Tưới máu - Sự tuyệt vọng của phe áo đỏ Thái Lan?
Biểu tình quy mô lớn. Phát biểu hùng hồn, phấn chấn. Điện thoại từ vị lãnh đạo lưu vong. Tưới máu Khu nhà Chính phủ đến rợn người... Bất chấp tất cả những điều này, Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) của Thái Lan rốt cuộc vẫn thiếu biện pháp và cả tính hợp pháp để buộc chính phủ liên minh tồn tại 15 tháng nay của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva rời bỏ quyền lực. VietNamNet giới thiệu bài viết của Asia Times.
Việc báo chí địa phương đưa tin đậm đặc sự kiện những người biểu tình áo đỏ tập trung tại khu phố cổ của Bangkok cho thấy hình bóng của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vẫn ám ảnh chính trường Thái Lan.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã mất dần năng lượng khi bước sang ngày thứ ba và dẫn tới những căng thẳng mới trong các thành viên chủ chốt của phe cánh chính trị Thaksin. Nó cũng là dấu hiệu khẳng định sự tuyệt vọng cá nhân và chính trị ngày một lớn của vị cựu Thủ tướng hơn là một cơ cấu của phong trào ủng hộ dân chủ.
Phe áo đỏ đã thất bại trong chuyện huy động cả triệu người tham gia cuộc biểu tình như các nhà tổ chức, lãnh đạo hùng hồn tuyên bố rằng, cơn lũ đỏ sẽ từ các tỉnh đổ về thủ đô, gây áp lực cho chính phủ giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử mới.
Phe áo đỏ lấy máu người tình nguyện tưới quanh Khu nhà Chính phủ ở Bangkok như cách gia tăng áp lực với nội các của Thủ tướng Abhisit. Ảnh: AP |
Hàng loạt sai lầm chiến lược bao gồm cả việc Thaksin dính dáng tới chính phủ Campuchia Hun Sen hay kết giao với một số nhân vật quân đội với đe dọa thực hiện các chiến dịch đánh bom, ám sát khắp Bangkok, đã gây ra mối bất hòa ngày càng lớn ngay trong nội bộ phe cánh của ông gồm có UDD, đảng đối lập Peua Thai party và mạng lưới gồm một số cảnh sát, tướng lĩnh quân sự nghỉ hưu.
Nhiều người trong phe cánh của ông đã đưa ra câu hỏi về tính xác đáng và sự gắn kết của UDD trong việc lấy máu từ những người biểu tình đã mệt lử, để tưới trước Khu nhà Chính phủ và tuyên bố đó là hành động mang tính biểu tượng.
Như vậy, cuộc biểu tình nhất vô hình trung đã nhắc cánh ủng hộ dân chủ trong phe của Thaksin rằng, họ vẫn phụ thuộc tiếng tăm của ông, nếu không vì tài chính thì cũng là quyền lực.
Điều chưa rõ với giới phân tích là bao nhiêu người trong số 100.000 người biểu tình hôm chủ nhật tham gia sự kiện tự nguyện hay được trả công đàng hoàng. Nhưng, bức chân dung của Thaksin đã được tô thêm nhiều nét ngoài tâm điểm ủng hộ dân chủ hay luật pháp mà phe áo đỏ in hình trên áo hay biển hiệu mang theo.
Dựa trên ký ức về cuộc biểu tình dẫn đến bạo động của UDD hồi tháng 4 năm ngoái ở Bangkok và Pattaya, nhiều người lo ngại rằng, cuộc biểu tình hiện tại có thể lại thiên về xu thế bạo lực và quân đội sẽ ra tay dẹp bỏ. Bạo động năm ngoái được châm lửa bằng lời kêu gọi của Thaksin với người ủng hộ phe áo đỏ là hãy tiến hành “một cuộc cách mạng xã hội” chống lại chính phủ Thái Lan.
Rất nhiều nhà phân tích tự hỏi, liệu vị cựu Thủ tướng lưu vong có thể viện đến chính sách “bên miệng hố chiến tranh” để thúc đẩy chương trình nghị sự đã đặt ra và thu lại tài sản sau khi một tòa án Thái ra phán quyết ngày 26/2 về việc sung công 1,4 tỉ USD của ông với cáo buộc ông lạm dụng quyền lực?
Chính phủ Thái Lan đã có chiến lược tận dụng điểm yếu này, bằng việc viện dẫn nguồn tin tình báo họ nhận được từ Mỹ rằng, biểu tình có thể dẫn tới bạo lực, và ban bố áp dụng Luật An ninh nội địa (ISA). Abhisit đã nhiều lần bóng gió tới biện pháp cứng cho phép quân đội quyền lực đặc biệt để duy trì trật tự và luật pháp kể từ vụ bạo động tháng 4. Thực tế khiến UDD chỉ trích Abhisit đang xây dựng chế độ quân phiệt hóa chậm mà chắc với xã hội Thái.
