Nghị viện ASEAN hỗ trợ thực hiện Hiến chương khu vực
- Chiều 8/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN 16, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch ASEAN 2010 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đồng chủ trì cuộc họp lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đoàn đại biểu Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Chủ tịch AIPA 2010 cho hay sau 30 năm hoạt động và phát triển, AIPA không chỉ lớn mạnh về mặt tổ chức mà còn có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
AIPA đã cam kết ủng hộ tích cực các sáng kiến của ASEAN về các vấn đề mang tính thời sự của khu vực như biến đổi khí hậu, hợp tác về giáo dục, an ninh lương thực và năng lượng, ổn định tài chính, xử lý thiên tai và bệnh dịch, thúc đẩy quyền con người…
ASEAN quyết tâm thực hiện Hiến chương chung của khu vực |
Theo sáng kiến của Việt Nam, AIPA đã quyết định thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên hơn với ASEAN, theo đó Chủ tịch AIPA và Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN tham dự các hoạt động lớn của nhau để trao đổi ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm và phối hợp hành động vì những mục tiêu chung.
“Việc thiết lập cơ chế đối thoại giữa hai cơ quan lập pháp và hành pháp cho thấy vai trò ngày càng tăng của tổ chức liên nghị viện khu vực trong việc thúc đẩy phê chuẩn và giám sát thực thi các hiệp định, thỏa thuận trong ASEAN và giúp đưa ASEAN đến gần với công chúng hơn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Ông cũng cho rằng giờ đây, khi ASEAN đang đứng trước yêu cầu phải thực hiện các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN, việc gia tăng phối hợp giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi diễn ra HNCC ASEAN 16 |
Với vai trò là Chủ tịch AIPA, ông cho hay Việt Nam và các thành viên khác trong AIPA mong muốn trong thời gian tới thúc đẩy hơn nữa hợp tác với ASEAN để thực hiện có kết quả các nghị quyết đã đề ra, xem xét vấn đề hài hòa hệ thống pháp luật vì một ASEAN đoàn kết, hòa bình và thịnh vượng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ việc xây dựng bản sắc ASEAN, và với tư cách là tổ chức của cơ quan lập pháp AIPA có thể triển khai một số chương trình giúp đưa các hoạt động của ASEAN đến với người dân.
AIPA cũng mong muốn đóng góp việc nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong duy trì hòa bình và ổn định, tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy quan hệ với bên ngoài, tăng cường tham vấn cũng như hợp tác trên các vấn đề đa phương cùng quan tâm.
ASEAN đề ra cơ chế giải quyết tranh chấp
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã cùng ký thông qua Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN trong phiên họp lần 6 của Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) sáng 8/4. ASEAN đã đề ra 4 cách để giải quyết tranh nảy sinh do sự nhận thức khác nhau trong quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN và các công cụ liên quan. Đó là trọng tài, môi giới, trung gian, hòa giải. Các bên thứ ba có thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp nếu như các bên có tranh chấp đồng ý. |
Sáng 8/4, Hội đồng điều phối ASEAN đã xem xét các văn bản do Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) đệ trình và nhất trí thông qua tài liệu hướng dẫn về sử dụng tên, biểu tượng và ASEAN ca, quy tắc và thủ tục tài chính của Ban Thư ký ASEAN, Kế hoạch truyền thông tổng thể của ASEAN. Các bộ trưởng cũng ghi nhận báo cáo đầu tiên của Nhóm đặc trách cao cấp về Kết nối ASEAN và sẽ đệ trình lên lãnh đạo ASEAN xem xét. |
-
Xuân Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng