Thủ tướng: Giảm dần sự phụ thuộc, trông chờ ngân sách
Tỷ trọng đầu tư cho xây dựng cơ bản năm 2010 từ ngân sách sẽ giảm mạnh, nên nhiệm vụ trọng tâm của bài toán đầu tư là thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội, sử dụng hết và có chất lượng từng đồng vốn.
Đây là ý kiến chỉ đạo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sáng nay (4/3), với sự tham gia của các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và 63 tỉnh, thành.
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt khoảng 704.200 tỷ đồng, bằng 42,8% GDP (kế hoạch đề ra là 39,5% GDP), tăng 15,3% so với 2008.
Trong đó, tổng vốn đầu tư XDCB tập trung và vốn trái phiếu Chính phủ đạt 228.242 tỷ, tăng 98% so với năm 2008 và là số vốn đầu tư NSNN lớn nhất trong một năm.
Tổng số vốn giải ngân đạt 207.643 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch và cũng là tỷ lệ giải ngân cao nhất từ trước tới nay. Phân bổ và thực hiện vốn NSNN và có nguồn gốc ngân sách đạt con số kỷ lục 257.000 tỷ đồng, giải ngân vượt kế hoạch, đạt 161.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, kết quả huy động đầu tư từ các nguồn vốn xã hội cũng đạt kết quả khả quan. Vốn đầu tư từ tư nhân ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 54,4%, vốn FDI đạt 119.200 tỷ đồng, vốn ODA đạt 6,1 tỷ USD, giải ngân trên 3,6 tỷ USD.
Con số tăng trưởng vượt bậc này thể hiện chính sách quản lý đầu tư được sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư XDCB được tiếp tục hoàn thiện, khắc phục về cơ bản những tồn tại, vướng mắc; việc phân giao kế hoạch, sự phân cấp triệt để và thông thoáng giúp việc triển khai kế hoạch được sớm, tuân thủ thời gian, chất lượng.
Huy động tối đa nguồn lực xã hội
Năm nay, dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 791.000 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm ngoái, bằng khoảng 41% GDP.
Theo báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, tới thời điểm này, nguồn vốn đầu tư đã được phân bổ và giao kế hoạch tới các đơn vị cơ sở.
Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ đã sớm triển khai, như dự án ngành giao thông: 28.800 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng: 3.200 tỷ đồng, địa phương: 13.300 tỷ đồng; các dự án ngành thủy lợi: 13.600 tỷ đồng, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 4.000 tỷ đồng, địa phương: 9.600 tỷ đồng; dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La: 1.500 tỷ đồng; các dự án ngành y tế: 5.600 tỷ đồng; các dự án ngành giáo dục: 6.500 tỷ đồng (trong đó chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên: 4.500 tỷ đồng; xây dựng ký túc xá sinh viên: 2.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, mức vốn đầu tư thuộc NSNN sẽ chỉ chiếm khoảng 15,9%, vốn trái phiếu Chính phủ chiếm 7,1%, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước chiếm 7%, thấp hơn nhiều so với năm 2009. Các nguồn vốn khác từ xã hội sẽ khoảng 70%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một điểm nhấn trong công tác chỉ đạo đầu tư XDCB năm nay là việc triển khai các cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, lồng ghép và phối hợp các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Chấm dứt đầu tư dàn trải Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, kết quả về khối lượng thực hiện, về con số giải ngân kỷ lục nói trên càng ấn tượng trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu. "Nhiều công trình XDCB quan trọng được đưa vào sử dụng đã tháo gỡ những “điểm nghẽn” của nền kinh tế, giúp Việt Nam cải thiện môi trường, là một trong số ít các nước giữ vững kết quả tăng trưởng dương”, Thủ tướng nhấn mạnh. Khẳng định 2010 - năm cuối thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001-2010, Thủ tướng nêu rõ việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển sẽ tiếp tục có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành một chỉ thị để chỉ đạo thống nhất việc tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng. Chỉ thị sẽ đưa ra các nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương cũng như từng đơn vị triển khai dự án để đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là huy động tối đa các nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư theo đúng tinh thần Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tới 3 nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện sớm, quyết liệt và trách nhiệm: Thứ nhất, trong tháng 3 hoàn tất việc phân bổ và thông báo kế hoạch vốn năm 2010 tới đơn vị cơ sở. Yêu cầu nguồn vốn đúng mục tiêu, công trình đã quy hoạch, lên kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, ưu tiên những công trình cấp bách, có khả năng sớm đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Thứ hai, rút kinh nghiệm năm 2009, ngay từ đầu năm các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án ngay từ quá trình chuẩn bị đầu tư, tư vấn, đấu thầu trên tinh thần phân cấp, nâng cao trách nhiệm từng khâu. Các cấp chính quyền và chủ đầu tư nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng trong nước đối với các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, vốn ODA để bảo đảm giải ngân tối đa nguồn vốn này. Thứ ba, về vấn đề vốn, Thủ tướng yêu cầu các lĩnh vực phải rà soát lại trên tinh thần sử dụng hết số vốn đã phân bổ. Hai vướng mắc lớn trong vấn đề này phải được xử lý sớm là cơ chế điều chỉnh tổng mức đầu tư, kế hoạch bổ sung vốn ứng trước đối với các dự án cấp bách đang dở dang và có khả năng hoàn thành sớm. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề hết sức quan trọng của công tác đầu tư XDCB hiện nay cũng như thời gian tiếp theo là việc tạo ra các cơ chế để huy động tối đa, hiệu quả các nguồn vốn xã hội, giảm dần sự phụ thuộc, trông chờ vào ngân sách. Trong 2 năm 2009, 2010, nguồn vốn ODA đã cam kết cho Việt Nam rất lớn, nên phải chuẩn bị tốt các dự án, nguồn vốn đối ứng để giải ngân hiệu quả, tranh thủ thêm nguồn vốn mới, nhất là các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án hạ tầng giao thông. Mặt khác, trong tất cả các lĩnh vực XDCB, khuyến khích và đẩy nhanh triển khai các dự án BOT, BT, PPP, mở rộng đầu tư các nguồn nước ngoài. Xem xét cơ chế bảo lãnh cho cả doanh nghiệp ngoài xã hội mua thiết bị hay phát hành trái phiếu, tạo điều kiện để huy động đa dạng hóa vốn. Các ngân hàng tiếp tục các cơ chế tạo thuận lợi, dễ dàng cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hơn. Theo Cổng TTĐT Chính phủ