Từ START I tới một thế giới an toàn về hạt nhân

Cập nhật lúc 05:58, 13/04/2010 (GMT+7)

Sau thành công trong việc ký thỏa thuận cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Nga tại Prague, tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington DC ngày 12-13/4.

Từ START I

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START I được ký vào ngày 31/7/1991 giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết. 5 tháng sau, Liên Xô tan rã, với sự hình thành của 4 nhà nước độc lập có sở hữu vũ khí hạt nhân chiến lược: Nga, Belarus, Ukraine và Kazakhstan.

Ngày 23/5/1992, Mỹ và 4 nước này, với vai trò là các nước thừa kế hợp pháp của Liên Xô, ký "Nghị định thư Lisbon", và trở thành các bên tham gia START I.

Ngày 5/12/1994, các bên tham gia đã trao đổi văn kiện thông qua tại hội nghị Budapest. START I có thời hạn 15 năm và có thể được gia hạn thêm các giai đoạn 5 năm nữa theo thoả thuận giữa các bên tham gia.

Hiệp ước START I cấm các nước tham gia ký kết triển khai, đồng thời buộc cắt giảm các loại vũ khí chiến lược xuống còn khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân, 1.600 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom, tàu ngầm chống tên lửa đạn đạo.

Tất cả đầu đạn đã được loại bỏ khỏi Belarus, Kazakhstan và Ukraine. Belarus và Kazakhstan cũng đã loại bỏ toàn bộ vũ khí tấn công chiến lược. Ngày 5/12/2001, Mỹ và Liên bang Nga đã đạt được mức 6.000 đầu đạn triển khai của START I. Còn Kazakhstan, Belarus và Ukraine đã loại bỏ hoặc di dời hoàn toàn các kho vũ khí hạt nhân để lại từ thời Liên Xô ra khỏi lãnh thổ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp với tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ở Washington D.C. ngày 11/4/2010 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp với tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ở Washington D.C. ngày 11/4/2010. Ảnh: Reuters

START bao gồm một cơ chế thẩm tra, trong đó có việc trao đổi các dữ liệu chi tiết, thông báo rộng rãi, 12 hình thức giám sát tại chỗ và các hoạt động kiểm định liên tục nhằm giúp đảm bảo rằng các nước ký kết tuân thủ các quy định của hiệp ước.

Việc giám sát cơ sở nhằm khẳng định tính chính xác về số lượng và loại vũ khí tại 72 căn cứ của Liên Xô cũ và 35 căn cứ của Mỹ từ tháng 3 - 6/1995. Tháng 1/ 1995, Mỹ bắt đầu một loạt các hoạt động giám sát liên tục tại các cơ sở sản xuất tên lửa. START còn có các điều khoản cho phép tới 30 nhà giám sát tiến hành giám sát liên tục tại 1 địa điểm của Mỹ và 2 địa điểm của Liên Xô cũ.

START I là nền tảng cho để các nước làm chủ tình hình sản xuất vũ khí của mình, tránh việc chạy đua quá mức, ảnh hưởng tới hoà bình thế giới.

Ngày 5/12/2009, START I hết hiệu lực. Hiệp ước START II đã được Tổng thống Mỹ Obama cùng Tổng thống Nga Medvedev ký ngày 8/4/2010 và sẽ có hiệu lực sau khi quốc hội của cả hai nước thông qua. Với tính chất nghiêm trọng của các vấn đề hạt nhân, những thành tựu đạt được trong thời gian gần đây là hết sức đáng ghi nhận.

START mới quy định Nga và Mỹ mỗi bên cắt giảm số đầu đạn hạt nhân còn 1.550 (1.500-1.675) đơn vị, giảm số phương tiện phóng chiến lược, tên lửa và bom mang đầu đạn hạt nhân còn 500-1.100 đơn vị.

Nga và Mỹ đã trải qua nhiều khó khăn trong đàm phán khiến dư luận thế giới từng lo ngại việc tìm kiếm một hiệp ước thay thế START-1 đổ vỡ do bất đồng và khác biệt giữa hai bên.

