấy thu ít, nhu cầu chi (trả nợ) nhiều. Khi Chính phủ trình cân đối ngân sách hàng năm phải nói rõ, công khai còn thiếu ngân sách là gì. Trong khi đó, có thực trạng các khoản chi đã đưa vào cân đối ngân sách như bảo hiểm xã hội, giáo dục mà không chi được phải xem xét lý do”, ông nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm ngân sách 2009, dự toán chi chưa sử dụng còn lại là 506 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, đào tạo 52 tỷ đồng, bảo hiểm xã hội 99,4 tỷ đồng, quản lý hành chính 314,5 tỷ đồng, chi trợ giá các mặt hàng chính sách 40 tỷ đồng.
Chính phủ đã đề nghị sử dụng khoản 506 tỷ đồng này để bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Ông Hiền đề nghị Chính phủ cần cân đối, xem xét những khoản ưu tiên trả trước và theo nguyên tắc ưu tiên chi cho đầu tư.
Nhiều ý kiến trong UB Tài chính - Ngân sách chưa đồng tình việc sử dụng số kinh phí còn dư trong dự toán chi NSTƯ năm 2009 để bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đề án nói trên và cho rằng, chưa bám sát vào quy định của Luật NSNN, chưa thể hiện đúng thứ tự ưu tiên cho giảm bội chi ngân sách, chi cho đầu tư phát triển.
Một số thành viên UB Tài chính - Ngân sách cũng dẫn Nghị quyết 32 của QH chỉ cho phép tăng bội chi để bù hụt thu và đảm bảo chi theo dự toán đã được QH quyết định.
Mặt khác, trong điều kiện an ninh tài chính chưa thực sự đảm bảo vững chắc, mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức cao (gần 42% GDP), dự trữ tài chính và dự phòng NSNN còn mỏng, thu ngân sách năm 2009 không giảm như dự kiến mà còn tăng thu cao, do đó cần thiết phải giảm bội chi NSNN để giảm nghĩa vụ trả nợ của NSNN.
UB Tài chính - Ngân sách thống nhất đề nghị rà soát lại danh mục, mức bố trí vốn của từng dự án, công trình mà Chính phủ đã tạm ứng để báo cáo UBTVQH.
Chủ nhiệm UB Pháp Luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng cần đảm bảo “kỷ luật ngân sách”, tính toán giảm bội chi ngân sách trước cảnh báo lạm phát cao có thể xảy ra với nền kinh tế.
-
Xuân Linh