Tìm giải pháp cho Biển Đông qua ASEAN
- Nhớ về thời bị sốc về một liên minh "đồng sàng dị mộng", cựu Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực VN bên cạnh LHQ Ngô Quang Xuân cho rằng với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam nên cân nhắc các nội dung để tiếp tục tham vấn về giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.
Ông Ngô Quang Xuân hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội.
Sốc về liên minh "đồng sàng dị mộng"
Lễ kết nạp Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Brunei (28/7/1995). |
Nhiệm kỳ đại sứ của tôi tại New York bắt đầu vào thời điểm giữa hai khóa họp 47 (tháng 9/1992) và 48 (9/1993) của Đại hội đồng LHQ. Tôi bắt đầu công việc của mình bằng những ngày liên tục đến thư viện đồ sộ của LHQ để nghiên cứu tài liệu của các khóa họp Đại hội đồng trước.
Mặc dù lúc đó đã có gần 20 năm công tác ở Vụ Tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao, nhưng tôi đã không tránh khỏi trạng thái rất sốc khi biết rõ được Việt Nam đã bị một liên minh “đồng sàng dị mộng”, trong đó có các nước ASEAN cũ, tìm mọi cách bao vây cấm vận đến tột cùng ngay tại diễn đàn luôn đề cao mục tiêu dân chủ và bình đẳng này trong suốt cả thập kỷ 80 có lẻ...
Trong nhiều năm tháng hoạt động sau này trên các diễn đàn đa phương khác nhau, tôi vẫn thường nhớ giọng điệu cay độc từ nhiều bài phát biểu của một số đại biểu các nước liên minh đó, để "rèn dũa" thêm cho mình bản lĩnh bình tĩnh và kiên trì góp phần cùng đồng nghiệp, quê hương, đất nước trên các bước đường hội nhập theo tư tưởng ngoại giao hòa hiếu của Bác Hồ.
Những rào cản trên con đường lớn chúng ta đi cứ được dỡ bỏ dần, những nghi ngờ, đố kỵ, mặc cảm, hiểu nhầm nhường chỗ cho tinh thần hòa giải, hợp tác thân thiện hướng tới xây dựng lòng tin.
Là một nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu, theo ông, ngoại giao đa phương đối với những nước nhỏ như Việt Nam trong tiến trình hội nhập, đặc biệt như ASEAN đem lại lợi ích gì?
Đối với tất cả các nước, đặc biệt là các nước nhỏ, ngoại giao đa phương luôn có ý nghĩa hết sức to lớn.
Trở thành thành viên các tổ chức khu vực như ASEAN, APEC, hay các tổ chức quốc tế lớn như LHQ, WTO, chúng ta đã có chìa khóa riêng để vào các “sân chơi” bình đẳng với tất cả các nước rất lớn, các nước vừa và nhỏ khác. Bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, bình đẳng từ việc có ghế ngồi được chia đều đến bình đẳng làm lãnh đạo cơ chế các sân chơi đó.
Cũng từ đó, chúng ta có nhiều cơ hội, nhiều cơ sở pháp lý - chính trị và môi trường thuận lợi hơn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, để khai thác và mở rộng hợp tác phát triển mọi mặt đầu tư, thương mại, du lịch và văn hóa....
Ông có thể chia sẻ câu chuyện khiến ông nhớ nhất về ngoại giao đa phương của Việt Nam khi công tác tại LHQ, Geneve và WTO?
Năm 1995 đi vào lịch sử hội nhập của Việt Nam với 4 sự kiện trọng đại: Nộp đơn xin gia nhập WTO được tính từ ngày 1/1/1995, trong cùng thời điểm tháng 7/1995 ta gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và ký hiệp định khung đầu tiên về hợp tác với EU.
Ngay sau đó, tại LHQ tháng 9/1995, lần đầu tiên tôi nhận được giấy mời của Đại sứ Mỹ Madeleine Albright đến tầng cao nhất của Phái đoàn Mỹ bên cạnh LHQ dự cuộc tham vấn truyền thống giữa Đại sứ Mỹ và Đại sứ các nước ASEAN trước thềm khóa họp Đại hội đồng lần thứ 50. Chúng tôi và bà Đại sứ đã trao đổi về nhiều vấn đề, qua câu chuyện riêng tư, bà thân thiện cho tôi biết cô con gái của bà vừa tham gia một dự án nhân đạo tại Việt Nam, cháu rất ấn tượng và yêu quý Việt Nam...