Nga muốn hiệp ước mới quy định cắt giảm tất cả các vũ khí hạt nhân, chứ không chỉ các đầu đạn đang được triển khai trên tên lửa. Trong khi đó, với tham vọng bảo lưu quyền được triển khai số lượng không hạn chế các đầu đạn hạt nhân dự trữ trong các kho chứa của mình, Mỹ đề xuất loại những đầu đạn không gắn trên tên lửa ra ngoài các hiệp ước, để khi cần có thể triển khai nhanh chóng.

Cho tới cuộc họp an ninh hạt nhân

Với khoảng 47 quốc gia tham dự, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân sẽ là lần nhóm họp lớn nhất về vấn đề này tại thủ đô của Mỹ kể từ những năm 1940. Trước đó, chính quyền Mỹ đã công bố chiến lược hạt nhân mới của chính quyền Obama, với tên gọi Nuclear Posture Review (NPR).

Việc phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ chúng rơi vào tay các tổ chức khủng bố giờ đây ảnh hưởng tới an ninh của tất cả các quốc gia. Tiếp sau đó sẽ là cuộc xét lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới tại New York.

NPT là trọng tâm trong nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hiệp ước này đang tỏ ra ngày càng sáo rỗng. Cả Triều Tiên và Iran đều đã cho thấy những lỗ hổng trong các điều khoản của hiệp ước.

Bình Nhưỡng đã từ bỏ thoả thuận này và được cho là đang xây dựng các đầu đạt hạt nhân cỡ nhỏ. Còn Tehran thì vẫn tham gia thoả thuận, nhưng từ chối tuân thủ yêu cầu ngừng các hoạt động làm giàu uranium của Hội đồng Bảo an LHQ.

5 nước tuyên bố sử hữu vũ khí hạt nhân - Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đều đồng ý vừa hỗ trợ phổ biến công nghệ hạt nhân, vừa loại bỏ số vũ khí nguyên tử của mình. Nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tin rằng 5 nước này chưa làm đủ.

Mối đe doạ ở đây không chỉ từ các chính phủ có tham vọng sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Vấn đề cấp bách hơn nhiều là tham vọng hạt nhân của các "nhân vật" phi nhà nước hay các tổ chức khủng bố.

Tham vọng của họ có thể là chế tạo các thiết bị hạt nhân nhỏ nhưng họ có thể cũng sẽ sử dụng thứ nguyên liệu phóng xạ để sản xuất thứ gọi là "bom bẩn".

Họ sử dụng những thứ chất nổ thông thương để rải chất phóng ra ra một vùng rộng. Loại bom như thế có thể được sử dụng để làm bẩn những khu vực chủ chốt của những thành phố lớn, dẫn tới bất ổn, rối loạn kinh tế và các vấn đề sức khoẻ có thể có ảnh hưởng lâu dài.

Vì thế, mục đích của Hội nghị thượng đỉnh là đóng lại những cánh cửa đối với các nguyên liệu hạt nhân này - đặc biệt là các vật liệu phân hạch được có thể được sử dụng trong chế tạo bom, pluton và uranium làm giàu cao - cũng như các nguồn chất phóng xạ có thể tạo ra "bom bẩn".

Còn mục tiêu của Tổng thống Obama là đạt được thoả thuận về kế hoạch đảm bảo an toàn cho tất cả các nguyên liệu hạt nhân dễ gây nguy hiểm trong vòng 4 năm nữa. Nhưng liệu sẽ có một tuyên bố chung sau Hội nghị làm thoả lòng tất cả?

Nhưng cũng không tránh khỏi sự kiện trọng đại này sẽ bị chính trị phủ bóng. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới dự trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang trở nên phức tạp. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì không tham gia.

Sự có mặt của cả Israel, Ấn Độ và Pakistan tại hội nghị này, vì thế, sẽ hết sức được mong đợi, bởi 3 nước này đều được cho là có vũ khí hạt nhân và đều không ký vào NPT.

  • Đình Ngân tổng hợp

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác