Quân đội Hàn Quốc trong tình trạng báo động

Cập nhật lúc 15:56, 30/03/2010 (GMT+7)

Tổng thống Hàn Quốc vừa ra lệnh cho quân đội nước này ở tình trạng cảnh giác cao đối với bất kỳ động thái nào từ CHDCND Triều Tiên.

TIN BÀI MỚI:

Hải quân Hàn Quốc huy động nhân lực tìm kiếm những thuỷ thủ sống sót quanh khu vực chìm tàu Cheonan. (Ảnh: Reuters)
Hải quân Hàn Quốc huy động nhân lực tìm kiếm thuỷ thủ sống sót quanh khu vực chìm tàu Cheonan. (Ảnh: Reuters)

Một vụ nổ lớn đã xẻ đôi tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc tối 26/3 trong lúc con tàu này đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra như thường lệ gần đảo Baengnyeong, dọc đường biên giới biển tranh chấp phía tây bán đảo Triều Tiên. 58 thành viên thuỷ thủ đoàn, kể cả thuyền trưởng, đã được cứu sống trong khi 46 thuỷ thủ còn lại vẫn đang mất tích.

Thiếu tướng hải quân Hàn Quốc Lee Ki-sik cho biết các thợ lặn đã tìm mọi cách thâm nhập vào con tàu bị chìm. Theo vị tướng này, không có dấu hiệu nào của sự sống ở bên trong tàu.

Giới chức quân sự tiết lộ vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây nổ. Trong khi đó, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc quả quyết không có dấu hiệu bề ngoài nào chỉ ra sự liên can của CHDCND Triều Tiên đến vụ việc.

Tuy nhiên, phát biểu trước các nhà lập pháp trong nước hôm 29/3, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young đã không loại trừ khả năng gây thảm hoạ từ một quả mìn trôi nổi do phía CHDCND Triều Tiên thả trên biển.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc trích dẫn lời những kẻ đào ngũ giấu tên từ nước láng giềng nhận định, các đội cảm tử của CHDCND Triều Tiên, vốn còn được biết đến như "các ngư lôi người", có thể đứng sau sự cố.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói, nhà chức trách nước này không loại trừ bất kỳ khả năng nào nhưng sẽ chỉ xác thực nguyên nhân gây chìm tàu Cheonan sau khi nó được trục vớt.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột kéo dài 3 năm giữa họ chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hoà bình vào năm 1953. Cho đến nay, CHDCND Triều Tiên vẫn nhất quyết phản đối đường biên giới trên biển do Liên Hợp Quốc vạch ra năm đó. Vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên, nơi tàu Cheonan bị chìm, cũng là địa điểm từng xảy ra 3 cuộc đụng độ đẫm máu giữa các lực lượng hải quân của hai nước láng giềng.

  • Thanh Bình (Theo AP, CSM)

Tin liên quan

Các tin khác