Kể từ khi UDD rậm rịch tuyên bố kế hoạch biểu tình, lực lượng an ninh đã tấn công hai nhà máy bị cáo buộc liên quan tới quá trình sản xuất các bộ phận của máy phóng lựu M-79. Mục đích sử dụng thứ vũ khí này rất khác nhau, nhưng rõ ràng là nhằm vào các vụ tấn công chính trị, bao gồm một vụ nổ làm hư hại trụ sở quân sự gần văn phòng của Tướng chỉ huy quân đội Anupong Paochinda và vụ tấn công nhằm vào Sư đoàn Bộ binh số 1 Bangkok khiến hai lính bị thương.
Lãnh đạo chủ chốt của UDD Weng Tojirakarn cho hay, chính phủ Thái tạo ra các cuộc tấn công và thu giữ vũ khí nhằm trấn áp một cách hợp pháp phong trào của phe áo đỏ.
Biểu tượng giản đơn
Nhằm đối phó với những nguy cơ thực tế cũng như hình dung, các nhà lãnh đạo của UDD phải tuyên bố chắc chắn rằng, sẽ đấu tranh không bạo lực vì dân chủ và công bằng luật pháp, họ đưa ra thông điệp rõ ràng với phóng viên báo chí nước ngoài bằng các biển hiệu tiếng Anh mà người biểu tình cố gắng trưng thật nhiều ở phía trước địa điểm chính của cuộc tuần hành. Họ vẽ chân dung Abhisit như một bù nhìn của tầng lớp quan liêu, quân sự cao cấp.
Thaksin đã đề cập tới chủ đề này trong bài phát biểu qua điện thoại vào đêm chủ nhật, khi ông chỉ trích Tòa án tối cao quyết định thu hồi tài sản của ông là một dấu hiệu khẳng định một xu thế trong xã hội Thái nghiêng về giàu có và quyền lực, xa rời người nghèo. Ông ám chỉ rằng, có một “nhóm quan chức quan liêu” phản đối dân chủ và tính cách lật đổ chính phủ dân chủ của ông năm 2006 đứng sau bản án của toà án.
Tuy nhiên, những nhà quan sát chính trị lâu năm của Thái Lan đã có trong tay một tập hợp hồ sơ chứng cớ về chính các hoạt động chống lại dân chủ của Thaksin như nỗ lực tránh các thủ tục quy trình phê chuẩn của quốc hội, áp lực tự do báo chí, hưởng lợi từ những mối quan hệ gần gũi với tầng lớp quan chức, kể cả đặc quyền ở chính tập đoàn viễn thông đã mang về cho ông tài sản nhiều triệu USD.
Trong khi UDD yêu cầu Abhisit giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử mới, thì họ lại thất bại khi lý giải thực tế về một chính khách gây nhiều tranh cãi của Peua Thai - Chalerm Yoobamrung - hầu như là ứng viên tranh cử ghế thủ tướng của đảng này. Con trai ông, Duangchalerm, bị cáo buộc giết hại một sĩ quan cảnh sát năm 2001 và rất nhiều người nói Chalerm là hình ảnh thu nhỏ của xu thế thiên về quyền lực chứ không phải người nghèo. Duangchalerm được trắng án vì thiếu bằng chứng trong phiên xét xử năm 2004 và giờ đây lại trở thành ngôi sao chính trị đang lên.
Những sai lầm của UDD - phe tự xưng theo chương trình nghị sự ủng hộ dân chủ đã khiến rất ủng hộ chế độ quân chủ đi tới kết luận rằng, các lãnh đạo nhóm này đang giấu giếm một kế hoạch chống Hoàng gia. Dĩ nhiên, đây là điều UDD cực lực phản đối. Người ủng hộ quân chủ tin là, UDD đang cố gắng tiến hành một chiến dịch thu nhỏ vai trò của Hoàng gia trong trường hợp Quốc vương được tôn kính Bhumibol Adulyadej truyền ngôi cho con là Hoàng Thái tử Vajiralongkorn.
Có thể hiểu rằng, xung đột chính trị hiện nay của Thái Lan là cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm đặc quyền với các cách nhìn khác nhau về tương lai đất nước hậu Bhumibol. Mặt nạ của ngọn cờ dân chủ và luật pháp xã hội của Thaksin cũng như UDD chỉ để che giấu cho một động cơ chính trị. Cuộc chơi cho cựu Thủ tướng bị lật đổ thấy rõ các lực lượng bảo thủ sẽ liên kết chống lại ông. Và có lẽ, hành động tưới máu Khu nhà Chính phủ mà UDD coi như là biểu tượng sẽ chỉ khiến họ tự gây thương tổn cho mình.
-
Thái An dịch