Chile bí mật đưa uranium giàu tới Mỹ
Chile đã giao toàn bộ khối uranium làm giàu cao sang Mỹ trong một sứ mệnh bí mật nhằm đưa số nguyên liệu này ra khỏi lãnh thổ và tránh để rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Chi tiết về hoạt động từng bị đe dọa bởi trận động đất kinh hoàng tại Chile hồi tháng 2 vừa mới được tiến lộ, nhưng việc chuyển giao này được coi là tiêu biểu về sự hợp tác của các nước trong cuộc kiếm tìm "những vũ khí hạt nhân bị buông lỏng".
Thông qua hội nghị, Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo của 46 quốc gia tham dự tăng cường các nỗ lực bảo đảm an toàn cho các nguyên liệu có thể được sử dụng trong các vụ tấn công khủng bố.
Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân hôm 12/4. Ảnh: New York Times |
Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân được kỳ vọng sẽ cải thiện các biện pháp giao nộp hoặc bảo đảm an toàn tốt hơn cho các kho dự trữ nguyên liệu hạt nhân ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới có vũ khí hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu dân sự, phòng thí nghiệm hay nhà máy điện hạt nhân.
Phát biểu trước cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, ông Obama nói rằng những kẻ khủng bố đang nỗ lực hoạt động để có thể sở hữu các nguyên liệu này.
Tổng thống Mỹ nói: "Nếu có bất cứ vụ nổ nào ở New York City, hay Luân Đôn, hay Johannesburg, thì những hậu quả về mặt kinh tế, chính trị và an ninh sẽ hết sức ghê gớm. Tất cả chúng ta đều biết rằng các tổ chức như al-Qaeda đang trong quá trình tìm kiếm sở hữu vũ khí hạt nhân, một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà chúng không ngại sử dụng".
Chile đã giao nộp khoảng 18 kg uranium làm giàu cao để đổi lấy uranium làm giàu thấp sử dụng trong các lò phản ứng nghiên cứu. Nguyên liệu làm giàu thấp không thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Việc làm này đã được tiến hành một cách cẩn trọng: nguyên liệu phóng xạ được đưa vào những thùng chứa được thiết kế đặc biệt với lớp kim loại dày để tránh rò rỉ phóng xạ. Sau đó các thùng này được vân chuyển bằng tàu vỏ hai lớp đến nam Carolina từ tháng trước.
Mỹ đang dẫn đầu việc trao đổi uranium và plutonium làm giàu cao từ hơn một thế kỷ nay, các nguyên liệu vẫn thường được dự trữ ở mức độ an toàn thấp ở một số quốc gia, hoặc bị sao nhãng ở các cơ sở hạt nhân.
Từ năm ngoái, Mỹ đã thu gom các nguyên liệu từ Romania, Libya, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, và trao đổi lấy toàn bộ số uranium làm giàu cao từ gần 20 quốc gia trên thế giới.
Nhưng Ấn Độ và Pakistan, những nước vẫn tiếp tục làm giàu uranium vì mục đích quân sự, cùng với các nước thuộc Liên Xô cũ, nơi các nguyên liệu hạt nhân vẫn còn rải rác ở một số vùng, thực tế đang tạo ra thách thức lớn hơn.
-
Đình Ngân (Theo Sedney Morning Herald)