Ông Ngô Quang Xuân: Tranh chấp Biển Đông liên quan mật thiết đến lợi ích của cả cộng đồng quốc tế. |
Nếu có thời gian cũng có thể kể ra biết bao nhiêu niềm vui và có cả những nỗi buồn trong các khúc đoạn thăng trầm của cuộc đàm phán gia nhập WTO kéo dài... Và khó có nhà đàm phán nào quên được "phút 89" của buổi chiều thứ sáu ngày 13/10/2006 mà các phương tiện thông tin đại chúng đã từng mô tả như một sự vỡ òa ngoạn mục trong lâu đài cổ William Rappard - trụ sở WTO, khi Chủ tịch Nhóm công tác đàm phán của Việt Nam Eirik Glenne tuyên bố cuộc đàm phán về Việt Nam gia nhập WTO đã kết thúc.
Tận dụng ASEAN giải quyết tranh chấp
Trong ASEAN hay các diễn đàn đa phương khác, bản lĩnh Việt Nam thể hiện quan điểm độc lập ra sao đối với các vấn đề khu vực và quốc tế để đảm bảo vai trò trách nhiệm nhưng vẫn cân bằng được lợi ích của dân tộc, nhất là với ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận?
ASEAN là một diễn đàn khu vực mang tính đặc thù cao. Nghiên cứu cả quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, chúng ta sẽ thấy rất thú vị về nguyên tắc đồng thuận - một "ASEAN way" (phong cách ASEAN) rất châu Á. Từ lịch sử bị chia rẽ nặng nề, ASEAN đã trở thành một cộng đồng đầy đủ 10 thành viên ngày càng đoàn kết thống nhất trong khác biệt, ngày càng chia sẻ nhiều điểm đồng lợi ích chính trị - kinh tế và nhiều giá trị văn hóa truyền thống.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, thiện chí hợp tác và luôn sẵn sàng giải quyết các khác biệt bằng đối thoại, thương lượng hòa bình... đã đóng góp thiết thực cho việc củng cố vững vàng hơn nguyên tắc “đồng thuận ASEAN”.
Việt Nam có chìa khóa riêng để vào các “sân chơi” bình đẳng với tất cả các nước , bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, bình đẳng từ việc có ghế ngồi được chia đều đến bình đẳng làm lãnh đạo cơ chế các sân chơi đó. Ảnh: NS |
Việt Nam tham gia ASEAN cũng như các cơ chế đa phương khác với trách nhiệm chính trị cao nhất, biết rõ lợi ích và trách nhiệm thành viên của mình, biết bảo vệ quan điểm độc lập của mình bằng cả những biện pháp kiên trì lắng nghe, thông cảm chia sẻ, tôn trọng đối thoại để cùng tìm giải pháp cùng thắng (win-win) mang tính thuyết phục cao nhất, hiệu quả nhất.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có thể vận động để đưa ra khu vực bàn thảo những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực của quốc gia mình cũng như của khu vực, như tận dụng cơ chế ngoại giao đa phương trong ASEAN giải quyết các vấn đề tranh chấp Biển Đông?
Tranh chấp Biển Đông không chỉ liên quan đến lợi ích các nước trong khu vực mà còn liên quan mật thiết đến lợi ích của cả cộng đồng quốc tế. Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam không những có thể mà nên cân nhắc các nội dung để tiếp tục tham vấn, hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN về các khả năng và giải pháp để giải quyết vấn đề thời sự có tầm quan trọng đặc biệt này.
Và vai trò Chủ tịch ASEAN có giúp Việt Nam gia tăng sức mạnh mềm? Việt Nam cần tận dụng cơ hội này ra sao để nâng cao vị thế, ảnh hưởng tiếng nói của mình trong khu vực?
Làm Chủ tịch ASEAN là một cơ chế luân phiên của tất cả các thành viên của Hiệp hội, là nhiệm vụ trọng đại và là vinh dự to lớn của Việt Nam trong việc đóng góp xây dựng một cộng đồng ASEAN ngày càng đoàn kết, vững mạnh.
Chúng ta cần làm sao để có thể, liên tục trong suốt thời gian dài cả năm, sử dụng hợp lý sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực, đảm bảo hiệu quả chất lượng cao nhất những nội dung, đưa ra nhiều sáng kiến, tổ chức hậu cần - an ninh chu đáo… Chúng ta vẫn cần cố gắng để thực sự có được bộ máy phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và các địa phương. Tôi tin rằng chúng ta đã có đủ điều kiện, khả năng, sẵn sàng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả mà cộng đồng ASEAN tin cậy giao phó.
-
Xuân Linh