Phát triển kinh tế tư nhân: Dấu hiệu mới?
- Những dấu hiệu mới liên quan đến phát triển các khu vực kinh tế đã được phát đi từ Thủ tướng và Thường trực Ban Bí thư.
>> Tư nhân tiếp cận vốn ODA - muộn còn hơn không
>> Dân mong quyết sách sáng sớm thành hiện thực
Yên lòng doanh nghiệp
Thủ tướng yêu cầu xử lý kiên quyết các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, đẩy nhanh việc cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, Thường trực Ban Bí thư ký Kết luận về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa IX (tháng 3/2002) liên quan đến việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.
Các chủ trương cải tổ doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân đã có từ lâu, song hai sự kiện trên xảy ra gần cùng lúc dường như báo hiệu các dấu hiệu mới.
Doanh nghiệp tư nhân thu mua cà phê. Ảnh: Báo Công thương
Kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, so với khu vực, với thế giới, cũng như so với khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì đáng tiếc các doanh nghiệp tư nhân còn khá yếu và môi trường để chúng hoạt động trên thực tế rất gập ghềnh (chứ không được như mong muốn về sân chơi bình đẳng).
Các DN phải bươn chải hàng ngày, đối mặt với vô vàn khó khăn về vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, các thủ tục "hành là chính", nạn vòi vĩnh của các cơ quan và tổ chức. Môi trường pháp lý để thực thi thỏa thuận tư giữa họ chưa nghiêm: thủ tục trọng tài, toà án, thi hành án nhiêu khê... khiến cho chi phí của họ gia tăng, hiệu quả chưa cao như có thể, năng lực cạnh tranh bị hạn chế.
Bất chấp vô vàn khó khăn ấy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn có tốc độ phát triển cao nhất, đóng góp ngày càng lớn cho GDP, sản lượng công nghiệp và dịch vụ, tạo ra hầu hết việc làm mới và thực sự đang dần trở thành khu vực nòng cốt của sự phát triển kinh tế nước nhà.
Khẳng định lại việc tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân làm cho người dân yên tâm bỏ vốn, sức lực ra phát triển doanh nghiệp. Nỗi sợ nơm nớp của họ đã giảm nhưng đôi khi vẫn còn lởn vởn, nay có cơ hội giảm nhanh hơn.
Hoàn thiện các cơ chế, nhất là tiếp cận đến vốn và tài nguyên, đơn giản hoá thủ tục, giảm sách nhiễu... sẽ tạo cơ hội cho chúng phát triển và các doanh nghiệp tư nhân lớn có cơ bứt phá để thành các doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Chủ trương tháo gỡ tất cả các khó khăn cho họ, chính quyền phục vụ doanh nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho chúng phát triển, đấy là công việc của nhà nước. Nếu được thế, chúng sẽ phát triển, tạo ngày càng nhiều công ăn việc làm, nộp nhiều thuế, làm tăng nguồn lực và sức cạnh tranh quốc gia.
Tiếp cận ODA: Tránh tạo sân sau, cánh hẩu
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương để các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn ODA là một dấu hiệu mới, đáng mừng, dù hơi chậm.
Sau khi Việt Nam bước qua ngưỡng để gia nhập các nước có thu nhập trung bình thấp, trong tương lai các nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ giảm đi, và có thể giảm mạnh trong vài ba năm tới. Lúc ấy mới đến lượt khu vực tư nhân. Đấy là một cái khó cho các doanh nghiệp tư nhân.
Một khó khăn nữa, là với các thủ tục hiện hành, có lẽ chỉ các doanh nghiệp tư nhân lớn, được quản trị theo quy củ và nhất là có mối quan hệ tốt mới có thể tiếp cận đến nguồn vốn này. Làm không khéo thì các doanh nghiệp sân sau, cánh hẩu có cơ hội phát triển gây méo mó khu vực tư nhân, làm cho tham nhũng trầm trọng thêm.
Đây chẳng phải chỉ là nguy cơ tiềm ẩn, đôi khi sự câu kết của giới có chức có quyền và các đại gia tư nhân ngày càng hiện rõ (bên cạnh các đại gia quốc doanh đã tồn tại từ lâu). Chính vì thế, các tiêu chuẩn, sự minh bạch, công khai trong quá trình tiếp cận nguồn vốn này là rất quan trọng.
Hy vọng các đối tác quốc tế cung cấp vốn ODA cũng đừng ỷ vào bảo lãnh của nhà nước mà sao nhãng việc đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đó, đòi hỏi sự minh bạch và công khai.
Việc đẩy mạnh cải tổ các doanh nghiệp nhà nước cũng nên tạo cơ hội (thí dụ, bằng cấp một phần tín dụng, chẳng hạn 70%, cho họ để mua lại một phần hay toàn bộ doanh nghiệp nhà nước với thế chấp là chính doanh nghiệp được mua lại đó), tạo điều kiện cho họ tham gia cổ phần hóa... cũng là để phát triển khu vực kinh tế tư nhân và cải tổ doanh nghiệp nhà nước.
Các vấn đề "quan hệ", "cánh hẩu", "sân sau", cũng tương tự như khi tiếp cận vốn, là các vấn đề hết sức cần chú ý để loại bớt.
Các chủ trương liên quan đến hai sự kiện này, nếu được thực hiện tốt, sẽ đúng là các dấu hiệu rất tích cực, tuy không hoàn toàn mới.
Vấn đề mấu chốt vẫn là có thực hiện nghiêm túc và tốt hay không. Chúng ta đã quen với nhiều chủ trương nghe "đột phá", nhưng việc nói chưa đi đôi với làm khiến người dân xem đó là điều bình thường. Cần phá bỏ nó bằng tính nhất quán giữa lời nói, chủ trương và việc làm. Hy vọng lần này, và từ nay, sẽ khác.
-
Nguyễn Quang A